Bài số 18: Phân tích đoạn trích Lục Ván Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Trích Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

Lục Vân Tiên là truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đinh Chiểu, một nhà thơ lớn người Nam bộ thế kỷ XIX. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là linh hồn của tác phẩm.

BÀI LÀM 1

Lục Vân Tiên là truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đinh Chiểu, một nhà thơ lớn người Nam bộ thế kỷ XIX. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là linh hồn của tác phẩm. Cả hai đều mang vẻ đẹp của những con người lí tưởng, điều đó ta có thể cảm nhận qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Chuyện anh hùng đánh cướp giúp dân làng và chuyện anh hùng - giai nhân tương ngộ được nhà thơ kể lại một cách sinh động, lôi cuốn làm ta không thể nào quên được.

Lục Vân Tiên - một chàng trai mới trải qua mười sáu mùa xuân tươi, vừa rời trường học, đang chuẩn bị hành trang bước vào cánh cửa của cuộc đời, lòng đầy hăm hở, muốn lập công danh "danh tôi đặng rạng, tiếng thầy bay xa" cho mình và một phần cũng muốn khuếch trương người thầy của mình, cũng mong thi thố tài năng cứu người, giúp đời. Gặp tình huống "bất bằng" này là một thử thách đầu tiên khi tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài và cũng là một dịp may, một cơ hội để thể hiện tài năng:

Tôi xin ra sức anh hào
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này

Hành động đánh cướp giải nguy cho người bị hại nước hết đã bộc lộ tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của chàng trai trẻ Lục Vân Tiên. Chàng chỉ có một mình, lại không có vũ khí phòng thân trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đầy đủ, thanh thế lẫy lừng, vang vọng khắp chốn nhân gian: "Người đều sợ nỗ có tài khôn đương". Vậy mà Vân Tiên không một chút do dự nề hà, tính toán thiệt hơn, nhanh nhạy "bẻ cây làm gậy" xông thẳng vào giữa đám cướp.

Hình ảnh Lục Vân Tiên trong trận đánh bọn cướp được miêu tả thật đẹp, có thể sánh ngang với dũng tướng Triệu Tử Long trong Tam Quốc mà người Việt Nam có rất nhiều thế hệ hâm mộ, không mấy ai không thán phục. Hành động của chàng thư sinh họ Lục thể hiện một con người có đạo đức, "vị nghĩa vong thân". Cái tài của bậc anh hùng và cái sức mạnh bênh vực kẻ yếu đã làm nổi bật lên phẩm chất và tính cách của Lục Vân Tiên.

Cách cư xử sau khi đánh cướp lại một lần nữa bộc lộ phẩm chất tốt đẹp của con người chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài cũng rất từ tâm, nhân hậu. Sau khi tàn quân của bọn cướp đã bỏ chạy hết, thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, e sợ, Vân Tiên "động lòng" tìm cách an ủi, vỗ về "ta đã trừ dòng lâu la" và ân cần hỏi han. Hành động của chàng trai họ Lục rất đàng hoàng, chững chạc, nhất là thái độ ứng xử với hai cô gái đẹp "khoan khoan ngồi đó chớ ra" càng thể hiện chàng là một con người có học vấn, ở đây có phần câu nệ của lễ giáo chủ yếu là đức tính khiêm nhường có pha một chút rụt rè. Với cử chỉ nghĩa hiệp “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”, chàng thư sinh trẻ Lục Vân Tiên không muốn nhận cái lạy tạ của hai cô gái trẻ xinh đẹp và từ chối lời mời về thăm nhà của Nguyệt Nga để cha nàng có cơ hội đền đáp công ơn cứu mạng. Ở đoạn sau chàng từ chối không nhận chiếc trâm vàng của Kiều Nguyệt Nga, hai bên chỉ cùng xướng một bài thơ rồi Lục Vân Tiên ra đi không vấn vương tiếc nuối. Dường như đối với Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên. Con người "trọng nghĩa khinh tài" ấy không coi đó là một công trạng. Đây là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của một bậc anh hùng hào hiệp. Qua những tính cách và phẩm chất đó, bạn đọc có thể thấy rõ nhân vật Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp, lý tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu có thể gửi gắm niềm tin và ước mong của mình.

Về phần Kiểu Nguyệt Nga, một cô gái khuê các, đoan trang, thùy mị và có học thức được biểu hiện qua những lời giãi bày của nàng đối với Lục Vân Tiên. Lời lẽ và cách xưng hô của Nguyệt Nga "quân tử", "tiện thiếp" càng tô đậm vẻ đẹp học thức cho nàng. Lời nói văn vẻ, dịu dàng mực thước, cách trình bày vấn để rõ ràng, khúc chiết, vừa đáp ứng đầy đủ những điều thâm hỏi của Lục Vân Tiên, vừa thể hiện sự chân thành tấm lòng cảm kích, xúc động của mình:

Trước xe quân tử tạm ngồi
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa

Nguyệt Nga là một con người rất mực đằm thắm, ân tình.

Ơn ai một chút chẳng quên

Huống hồ đây lại là một cái ơn rất lớn, không chỉ là ơn cứu mạng mà còn cứu cả một cuộc đời con gái trong trắng, trinh tiết của nàng.

Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.

Bởi vậy, nàng rất áy náy, băn khoăn tìm cách để đền ơn cho dù nàng biết rằng cố đền đáp bao nhiêu cũng chưa đủ với tấm ân tình sâu nặng này của Lục Vân Tiên.

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi

Cuối cùng, Nguyệt Nga chọn một quyết định rằng nàng sẽ tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với Lục Vân Tiên, một chàng trai khảng khái, hào hiệp, nàng quyết giữ trọn ân tình, thủy chung với chàng.

Với mục đích viết để truyền dạy đạo lý, Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm ước muốn về một người anh hùng "vì nghĩa vong thân" và một cô gái nết na, trọng đạo nghĩa vào hai nhân vật lý tưởng trong đoạn trích. Ta càng trân trọng hơn tấm lòng của một nhà thơ mắt không còn sáng nhưng tấm lòng luôn sáng, sống và chiến đấu vì chính nghĩa đến hơi thở cuối cùng.

 

BÀI LÀM 2

Mở đầu truyện Lục Vân Tiên, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết:

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình...

Lời thơ giản dị, rành rẽ như một tuyên ngôn, định hướng cho bước đi của toàn bộ tác phẩm. Với nhà thơ xứ dừa ấy, sáng tác văn chương không phải vì sự nghiệp văn chương mà trước hết, quan trọng hơn hết là vì mục đích giáo dục, truyền bá đạo lí, nhân cách con người. Truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ được nhân dân ta - nhất là bà con ở Nam Bộ - yêu thích không phải vì có nhiều câu hay, lời đẹp, nghệ thuật tinh tế mà vì những chi tiết, sự việc, những nhân vật tỏa sáng đạo lí, vì những ý tưởng giáo huấn chân thành, thấm thìa. Nội dung đạo lí bao trùm toàn thiên truyện là nhân nghĩa, là hiếu trung, tiết hạnh. Song đấy không phải những từ ngữ khô khan trói trong khuôn khổ phong kiến cổ hủ, nặng nể.

Với Nguyễn Đình Chiểu, nhân nghĩa là đạo đức của nhân dân, là căn cốt, gốc rễ để trau dồi, rèn giũa con người. Vì vậy, vào đầu tác phẩm - ở đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga - nhà thơ đã hào hứng giới thiệu hai con người trẻ tuổi, biết hướng theo lòng nhân, biết hành động theo việc nghĩa. Đó là Lục Vân Tiên - chàng trai dũng cảm, có lòng "nhân" sẵn sàng làm việc "nghĩa". Vân Tiên vốn con nhà thường dân, nhưng học giỏi, văn võ kiêm toàn. Chàng đang háo hức trên con đường lên kinh ứng thi. Vậy mà gặp cướp. Không phải chúng gây sự với chàng, mà chúng đang quấy nhiễu nhân dân. Trước mắt chàng bày ra một nghịch cảnh: dân thì "than khóc tưng bừng, đều đem nhau chạy vào rừng lên non"; bọn cướp thì "xuống thôn hương, thấy con gái tốt qua đường bắt đi". Thế là, sau một lời hứa ngắn gọn: "Tôi xin ra sức anh hào...", Lục Vân Tiên nhanh nhẹn "ghé lại bên đàng, bẻ cây làm gậy", xông thẳng vào giữa bọn cướp. Bọn cướp đông đặc. Tên tướng cướp "mặt đỏ phừng phừng", dữ tợn như một con ác thú. Chúng "truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng". Lực lượng quá chênh lệch. Bên kia là cả lũ lâu la đông như ong, như kiến. Bên này chỉ... độc nhất một mình chàng trai dũng cảm với lời hứa chân thành "Cứu người ra khỏi lao đao buổi này", với vũ khí giản dị "cây gậy bên đàng". Vậy mà, chàng không chút nao núng:

Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Đang.

Nhà thơ không tả tỉ mỉ trận giao chiến mà chỉ kể ngắn gọn bằng mấy dòng thơ, một câu so sánh và dăm ba từ đặc sắc: "tả đột hữu xông, khác nào Triệu Tử..." Đúng là một dũng tướng, đánh nhanh, kín võ, sánh ngang với Triệu Từ Long thời Tam Quốc trong trận phá vây quân Tào Tháo ở Dương Dương trường bản. Ngày xưa Triệu Tử Long chiến đấu vì ngôi vua nhà Hán, vì bảo vệ ấu chúa A Đẩu, dù sao vẫn là nghĩa vụ của một bầy tôi trung thành. Còn ngày nay, Lục Vân Tiên chiến đấu vì người dân gặp nạn, cứu dân, trừ ác, xuất phát từ lòng nhân. Giản dị, vô tư mà trong sáng, cao đẹp biết bao. Cuộc chiến đấu của chàng y như trận đánh của Thạch Sanh, diệt đại bàng cứu công chúa. Sức mạnh của Lục Vân Tiên là sức mạnh của nhân dân, của điều thiện. Do đó, nó vô địch:

Lâu la bốn phía vở tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong...

Lời thơ chân chất có chỗ còn thô mộc, song hồn thơ chan chứa dạt dào. Đọc Lục Vân Tiên, chúng ta thường gặp nhiều câu chữ chân mộc như thế. Thơ chân mộc, nhưng cảm hứng tác giả vẫn bay bổng, mộng mơ. Ngỡ như người thi sĩ mù ấy vừa kể chuyện vừa rung đùi thích thú, gửi tới bạn đọc một lẽ phải nhận tiền: người có lòng nhân, biết làm việc thiện thì sẽ thắng. Kẻ độc ác, bất nhân sẽ thảm bại như thế đấy. Xuất phát từ lòng nhân, Lục Vân Tiên đã làm được một việc "nghĩa", một việc xứng đáng được gọi là anh hùng.

Tự nguyện dấn thân vào vùng nguy hiểm, chiến đấu hết mình, thắng lợi rực rỡ..., tất cả đều vì nhân nghĩa, nên sau thắng lợi, Lục Vân Tiên không một chút kiêu ngạo. Trái lại, chàng thật khiêm nhường, chính trực. Nghe cô hầu Kim Liên than thở như vẫn còn hoảng sợ, Vân Tiên động lòng thương, an ủi: "ta đã trừ dòng lâu la". Rồi ôn tồn, chàng thăm hỏi ngọn ngành từ tên họ, gia cảnh, đến quê hương, nguyên cớ gặp nạn của hai cô gái. Trong lời chàng, có ý còn lạc hậu, ảnh hưởng quan niệm phong kiến "nam nữ thụ thụ bất thân", song tất cả đều chân thành, dung dị, rất đáng mến. Đáng mến, đáng phục hơn nữa là sau khi nghe cô tiểu thư Kiều Nguyệt Nga - nạn nhân được chàng cứu giúp - kể lể, thở than, ca ngợi và tha thiết muốn tri ân, thì:

Vân Tiên nghe nói liên cười

"Cái cười đáng yêu, đáng kính sao! Một là cái cười của anh hùng quân tử, hai là cái cười của anh con trai, ba là cái cười của quần chúng rộng lượng, đều ở trên môi Vân Tiên" (Xuân Diệu - Đọc lại thơ văn Nguyễn Đình Chiểu). Sau nụ cười đáng yêu ấy là lời nói, cũng rất đáng yêu:

"Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Nay đã rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì"

Đúng là giọng nói, cách nói của chàng trai Nam Bộ - nôm na giản dị. Nó cất lên từ một cõi lòng chất phác. Chất phác, là cái bên ngoài, cái vỏ xù xì, thô ráp. Nhưng phía trong, phần ruột thì cao đẹp, thắm đỏ, ngọt ngào thơm thảo một quan niệm nhân sinh, rất hào hiệp, vô tư của cả một lớp người, một thế hệ con người. Chúng ta hiểu lời của Lục Vân Tiên như thế nào? Trước hết, chàng khẳng định việc mình làm là hoàn toàn tự nguyện. Gọi là ơn cũng được, hay nên xem đó là việc "ơn nghĩa”. Làm việc "ơn nghĩa" thì không nên đợi trả ơn, tính hơn thiệt, lời lãi... Vì "ơn nghĩa" là lẽ thông thường của người sống có văn hóa, đang theo đòi kinh sử, người hướng về nghĩa khí, lấy nghĩa lớn, lấy chữ nhân, lòng nhân vì nghĩa lớn trừ kẻ ác, bảo vệ người lương thiện. Chàng chỉ mong Nguyệt Nga - cũng như mọi người "rõ đặng nguồn cơn" - nghĩa là hiểu rõ, cảm thông với hành động của chàng. Sau nữa, chàng nhắc tới sử sách, nhắc lời các bậc hiền nhân xưa. Người xưa nói: "Kiến ngãi bất vi vô dũng dã". Nghĩa là: Thấy việc nghĩa mà không làm, không phải người dũng cảm. Cách nói của chàng giản dị hơn: "Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, làm người thế ấy cũng phi anh hùng". "Phi anh hùng" là những kẻ tiểu nhân, hèn nhát. Lời của Vân Tiên chắc nịch, vừa để đối chứng, phê phán những kẻ tầm thường, vừa khẳng định việc làm là đúng đắn, là tất yếu, hiển hiện, thuộc căn cốt, gốc rễ trong lẽ sống của mình. Đó cũng là lẽ sống của biết bao hiền nhân, quân tử ngày xưa, bao con người chân chính ngày nay. Lời chàng, nhân cách của chàng gợi nhớ Từ Hải, nhân cách Từ Hải trong Truyện Kiều: "Anh hùng tiếng đã gọi rằng, giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha". Thế đấy, Lục Vân Tiên là một chàng trai dũng cảm, trọng nghĩa, khinh tài, tiêu biểu cho những chàng trai Nam bộ hảo hán của một thời.

Còn Kiều Nguyệt Nga, nàng cũng là một cô gái biết trọng nghĩa tình. Sau khi được cứu thoát khỏi tay bọn bất nhân, độc ác, nàng vô cùng xúc động. Nàng đã nói những lời đẹp nhất để cám ơn ân nhân:

Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,
Tiết trăm năm cũng bỏ đì một hồi.
Trước xe quân tử tạm ngồi,
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa...

Nói "tiết trăm năm" là nói việc hệ trọng của cả một đời người. "Lạy rồi sẽ thưa" cũng là một thái độ kính nể, thiêng liêng trong quan hệ của con người. Một cô tiểu thư vốn quen được yêu chiều, quen được bảo vệ, chở che mà xử sự như thế, hạ mình như thế, đâu phải chuyện dễ dàng. Nguyệt Nga là tiểu thư - con quan tri phủ - nhưng nàng được giáo dục chu đáo, nàng gắn bó với những người dân, nên tiếp nhận được đạo đức của nhân dân. Đạo đức ấy là chữ "ân", chữ "nghĩa". Do đó, sau những phút giao đãi mở đầu, nàng thẳng thắn bày tỏ ý nguyện đền đáp công lao cứu mạng của Lục Vân Tiên. Thái độ và lời nói của nàng có cái gì như lúng túng, ngượng ngập, nhưng chất phác, "nghe thánh thót bên tai giọng nói của cô gái miền Nam" (Xuân Diệu).

Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.

Nguyệt Nga nói tới "của tiền, vàng bạc" để giãi bày tâm sự thiếu hụt về vật chất. Lại nói tới "báo đức thù công" - đền đáp ơn đức, công lao. Rồi than thở "Lấy chi cho phỉ tấm lòng..." để giãi bày sự lúng túng về tinh thần, những xúc động có thật của một tâm hồn trong trắng. Sau đó Nguyệt Nga có mời Vân Tiên về nhà mình để tạ ơn, nhưng chàng từ chối. Nàng băn khoăn, day dứt khôn nguôi. Chỉ đến khi thấy "Vân Tiên nghe nói liền cười..." và an ủi: "Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, Làm người thế ấy cũng phi anh hùng Nguyệt Nga mới khuây khỏa hỏi thăm gia cảnh, tuổi tên của vị ân nhân... Cuối cùng, nàng đã rút cây trâm đang cài đầu tặng Vân Tiên làm kỉ vật, cũng là gửi gắm một tín hiệu của tình yêu chung thủy sau này. Vậy đấy, ngay phút gặp gỡ ban đầu với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga đã tỏ rõ một tâm hồn trung hậu, nết na. Tâm hồn ấy bắt nguồn từ đâu, nếu không phải từ đạo lí nhân nghĩa của nhân dân ta, nhất là nhân dân Nam bộ quê hương Nguyễn Đình Chiểu.

Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng: Lục Vân Tiên là Truyện Kiều của nhân dân Nam bộ.

Vân Tiên, Vân Tiên, Vân Tiên
Cho tôi một tiền, tôi kể truyện thơ...

Những nghệ sĩ hát rong vùng đồng bằng sông Cửu Long thường giáo đầu bài hát Lục Vân Tiên bằng câu ca như thế. Ngay sau đó, buổi diễn xướng dân gian được đông đảo bà con hưởng ứng, quây tròn quanh người kể chuyện. Người diễn, người nghe giao hòa, say đắm hàng giờ, hàng buổi. Một trong những đoạn truyện được mọi người yêu thích là đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Yêu thích không phải vì văn chương chải chuốt, nghĩa lí thâm trầm như Truyện Kiều, mà trước hết vì phẩm chất tốt đẹp của hai con người, vì tấm lòng nhân nghĩa dung dị của nhà thơ. Và còn vì nghệ thuật ngôn từ, giọng điệu phóng khoáng, chân mộc ở mỗi trang thơ, kể chuyện cũng như khắc họa tính cách nhân vật. Tất cả những nét riêng, những vẻ đẹp ấy của tác phẩm phù hợp với phong cách sống, với ước mơ, khát vọng giản dị mà trong sáng, cao cả của nhân dân.

Các bài học liên quan
Bài số 14: Cảm nhận về sáu câu thơ đầu trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật