Bài số 28: Hình ảnh người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật
Nhắc đến Phạm Tiến Duật người ta nhớ ngay đến một người lính Trường Sơn làm thơ, nhớ ngay đến giọng thơ tinh nghịch, trẻ trung pha chút ngang tàng rất lính.
- Bài học cùng chủ đề:
- Bài số 23: Đồng chí của Chính Hữu là một bài thơ trữ tình tha thiết. Hãy trình bày cảm nhận về bài thơ này.
- Bài số 24: vẻ đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.
- Bài số 25: Cảm nhận về hình tượng người lính trong khổ thơ cuối bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM 1
Nhắc đến Phạm Tiến Duật người ta nhớ ngay đến một người lính Trường Sơn làm thơ, nhớ ngay đến giọng thơ tinh nghịch, trẻ trung pha chút ngang tàng rất lính. Nhớ ngay đến những chàng trai, cô gái phơi phới tuổi xuân vì đất nước mà nguyện dâng hiến phần đời đẹp nhất. Và ta không thể không nhớ đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Phạm Tiến Duật, cũng là bài thơ tiêu biểu viết về thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với hình tượng trung tâm là người lính lái xe.
Niềm vui hãm hở của tuổi trẻ như cuộc sống chói chang chiếu sáng tâm hồn của người chiến sĩ, thi sĩ khiến thơ ông có giọng điệu khỏe khoắn, tự nhiên, tràn trề sức sống, rất tinh nghịch vui tươi, đầy chất lính. Điều này đã được Phạm Tiến Duật thể hiện và nâng cao hơn trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Bài thơ đã ca ngợi những người chiến sĩ lái xe có tư thế hiên ngang dũng cảm, bất chấp gian khổ, sống lạc quan yêu đời, quyết tâm chiến đấu vì miền Nam yêu thương.
Trước hết, đọc tác phẩm, điều mà mỗi chúng ta cảm thấy khâm phục, tự hào và cũng là nét bao trùm nổi bật của người chiến sĩ lái xe trong bài là sự ung dung, thanh thản tuyệt vời trong một tư thế hiên ngang, bất khuất, bất chấp mọi khó khăn, thử thách. Mặc dù:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
...Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước...
Những người lính lái xe phải lái những chiếc xe trần trụi xấu xí là vì bom đạn của đế quốc Mỹ đã làm cho những chiếc xe biến dạng, làm cho đồng chí đồng đội của các anh ngã xuống. Chiến tranh quả là khốc liệt thế nhưng các anh vẫn lái những chiếc xe ấy băng ra ngoài mặt trận, chở vũ khí, lương thực từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn bởi các anh có những trái tim yêu nước cháy bỏng. Đế quốc Mỹ đã gây bao tội ác cho đồng bào miền Nam, bắt đoàn xe phải ngừng hoạt động, gây biết bao khó khăn cho kháng chiến. Song những người lính vẫn vững vàng tay lái bất chấp bom đạn của kẻ thù với tâm hồn lạc quan như niềm tin chắc chắn vào chiến thắng:
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng...
Đoạn thơ hay cả về âm điệu, hình ảnh, cách nói. Những câu thơ nhanh, gấp mà vẫn nhịp nhàng như bánh xe đang lăn đều đặn trên đường. Những câu thơ như bật ra từ trái tim người lái xe đang ngồi sau tay hái. Hiện thực đầy ắp chính xác đến từng chi tiết, nhưng đằng sau hiện thực ấy là một tâm trạng, một tư thế, một bản lĩnh chiến sĩ. Xe không có kính mà họ vẫn ung dung, thanh thản, vẫn tập trung cao độ, vẫn bình tĩnh tự tin để đưa hàng xe ra tiền tuyến với một cái nhìn đầy ngạo mạn của lòng dũng cảm. Có lẽ, tác giả phải là người trong cuộc mới sáng tác được những câu thơ hay và chính xác như thế. Tâm hồn các chiến sĩ lái xe thật lãng mạn, nhờ không có kính mà nhìn thấy sao trời, cánh chim sa, gió cứ ùa vào buồng lái và trở thành người bạn đường của họ. Thiên nhiên, con người như hòa vào làm một, câu thơ rất thực lại mang chút nghệ sĩ đáng yêu của người lính. Cả đoạn thơ như ào ra từ cuộc sống thực để nói lên tinh thần cao đẹp của người chiến Sĩ “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Đây phải chăng là con đường cách mạng, con đường hàng vạn, hàng triệu con người Việt Nam đang xây đắp cho ngày "khai trương". Bằng lời thơ giản dị mà chân thành, tác giả lại viết tiếp:
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Những câu thơ ngồn ngộn chất sống hiện thực ở chiến trường, tác giả như thấy bụi trắng, bộ mặt lấm lem của người lính và nghe rõ tiếng cười sảng khoái của người lính. Nhưng đằng sau những dòng chữ bông đùa đáng yêu này cũng là một bản lĩnh chiến đấu rất vững vàng của họ, bởi không vững vàng thì không thể đùa vui như vậy. Điều đó càng làm cho chúng ta thấm thìa hơn sự đối lập giữa người già ở câu trên với tiếng cười ha hả hồn nhiên, yêu đời và trẻ trung đến lạ lùng ở câu dưới. Điệp từ “ừ thì” như một sự chấp nhận những khó khăn đã được nhà thơ miêu tả khá rõ nét. Mặc dù bụi đường phun tóc trắng nhưng người lính vẫn không hề nao núng, vẫn bình tĩnh coi thường khó khăn, gian khổ. Mặc dù “Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời” song người lính vẫn chưa cần. Vậy đó, dù trong khó khăn các anh vẫn cười tươi để động viên nhau cố gắng.
Dường như khó khăn, thử thách không chỉ giúp con người tôi rèn ý chí mà còn giúp cho tình bạn thêm gắn bó keo sơn. Phạm Tiến Duật đã phát hiện và ghi lại điều đó về vẻ đẹp của những người lính lái xe là những hình ảnh thơ độc đáo:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Những cỗ xe đã chiến thắng với những vũ khí tối tân của Mỹ và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, họ đã gặp nhau, động viên nhau bằng một cái bắt tay thân thiện, cái bắt tay ấy đâu chỉ là một cái bắt tay đơn thuần mà là cả một niềm tin vào chiến thắng. Nó giúp cho con người xích lại gần nhau, nó như một sợi dây nối liền tâm hồn tình cảm của những người lính. Phạm Tiến Duật đã dành cho tình đồng đội của người lính một khổ thơ chân thật và xúc động:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Đời người lính là đi, nhất là người lính lái xe. Nhưng trong cái giây phút dừng chân ngắn ngủi ta càng cảm thấy rõ sự gắn bó tự nhiên mà cao đẹp của tình đồng đội. Chỉ là bếp Hoàng Cầm, là võng mắc chông chênh mà chung bát đũa nghĩa là gia đình ấy, câu thơ đẹp cả về tính cách, cách nhìn, cách nghĩ của người chiến sĩ. Có khác gì câu thơ nói về tình đồng chí của Chính Hữu hơn hai mươi năm trước đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ và có phải tình đồng đội đã ngân lên câu hát nâng bước chân người anh đi tiếp những chặng đường mới lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Dường như chính vì tình yêu thương đùm bọc mà người lính đã quyết chiến đấu với giặc. Phạm Tiến Duật đã kết thúc bài thơ bằng một sự nhận thức sâu sắc của người lính lái xe cho dù các anh có phải đối mặt với bao khó khăn của cuộc chiến đấu nhưng các anh vẫn chạy vì miền Nam phía trước. Và đoàn xe của các anh đã chiến thắng, các anh đã ra tiền tuyến bằng một tình cảm thiêng liêng vì miền Nam thân yêu, vì chiến đấu giành lại độc lập tự do và thống nhất đất nước. Điều này đã được các anh thực hiện bằng trái tim của mình: chỉ cần trong xe có một trái tim. Đó là một hình ảnh tỏa sáng chói ngời đã đúc kết lại phong cách của người lính gan góc, kiên cường, giàu bản lĩnh chứa chan tình yêu thương với đồng đội, đất nước. Chính lí do này đã khích lệ người lính vượt qua mọi thử thách. Dường như quyết định chiến thắng không phải là vũ khí, công cụ mà là con người - con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí, lòng dũng cảm và có niềm tin vững chắc.
Hình tượng trung tâm của bài thơ - những người lính lái xe đã gieo vào lòng người đọc cảm giác phơi phới của "những buổi vui sao cả nước lên đường". Ta hiểu hơn hiện thực khốc liệt của cuộc chiến, đặc biệt là ở Trường Sơn và những gì mà những người lính ấy đã đi qua. Ta hiểu rằng thắng lợi vẻ vang của dân tộc được làm nên từ những chàng trai, cô gái vừa rời ghế nhà trường, từ những Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, từ chàng sinh viên văn khoa Phạm Tiến Duật và các đồng đội của anh. Ta khâm phục và biết ơn họ.
BÀI LÀM 2
Cuộc kháng chiến chống Mỹ không chỉ là một đề tài lớn, là nguồn cảm hứng cho thơ ca để tạo nên những tác phẩm viết về chiến tranh sống mãi trong văn học dân tộc. Hiện thực sống và chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng oai hùng ấy còn đem đến cho văn học dân tộc thế hệ những nghệ sĩ trẻ vừa cầm bút vừa cầm súng với những trang viết về đồng đội, về người thân của mình thấm đậm chất hiện thực. Ta bắt gặp lời hứa tha thiết và quyết tâm trước mộ người đồng đội trong Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu, một định nghĩa về hạnh phúc khi tâm sự với người vợ - người đồng đội đã hi sinh trong chiến trường của Dương Hương Ly, hình ảnh cô thanh niên xung phong đã "lấy tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa" để "đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom" trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Và đến với Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, ta lại bắt gặp hình ảnh người lính lái xe trẻ trung, phơi phới mà cũng dũng cảm tuyệt vời.
Ngay từ nhan đề của bài thơ cũng đã thực hiện được sự độc đáo khác thường, Hình ảnh những chiếc xe không kính và cả tiểu đội xe không kính là có thật trong những năm chống Mỹ trên đường Trường Sơn và trở thành nguồn cảm hứng táo bạo, bất ngờ cho Phạm Tiến Duật, mạch cảm xúc của bài thơ cứ thế ào ào tuôn chảy như những chiếc xe không kính đang đi trên những đoạn đường khi thì gồ ghề, khúc khuỷu lắc lư chao đảo, khi thì bằng phẳng êm trôi.
Mở đầu bài thơ là những câu thơ dài, giọng điệu gần như lời nói thường ngày như những khúc văn xuôi, lời hội thoại:
Không có kinh không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ rồi
Phạm Tiến Duật đã miêu tả hiện thực, hiện thực đến trần trụi nhằm tô đậm mức độ ác độc của cuộc chiến tranh tàn khốc, khó khăn thiếu thốn. Những chiếc xe từ trong bom rơi đạn lửa biến hình dị dạng thương tích vẫn phải băng vào chiến trường làm nhiệm vụ, góp phần giải phóng quê hương dù:
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước
Những chiếc xe từ trong bom rơi đạn lửa lại đi trên con đường gồ ghề, khúc khuỷu, quanh co, sườn cao vực sâu của Trường Sơn. Nhịp thơ ngắt mạnh giúp cho người đọc, người nghe hình dung được những chiếc xe đang lăn bánh trên đoạn đường nguy hiểm, khó khăn. Với phép lặp từ không độc đáo càng làm bật lên tư thế của những người cầm lái, dù trong hoàn cảnh nào họ vẫn vững một niềm tin vào bản lĩnh và nghị lực của người chiến sĩ lái xe.
Phải là người trong cuộc, cùng chịu đựng, cùng lái, cùng sẻ chia những hiện thực khó khăn ấy, Phạm Tiến Duật mới có thể có những phát hiện táo bạo bất ngờ về những chiếc xe ấy.
Từ câu thơ thứ ba của bài thơ người đọc đã có cảm giác như những chiếc xe vừa băng qua một đoạn đường nguy hiểm và bây giờ những chiếc xe đang trong một tư thế hoàn toàn khác lạ. Câu thơ ngắn lại trong nhịp đôi điều đặn kéo dài sáu câu:
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái
Điệp từ “nhìn” lặp lại nhiều lần trong khổ thơ khẳng định tư thế bình thản, thoải mái, khoan thai chủ động chiêm ngưỡng và tận hưởng đất trời của người lính thu vào tầm mắt của mình đất trời bao la núi sông cây cỏ thiên nhiên tạo vật đầy hương sắc. Đây là vẻ đẹp của quê hương đất nước trên đường ra trận. Người lính trở thành một lữ khách du ngoạn lạc quan yêu đời ung dung thoải mái.
Tiếp theo là những câu thơ có cấu trúc giống nhau:
Không có kính, ừ thì có bụi,
...
Không có kính, ừ thì ướt áo
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
...
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa.
Những điệp từ “không có”, “ừ thì” như những tiếng nói chắc gọn, những lời từ chối thẳng thắn táo bạo lặp đi lặp lại trong suốt khổ thơ đã khẳng định vẻ đẹp tự tin hiên ngang kiêu hùng của người lính trước khó khăn, tô đậm thêm tinh thần chịu đựng, đẩy lùi gian lao, khắc phục khó khăn trở thành một thói quen chấp nhận vượt lên.
Người lính trên đường ra trận bao giờ cũng hối hả khẩn trương bận rộn, họ rất ít thời gian để chuyện trò tâm sự, tất cả chỉ một thoáng đi qua kí ức và trở thành kỉ niệm.
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
...
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Cười ha ha có nghĩa là tiếng cười sảng khoái hồn nhiên vô tư trong sáng, tiếng cười át tiếng bom đạn và cùng những tiếng cười ấy gieo vào nhau những tình cảm, những kỉ niệm đẹp về người lính thật khó quên trên đường ra trận.
Chỉ một cái bắt tay qua cửa kính vỡ rồi cũng đủ để họ san sẻ cho nhau, cảm hiểu lẫn nhau của những đồng chí đồng đội chung một vị trí chiến hào, chung một nhiệm vụ thiêng liêng cao cả mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Người lính trên đường ra trận còn có chung những điểm tựa về tình cảm tâm hồn, sinh hoạt. Chúng ta hãy nghe Phạm Tiến Duật kể về những cái chung ấy:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, tai đi trời xanh thêm.
Tất cả những cái chung ấy tụ hội thành một gia đình đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc diễn ra một thoáng giữa hai cuộc hành quân nhưng ở đó ta thấy một vẻ đẹp của sự sum họp, tình cảm bạn bè anh em, đồng chí, đồng đội luôn có nhau vui buồn sướng khổ, cũng từ những cái chung ấy ta thấy được đời sống tâm hồn tình cảm của người lính thật thiêng liêng, thoải mái, vô tư, chân tình. Họ có chung bát đũa, chung mâm, chung bếp lửa, chung ánh sao trời, chung gió bụi mưa tuôn, chung một con đường hành quân, một chiến hào, một nhiệm vụ. Những tình cảm ấy chỉ có những người lính cách mạng mới được thưởng thức và nếm trải, tuy bình thường mà cao đẹp.
Bài thơ đã đạt đến cao trào cảm xúc, hình ảnh thơ đã được nâng lên thành "nhãn tự" và chủ đề tư tưởng của tác phẩm:
Xe vãn chạy vì miền Nam phía trước:
…
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Bài thơ đã khép lại nhưng cuộc hành quân của các chiến sĩ vẫn còn tiếp tục và đang ở phía trước. "Miền Nam chưa được giải phóng, một nửa đất nước vẫn còn trong nước sôi lửa bỏng, tiền tuyến vẫn đang vẫy gọi, tuổi trẻ cả nước tiếp tục đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tuổi trẻ vẫn phải băng ra chiến trường, những chiếc xe không kính vẫn cùng với tiểu đội tham gia làm nhiệm vụ góp phần giải phóng miền Nam".
Hình ảnh "Chỉ cần trong xe có một trái tim" là phép tu từ hoán dụ điển hình. Trái tim là hiện thân của yêu thương và căm giận, hiện thân của mục đích và lí tưởng là ánh sáng, ý chí nghị lực, tuổi trẻ Trường Sơn. Đó là trái tim biết cầm lái, biết đối diện với tất cả thử thách để làm nên chiến thắng. Trái tim của tuổi trẻ cả nước đang thử thách miền Nam trong những năm chống Mỹ.
Nếu ta trở lại hình ảnh người lính cách mạng trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu trong những năm chống Pháp đến Bài thơ tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật trong những năm chống Mỹ thì ta sẽ bắt gặp ở đó những vẻ đẹp truyền thống của người lính cách mạng, anh bộ đội cụ Hồ. Đó là tình đồng chí đồng đội thiêng liêng cao cả, tinh thần bất chấp khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước nhưng những người lính trong những năm chống Mỹ có thêm vẻ đẹp hiên ngang hiện đại dũng cảm, kiêu hùng trong một tầm vóc mới, thời đại mới.
Bắt nguồn từ hiện thực khốc liệt của Trường Sơn, bài thơ đã tái hiện hình ảnh trung tâm của cuộc chiến - hình ảnh người lính. Bài thơ có cái mộc mạc, thô ráp của chiến trường tuy nhiên vẫn rất thơ. Những thành công nhất của bài thơ chính là đã làm nổi bật hình ảnh người lính lái xe với những phẩm chất đáng quý, xây dựng một tượng đài bằng thơ về thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ giúp chúng ta lí giải được nguyên nhân thắng lợi của dân tộc và trân trọng hơn cuộc sống thanh bình mà chúng ta đang có.
- Bài 1 sgk ngữ văn 9
- Bài 2 sgk ngữ văn 9
- Bài 3 sgk ngữ văn 9
- Bài 4 sgk ngữ văn 9
- Bài 5 sgk ngữ văn 9
- Bài 6 sgk ngữ văn 9
- Bài 7 sgk ngữ văn 9
- Bài 8 sgk ngữ văn 9
- Bài 9 sgk ngữ văn 9
- Bài 10 sgk ngữ văn 9
- Bài 11 sgk ngữ văn 9
- Bài 12 sgk ngữ văn 9
- Bài 13 sgk ngữ văn 9
- Bài 14 sgk ngữ văn 9
- Bài 15 sgk ngữ văn 9
- Bài 16 sgk ngữ văn 9
- Bài 17 sgk ngữ văn 9
- Bài 18 sgk ngữ văn 9
- Bài 19 sgk ngữ văn 9
- Bài 20 sgk ngữ văn 9
- Bài 21 sgk ngữ văn 9
- Bài 22 sgk ngữ văn 9
- Bài 23 sgk ngữ văn 9
- Bài 24 sgk ngữ văn 9
- Bài 25 sgk ngữ văn 9
- Bài 26 sgk ngữ văn 9
- Bài 27 sgk ngữ văn 9
- Bài 28 sgk ngữ văn 9
- Bài 29 sgk ngữ văn 9
- Bài 30 sgk ngữ văn 9
- Bài 31 sgk ngữ văn 9
- Bài 32 sgk ngữ văn 9
- Bài 33 sgk ngữ văn 9
- Bài 34 sgk ngữ văn 9
- Các thể loại văn tham khảo lớp 9