Bài số 2: Suy nghĩ của em về nhân vật vợ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương (Trích Truyền kì mạn lục - Nguyễn Dữ)

Là một trong số 11 truyện viết về người phụ nữ của nhà văn Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương dựa trên tích truyện dân gian nhưng với tài năng, sự sáng tạo tuyệt vời và lòng yêu thương con người tha thiết

BÀI LÀM

Là một trong số 11 truyện viết về người phụ nữ của nhà văn Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương dựa trên tích truyện dân gian nhưng với tài năng, sự sáng tạo tuyệt vời và lòng yêu thương con người tha thiết, Nguyễn Dữ đã làm bao thế hệ bạn đọc rơi lệ xót thương cho thân phận một phụ nữ đẹp người, đẹp nết mà chịu oan khuất, bất hạnh.

Cuộc đời của Vũ Nương tuy không dài, nhưng bằng những ngày tháng ngắn ngủi ấy nàng đã kịp làm tròn tất cả bổn phận của người dâu thảo, người vợ ngoan, người mẹ hiền. Mình nàng gánh bao gian lao vất vả, vượt cạn một mình, mẹ chồng già yếu một mình nàng chăm sóc, thuốc men, đến khi mẹ chồng qua đời việc tang ma cho mẹ lại cũng một mình nàng lo liệu. Tất cả những việc ấy nàng làm với tấm lòng chân thành với tình yêu thương tha thiết dành cho người thân của mình, đặc biệt là với người chồng đang ở nơi chiến trận xa xôi. Yêu thương chồng, nàng mong mỏi chàng bình yên trở về bởi hơn hết trong lòng nàng cái khao khát lớn nhất là được hưởng thú vui “nghi gia, nghi thất” vợ chồng sum họp, con cái đầy đàn, nàng được làm tròn và hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ.

Những tháng ngày chờ đợi rồi cũng trôi qua. Sau ba năm đi lính, Trương Sinh trở về bình yên. Hạnh phúc bắt đầu mỉm cười, những khát khao bấy lâu sắp thành hiện thực thì hỡi ôi, sum họp chưa thỏa tình chăn gối mà chia phôi đã cận kề. Oan khuất không gì thanh minh được, nàng đã phải đổi mạng sống của mình để rửa sạch nỗi nhớ thất tiết. Đau đớn hơn, kẻ đẩy nàng đến ngõ cụt, đến bến Hoàng Giang để trẫm mình không ai khác, không ai xa lạ chính là người chồng mà nàng hằng mong ngóng “ba năm giữ gìn một tiết” đợi ngày sum họp và đứa con trai mà nàng yêu thương, chăm bẵm. Đau đớn hơn, tất cả bắt đầu từ sự ngây thơ của đứa trẻ, sự hiểu lầm tai hại, sự cả ghen, hồ đồ đến mù quáng của người chồng.

Cái định kiến vợ hư đã ăn sâu, bám chặt trong cái đầu u tối, trong con người ít học của Trương Sinh. Chàng không giải thích nguyên nhân, không tỉnh táo suy xét lời con. Ngay cả lời của họ hàng làng xóm chàng cũng không nghe. Cả những lời van xin rớm máu của vợ chàng cũng không để lọt tai. Cơn ghen của một kẻ thô lỗ, không được học hành bộc lộ qua cái cách “la um cho hả giận” và “lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc và đuổi nàng đi”. Không ai giúp được nàng. Đường cùng, Vũ Nương lấy cái chết để giãi bày, để chứng minh cho sự trong sạch của mình - nàng gieo mình xuống bến Hoàng Giang.

Thế rồi, nỗi oan của Vũ Nương cũng được giải, tình cờ như khi nó đến. Cũng chính bé Đản với câu nói ngây thơ: “Cha Đản lại đến kia kìa” đã giải oan cho mẹ. Khi đứa con chỉ cái bóng trên tường nói là cha nó, cái người mà “đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi”, chàng Trương mới giật mình sửng sốt, vỡ lẽ hóa ra đó chỉ là một trò đùa một cách an ủi con và cả chính nàng để vợ bớt cảm giác trống vắng, để thể hiện nỗi nhớ thương. Nhưng hỡi ôi, việc đã rõ, oan đã giải mà người thì vĩnh viễn không còn.

Vốn giàu lòng nhân đạo, yêu thương và trân trọng người phụ nữ, Nguyễn Dữ không muốn những người nết na, đức hạnh như Vũ Nương vĩnh viễn mất đi, tác giả đã tưởng tượng ra sự hồi sinh của nàng. Được các nàng tiên và Linh Phi cứu giúp, Vũ Nương về sống ở thủy cung. Rồi chính anh chàng Trương Sinh người đã đẩy nàng đến chỗ chết phải tự lập đàn giải oan cho nàng. Vũ Nương trở về nhưng chỉ đứng ở kiệu hoa giữa dòng Hoàng Giang mà nói vọng vào “Đa tạ tình chồng. Thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Ảo ảnh, chập chờn rồi tan biến. Chia ly là vĩnh viễn, âm dương cách trở, người chết rồi không thể nào sống lại. Tuy nhiên đó cũng là cái kết đầy an ủi dành cho Vũ Nương, cho những người yêu mến nàng, cho bao người phụ nữ chịu oan khuất như nàng. Ở đây ta bắt gặp tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Dữ dành cho những con người yếu đuối, bị xã hội chà đạp.

Có thể khẳng định rằng, bằng tài năng và tấm lòng nhân hậu, Nguyễn Dữ đã xây dựng một nhân vật với nhiều nét đẹp điển hình cho người phụ nữ. Người đọc thông cảm, thương cảm đau đớn, xót xa trước oan trái và cái chết bi thương của Vũ Nương đồng thời đồng cảm với thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Chính vì lẽ đó, nhân vật Vũ Nương mãi mãi là một hình tượng tiêu biểu cho những phẩm chất đẹp của người phụ nữ và là lời nhắc nhở, lời răn dạy đầy sức thuyết phục, thấm thía cho bao thế hệ về hạnh phúc gia đình.

Các bài học liên quan
Qua văn bản Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà, em hãy viết đoạn văn cho biết tại sao Hồ Chí Minh có được một vốn văn hoá nhân loại sâu rộng và phong phú?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật