Bài số 11: Nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Xét trong toàn bộ Truyện Kiều, Mã Giám Sinh chỉ là một nhân vật phụ. Gã là chồng hờ, là kẻ “chung lưng” với mụ chủ nhà chứa Tú Bà và là công cụ của mụ trong một “công đoạn” làm ăn - là đi mua người về cho mụ.

BÀI LÀM

Xét trong toàn bộ Truyện Kiều, Mã Giám Sinh chỉ là một nhân vật phụ. Gã là chồng hờ, là kẻ “chung lưng” với mụ chủ nhà chứa Tú Bà và là công cụ của mụ trong một “công đoạn” làm ăn - là đi mua người về cho mụ. Mã Giám Sinh xuất hiện không nhiều nhưng gã trở thành một điển hình sống động, một loại lưu manh đê tiện với tất cả mọi chi tiết từ ngoại hình đến tâm tính, ngôn ngữ và hành động, điển hình không chỉ trong thế giới của Truyện Kiều.

Nếu đoạn trích “Kiều gặp Kim Trọng” và “Kiều gặp Từ Hải” sau này có cơ sở để được coi là “chủ yếu giới thiệu bức chân dung nhân vật” Kim Trọng và Từ Hải, thì đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” này lại thực sự chỉ là một đoạn kể chuyện, mặc dù cũng là một cuộc gặp gỡ giữa Kiều với người sẽ cưới nàng làm vợ, cũng miêu tả đầy đủ hình dung diện mạo Mã Giám Sinh. Bởi vì nếu không phải là một “nhân vật”, một “người” trong cuộc đời Kiều để mà có “chân dung”, hắn chỉ như một công cụ của số mệnh, của cải thế lực đen tối, của cái ác đến gieo tai họa cho nàng Kiều.

Tai biến của gia đình họ Vương và quyết định bán mình của nàng Kiều làm “xa gần xôn xao”, nhưng có lẽ ý định của nàng không dễ dàng thực hiện. Bạn bè thân quen của gia đình nàng và những người khác trong vùng không ai dám mua mà cũng không nỡ mua. Vậy mà nàng lại đang cần có tiền, có ngay và có nhiều để cứu cha và em - chậm một ngày là một ngày bị tra tấn hành hạ, sức cha già làm sao kham nổi? Đây là thời cơ để cho những kẻ buôn người như Mã Giám Sinh xuất hiện và trục lợi.

Rõ ràng trước hết hắn phải ở rất xa, quê quán, tên tuổi chỉ được giới thiệu lờ mờ; Mã chỉ là họ, còn Giám Sinh là học sinh trường Giám hay chỉ là tước vị mua được, hay là gì đi nữa, cũng chắc chắn chỉ là giả dối. Hắn xuất hiện qua sự trung gian của một mụ mối cũng vô danh, cũng khả nghi tung tích, một “mụ nào” ở “gần miền”. Tên lái buôn - chắc đang “dạo tìm khắp chợ cùng quê” để lùng mua người này - chộp được dịp may mò đến. Đừng vội căn cứ vào cách ngắt nhịp của câu thơ như có người đã làm “Hỏi tên - rằng Mã Giám Sinh - hỏi quê - rằng - huyện Lâm Thanh cũng gần” để bảo rằng hắn “ngôn ngữ cộc lốc như những cái hất hàm vô lễ”. Có thể đấy chỉ là lời mụ mối, còn hắn, hắn cứ “trước thày sau tớ” tiến vào không cần nói năng. Nhưng nhũng câu thơ đã nói lên đầy đủ về con người này qua bộ dạng của hắn:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Những từ "nhẵn nhụi", "bảnh bao" đã không hàm ý đẹp, lại ở một kẻ “ngoại tứ tuần”, càng gọi một cái gì không lương thiện. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét Nguyễn Du có tài lột tả cái “thần” của nhân vật chỉ bằng một từ, từ "tót" trong "ngồi tót" của họ Mã, cũng như "lẻn" tả Sở Khanh, từ "ngây" tả Hồ Tôn Hiến, đã trở thành những “chữ báu”, những “nhãn tự” trong ngôn ngữ Truyện Kiều. Ngoại hình, cử chỉ, hành động của Mã Giám Sinh, ngay từ lúc chưa bước vào mua bán, đã được miêu tả rất khách quan nhưng rất chính xác, đó là một kẻ vô giáo dục, một kẻ không đáng tin cậy, không lương thiện.

Nàng Kiều, khi quyết định bán mình chuộc cha, là nàng đã tự xác định mình chỉ là một món hàng có giá duy nhất còn lại trong nhà sau khi bọn sai nha cướp phá. Nhưng chắc chắn nàng, không thể hình dung điều đó, khi thành sự thực, lại ê chề đau đớn đến thế nào. Gia đình đang cơn tai biến, cha và em bị bắt giam, chàng Kim thì đi xa, tình yêu mới chớm nở đành là tan vỡ... Tâm tư của nàng, nếu không có cuộc mua bán này, cũng đã vô cùng tan nát. Người con gái Em đềm trướng rủ màn che” ở cái thời mà đàn bà con gái không dám và cũng không được xuất hiện trước mặt người lạ (nói gì đến các cuộc thi hoa hậu), bây giờ phải đem thân mình cho kẻ buôn người định giá, mà lại là một gã đàn ông, mà lại còn phải đẹp, phải tươi, phải làm cho kẻ đó vừa lòng thì mới có tiền! Kẻ mua thì chẳng phải tay vừa; từ lúc hắn vào và “ngồi tót sỗ sàng” lên “ghế trên”, không có câu thơ nào tả thêm về hắn. Không một lời thăm hỏi, an ủi chia sẻ gia cảnh của gia chủ, dẫu không chân thành thì cũng vì lịch sự, không một thoáng rung cảm trước nhan sắc “nét huân như cúc điệu gầy như mai” của người con gái. Tất cả chỉ là sự xem xét tỉ mỉ, sành sỏi của kẻ đã quen nghề mua bán trước một món hàng, một đồ vật, là sự “đắn đo”, là sự “cân”: cân sắc cân tài. Đau xót cho tài thơ, tài đàn của nàng Kiều, vốn là tài năng, là thể hiện của tâm hồn nàng, giờ bị “ép”, bị “thử”, để tăng thêm giá trị của món hàng người. Đến khi đã vừa ý mọi mặt về món hàng “chất lượng tuyệt hảo” đã “mặn nồng một vẻ một ưa”, kẻ buôn người mới mở miệng. Ngôn ngữ của hắn cũng có được cái màu mè giả dối:

Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy hao nhiêu cho tường?

Nhưng cái màu mè ấy, rút lại chỉ là “bao nhiêu” và nó cũng bị vứt tuột khi mụ mối vừa “ra giá”, chỉ còn là sự mặc cả trắng trợn, sự “cò kè” thêm bớt suốt “giờ lâu”. Tên lái buôn sành sỏi ấy, đã mua được món hàng “đáng giá ngàn vàng” với số “ngoài bốn trăm” bằng sự mặc cả riết róng. Tất cả những thủ tục sau đó: canh thiếp, nạp thái, vu quy... chỉ là những điều giả dối, thực chất của cuộc mua bán đã hoàn tất, đã được kết luận đầy đủ và khái quát: “Tiền lưng đã có, việc gì chẳng xong”. Đồng tiền đã đem tai họa đến gieo lên cuộc đời những con người lương thiện, đã làm cho cuộc đời người con gái tài sắc tuyệt vời bị dập vùi tan nát từ đấy...

Các bài học liên quan
Soạn bài Phong cách Hồ Chí Minh
Qua văn bản Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà, em hãy viết đoạn văn cho biết tại sao Hồ Chí Minh có được một vốn văn hoá nhân loại sâu rộng và phong phú?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật