Bài số 12: Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: "Tiếng nói Việt Nam trong Truyện Kiều như làm bằng ánh sáng vậy, nó trong suốt như dòng suối, một dòng suối long lanh đáy nước in trời"...

BÀI LÀM 1

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: "Tiếng nói Việt Nam trong Truyện Kiều như làm bằng ánh sáng vậy, nó trong suốt như dòng suối, một dòng suối long lanh đáy nước in trời"... Dòng suối ấy hòa tan và làm trong trẻo cả những điển tích, những từ Hán Việt xa lạ để biến nó thành thơ, thành nhạc trong tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt ở những đoạn diễn tả trực tiếp những tâm trạng, những tình cảm sâu sắc, chân thực của con người, lời thơ càng giản dị truyền cảm.

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng...

Thiết tưởng không cần chú giải, chỉ đọc những câu thơ ấy, đã thấy tất cả cái heo hút mênh mông của cảnh; cái cô đơn và những nỗi ngổn ngang bề bộn của tâm tư con người. Kiều ở lầu Ngưng Bích do sự sắp xếp của Tú Bà, sau sự việc xảy ra ở lầu xanh, khi Kiều tự vẫn vì biết mình bị lừa, không phải "được" mang về làm vợ lẽ Mã Giám Sinh mà chỉ là một món hàng mua bán và bị làm nhục. Ngay lúc Tú Bà xưng với Kiều là "mẹ", bắt nàng gọi Mã là "cậu mày bên kia", Kiều ngơ ngác "ngây thơ chẳng biết là danh phận gì.". Đến bây giờ, Tú Bà đã dỗ dành, lừa dối nàng ra ở lầu Ngưng Bích là "khóa xuân" để đợi ngày lấy chồng, để "tìm nơi xứng đáng là con cái nhà", nàng vẫn thấy ngơ ngác, dở dang về "danh phận", về thân phận của mình. Nàng ở lầu Ngưng Bích không phải là với tư cách một người "con" của Tú Bà như mụ hứa I hẳn thế ị mà cũng không phải là một tù nhân; nàng như một người bị giam lỏng, ở trong một tình cảnh trớ trêu, trước một tương lai mù mịt. Và nàng chỉ có một mình, hoàn toàn cô đơn giữa quê người đất khách.

Hình như đây chính là một dụng ý, một âm mưu được tính toán trước của Tú Bà. Kiều càng bị giam lỏng, cô đơn, cách biệt với mọi người, nàng sẽ càng khao khát muốn trở về với cuộc sống bình thường và càng dễ bị rơi vào bẫy của Sở Khanh, chính là của mụ. Vì vậy tâm trạng của Kiều thật là "ngổn ngang trăm mối" và ta có thể đọc thấy ngay từ những câu thơ khi mờ khi tỏ tả cảnh lầu Ngưng Bích đẹp đẽ và heo hút này.

Thiên nhiên có tác động rất lớn đến tâm hồn con người, là hình ảnh phản chiếu tâm hồn con người - Nguyễn Du từ thời đó, đã nói với chúng ta như thế. Ở lầu Ngưng Bích, chỉ có mình Kiều với thiên nhiên.

"Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung"... không phải là "dãy núi mà mảnh trăng như ở cùng trong một vòm trời, như trong cùng một bức tranh". Mà là "ở chung" với nàng Kiều. Nói vậy có vẻ như thô thiển nhưng nếu phải tìm hiểu tận cùng ngữ nghĩa, thì đúng là nàng Kiều chỉ có thiên nhiên làm bầu bạn. Tất cả mọi dáng vẻ của thiên nhiên: xa mờ như sắc núi có thể nhìn thấy lúc ban ngày đẹp trời, gần gũi như mảnh trăng lúc ban đêm... sớm lại chiều, ngày này qua ngày khác, nhìn thấy được nhưng không thể cùng nàng chuyện trò, chia sẻ... Lầu Ngưng Bích hẳn ở một nơi hoang vắng, ít người qua lại, khắp "bốn bề" và cho đến tận "xa trông”, về phía nào cũng chỉ thấy bụi cây, cồn cát. Mỗi câu thơ là một cặp đối xứng: vẻ non xa - tấm trăng gần mờ ảo; cát vàng cồn nọ - bụi hồng dặm kia tầng tầng lớp lớp; mây sớm - đèn khuya vắng lặng cô đơn... Cái vẻ đối xứng tạo nên cảm giác trùng lặp của hình ảnh ấy, chính là những nỗi ngổn ngang, bề bộn trong lòng nàng Kiều, không dám hi vọng, tin tưởng mà cũng không hoàn toàn tuyệt vọng đớn đau. Vì nàng còn quá trẻ, vì dù gặp tai biến, cuộc đời cũng mới chỉ bắt đầu. Nhưng nếu nàng vừa hi vọng, dù chỉ mơ hồ, thấp thoáng, thì lại không tránh khỏi "bẽ bàng" tội nghiệp ngay trong vô vọng. "Nửa tình, nửa cảnh", buồn rồi nhớ, đợi chờ, hi vọng rồi thất vọng "như chia tấm lòng", nối nhau đến rồi đi trong lòng nàng như thế.

Trong tình cảnh đó, người mà nàng nhớ đến trước hết là chàng Kim Trọng, người đã cùng nàng gắn bó “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, Tin sương luống những rày trông mai chờ” nàng đang hình dung ra Kim Trọng trong nỗi "rày trông mai chờ" nàng. Từ lúc phải cân nhắc "bên tình bên hiếu" và quyết định "để lời thề hải minh sơn" sang một bên mà bán mình chuộc cha, nàng đã xác định với mình để không bao giờ còn đợi chờ, hi vọng. Huống chi bây giờ thân nàng đã rơi vào tay bọn Tú Bà và họ Mã. Nhưng còn chàng Kim, chàng đâu đã biết việc nàng gặp tai biến, ở Liêu Dương xa xôi, chàng vẫn ngày đêm trông chờ để sớm gặp lại nàng (mà dù có về nơi cũ, biết rồi, chàng chắc vẫn mong chờ nàng như thế). Trong tình yêu cũng như trong cuộc đời, bất cứ lúc nào nàng Kiều cũng nghĩ đến người khác, nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến mình. Riêng đối với chàng Kim, nàng còn mang nặng một nỗi lòng yêu thương, ân hận như mình có lỗi. Để chàng Kim phải nhớ mong, đau khổ, nàng cho là lỗi của mình... Trong suốt 15 năm, mỗi lần nghĩ đến chàng Kim, nỗi đau ấy vẫn làm nàng nhức nhối, và theo thời gian, càng thấm thía những thăm trầm tủi nhục của chính mình, nàng lại càng thương nỗi lòng trông đợi của chàng Kim ("Khi về hỏi liễu Chương Đài, cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay"). Và như vậy, nàng biết rằng nàng sẽ không bao giờ quên được mối tình đối với chàng Kim, dù cuộc đời có lưu lạc nơi "chân trời góc bể", dù nàng có muốn "gột rửa", muốn quên lãng nó đi...

Cũng trong nỗi lòng thương nhớ luôn hướng về người khác ấy, nàng hình dung cha mẹ già "tựa cửa" hôm mai ngóng tin nàng. Nàng hình dung cuộc sống của cha mẹ mà nàng không còn được ở gần để chăm sóc, "quạt nồng ấp lạnh", để làm cho mẹ cha vui lúc tuổi già. Nghĩ về cha mẹ, nghĩ về Kim Trọng, cuối cùng lại trở về với thiên nhiên mênh mông trước mặt: "Buồn trông cửa bể chiều hôm...". Đã bao lần Kiều "buồn trông" như thế, nhưng đến đây, những nỗi niềm của nàng trở nên nặng trĩu. Tám câu thơ, bốn cặp lục bát cùng một từ mở đầu, cùng một nỗi buồn, nhưng mỗi cặp câu là một vẻ buồn, một nghĩa buồn khác nhau. (Đoạn thơ cuối này, thực chất là một bài thơ chính nàng Kiểu viết, chính là nỗi lòng của nàng lên tiếng thành thơ - hai câu liền sau đó mà ở đây không trích, đã nói rõ: "Chung quanh những nước non người, Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu". Và từ đó mới dẫn đến việc Sở Khanh "họa vần" để làm quen với Kiều).

"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Cửa biển chiều hôm vốn mênh mông hoang vắng, cánh buồm thấp thoáng đi về chốn xa xôi, bao giờ cũng buồn, càng gợi buồn hơn trong cảnh quê người đất khách. Và bao trùm lên tất cả những hình ảnh diễn tả nỗi buồn ấy, ta có thể đọc thấy một nỗi trông chờ tuyệt vọng, khắc khoải; một sự tìm kiếm, một lời kêu gọi: đi đâu, về đâu, có ai?... Hay tất cả chỉ là sự im lặng hoang vắng? Những vần thơ có sức lay động, khơi gợi sự đồng cảm của con người chính vì lẽ đó, vì nó diễn tả chân thật nỗi khát khao cuộc sống, nỗi khát khao tình người...

 

BÀI LÀM 2

Trải qua nhiều biến cố trong quãng thời gian ngắn ngủi, ở lầu Ngưng Bích là một khoảng yên ổn tạm thời trên chặng đường lưu lạc của Thúy Kiều. Lầu Ngưng Bích biệt lập với cuộc sống đời thường, Kiều một mình đối diện với thiên nhiên, với nỗi cô đơn và đối diện với chính lòng mình trước một tương lai mờ mịt. Bi kịch nội tâm của Thúy Kiều ở chặng đường đời này được Nguyễn Du miêu tả qua ngôn ngữ độc thoại và tả cảnh ngụ tình khiến người đọc cũng rưng rưng nỗi niềm thương nhớ và âu lo trước tít tắp đời mình cùng nàng Kiều.

Thiên nhiên ở lầu Ngưng Bích thật đẹp đẽ, khoáng đạt:

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

Với vẻ non xa tấm trăng gần, bốn bề bát ngát, cát vàng, bụi hồng... Những đường nét, màu sắc của thiên nhiên nơi đây đan xen tạo nên một bức tranh thủy mặc, tĩnh lặng, đượm buồn.

Trước thiên nhiên tươi đẹp ấy, Kiều ở trong một tâm thế khóa xuân cô quạnh, lẻ loi đơn chiếc:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

Chính cái tâm thế ấy của Kiểu đã tạo ra sự đối lập trớ trêu giữa thiên nhiên lớn lao với con người bé nhỏ. Nếu bên ngoài mênh mông, rộng lớn bao nhiêu thì bên trong lại càng chật hẹp, tù túng, giam cầm bấy nhiêu. Nỗi buồn tê tái, cô đơn, chán ngán đã chế ngự và xâm chiếm toàn bộ tâm hồn Kiều.

Trong khung cảnh tĩnh lặng ấy, nàng nhớ đến người yêu, nhớ đến cha mẹ:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ
...
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Nguyễn Du đã đảo trật tự nỗi nhớ để Kiều nhớ đến người yêu trước cha mẹ sau là phù hợp với tiếng lòng nàng Kiều. Trái tim yêu thương, thổn thức rất đời và rất người của tuổi trẻ. Đây chính là màn độc thoại, da diết, đằm thắm yêu thương và trân trọng đời Kiều.

Cuối cùng nàng nghĩ về bản thân mình với tám câu thơ và bốn cặp câu giống nhau:

Buồn trông cửa bê chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu ?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
m ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Điệp từ “buồn trông” lặp lại trong bốn cặp câu và ở vị trí đầu câu như dồn lại, như ứ đầy, chồng chất những nỗi buồn điệp điệp, sóng dồn trong tâm trạng của cô con gái liễu yếu đào tơ, nỗi buồn xoáy sâu vào tâm can xé nát vụn vỡ từng luồng suy nghĩ dẫu bé nhỏ bình dị của nàng.

Từ trên lầu cao, Kiều phóng tầm mắt ra rất xa ngoài cửa biển, nhìn thấy những cánh buồm thấp thoáng này chạnh nghĩ đến cuộc đời và một hành trình lưu lạc mờ mịt xa xăm của mình.

Kiều vội đảo tầm mắt lên một hướng cao hơn hi vọng sẽ kiếm tìm được một niềm vui bé bỏng nhưng lại đập ngay vào tầm nhìn của nàng:

Buồn trông cửa bể chiều hôm ,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Cánh hoa trôi man mác, Vô định như thân phận bèo bọt của nàng trên dòng đời đen bạc chưa biết đi đâu về đâu. Cánh hoa ấy tơi tả trước thời gian sóng gió bão bùng như ẩn dụ cuộc đời Thúy Kiều cũng trôi nổi lưới trời đang vây bủa, rình rập. Nàng nhìn ra xa hơn tận chân mây mặt đất nhưng nàng chỉ nhìn thấy những nội cỏ rầu rầu vàng ủa, nhạt nhòa, sâu thẳm, mờ mịt, xa xăm. Vẫn không thể cắt nghĩa được nỗi buồn của mình, nàng chuyển đổi cảm giác từ nhìn nhận sang nghe ngóng để hi vọng gạt đi được những ưu tư phiền muộn của cuộc đời, nhưng tất cả đều vô vọng:

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trồng gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Nàng thu tầm mắt nhìn của mình về ngay vị trí đang ngồi dưới chân lầu Ngưng Bích thì một âm thanh hãi hùng va đập vào ngay tâm trạng của nàng. Nguyễn Du đã dùng ngòi bút thần tình để mô tả một âm thanh tiếng sóng kêu với bút pháp nhân hóa đặt đúng vị trí không gian thời gian, đúng cả tâm trạng của nàng Kiều. Đây là tiếng sóng đời, sóng lòng đang gào thét giận dữ bủa vây rình rập và muốn nuốt chửng đời Kiều.

Mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên thật đặc sắc tất cả ngoại cảnh ấy đều nhuốm màu tâm trạng của nàng Kiều tan nát rối bời, đau khổ. Mỗi lần nàng vươn lên kiếm tìm một niềm vui, một tia hi vọng thì mỗi lần thiên nhiên cay nghiệt vùi dập, hắt hủi nàng xuống đáy bể trầm vơi và Nguyễn Du đã phải hạ một câu thở đúng với tâm trạng nàng Kiều:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!

Tám câu thơ với nhiều bút pháp nghệ thuật đan xen và dường như bút pháp nào cũng đạt đến tuyệt đỉnh. Bên cạnh các biện pháp tu từ quen thuộc như điệp từ ngữ, cấu trúc câu, sử dụng các từ láy gợi âm thanh, màu sắc và bút pháp nhân hóa điển hình, tám câu thơ còn được xem như một bộ tứ bình miêu tả nội tâm nhưng vẫn trữ tình và gợi cảm. Đặc biệt đây còn được xem là màn độc thoại điển hình nhất trong những trang Kiều, do đó người ta gọi Kiều ở lầu Ngưng Bích là một bức tranh vinh cảnh ngụ tình đặc sắc, tâm tình xúc động.

Ngoại cảnh và tâm cảnh đã được Nguyễn Du kết hợp tài tình trong đoạn thơ. Nguyễn Du đã khắc họa hình ảnh Kiều trong một chặng đường "yên tĩnh" nhưng đó là cái yên tĩnh của "mắt bão". Yên tĩnh tạm thời để rồi sau đó giông gió bùng lên dữ dội, tiếp tục nhấn chìm Thúy Kiều xuống tân đáy sâu của xã hội, của kiếp đoạn trường trong cuộc đời con người. Ta cảm nhận được tâm trạng lo âu trước vô vọng cuộc đời không chí của Thúy Kiều mà còn của chính tác giả. Bởi thế ta hiểu và trân trọng hơn cái tâm và cái tình của nhà thơ gửi trong tác phẩm.

 

BÀI LÀM 3

Nguyễn Du là một bậc thầy về ngôn ngữ miêu tả. Nhiều câu thơ tả cảnh của ông có thể coi như là chuẩn mực cho vẻ đẹp của thơ ca cổ điển. Không chỉ tả cảnh tuyệt vời, Nguyễn Du còn giỏi về tả người qua tình cảm, tả tâm trạng. Qua ngôn ngữ miêu tả ông đã làm đẹp, làm giàu có thêm rất nhiều cho ngôn ngữ dân tộc. Từng có ý kiến cho rằng, so với tiếng Hán vốn có tính hàm súc, tính biểu hiện rất cao thì tiếng Việt trở nên quá nôm na, ít khả năng biểu hiện. Nguyễn Du đã chứng minh rằng ngôn ngữ tiếng Việt cũng có một khả năng biểu hiện rất phong phú. Qua Truyện Kiều, cụ thể là đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Trong quan niệm của Nguyễn Du, hai yếu tố tình và cảnh không tách rời nhau mà luôn đi liền với nhau, bổ sung cho nhau. Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là sự kết hợp, giao hòa của hai yếu tố cảnh vật và tâm trạng, về cảnh vật có lầu cao, có non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, Nếu Thúy Kiều ở vào một hoàn cảnh khác, trong tâm trạng khác thì hẳn cảnh đó sẽ rất đẹp. Tuy nhiên, tâm trạng Kiều lại đang rất u ám, sầu não: bị Tú Bà giam lỏng ờ lầu Ngưng Bích, Kiều da diết nhớ cha mẹ, nhớ người yêu, đồng thời lại rất đau xót cho thân phận mình. Cảnh vật, do đó, nhuốm màu tâm trạng:

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm tràng gần ở chung.

Cảnh có cả "vẻ non xa" lẫn "tấm trăng gần" những cảnh vật ấy chẳng thể nào gợi lên một chút tươi vui hay ấm áp. Nhà thơ đã dùng hai chữ "ở chung" thật khéo. Kiều trông thấy tất cả những thứ đó nhưng với nàng, chúng chẳng khác gì nhau và càng không có gì đặc biệt. Hai yếu tố trái ngược (non xa, trăng gần) tưởng như phi lí nhưng thực ra đã diễn tả rất chính xác sự trống trải của cảnh vật qua con mắt của Kiều. Khung cảnh "bốn bề bát ngát" chỉ càng khiến cho lòng người thêm gợi nhớ:

Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

Một không gian mênh mang trải rộng ra trước mắt Kiều. Người bình thường đứng trước không gian ấy cũng khó ngăn được nỗi buồn. Với Kiểu, không gian rộng rãi, trống trải ấy chỉ càng khiến nàng buồn và suy nghĩ nhiều hơn về cuộc đời mình:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Trong những câu thơ tả cảnh trên đã thấm đẫm cái “tình” (tâm trạng) của Kiểu nên đến những câu thơ này, Nguyễn Du đã tả tâm trạng một cách hết sức tự nhiên. Ý thơ chuyển đổi rất linh hoạt: tả cảnh gắn với không gian. Không gian cao rộng (non xa, trăng gần) càng khiến cho cảnh mênh mang, dàn trải. Tả tâm trạng lại gắn với thời gian. Thời gian dằng dặc (mây sớm, đèn khuya) càng cho thấy tâm trạng chán nản, buồn tủi của Kiều. "Nửa tình nửa cảnh w trước mắt là tình hay là cảnh, dường như cũng không còn phân biệt được nữa.

Theo dòng tâm trạng của Kiểu câu thơ tiếp theo là về nỗi nhớ:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Trước hết Kiểu nhớ đến Kim Trọng, nhớ đến chén rượu thể nguyền dưới trăng. Đối với một người luôn đa sầu đa cảm, nặng tình nặng nghĩa như Thúy Kiều, cảm xúc ấy thật xa xót. Càng nhớ đến Kim Trọng thì Kiều lại càng đau đớn cho thân phận mình. Việc Kiều thương Kim Trọng đang chờ mong tin mình một cách vô vọng đã cho thấy một vẻ đẹp khác trong tâm hồn nàng: Kiều luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình. Tấm lòng ấy thật cao đẹp và đáng quý biết bao!

Tiếp theo là Kiều nhớ đến cha mẹ. Có ý kiến cho rằng, Kiều đã nhớ đến người yêu trước rồi mới nhớ đến cha mẹ, phải chăng là nàng đã đặt chữ "tình" lên trên chữ "hiếu"? Thực ra, việc Nguyễn Du miêu tả nỗi nhớ của Kiều dành cho Kim Trọng trước rồi mới miêu tả nỗi nhớ cha mẹ là hoàn toàn hợp lí. Kiều không hề đặt chữ "hiếu" sau chữ "tình". Khi gia đình gặp tai biến, trước câu hỏi "Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?", Kiều đã dứt khoát lựa chọn chữ "hiếu" bằng hành động bán mình chuộc cha. Giờ đây, khi cha và em nàng đã được cứu, người mà nàng cảm thấy mình có lỗi chính là Kim Trọng. Và bởi thế mà nỗi nhớ cha mẹ không kém phần day dứt:

Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Những thành ngữ, điển tích, điển cố dht_tựa cửa hôm mai, quạt nồng ấp lạnh, Sân Lai, gốc tử) liên tục được sử dụng đã thể hiện rất sâu sắc tình cảm cũng như những băn khoăn trăn trở của Thúy Kiều khi nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến bổn phận làm con của mình. Khi cha mẹ đã già mà nàng không tự mình phụng dưỡng, hơn thế lại còn để cha mẹ ngóng trông vô vọng. Trong hoàn cảnh thực tế, những suy nghĩ, tâm trạng đó càng chứng tỏ nàng là một người con rất mực hiếu thảo.

Tám câu thơ cuối là những câu thơ tả cảnh hay nhất của Truyện Kiều. Đặc biệt là nghệ thuật "tả cảnh ngụ tình" của Nguyễn Du:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trối man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh...

Nếu tách riêng các yếu tố ngoại cảnh ra mà xét thì có thể thấy đó là một khung cảnh thật thơ mộng và lãng mạn: có cánh buồm thấp thoáng, có man mác hoà trôi, có nội cỏ, chân mây mặt đất... Thế nhưng khi ghép cảnh và người rồi đọc lên, những câu thơ này khiến cho lòng người thêm sầu não bởi trước mỗi cảnh được tả là cụm từ "buồn trông". Không phải là "xa trông" như người ta vẫn nói, cũng không phải là "ghé mắt trông" như Xuân Hương đã từng tinh nghịch mà điền trước đền thờ Sầm Nghi Đống, ở đây, nhân vật trữ tình chỉ có một tâm thế duy nhất: "buồn trông". Tâm trạng nàng đang ngổn ngang trăm mối: nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, cảm giác mình là người có lỗi,... và nhất là đang hết sức đau xót cho thân phận mình. Bởi vậy, cảnh vật ấy cần được cảm nhận theo con mắt của Thúy Kiều: cánh buồm thấp thoáng nổi trôi vô định, hoa trôi man mác càng gợi nỗi phân li, nội cỏ không mơn mởn xanh mà "rầu rầu" gợi sự tàn úa... Nổi bật lên trong cảnh vật đó là những âm thanh không êm đềm:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã nhiều lần miêu tả âm thanh. Có thể nói lần nào ông cũng thành công. Có khi chỉ qua một vài từ, ông đã diễn tả rất chính xác cảnh huyên náo trong nhà Thúy Kiều khi bọn vô lại kéo đến nhà bắt cha và em, khi Mã Giám Sinh cùng bọn đầy tớ xuất hiện. Rồi khi ông tả tiếng đàn của Kiều… Trong đoạn thơ này, Nguyễn Du không tả tiếng đàn mà tả tiếng sóng. Trong khung cảnh bát ngát, mênh mang, tiếng sóng vỗ "ầm ầm" cùng với cách đảo ngữ để cho ấn tượng đó càng rõ ràng hơn quả là một thứ âm thanh hết sức bất thường. Dường như nó muốn phá vỡ khung cảnh nặng nề nhưng yên tĩnh, nó dứt Kiều ra khỏi dòng suy tư về gia đình, người thân mà trả nàng về với thực tại nghiệt ngã. Đó dường như còn là những dự cảm về quãng đời đầy những khổ đau, tủi nhục ê chề mà Kiều sắp phải trải qua.

Có thể nói rằng Kiều ở lầu Ngưng Bích là đoạn thơ hay nhất, thành công nhất khi tác giả miêu tả nhân vật bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật