Bài số 6: Hình tượng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung trong Hồi thứ 14 (Trích Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái)

Chiến thắng vang dội vua Quang Trung đại phá quân Thanh mùa xuân năm Kỉ Dậu (1789) đã đi vào quá khứ nhưng không hề bị quên lãng.

BÀI LÀM

Chiến thắng vang dội vua Quang Trung đại phá quân Thanh mùa xuân năm Kỉ Dậu (1789) đã đi vào quá khứ nhưng không hề bị quên lãng. Người dân Việt từ lâu đã quen với những địa danh: Đống Đa, Ngọc Hồi, Khương Thượng,.. Những cái tên ấy gắn liền với niềm tự hào, tình yêu mến dành cho Nguyễn Huệ - Quang Trung người anh hùng áo vải của dân tộc. Người đã làm nên một trận chiến thần tốc có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm và được ghi lại khá chân thực trong hồi thứ 14 Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái.

Quang Trung - một con người trí dũng vẹn toàn, xứng đáng là hiện thân cho chiến thắng đã được giới thiệu trái ngược hẳn với sự hồ đồ của Tôn Sĩ Nghị, Lê Chiêu Thống. Ngay khi nghe tin cấp báo tủa Văn Tuyết, Quang Trung giận lắm “liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay”. Mất hết đất từ quan ải đến Thăng Long nhưng Quang Trung không tỏ ra nao núng chút nào, đó chính là tính quyết đoán trước biến cố lớn của người cầm quân đa tài.

Không những thế Quang Trung còn là một người mưu lược trong việc nhận định tình hình qua những lời khi ông nêu bật chính nghĩa của ta là phi nghĩa của địch, đất nào sao ấy, người phương Bắc bụng dạ ắt khác, trong lịch sử chúng ta đã từng gây nhiều tội ác với dân ta, nhân dân ta đã có truyền thống chống giặc ngoại xâm giành độc lập từ đời Trưng nữ vương đến Lê Thái Tổ... Ta nhận ra bên dưới lời dụ quân lính trước khi lên đường cái hồn phách thiêng liêng của một Nam Quốc sơn hà, cái giọng khích lệ nghiêm nghị của một Hịch tướng sĩ và nhất là cái âm hưởng dõng dạc, chứa đầy căng một niềm bất khuất, tự hào của Bình Ngô đại cáo chắc chắn phải là một trí tuệ, một tâm hồn cao rộng lắm mới có thể bao gồm và chung đúc được chừng ấy tinh hoa trong một bài nói làm lay động lòng người.

Người đọc Hồi thứ mười bốn càng không thể quên được tầm nhìn xa chiến lược của Quang Trung. Ngay khi giặc còn đang đóng quân ở Thăng Long, gần hết Bắc Hà còn nằm trong tay chúng, vậy mà Quang Trung tự tin nói rằng “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn, chẳng qua mười ngày, có thể đuổi được người Thanh”. Chưa thực sự ra quân mà đã sắp sẵn phương lược để chiến thắng gọn gàng, nhanh chóng, con người ấy đã sớm tính trước nước cờ của mười ngày. Nhưng lo liệu đến cả chuyện sau khi giặc đã thua rồi thì cử người “khéo lời lẽ” để dẹp việc binh đao, chờ cho tới khi nước giàu dân mạnh, con người ấy còn tính xong xuôi nước cờ của cả mười năm tới trong hòa bình ngay khi đang ngồi trên lưng ngựa.

Với những tướng lĩnh cùng quê và thân cận đã lâu năm như Ngô Văn Sở, Quang Trung quở trách nghiêm khắc, quyết không để cho quân pháp bị lời lỏng. Nhưng với những danh tướng Bắc Hà mới đi theo cờ nghĩa như Ngô Thì Nhậm, Quang Trung lại yên ủi, vỗ về, không tiếc lời đánh giá cao, không để lỡ dịp bày tỏ niềm tin cậy. Chính bởi mưu lược trong kết đoán bề tôi nên trước khi thu phục hoàn toàn đất nước, Quang Trung đã thu phục hoàn toàn được lòng người. Và trong khi bọn cướp nước và bán nước cứ đờ đẫn, rã rời ra trong kiêu căng và trễ nải thì người anh hùng áo vải Tây Sơn lại kịp khẩn trương làm một núi việc khổng lồ. Hẳn chẳng phải là sự tình cờ khi tác giả đưa ra hàng loạt mốc thời gian nối tiếp nhau, dồn dập: ngày 24 tháng 11, Văn Tuyết đã vào đến Phú Xuân; trong vòng đúng một tháng Quang Trung đã quyết định xong phương lược, chuẩn bị quân lính lo liệu công việc ở Phú Xuân, làm lễ lên ngôi vua và ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (tháng 1/1798) đã đốc xuất đại quân cả thủy lẫn bộ cùng ra đi; 29 tháng Chạp đã đến Nghệ An. Tại đây ông kén lính, cự ba suất đinh lấy một người, sau đó mở cuộc duyệt binh lớn và quân mới tuyển đặt làm trung quân, quân Thuận Quảng đặt ở bốn cánh: tiền, hậu, tả, hữu. Ba mươi tháng Chạp ông mở tiệc khạo quân “cúng tết trước” và hẹn riêng với các tướng mồng 7 Tết sẽ vào Thăng Long. Ngay tối 30 Tết lập tức lên đường. Chỉ có năm ngày mà đi chừng ấy đường đất, làm chừng ấy công việc, không phải là một bậc kì tài trong việc dùng binh thì không thể nào làm nổi!

Những hình tượng đẹp nhất trong toàn bài có lẽ là hình tượng người anh hùng Quang Trung trong chiến trận.

Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, nhiều ông vua anh hùng từng thân chinh cầm quân. Song nắm quyền tổng chỉ huy quyết toán từ phương lược đến việc tự mình đốc xuất một chiến dịch trực tiếp đó với một mũi tên tiến công xông pha tên đạn thực sự thì chỉ có Quang Trung. Hồi thứ mười bốn - Hoàng Lê nhất thống chí đã ghi lại được hình ảnh đẹp tuyệt vời đó của ông: “Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván... dàn thành trận chữ “nhất”. Trong đội ngũ quân lính hùng mạnh, chỉnh tề ấy, ông cưỡi voi đi đốc thúc. Trong ánh sáng tờ mờ của ban mai và khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì, quang cảnh những người lính khiêng ván vừa xông lên, rồi khi trận giáp lá cà họ quẳng ván xuống đất, cầm dao ngắn chém bừa, Quang Trung vẫn lẫm liệt trên lưng voi đốc thúc...” quả là một hình tượng chiến trận hào hùng.

Trái ngược với quân đội xộc xệch, trễ nải, nhát gan của Tôn Sĩ Nghị, quân Nam dưới tài điều hành của Quang Trung là một đội quân thần “Tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”, làm thành nỗi kinh hoàng cho quân đối phương. Đội quân của Quang Trung là đội quân phải đi đường xa đến, thế mà ngay lần đụng độ đầu tiên ở sông Gián, “nghĩa binh” trấn thủ đã tan vỡ chạy trước. Đến sông Thanh Quyết, quân do thám nhà Thanh mới thấy bóng từ đằng xa cũng đã chạy nốt. Và cứ như vậy Hà Hồi, Yên Duyên... cho đến Thăng Long, quân Thanh cứ cắm đầu mà chạy, giày xéo lên nhau mà chết, tướng thắt cổ chết, voi giẫm chết, đứt cầu phao ngã xuống nước chết... Qua khỏi Nam Quan rồi nhưng nghe đồn quân Tây Sơn đuổi theo, già trẻ trai gái dắt díu nhau chạy trốn “suốt vài trăm dặm lặng ngắt không còn bóng người”.

Chỉ huy một chiến dịch lớn, quan trọng lại gấp gáp như thế nhưng Quang Trung vẫn tỉnh táo, ung dung, oai phong lẫm liệt, đã vào Thăng Long trước hai ngày so với dự định đó là ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỉ Dậu. Có sách còn ghi chép hôm ấy tấm áo bào đỏ của ông xạm đen khói súng. Quang Trung đã trở thành hình tượng đẹp về người anh hùng trong văn học cổ Việt Nam.

Hồi thứ 14 kết thúc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đem lại niềm tự hào về truyền thống chống ngoại xâm và tinh thần quật khởi của con người Việt Nam. Và trên hết đã xây dựng được bức tượng đài về người anh hùng dân tộc bằng ngôn ngữ sống mãi trong lịch sử dân tộc.

Các bài học liên quan
Qua văn bản Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà, em hãy viết đoạn văn cho biết tại sao Hồ Chí Minh có được một vốn văn hoá nhân loại sâu rộng và phong phú?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật