Bài số 31: Thuyết minh về tác giả Phạm tiến Duật và Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Được coi là “viên ngọc Trường sơn” của thơ ca, Phạm Tiến Duật, với những bài thơ nóng hổi chất thời sự, chất lính nhưng cũng rất trữ tình, giàu sức gợi đã cuốn hút người đọc.

BÀI LÀM

Được coi là “viên ngọc Trường sơn” của thơ ca, Phạm Tiến Duật, với những bài thơ nóng hổi chất thời sự, chất lính nhưng cũng rất trữ tình, giàu sức gợi đã cuốn hút người đọc. Trong số rất nhiều những bài thơ ấy phải kể đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Phạm Tiến Duật (1941-2007), quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp đại học năm 1964, tạm biệt giảng đường và đến với Trường Sơn, công tác tại binh đoàn vận tải 559 (Binh đoàn có nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, quân trang, vật dụng từ Miền Bắc vào chiến trường Miền Nam). Sau chiến tranh, Phạm Tiến Duật tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn học với những đóng góp đáng kể cho văn học nước nhà. Là nhà thơ quân đội trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Lửa đèn, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Gửi em cô thanh niên xung phong, Bài thơ về tiểu đội xe không kính ... là những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ - chiến sĩ này. Có bài đã được phổ nhạc vang lên như một bài ca chiến trận. Thơ Phạm Tiến Duật sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, phơi phới tinh nghịch mà sâu sắc. Trong thơ của mình, Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ qua các hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Nhà thơ đã được nhận Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1969-1970. Các tác phẩm đã xuất bản bao gồm: Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970); Thơ một chặng đường (thơ, 1971); Ở hai đầu núi (thơ, 1981); Vầng trăng và những quầng lửa (thơ, 1983); Thơ một chặng đường (tập tuyển, 1994); Nhóm lửa (thơ, 1996).

Bài thơ về tiểu đội xe không kính được Phạm Tiến Duật sáng tác vào năm 1969 in trong tập Vầng trăng-quầng lửa (1970), nằm trong chùm thơ của Phạm Tiến Duật được giải nhất báo Văn nghệ năm 1969. Trong bài thơ, tác giả đã thể hiện khá đặc sắc hình ảnh những chiến sĩ lái xe và những chiếc xe không kính ngộ nghĩnh trong đoàn vận tải quân sự trên con đường chiến lược Trường Sơn thời đánh Mỹ: dũng cảm, ngoan cường, lạc quan, yêu đời... trong mưa bom bão đạn. Qua đó ca ngợi thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ quyết chiến đấu hy sinh vì một lý tưởng cao cả là giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc. Bài thơ về tiểu đội xe không kính vừa mang tính chiến đấu nóng bỏng, tính thời sự vừa mang tầm vóc lịch sử.

Đọc bài thơ ta bắt gặp giọng thơ rất trẻ, rất lính, ngôn ngữ thơ giản dị đậm chất văn xuôi, hình ảnh thơ sáng tạo bất ngờ, đặc biệt là sự linh hoạt của nhạc điệu trong thơ đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn sâu sắc của bài thơ trong lòng độc giả. Chất giọng ấy bắt nguồn từ tâm hồn phơi phới của thế hệ trẻ, từ trái tim yêu nước nồng nàn và ý thức về vai trò của thế hệ mình trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc mà chính Phạm Tiến Duật đã từng sống, từng trải nghiệm.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính trở thành biểu tượng tuyệt vời cho thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và có vị trí xứng đáng trong thơ ca cách mạng Việt Nam.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật