Bài số 26: Thuyết minh về bài thơ Đồng chí và nhà thơ Chính Hữu

Nói đến thơ ca kháng chiến chống Pháp không thể không nói đến Chính Hữu và bài thơ Đồng chí, một đỉnh cao của thơ ca cách mạng.

BÀI LÀM

Nói đến thơ ca kháng chiến chống Pháp không thể không nói đến Chính Hữu và bài thơ Đồng chí, một đỉnh cao của thơ ca cách mạng.

Nhà thơ Chính Hữu tên khai sinh là Trần Đình Đắc, sinh năm 1926, quê huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1946 ông gia nhập Trung đoàn Thủ đô và hoạt động trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Chính Hữu hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Hình ảnh của một đất nước ngày đêm đánh giặc, với khí thế mạnh mẽ và hào hùng của những cuộc hành quân không ngừng nghỉ có trong thơ ông. Mọi khung cảnh, âm vang của thời đại đã được đón nhận và tái hiện với sức vang ngân rất sâu trong tâm khảm nhà thơ, để trở thành những hình ảnh và ấn tượng đậm nét, giàu sức gợi cảm và ý nghĩa biểu trưng. Tuy nhiên thơ ông lại bình dị, cảm xúc dồn nén, vừa thiết tha, vừa trầm hùng. Ông thường sử dụng thể thơ tự do, giàu nhạc điệu. Chính Hữu làm thơ không nhiều nhưng vẫn có một vị trí xứng đáng trong thơ ca Việt Nam hiện đại, một số bài thơ của ông thuộc số những tác phẩm tiêu biểu nhất của thơ ca kháng chiến (Đồng chí, Đường ra mặt trận, Ngọn đèn đứng gác, Trang giấy học trò). Chính Hữu được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm tập thơ Đầu súng trăng treo (1966), Thơ Chính Hữu (1977), Tuyển tập Chính Hữu (1988).

Bài thơ Đồng chí là một trong những bài thơ đặc sắc viết về anh bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp. Chính Hữu viết Đồng chí vào đầu mùa xuân năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, in trong tập Đầu súng trăng treo (1966). Bài thơ thể hiện những cảm xúc của nhà thơ với đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc. Cảm hứng của bài thơ bắt nguồn từ hiện thực của đời sống kháng chiến, khai thác cái đẹp và chất thơ trong sự bình dị của đời thường để nói về tình đồng chí, đồng đội gắn bó thắm thiết của những người nông dân mặc áo lính, sinh tử có nhau thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, tình cảm đó thật cảm động, đẹp đẽ. Bài thơ mang vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí giản dị, mộc mạc mà sâu sắc của những người lính cách mạng trong những tháng ngày kháng chiến gian lao. Đồng thời đã thể hiện rất rõ vẻ đẹp của những con người sống và chiến đấu cho hạnh phúc, tự do mọi thời đại.

Nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ là sử dụng thể thơ tự do, hình ảnh thơ mộc mạc, giản dị, có sức gợi cảm lớn. Ngoài ra tác giả còn sử dụng bút pháp tả thực, có sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn, hình ảnh thơ giàu ý nghĩa biểu tượng.

Chính Hữu và bài thơ Đồng chí còn mãi trong lòng người đọc như một tượng đài về anh bộ đội Cụ Hồ và bài ca về con người Việt nam “sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”.

Các bài học liên quan
Bài số 16: Trong Truyện Kiều, Nguyên Du viết:  Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Trình bày cảm nhận về ý thơ trên?
Bài số 14: Cảm nhận về sáu câu thơ đầu trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật