Bài số 8: Vẻ đẹp của chị em Thủy Kiều (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Khi đánh giá cái đẹp, cha ông ta xưa đã lấy cái chuẩn đầu tiên là sự hài hòa, cân đối, chừng mực, không trọng dụng nhiều đường nét.

BÀI LÀM

Khi đánh giá cái đẹp, cha ông ta xưa đã lấy cái chuẩn đầu tiên là sự hài hòa, cân đối, chừng mực, không trọng dụng nhiều đường nét. Chỉ vài nét chấm phá, chỉ hơn hai chục dòng thơ mà hai chị em Thúy Kiều - hai trang tuyệt sắc giai nhân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã hiện ra, làm ngơ ngẩn lòng người.

Trong những câu miêu tả khái quát, vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều đã có thể xếp vào hàng "tuyệt thế giai nhân":

Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Chỉ trong một câu thơ sáu chữ, tác giả đã khẳng định được một vẻ đẹp toàn bích, từ nhan sắc cho đến tính tình của cả hai chị em. Điều kì diệu là cả hai vẻ đẹp đều hoàn thiện ("mười phân vẹn mười") nhưng "Mỗi người một vẻ", không ai giống ai.

Đọc những câu thơ tiếp theo, ta càng có thể khẳng định tài năng của Nguyễn Du trong việc miêu tả nhân vật. Không chỉ phân biệt được "Mỗi người mỗi vẻ", tác giả còn chỉ ra sự khác nhau đó được biểu hiện cụ thể như thế nào. Mặt khác, Nguyễn Du tả nhan sắc nhưng dường như mục đích của tác giả không dừng lại ở đó. Càng tả càng gợi. Qua những câu thơ của Nguyễn Du, người đọc luôn cảm nhận được những suy nghĩ trăn trở của nhà thơ về cuộc đời, về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy rẫy những cạm bẫy:

Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Trong bốn câu này, ba câu trên là lời khẳng định vẻ đẹp "mười phân vẹn mười". Thế nhưng câu thơ thứ tư thật sự khiến bạn đọc bất ngờ bởi khả năng sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ. Tả một người con gái đẹp mà "Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" là đã đạt đến chuẩn mực, thêm "Hoa cười ngọc thốt đoan trang" thì nghe chẳng khác gì những tiếng trầm trồ của một người đang được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp chưa từng có. Thế mà vẫn chưa hết, người con gái ấy còn đẹp đến mức "Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da" thì vẻ đẹp ấy còn vượt lên trên cả vẻ đẹp của thiên nhiên. Rõ ràng là Thúy Vân rất đẹp, một vẻ đẹp khá sắc nét nhưng vẫn hồn hậu, thùy mị. Nói về một người con gái như vậy, người ta thường nghĩ đến hạnh phúc, đến một cuộc sống ấm áp, êm đềm.

Đoạn miêu tả Thúy Vân, ta đã có thể thấy được cái tài, cái khéo của Nguyễn Du trong việc sử dụng từ ngữ. Thế nhưng việc miêu tả Thúy Vân mới chỉ là bước đệm để tác giả miêu tả Thúy Kiều. Một lần nữa, tác giả lại khiến bạn đọc phải sửng sốt vì năng lực miêu tả của mình:

Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn

Các giá trị thẩm mĩ tưởng như đã được đẩy lên đến tận cùng của các giới hạn nhưng rồi lại còn được đẩy lên cao thêm nữa:

Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Hội họa cổ điển phương Đông có những bút pháp khá độc đáo: "lấy điểm để tả diện", "vẽ mây nẩy trăng", ý là khi muốn tả một người con gái đẹp, không cần tả mọi đường nét, chỉ chọn những nét tiêu biểu nhất, hay như khi muốn tả một vầng trăng sáng có thể không cần tả vầng trăng, chỉ cần tả đám mây xung quanh mà người xem biết ngay đó là trăng rất sáng. Nguyễn Du đã tả Thúy Kiều qua "Làn thu thủy nét xuân sơn" những yếu tố nghệ thuật đầy tính ước lệ, thật khó hình dung nàng Kiều đẹp như thế nào nhưng ai cũng phải thừa nhận, tả như thế là tuyệt khéo. Lại thêm "Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” - không cần nói nhan sắc của Kiều ra sao, chỉ cần nói hoa còn phải ghen, liễu còn phải hờn với nhan sắc của Kiều thì tưởng như với nhan sắc ấy, không lời nào có thể diễn tả nổi nữa.

Tuy nhiên, nếu đọc kĩ lại từng câu, từng lời, ta sẽ thấy dường như trong vẻ đẹp của Kiều đã ẩn chứa những mầm tai họa. Nếu như với vẻ đẹp của Thuý Vân, "Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da", sự "thua" và "nhường" còn rất hiền hòa thì với vẻ đẹp của Thúy Kiều, hoa đã phải "ghen" (tức), liễu đã phải "hờn" (giận). Có thể nói, vẻ đẹp của Thúy Vân tuy có phần trội hơn nhưng chưa tạo ra sự đố kị, trong khi đó vẻ đẹp của Thúy Kiều đã vượt hẳn lên, ngạo nghễ thách thức với thiên nhiên, tạo hóa.

Không chỉ nhan sắc, tài năng của Kiều cũng hàm chứa một sự thách thức:

Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Những từ ngữ đầy tính ước lệ (làn thu thủy, nét xuân Sơn, nghiêng nước nghiêng thành) xuất hiện với mật độ cao càng chứng tỏ tài năng của Nguyễn Du trong việc sử dụng từ ngữ. Một lần nữa, vẻ đẹp của nàng Kiều lại được khẳng định dù sự khẳng định ấy càng tô đậm thêm sự "bất an" của nhan sắc. Vậy mà sự thách thức của nhan sắc vẫn chưa phải là yếu tố duy nhất, tài năng của Kiều còn là một sự thách thức khác nữa:

Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ cho rằng nhan sắc là một cái hòa tiềm ẩn đối với người phụ nữ ("hồng nhan bạc mệnh") mà còn nhiều lần nhấn mạnh: tài năng cũng là một cái họa khác, đã nhiều lần ông nói về điều này:

- Trăm năm trong cối người ta

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.

- Chữ tài liền với chữ tai một vần.

- Tài tình chỉ lắm cho trời đất ghen...

Thúy Kiều vừa có tài lại vừa có sắc. Hơn nữa, cả hai yếu tố đều nổi bật đến mức cây cỏ còn phải ghen tức, oán giận... Có thể nói qua cách miêu tả, Nguyễn Du đã ngầm báo trước những điều không may sẽ xảy đến với người con gái này. Hãy bắt đầu từ tiếng đàn của Kiều, đó không phải là những âm thanh êm đềm, tươi sáng của một cô gái tuổi trăng tròn:

Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

Có thể cho là Kiều chỉ vô tình, nhưng bản đàn mà nàng lựa chọn đã thấy rằng, đó là một người con gái rất đa sầu đa cảm. Theo quan niệm xưa, đây cũng là một yếu tố tạo nên số phận đau khổ của con người. Những sự biến sau này của cuộc đời Kiều (gặp Đạm Tiên, phải bán mình chuộc cha, gặp Thúc Sinh, gặp Từ Hải,...) đều chứng tỏ sự miêu tả của Nguyễn Du về Thúy Kiều là hoàn toàn có ngụ ý.

Đoạn miêu tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du dành đến 24 câu thơ, trong đó có bốn câu tả khái quát, bốn câu tả Thúy Vân, còn đến 16 câu chỉ để nói về Thuý Kiều. Có thể chúng ta chưa hiểu hết quan niệm về nhân sinh, nhất là về người phụ nữ của ông, có thể còn nhiều vấn đề xung quanh tư tưởng ."tài mệnh tương đố” cần tiếp tục xem xét nhưng qua 24 câu thơ, Nguyễn Du không chỉ chứng tỏ một tài năng bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ mà còn cho thấy những nét rất đặc sắc trong nghệ thuật tả người.

Các bài học liên quan
Soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh
Qua văn bản Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà, em hãy viết đoạn văn cho biết tại sao Hồ Chí Minh có được một vốn văn hoá nhân loại sâu rộng và phong phú?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật