Bài số 4: Phân tích đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (Trích Vũ trung tuỳ bút - Phạm Đình Hổ)

Cuối thế kỉ XVIII, đất nước không có giặc ngoại xâm nhưng trong nước lại hết sức rối ren. Các thế lực phong kiến chia bè thao túng quyền hành, vừa sát hại lẫn nhau vừa ra sức bóc lột của cải khiến đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

BÀI LÀM

Cuối thế kỉ XVIII, đất nước không có giặc ngoại xâm nhưng trong nước lại hết sức rối ren. Các thế lực phong kiến chia bè thao túng quyền hành, vừa sát hại lẫn nhau vừa ra sức bóc lột của cải khiến đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Ngoài Bắc, vua Lê chỉ là bù nhìn, quyền hành trong tay chúa Trịnh. Trịnh Sâm nổi tiếng về sự hoang dâm vô độ. Cậy thế lấn át vua, ông ta thả sức xây hàng loạt cung điện, đền đài nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn chơi hoang phí. Qua hàng loạt chi tiết, qua những cảnh, những việc tưởng như được trình bày hết sức ngẫu hứng của tác giả, chúng ta có thể hiểu được phần nào cuộc sống xa hoa, lãng phí, cách ăn chơi xô bồ, thiếu văn hóa của đám vua chúa quan quân phong kiến thời bấy giờ, đồng thời cũng có thể cảm nhận được ít nhiều sự phẫn nộ của tác giả.

Một điểm rất đáng lưu ý chính là giọng văn của tác giả - có vẻ như khách quan, không thể hiện một chút cảm xúc, thái độ nào. Khi gọi tên từ chúa Trịnh Sâm, các quan đại thần cho đến bọn hoạn quan trong cung giám, tác giả luôn tỏ thái độ cung kính. Thủ pháp quen thuộc thường được sử dụng là liệt kê, hết chúa đến quan, từ quan lớn đến quan bé, từ sự việc này sang sự việc khác. Tuy nhiên, qua hàng loạt sự kiên tưởng chừng được liệt kê một cách tùy hứng có thể phát hiện ra những chi tiết giúp chúng ta hiểu được nội dung tư tưởng của tác phẩm.

Phần đầu Phạm Đình Hổ viết về các cuộc dạo chơi của chúa Trịnh. Tác giả không tả cụ thể, cũng không đưa ra một lời bình luận nào, nhưng các chi tiết, các sự kiện như biết nói. Chúng phô bày một cuộc sống phù phiếm, xa hoa, xô bồ với những cuộc dạo chơi liên miên không dứt, rồi đình đài xây dựng hết cái này đến cái khác. Theo những cuộc du ngoạn của chúa là đầy đủ các quan đại thần, binh lính, người phục dịch và những trò nhố nhăng, rẻ tiền không xứng là trò tiêu khiển của một vị chúa... Đồng thời cũng đủ thấy những trò ấy tốn kém không biết cơ man nào là của cải của dân.

Cướp bóc của cải là việc làm quen thuộc của vua chúa quan lại thời bấy giờ. Nó quen đến mức người dân đã phải nhắc nhở con cháu mình rằng: "Con ơi... là quan". Còn tác giả thì viết: "Buổi ấy, bao nhiêu những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch chậu hoa cây cảnh ở chốn nhân gian, Chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì...". Một cách cướp trắng trợn. Và thật trớ trêu khi hành động ấy lại là của người đứng đầu triều đình, người đáng ra phải lo cho nước, chăm cho dân.

Kể như vậy nhưng tác giả vẫn không đưa ra bất cứ một lời bình luận nào. Thậm chí ông còn viết cả một đoạn văn dài như ca ngợi vẻ đẹp của phủ chúa. Mặc dù vậy, cách miêu tả của tác giả thật đặc biệt: vừa tả "hình núi non bộ trông như bến bể đầu non", tác giả lại tả lại: "Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót vang khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường". Câu văn quả đã nhuốm màu u ám, như điềm báo về những điều chẳng lành.

Chúa vậy, quan cũng tha hồ "đục nước béo cò". Vừa ăn cắp vừa la làng, chúng không những lấy đi những thứ quý mà còn lập mưu vu và rồi dọa nạt để lấy tiền của dân. Gọi chúng là "các cậu" ra vẻ trân trọng nhưng khi tả, kể những hành vi của chúng ta mới thấy chúng thực sự ghê tởm, bỉ ổi và táng tận lương tâm. Rõ ràng một đất nước mà từ vua chúa đến quan lại đều không lo nước, chăm dân chỉ chơi bời xa xỉ rồi tìm cách cướp đoạt hăm hại dân thì quả là họa lớn cho quốc gia.

Đến phần cuối, tác giả đưa ra những dẫn chứng về việc mà người dân và chính gia đình mình phải chịu: "Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập bỏ núi non bộ, hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ”. Chính gia đình ông, những cây cảnh đẹp cũng phải chặt bỏ. Đây là những chi tiết đắt giá. Tác giả không tả đám quan quân cướp bóc của cải mà chỉ nói về cây cảnh. Việc nhân dân tự chặt cây cảnh, đập bỏ hòn non bộ đã cho thấy một xã hội đầy những bất trắc, người dân phải phá bỏ chính tài sản của mình để giữ sự yên ổn trước đám quan lại xấu xa, tàn ác.

Bài tùy bút không dài, nhưng qua những chi tiết, những sự việc được chọn lọc, được sắp xếp hợp lí, qua các từ ngữ hình ảnh, những câu văn đa nghĩa người đọc hiểu được rất nhiều điều về thực trạng xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

Các bài học liên quan
Qua văn bản Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà, em hãy viết đoạn văn cho biết tại sao Hồ Chí Minh có được một vốn văn hoá nhân loại sâu rộng và phong phú?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật