Bài số 15: Cảm nhận về tám câu cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du
Chúng ta đều biết Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du chỉ được viết ra bằng năng khiếu văn chương bẩm sinh, bằng vốn sống và sự từng trải suốt nhiều năm lưu lạc.
- Bài học cùng chủ đề:
- Bài số 12: Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
- Bài số 7: Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.
- Bài số 8: Vẻ đẹp của chị em Thủy Kiều (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM 1
Chúng ta đều biết Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du chỉ được viết ra bằng năng khiếu văn chương bẩm sinh, bằng vốn sống và sự từng trải suốt nhiều năm lưu lạc. Truyện Kiều còn được viết bởi trái tim nhân hậu, đa cảm và tấm lòng yêu thương con người hết mực. Như trong bài tựa Truyện Kiều, Mộng Liên Đường đã viết "lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía, ngậm ngùi". Đọc những câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích ta sẽ cảm nhận được phần nào những điều Mộng Liên Đường đã viết.
Buồn trông cửa bề chiêu hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là vê đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sống kêu quanh ghế ngồi.
Có thể nói đoạn thơ là một bức tranh tâm tình đầy xúc động và là sự thể hiện bút pháp tài hoa của Nguyễn Du trong miêu tả nội tâm nhân vật. Những dòng thơ lục bát tinh tế, sắc sảo đã bao năm tháng đi qua vẫn làm say đắm lòng người. Một mình giữa không gian mênh mông, Kiều thấy bơ vơ quá. Một nỗi nhớ quê hương bỗng trào lên da diết:
Buồn trông cửa bê chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Câu thơ tả cảnh biển khơi mênh mang, trong ánh nắng đang dần lịm tắt. Cảnh biển bao la một cánh buồm chấp chới gợi nỗi buồn day dứt quá. Cánh buồm lẻ loi, nhỏ nhoi trong bao la như có như không: "thấp thoáng", "xa xa", những từ ấy không chỉ gợi hình, mà còn gợi tình, gợi cảm. Sự lẻ loi đơn chiếc, lênh đênh của cánh buồm hay là thân phận bơ vơ của Kiều nơi "góc bể chân trời"?
Trời nước bao la, còn Kiều ở trong lầu Ngưng Bích - một cánh chim nhỏ nhoi trong lồng. Câu thơ của ông phảng phất một chút phong cách diễn đạt của ca dao:
Chiều chiều ra đứng bờ sông,
Muốn vê quê mẹ mà không có đò.
Kiều đang đứng trước biển nhìn về phương trời xa đăm đắm khát khao nhưng vô cùng mệt mỏi: "Buồn trông...". Âm điệu lời thơ buồn và có gì rã rời quá! Nỗi buồn ấy như nhân lên khi Kiều nhìn đóa hoa nổi trội, bập bềnh vô định:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là vê đâu?
Thuyền cũng trôi trong vô định, hoa cũng trôi trong vô định, "biết là về đâu". Có gì như thân Kiều một mình lạc lõng trong mờ mịt chân mây. Đâu là quê nhà? Chẳng ai là thân nhân. Hình ảnh "hoa trôi man mác" gợi nỗi buồn đau xót. Đau xót cho một đóa hoa lìa cội, lìa cành nổi trôi trên sóng nước dập vùi. Nhìn hoa trôi Kiều liên tưởng đến thân mình. Kiều cũng đang nhắm mắt để mặc dòng đời xô đẩy. Hoa lìa cành, hoa héo hoa tàn. Kiều lìa cửa, lìa nhà, đời Kiều như cánh chim lạc bầy bay trong giông tố. Một ngày kia con chim không tổ ấy có chết rũ bên đường? Hình ảnh "hoa trôi" gợi cảm và dễ làm rung động lòng người, bởi lẽ nhân gian thường dùng hình ảnh "bèo dạt mây trôi" để nói về kiếp người trôi nổi, bập bềnh. Những câu ca dao ấy đã "phổ vào" hồn thơ của Nguyễn Du từ khi ông còn trong vòng tay của mẹ.
Đọc những câu thơ tiếp, ta càng thấy tâm trạng của Thúy Kiều. Xung quanh nàng, thiên nhiên cũng nhuốm một màu sắc buồn tẻ, héo tàn:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Vần âm điệu thơ buồn bởi vần bằng dàn trải, tạo cho ta cảm giác được cái nhìn mệt mỏi, chán chường của nhân vật trước cảnh vật mênh mông một màu buồn. Hình ảnh "dàu dàu ngọn cỏ" gợi cảm ở mộ Đạm Tiên. Có khác chăng chỉ là nơi đây không phải là một ngôi mộ cụ thể mà thôi. Màu "xanh xanh" làm cho cỏ cây không còn nét tươi sáng lại thêm vẻ "rầu rầu", làm cho sự sống càng thêm cạn kiệt, làm cho bức tranh phong cảnh héo tàn thêm.
Giữa bốn bề phong cảnh tẻ buồn ấy, Kiều chợt nghe, chợt thấy:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Âm điệu lời thơ trở nên dữ dội với những từ gợi thanh: "ầm ầm", "kêu". Hình ảnh những đợt sóng cuộn lên, trào tới, xô đẩy, cùng với tiếng rít gào của gió vang lên đe dọa đến hãi hùng. Kiều thấy "gió cuốn", nghe "sóng kêu" bỗng thấy kinh hoàng, hốt hoảng. Nỗi buồn, sự sợ hãi đã đưa Kiều vào tâm trạng não nề, hoảng hốt như kẻ bị bao vây, bị nhấn chìm, hoàn toàn bất lực. Kiều chơi vơi như rơi vào vực thẳm. Những âm thanh đầy dự báo đã mách bảo với ta chặng đường đầy chông gai của Kiều ở phía trước.
Cả tám câu thơ đều "xoay tròn" trong nỗi buồn sợ của Kiều. Với phép điệp ngữ liên hoàn "Buồn trông...", "Buồn trông..." các câu thơ không chỉ có âm điệu buồn, mà còn làm ta "chóng mặt" trước diễn biến tâm trạng của một con người bất hạnh - Kiều. Chọn được âm điệu thơ, lựa được từ ngữ và hình ảnh phù hợp với tâm trạng nhân vật, nhà thơ đã chứng tỏ sự thông cảm sâu sắc, yêu thương Thúy Kiều biết bao!
Tả cảnh mà ngụ tình - qua cái cảnh để nói cái tình. Những câu thơ cuối trong đoạn trích là một bức tranh tâm tình đầy xúc động. Những câu thơ ấy gieo vào lòng người nỗi buồn lo cùng Thúy Kiều, tình thương yêu, sự cảm thông tha thiết với phận đàn bà cùng Nguyễn Du và "khiến ai đọc đến cũng phải thấm thìa, ngậm ngùi" như Mộng Liên Đường đã nhận xét.
BÀI LÀM 2
Đẹp và tài đến độ tuyệt vời, chuẩn mực không gì sánh kịp nhưng cũng truân chuyên, bất hạnh đến mức ai so bì được ấy chính là nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Người con gái ấy đem đến cho ta sự ngưỡng mộ về nhan sắc, cảm phục về tài năng và quý mến vì tấm lòng chung thủy, hiếu thảo nhưng cũng đem đến cho người đọc nỗi xót xa, thương cảm cho phận đàn bà nổi chìm vô định. Đọc những câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, ta càng thấy thương cho kiếp bèo mây trôi dạt và tâm sự của Kiều trong hoàn cảnh đó:
Buồn trông cửa bề chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sã,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Bao trùm cả đoạn thơ là điệp khúc buồn tê tái. Bắt đầu từ câu thơ:
Buồn trông cửa bề chiều hôm
Sáu chữ thôi, chẳng có tu từ gì cả, mà câu mở đoạn đã mở ra một tâm trạng thấm buồn "Buồn trông", một không gian gợi buồn "cửa bể" một thời gian đượm buồn "chiều hôm" của người đang lẻ loi, ngóng đợi và cả đoạn thơ chỉ gồm bốn cặp lục bát mà sao chất chứa lắm từ láy đến thế: thấp thoáng, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm. Những con chữ láy lại làm ý tưởng trầm xuống, tỏa lan ra, nhập vào hồn mình.
Quả thật những từ láy, những nốt luyến láy ấy cộng hưởng với bốn điệp ngữ "Buồn trông" trỗi lên ngay đầu các câu lục, tạo nên một hợp âm dồi dào thanh bằng, thấm thía bao nỗi niềm. Đoạn thơ - cũng như nhiều khúc tiêu tao - chiếm lĩnh người đọc trước hết bằng âm thanh, bằng nhạc điệu. Những sóng âm huyền diệu đó cho các hình ảnh thơ đến thẳng lòng người. Vương trong con mắt người con gái bán mình đang buồn trông, mọi hình ảnh vừa nổi chìm, trôi dạt (con thuyền, cánh buồm, ngọn nước sa, hoa trôi theo dòng chảy...), vừa có gì như mù mịt, nhạt nhòa (nội cỏ rầu rầu, chân mây mặt đất một màu...). Đây là những hình ảnh thật hay hình ảnh tưởng tượng, huyễn hoặc trong tâm trạng cô thiếu nữ đáng thương? Có thể cả hai. Lúc này, Kiều lần đầu xa nhà, bị giam lỏng trong lầu Ngưng Bích của Tú Bà. Nàng tuy phải thất thân cùng họ Mã nhưng cũng chưa dấn mình vào đời mưa gió ê chề. Phải chăng vì thế hình ảnh đầu tiên "thuyền ai thấp thoáng..." ẩn chứa thấp thoáng tia hi vọng. Nhưng rồi "chân mây mặt đất" mênh mang xóa đi tầm ngóng trông và lắng đọng lại nỗi buồn thất vọng. Cuối cùng âm thanh ghê người của tiếng sóng ầm ầm làm nổi lên nỗi sợ hãi như bắt Kiều nhận những thứ hữu hình: số phận, định mệnh khắc nghiệt! Nhưng dẫu sao đó mới chỉ là linh cảm về một sự đe dọa cuốn vùi cho nên buồn lo hãi hùng mà chưa đau đớn. Phải đến khi "bướm chán ong chường" trong cảnh "mưa dập gió dìu" chốn lầu xanh, Kiều mới thật thấm nỗi đau tê tái, sỉ nhục. Khi ấy Nguyễn Du mới viết:
Ôm lòng đòi đoạn xa gần
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!
Cũng lúc đó, Kiều mới nghĩ mình "tan tác như hoa giữa đường". Còn bây giờ, trước lầu Ngưng Bích khóa xuân, thân gái xa nhà chỉ thấy "hoa trôi man mác". Cánh hoa thân phận Kiều nhi đang trôi theo dòng đời chẳng biết điểm dừng.
Đúng như một ý kiến thẩm định rằng đọc Kiều, có thể mỗi sự kiện, mỗi tâm trạng là một câu, thì về phương diện ngữ pháp, mỗi câu ấy đều được kết thúc bằng một chấm than... Những dấu chấm than ấy, một mặt là những trùng điệp da diết của nhà thơ, mặt khác luôn mang thêm ý nghĩa mới. Nhận xét này rất hợp với đoạn "Buồn trông...". Kết đoạn, đúng là một dấu than lớn. Và tôi muốn bổ sung thêm, trong mạch thơ ngổn ngang tâm trạng Kiều không chỉ khép lại bằng dấu than mà còn ngầm trồi lên những dấu chấm hỏi, những câu hỏi:
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn bã xót xa và thắc thỏm lo sợ, đó là hai mạch chính của nổi niềm buồn trông.
Với gam màu lạnh, nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Du đã vẽ và treo liên tiếp bốn bức tứ bình liên hoàn tâm trạng (cứ mỗi cặp lục bát một bức họa): từ mong đợi đến băn khoăn, day dứt, tiếp tới chán nản, thất vọng và cuối cùng là bàng hoàng ghê sợ.
Đồng thời, dùng giai điệu trầm, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Du đã tấu lên tiếng tỏ lòng nhân vật. Cho đến từng âm tiết cũng rung động nỗi buồn. Kết đoạn thơ, hòa tấu, phúc điệu sóng biển - sóng lòng - sóng đời không chỉ vang lên tiếng gõ cửa của định mệnh mà rung chuyển tiếng gầm gào của hiểm họa muốn hất tung người con gái đơn côi yếu đuối trên điểm tựa chiếc ghế đời mỏng manh, chông chênh.
Kết thúc đoạn thơ là tiếng sóng gió quanh ghế ngồi. Nhưng có lẽ tiếng sóng gió ấy sẽ không chỉ bủa vây quanh ghế ngồi, nó bủa giăng cuộc đời Kiều, đem đến biết bao tai ương cho chuỗi ngày dài đằng đẵng suốt mười lăm năm mà những ngày sống cô đơn ở lầu Ngưng Bích mới chỉ là bắt đầu. Tiếng sóng ấy cũng dội vào lòng người đọc, dội vào tấm lòng thi hào khiến cho tất cả cùng đau đớn nhìn từng bước chân đang dấn sâu vào kiếp nạn của nàng Kiều.
- Bài 1 sgk ngữ văn 9
- Bài 2 sgk ngữ văn 9
- Bài 3 sgk ngữ văn 9
- Bài 4 sgk ngữ văn 9
- Bài 5 sgk ngữ văn 9
- Bài 6 sgk ngữ văn 9
- Bài 7 sgk ngữ văn 9
- Bài 8 sgk ngữ văn 9
- Bài 9 sgk ngữ văn 9
- Bài 10 sgk ngữ văn 9
- Bài 11 sgk ngữ văn 9
- Bài 12 sgk ngữ văn 9
- Bài 13 sgk ngữ văn 9
- Bài 14 sgk ngữ văn 9
- Bài 15 sgk ngữ văn 9
- Bài 16 sgk ngữ văn 9
- Bài 17 sgk ngữ văn 9
- Bài 18 sgk ngữ văn 9
- Bài 19 sgk ngữ văn 9
- Bài 20 sgk ngữ văn 9
- Bài 21 sgk ngữ văn 9
- Bài 22 sgk ngữ văn 9
- Bài 23 sgk ngữ văn 9
- Bài 24 sgk ngữ văn 9
- Bài 25 sgk ngữ văn 9
- Bài 26 sgk ngữ văn 9
- Bài 27 sgk ngữ văn 9
- Bài 28 sgk ngữ văn 9
- Bài 29 sgk ngữ văn 9
- Bài 30 sgk ngữ văn 9
- Bài 31 sgk ngữ văn 9
- Bài 32 sgk ngữ văn 9
- Bài 33 sgk ngữ văn 9
- Bài 34 sgk ngữ văn 9
- Các thể loại văn tham khảo lớp 9