Bài số 10: Phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Khắc họa bản chất con người qua lại lịch, qua ngoại hình và qua ngôn ngữ hành động, Nguyễn Du đã xây dựng một chân dung nhân vật phản diện cụ thể, sinh động và mang ý nghĩa khái quát về một loại người xuất hiện trên thực trạng đen tối của xã hội đương thời.

BÀI LÀM

Khắc họa bản chất con người qua lại lịch, qua ngoại hình và qua ngôn ngữ hành động, Nguyễn Du đã xây dựng một chân dung nhân vật phản diện cụ thể, sinh động và mang ý nghĩa khái quát về một loại người xuất hiện trên thực trạng đen tối của xã hội đương thời. Mã Giám Sinh mua Kiều tả cảnh mua bán người với nhiều nhân vật xuất hiện, nhưng tác giả tập trung vào nhân vật Mã Giám Sinh. Bên cạnh đó là tình cảm và tâm trạng có tính chất bi kịch của Thúy Kiều. Hai hình tượng nhân vật: một phản diện nhưng có thế lực kim tiền, một chính diện nhưng là nạn nhân vô phương thoát nạn - thể hiện rõ rệt thái độ của Nguyễn Du đối với xã hội phong kiến suy tàn.

Con người họ Mã là nhân vật phản diện thứ hai (sau viên quan xử vụ kiện Vương Ông, Vương Quan bị tên bán tơ gian ngoan xưng xuất) xuất hiện trên chặng đường Tai biến của Thúy Kiều. Mã Giám Sinh tìm đến nhà Kiều với tư cách người giàu đi hỏi vợ thiếp. Đó cũng là một sự việc bình thường trong xã hội xưa kia. Tuy nhiên, quá trình biến diễn cuộc mua bán là một quá trình bộc lộ lôgic tính cách của nhân vật hạ lưu và khả ố này. “Trong tay sẵn có đồng tiền”, hắn đã thực hiện được âm mưu mua Thúy Kiều về làm gái lầu xanh. Nguyễn Du không có lời lẽ trực tiếp bình luận đánh giá về nhân vật Mã Giám Sinh nhưng bằng ngôn ngữ nghệ thuật trực diện - Nguyễn Du để nhân vật dần dần tự bộc lộ bản chất con buôn qua quá trình mua bán. Mã Giám Sinh thuộc loại lái buôn đặc biệt nhất và dã man tàn bạo nhất bởi loại người này buôn bán thể xác phụ nữ “Đem về tiếp khách kiếm lời mà ăn”. Trước hết, là việc tìm hiểu về lai lịch vì dù là làm vợ thiếp đi chăng nữa thì vẫn cần “Trăm năm tính cuộc vuông tròn, Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”. Họ Mã xuất hiện ở nhà Thúy Kiều qua mối quan hệ:

Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh

Người ta chỉ có thể biết mụ là ở gần nơi cư trú của gia đình họ Vương mà không có địa chỉ cụ thể. Đó lại là một “mụ nào” tính danh không xác định (Còn trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là mụ mối họ Hàm). Đi theo mụ là một người viễn khách. Một người không quen biết đưa một người xa lạ đến nhà... Đó là hai con người gốc gác mơ hồ khiến người ta có thể đặt nghi vấn về tông tích Mã Giám Sinh - tay nhà giàu đi hỏi vợ thiếp ấy. Ngoài mụ mối, còn có một số tôi tớ đi theo - nhưng đây là một quan hệ chủ tớ không nghiêm minh:

Trước thầy sau tớ lao xao

Bởi vì mối quan hộ ở đây là mối quan hệ giữa một trùm buôn người bịp bợm với một bọn tay chân có thể nói là lưu manh, giữ vai trò "ngụy, trang" cho con người nhân danh hỏi vợ. Sau này Thúy Kiều sẽ có thể nhận thức rõ rệt hơn về cái vị thế “nửa ông nửa thằng” của họ Mã và nàng đã nói với cha mẹ mình rằng:

Xem gương trong bấy nhiêu ngày,
Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già
Khi về bỏ vắng trong nhà,
Khi vào dùng dắng khi ra vội vàng
Khi ăn khi nói lỡ làng
Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh

Tất nhiên, ở đây mụ mối sẽ biểu lộ thái độ trân trọng ông Giám Sinh họ Mã qua cử chỉ xum xoe:

Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang

Thực ra, chắc chắn mụ mối cũng không lạ gì Mã Giám Sinh, nhưng mụ cốt đánh lừa gia đình Kiều để “phi vụ” được trót lọt, để mụ kiếm tiền phần trăm mà thôi.

Tất cả những nhân vật đi cùng Mã Giám Sinh đều bộc lộ những mối quan hệ mờ ám, mơ hồ, bất minh.

Về ngoại hình Mã Giám Sinh được phác họa qua hai câu thơ:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

Ta có thể hình dung sau khi đã rõ lai lịch, gia đình họ Vương tất yếu sẽ phải “xem tướng” chàng rể “mày ngang mũi dọc” như thế nào? Kết quả đạt được cũng mơ hồ không kém bởi không thể biết được một điều gì thật chính xác cụ thể: tuổi tác có vẻ già dặn dường như không tương hợp với kiểu phục sức dụng công trau chuốt. Kim Vân Kiều truyện chỉ giới thiệu qua nhưng là một lời miêu tả khá “ưu đãi” đối với Mã Giám Sinh: “Mụ Hàm nói xong đi ra, hồi lâu đưa mấy người đến, trong bọn có một người đẹp đẽ, bước tới chào và ngắm nghía Thúy Kiểu mãi”. Còn ngôn ngữ miêu tả ngoại hình của Nguyễn Du lại đầy ẩn ý. Từ ngữ nhẵn nhụi - thường chỉ dùng để chỉ đồ vật (chứ không biểu đạt được tính chất trang nhã lịch sự), chứng tỏ đây là người đã nhiều tuổi nhưng lại cố tô vẽ cho trẻ. Từ bảnh bao hàm ý chế giễu, mỉa mai...

Cách phục sức dụng công làm ra vẻ phong lưu lịch sự của tay còn buôn đó phảng phất tính chất giả tạo và có phần trai lơ đàng điếm. Miêu tả ngoại hình anh chàng họ Mã nhưng không thể xác định được chính xác về dung mạo như Kim Trọng “Phong tư tài mạo tót vời”, Từ Hải oai phong lẫm liệt “Râu hùm hàm én mày ngài” được. Tác giả chỉ chú trọng miêu tả kiểu cách phục sức bề ngoài già mà cố tô cho thành trẻ, là con buôn nhưng muốn mượn vẻ phong lưu công tử của kẻ đi hỏi vợ. Chính mối quan hệ, tuổi tác, cung cách phục sức của Mã Giám Sinh đều gây nên ấn tượng mù mờ khó hiểu.

Về tính danh và nghề nghiệp, gia đình họ Vương cần phải có được một số "thông tin” tối thiểu cần thiết đối với lễ vấn danh, đối với việc dựng vợ gả chồng cho con cái (Hỏi tên rằng... Hỏi quê rằng). Con người họ Mã này như vậy cũng có một nghề nghiệp - chân Giám Sinh đi quyên lúa cho triều đình, hoặc cũng có thể là người theo đuổi dở dang nghiệp học trò.

Hai câu thơ:

Hỏi tên, rằng: "Mã Giám Sinh",
Hỏi quê, rằng: "Huyện Lâm Thanh cũng gần".

là những câu không có chủ ngữ và ngắn ngủi. Bút pháp ấy đã miêu tả sinh động sự hoạt động của'nhiều người, về hai phía, đúng theo phong cách nghệ thuật "Không tả người mà có người, không nói ai nói mà hiểu là ai nói". Hơn thế nữa, hai câu trả lời cộc lốc cũng có thể gợi lên những suy tưởng nào đó về tính cách và tình huống của hai phía đối thoại.

Như vậy là dù sao, người ta cũng đã có thể biết về tính danh, quê hương bản quán và nghề nghiệp của người đi hỏi vợ. Nhưng ở đây cũng có thể có những dấu hỏi nhỏ nhẹ về kiểu đối đáp cộc lốc, về kiểu nhấn mạnh dụng ý khoảng cách gần gũi giữa nơi ăn chốn ở của hai bên.

Cử chỉ thái độ của Mã Giám Sinh cũng khiến mọi người lưu ý:

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng

Một cử chỉ vội vàng và khiếm nhã khiến Nguyễn Du phải hạ ngay một từ ngữ sỗ sàng, những từ ngữ này không phải là tiếng nói trực diện của tác giả. Một cử chỉ không phù hợp với địa vị người đi hỏi vợ và không đúng với phẩm cách văn hóa của một Giám sinh. Cử chỉ đó quá bất ngờ so với sự chờ đợi của mọi người, quá phi lí so với vai trò của Mã Giám Sinh, cho nên những người dự lễ vấn danh đều có thể không cần do dự và thống nhất dành cho cử chỉ đó hai chữ sẵn sàng.

Đoạn thơ mở đầu giới thiệu về lai lịch, quê quán, tính danh, ngoại hình của một nhân vật khá là xa lạ, mới mẻ, với tinh thần "trọng sĩ khinh thường" của xã hội xưa kia và của gia đình viên ngoại. Tuy chỉ là phác họa vài nét và chủ yếu là những biểu hiện bên ngoài nhưng Nguyễn Du đã đem đến cho người ta một cảm giác băn khoăn khó hiểu về một con người già mà cố làm trẻ, tề chỉnh sang trọng mà như trai lơ đàng điếm, có học mà như vô học, đứng đắn mà khả nghi...

Rơi vào tình huống bất đắc dĩ và với một tâm trạng bất đắc dĩ, Thuý Kiều chỉ ra gặp Mã Giám Sinh khí có lời thúc giục "nàng kíp ra" của mụ mối. Diễn biến tâm trạng từ nỗi buồn uất hận vì tình duyên dang dở, gia đình li tán đến nỗi run rẩy lo sợ cho số phận sắp bị định đoạt bởi những người xa lạ và cuối cùng là sự đau đớn tủi nhục khi đã "diện tiền" với một bọn người kéo đến mua nàng như một món hàng, Nguyễn Du đã dùng những từ ngữ láy và nghệ thuật tiểu đối:

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng
Ngại ngùng, dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.

để miêu tả những bước chân chậm chạp, bị động của nàng. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ miêu tả bước chân miên cưỡng, gương mặt tủi hổ và những giọt nước mắt. lặng lẽ của nhân vật chính. Sự câm lặng của Thúy Kiều hoàn toàn phù hợp vối tình cảnh và tâm trạng bi kịch, với lôgic tính cách của nàng.

Trong khi đó mụ mối và Mã Giám Sinh trở thành hai nhân vật chính hoạt động hết sức linh hoạt, hô ứng.

Mụ mối trở thành người bán hàng và dù cho Kiều là một trang quốc sắc thiên hương vốn có cuộc sống "Êm đềm trướng rủ màn che” thì đối với mụ, đây cũng chỉ là một món hàng - Và đã là hàng hóa, Kiều cũng bị đối xử chẳng khác gì một đồ vật:

Mối càng vén tóc bắt tay,

Nhân vật chính vẫn là Mã Giám Sinh. Hắn chứng tỏ sự “biết người biết của”:

Nét buồn như cúc điệu gầy như mai

Nhưng là kẻ buôn người tiếp khách chốn thanh lâu, hấn "Đắn đo cân sắc cân tài", thận trọng ước lượng, đo lường cả nhan sắc lẫn tài hoa của Thúy Kiều. Ngắm nhìn dáng vẻ, dung nhan, nghe nàng đọc thơ và đánh đàn, Mã Giám Sinh càng thấy được giá trị của món hàng. Hắn cũng không giấu giếm điều đó. Nhịp điệu câu thơ"Mặn nồng một vẻ một ưa" khiến ta có thể hình dung thái độ, cử chỉ gật gù tán thưởng của hắn. Nhưng là một con buôn, Mã không vồ vập:

Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu

Mọi ngôn ngữ, cử chỉ vẫn hết sức từ tốn, thể hiện sự cân nhắc tính toán chi li, chặt chẽ. Tuy nhiên, rõ ràng đây là một "món hời" nên Mã Giám Sinh nói năng hoa mĩ, lịch sự:

Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”

Những sự đề cao Kiều (ngọc đến Lam Kiều) việc coi đây là chuyện cưới xin nghiêm chỉnh (sính nghi) và thái độ nhũn nhặn (xin dạy... cho tường) đã lập tức chấm dứt khi đụng chạm tới đồng tiền:

Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá váng ngoài bốn trăm.

Đến đây, Mã bắt buộc phải lên tiếng không với tư cách con người giàu có, biết ăn chơi và đi hỏi vợ mà với tư cách con buôn chỉ có mục đích duy nhất "một vốn bốn lời", "nhất bản vạn lợi". Hắn đã hoàn toàn bộc lộ bản chất, hiện nguyên hình là một tay buôn người sành sỏi hàng hóa, nhưng lọc lõi, keo kiệt trong việc mua hàng.

Trong toàn bộ đoạn thơ, Nguyễn Du đã đối lập sự câm lặng khổ đau của Thúy Kiều với sự hoạt động năng nổ của bọn buôn người, đối lập giữa giá trị đẹp đẽ vô song của Thúy Kiều với giá cả mua bán chua xót "Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm". Tiếng nói quyết định và lạnh lùng của đồng tiền hôi tanh khép lại màn kịch giải quyết tai họa gia đình, để mở ra một tai họa khác cho cô gái họ Vương.

Tuy không sử dụng ngòi bút trực diện miêu ta mà chỉ qua sự phác họa mối quan hệ mập mờ, vẻ ngoài chải chuốt, cử chỉ vô học, ngôn ngữ thớ lợ và đặc biệt là cái "cò kè" rất con buôn... nhưng Nguyễn Du đã đưa lên sân khấu một bộ mặt tàn ác, nhơ bẩn nhất trong Truyện Kiều.

Nếu như ở đoạn Vương Ông mắc oan, đồng tiền gắn bó với bộ mặt cường quyền thì ở đây xuất hiện bộ mặt mới của thế lực kim tiền. Một bộ mặt già đời lọc lõi, vô học hơn của, lạnh lùng vô cảm và xấu xa đê tiện... nhưng chỉ với một túi tiền, nhân vật đáng ghê tởm ấy đã mua ngay được nàng Kiều xinh đẹp, tài hoa, trong trắng để đẩy nàng vào vũng bùn thanh lâu.

Các bài học liên quan
Soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh
Qua văn bản Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà, em hãy viết đoạn văn cho biết tại sao Hồ Chí Minh có được một vốn văn hoá nhân loại sâu rộng và phong phú?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật