Bài số 24: vẻ đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Hình tượng trung tâm của thơ ca kháng chiến chống Pháp là anh bộ đội cụ Hồ - những người nông dân ra lính. Không thể kể hết có bao nhiêu tác phẩm hay viết về họ, chỉ biết rằng những người lính "áo vải chân không" ấy đã được khắc họa ở nhiều phương diện.

BÀI LÀM 1

Hình tượng trung tâm của thơ ca kháng chiến chống Pháp là anh bộ đội cụ Hồ - những người nông dân ra lính. Không thể kể hết có bao nhiêu tác phẩm hay viết về họ, chỉ biết rằng những người lính "áo vải chân không" ấy đã được khắc họa ở nhiều phương diện. Ta bắt gặp họ và sự gắn bó thân thiết với quê hương qua lời tâm sự của người vợ trong Thăm lúa của Trần Hữu Thung, trong tình yêu lứa đôi cùng những đau thương, mất mát của dân tộc mà Vũ Cao đã ghi lại trong Núi đôi. Đến với Đồng chí của Chính Hữu ta lại bắt gặp thêm một tình cảm rất mới mẻ, rất thời đại - tình đồng chí.

Trước hết, đọc bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, người đọc cảm nhận sâu sắc cuộc chiến đấu gian khổ của chín năm kháng chiến, cơ sở hình thành tình đồng chí giản dị. Họ - những người lính nông dân ra đi từ những miền quê nghèo khó: Nơi trung du đất đai cằn cỗi hay miền đồng chiêm trũng vùng ven:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Chỉ với việc sử dụng câu thành ngữ nước mặn đồng chua, Chính Hữu đã gợi ra cho chúng ta hình dung về nguồn gốc xuất thân của những người chiến sĩ. Tất cả đều là những chàng trai chân đất, sống nơi vùng quê nghèo khổ.

Nhưng cách mạng đã mang đến cho họ mối quan hệ mới. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ bước chân vào cuộc đời lính:

Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Những người nông dân chân chất dưới ngòi bút của Chính Hữu, họ lại gặp nhau chung một lí tưởng: lòng yêu Tổ quốc. Ta không còn nhận ra anh và tôi nữa. Đã thành những anh, những tôi, nhòa đi sau những khẩu súng, những mái đầu, những tấm chăn và những đôi tri kỉ. Để rồi cuối cùng chỉ nói lên, chỉ đọng lại, chỉ kết tinh trong một Đồng chí mà thôi:

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!

Tác giả đã tả thực những giây phút bên nhau cùng chiến đấu. Tình cảm ấy thật ngọt ngào, thân thương. Đặc biệt, giọng thơ đang liền mạch, bỗng ngắt nhịp đột ngột thành câu thơ riêng.

Đồng chí!

Nó như một nốt nhấn của bản nhạc đồng ca, bật lên âm hưởng gây xúc động lòng người. Tình đồng đội ấy thật chân thành, nó vượt qua bao khó khăn thử thách.

Trong những năm tháng gian lao ấy, sức mạnh của tình đồng chí cao cả biết chừng nào, cùng sẻ chia tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ gia đình, quê hương:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính

Những lúc cận kề bên nhau, họ lại kể nhau nghe chuyện quê nhà. Chuyện "ruộng nương" rồi hoàn cảnh gia đình. Chỉ bấy nhiêu chữ thôi đã nói được tình cảm quê hương đối với người chiến sĩ. Tình đồng chí đan kết với tình bạn bè, quê hương, tình tiền tuyến hậu phương. Cảnh ngộ ấy cho ta thấy vẻ đẹp tinh thần của người lính, sự hi sinh, tinh thần dành cho người lính - (Vũ Quần Phương).

Tình đồng chí được nâng lên thay đổi về chất trong tình thương yêu giữa những người lính, càng hiểu thấu lí tưởng, mục đích chiến đấu, nhìn về nhau, nhìn về chính mình, họ cùng từ giã quê hương nghèo, cùng đi lính, gắn bó sâu sắc hơn.

Tình đồng chí đồng đội đã giúp các anh vượt qua bao khó khăn về vật chất, quân trang, quân phục:

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Bằng những chi tiết rất thực, nhà thơ đã miêu tả rõ nét cuộc sống chiến đấu gian khổ vất vả nhưng không thiếu niềm vui của người chiến sĩ, những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Dẫu áo anh có rách vai, quần tôi có vài mảnh vá thì miệng vẫn nở nụ cười. Ai là chủ nhân của miệng cười buốt giá? Và của những bàn tay đang nắm lấy bàn tay? Đó là những đồng chí, những anh vệ quốc quân từ nhân dân mà ra.

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Tình cảm chân thành tha thiết ấy không diễn tả thành lời mà thể hiện bằng hành động. Chính Hữu đã thể hiện điều đó thật giản dị, rất mộc mạc không ồn ã nhưng thấm chia. Bàn tay giao cảm thay cho lời nói. Bàn tay nói lời im lặng của sự đoàn kết, sự gắn bó, sự cảm thông và cả niềm hứa hẹn lập công. Bàn tay nói được những gì muốn nói:

Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình
Điều chưa nói thì bàn tay ta đã nói
                                 (Lưu Quang Vũ)

Những người lính còn chung nhau một cơn sốt rừng:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi

Với Chính Hữu - một nhà thơ - một người chiến sĩ cách mạng đã trải qua những năm tháng gian lao, ông đã viết những câu thơ giản dị ấy. Ta bắt gặp đâu đây cả trung đoàn bị sốt rét mà không có đến một viên kí ninh, đến nỗi cả trung đoàn rụng tóc mà Quang Dũng đã ghi lại chân thực:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
                               (Tây Tiến - Quang Dũng)

Tuy vất vả, khó khăn nhưng những người lính vẫn vượt qua tất cả khó khăn. Họ đã tìm được giặc trên sông Lô, họ đã đánh chợ Đồn. Sức mạnh làm nên chiến thắng của những anh bộ đội chân đất áo nâu chính là tình đồng chí - vẻ đẹp tinh thần cao quý của các anh.

Sức manh của tình đồng chí là hình ảnh cao đẹp nhất của sự sẻ chia thầm lặng, là sự cảm thông yêu thương đến tột cùng. Tình cảm đồng chí giúp họ xiết chặt gần nhau hơn để họ cùng vượt qua gian khó, là sức mạnh chiến thắng.

Hơn thế nữa, đọc tác phẩm Đồng chí ta cảm nhận được sự lớn lên trong tâm hồn người chiến sĩ qua tình cảm lớn là tình đồng chí:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Đầu súng trăng treo - một hình ảnh cô đọng giàu cảm xúc. Trong thơ cổ đã có trăng treo đầu núi. Đến Chinh phụ ngâm trăng vẫn treo trên đầu núi và gợi một cảm giác quạnh quẽ thê lương:

Non kì quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.

Nhưng Chính Hữu đã dùng hình ảnh vầng trăng treo trên đầu súng tạo ra những liên tưởng phong phú và giàu chất lãng mạn. Súng và trăng ở đây đã trở thành một cặp đồng chí. Cặp đồng chí này nói về cặp đồng chí kia, nó gợi đến cái vô cùng. Súng và trăng - gần và xa; súng và trăng - cứng rắn và dịu hiền; súng và trăng - chiến sĩ và thi sĩ; súng và trăng... là biểu tượng của tình đồng chí. Sự kết tinh giữa yếu tố hiện thực với tình cảm lãng mạn, trong trẻo, là màu sắc mới mẻ mà Chính Hữu sớm mang lại cho thơ.

Vẻ đẹp của người lính hoàn thiện có sự hòa quyện giữa thép và tình. Đầu súng trăng treo trong tư thế đứng chờ giặc tới ánh sáng hòa bình mơ về ngày mai chiến thắng chợt hiện về trong tâm hồn người lính. Đó là tư thế chiến đấu lần đầu tiên xuất hiện trong thơ.

Đồng chí! Hai tiếng thân thương lắng đọng trong lòng người đọc gần nửa thế kỉ nay. Tình cảm đồng chí, đồng đội là một nét đẹp truyền thống của người lính và được nhân lên trong đời sống, trở thành một nét đẹp riêng tư tình đời, tình người của nhân dân Việt Nam.

Tình đồng chí - thứ hành trang tuyệt vời nhất đã đồng hành cùng người lính suốt chặng đường kháng chiến chống Pháp để góp phần giúp họ làm nên chiến thắng "chấn động địa cầu". Hành trang ấy lại được đem theo suốt hành trình chống Mỹ.

Giờ đây nó trở thành nét đẹp truyền thống của những người lính và được nhân lên trong cuộc sống, trở thành một biểu hiện rực rỡ của dân tộc, của thời đại.

BÀI LÀM 2

Là một người lính làm thơ, Chính Hữu viết về chính mình và đồng đội. Bởi thế, ta bắt gặp trong thơ viết về người lính của ông sự chân thật, giản dị đến mộc mạc.

Người lính trong thơ Chính Hữu vừa là người lính rất "xưa" với sự tiếp nối truyền thống anh hùng của con người Việt Nam, nhưng đồng thời cũng mang những nét rất mới, rất hiện đại. Tiêu biểu cho hơi thở thơ hiện đại đó là tình đồng chí - đồng đội, thứ tình cảm đã được người lính đem theo suốt hành trình ra trận và tạo thêm cho họ sức mạnh để đi đến chiến thắng.

Suốt bài thơ có hai hình ảnh sóng đôi xuyên suốt: Tôi và anh làm nên một cặp đồng chí. Cặp đồng chí ấy có chung những xuất phát điểm:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Họ có chung những hoàn cảnh xuất thân từ những vùng quê nghèo khổ, vất vả lam 1ũ, từ những con người xa lạ họ trở thành quen nhau, người lính trong bài thơ thực sự là những người dân lao động chung một giai cấp, một mục đích, một nguyện vọng, một nhiệm vụ cao cả chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc chiến tranh khắc nghiệt, gian khổ, người lính đã xích lại gần nhau hơn. Không hẹn mà gặp gỡ ở chiến trường:

Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chân thành đôi tri kỉ
Đồng chí!

Những người lính còn có chung cả những suy nghĩ, việc làm, hành động. Chung một vị trí chiến hào, giữ gìn và bảo vệ biên cương của Tổ quốc, chung những lời tâm sự sẻ chia, chịu đựng sự gắn bó chan hòa với nhau, vui buồn sướng khổ có nhau. Từ trong cuộc đấu tranh gian khổ ấy họ trở thành những đôi bạn đồng cảnh tương giao, tri kỉ.

Câu thơ hai chữ "Đồng chí" cấu trúc đặc biệt như một nhịp điệu bác cầu khép lại những điểm chung, những cơ sở xuất phát từ tình đồng chí và mở ra những biểu hiện cao đẹp của họ. Hai chữ "Đồng chí" rút ngắn đến tối đa khổ độ của câu thơ như một dấu nhấn, một dấu son trong bản nhạc. Đây chính là biểu hiện cao độ của tình người, cao hơn tình người là tình giai cấp - tình bạn và thiêng liêng cao cả hơn tình bạn là tình đồng chí. Có chung một mục đích và lí tưởng cao đẹp. Người lính còn phải cảm hiểu lầm nhau cả trong đời sống riêng tư sâu thẳm, hoàn cảnh cá nhân của mỗi con người, đó là sự ra đi làm nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao cho họ. Tất cả những người lính sinh ra và lớn lên từ một miền quê, đều gắn bó với những kỉ niệm êm đềm đẹp đẽ. Giờ đây họ phải gửi lại hậu phương tất cả…

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính

Hình ảnh giếng nước, gốc đa, ruộng nương, gian nhà là những kỉ niệm vui buồn, những giá trị vật chất và tinh thần, những lời ước hẹn, những bóng dáng thân thương của quê hương mà người lính gửi lại để ra đi.

Hai chữ "mặc kệ" đã nói lên tất cả quyết tâm của người lính gửi lại hậu phương với một niềm tin vững vàng đinh ninh với người ở lại. Hình ảnh giếng nước, gốc đa là ẩn dụ tình cảm những người thân yêu nhất mà người lính gửi gắm và có được ở quê hương, tình cảm của họ chân thành giản dị như hạt lúa củ khoai và cảm hiểu nhau cả trong quá khứ và hiện tại. Ở chiến trường, tôi với anh trở thành một cặp đồng chí xích lại gần nhau hơn.

Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày...

Câu thơ ngắn lại một nhịp với những cặp sóng đôi, hình ảnh đối chứng những đồng chí, đồng đội cùng chịu, cùng chia, cùng nếm trải thấm thía những khó khăn thử thách, cùng sóng bước trên con đường chiến đấu.

Những câu thơ trên còn cho ta thấy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta trong những ngày đầu còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn, gian khổ mọi bề, đòi hỏi ở người lính có một quyết tâm rất cao để vượt qua, càng trong khó khăn gian khổ, người lính càng lạc quan tin tưởng, càng đoàn kết chặt chẽ và gắn bó với nhau hơn bao giờ hết. Hình ảnh chung đúc và là kết quả của tất cả những biểu hiện, suy nghĩ, hành động, việc làm thiết thực và cụ thể được gói trọn trong một câu thơ, một hình ảnh hiện hữu, bình dị nhưng vô cùng thiêng liêng đó là:

Thương nhau tay nám lấy bàn tay.

Hơn mọi lời nói, đây chính là sức mạnh, là hơi ấm, là tình đoàn kết nhất trí, là sự vượt lên và chiến thắng, hai người đồng chí ấy chan hòa vào nhau, lẫn vào trong nhau trên con đường và nhiệm vụ vinh quang mà nhân dân giao phó. Cũng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã bắt gặp rất nhiều những hình ảnh, những bài thơ viết về người lính như Tố Hữu với bài thơ Cả nước Minh Huệ với Đêm nay Bác không ngủ, Hồng Nguyên với bài Nhớ... tất cả đều ngợi ca vẻ đẹp kì diệu của người lính cách mạng giản dị, chân phương rất đỗi hiện thực nhưng vô cùng cao đẹp. Chúng ta không thể quên được những câu thơ của Hồng Nguyên:

Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai ”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mười bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh

Chiến hào là nơi giáp mặt với kẻ thù, sự sống và cái chết xảy ra trong gang tấc. Đây chính là nơi thử thách cao nhất của tình đồng chí sống chết có nhau, chiến trường khắc nghiệt ấy còn có thêm những cái gian khổ khó khăn của thời tiết, khí hậu:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Bên cạnh súng đạn, bom mìn ác liệt còn có cái buốt giá tái tê của sương ngăn gió núi, đêm hôm khuya khoắt mịt mùng. Ngần ấy những khó khăn không thể làm lay chuyển được ý chí và quyết tâm của người lính. Họ đã:

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Chỉ một cụm từ bốn tiếng "Đứng cạnh bên nhau" đã làm cho câu thơ và hiện thực thời gian, không gian trở nên ấm áp, vui vẻ, làm nên tư thế sẵn sàng tự chủ, đẩy lùi những khó khăn thử thách. Sự bình thản an nhiên của người lính tư thế chủ động tấn công của họ được khẳng định trong cụm từ "chờ giặc tới" bất chấp mọi sự nghiệt ngã gian khổ đời thường.

Hình ảnh "đầu súng trăng treo" hiện về lung linh, lãng mạn giữa hiện thực. "Súng" và "trăng" là hai chi tiết tạo hình độc đáo vừa hiện thực vừa lãng mạn, tiêu biểu cho một phát hiện mới lạ, độc đáo của Chính Hữu. Câu thơ còn là bút pháp đối lập, triệt để cụ thể. Súng và trăng, chiến tranh và hòa bình, chiến sĩ và thi sĩ, hiện thực và lãng mạn. Phải nói đây là những phút kì diệu, sự thăng hoa cao độ của tâm hồn, tình cảm, Chính Hữu mới có được những hình ảnh thơ đẹp nhất của chiến trường và trở thành cao trào của tình cảm, mạch nguồn của cảm xúc và nhan đề của tập thơ.

Cả bài thơ 20 câu nhưng phải đến 19 câu là tập trung phản ánh hiện thực cuộc sống chiến tranh và vẻ đẹp của người lính, của tình đồng chí, đồng đội. Trong cuộc chiến tranh ấy, chỉ duy nhất một câu thơ cuối cùng là đan xen hình ảnh lãng mạn nhưng chỉ một hình ảnh ấy thôi cũng đủ cho bài thơ cất cánh bay cao và bay xa vào hiện thực, sống mãi với lịch sử và thời gian, neo đậu trong kí ức và tâm hồn mỗi người Việt Nam trong nền văn học dân tộc thời hiện đại.

Tình đồng chí đã trở thành thứ vũ khí hiện đại nhất, mạnh mẽ nhất và cũng bền bỉ nhất mà người lính mang theo trong hành trang của mình. Nó mãi mãi là sự kết tinh, sự thăng hoa cao độ trong tâm hồn, tình cảm của những con người cùng chung chí hướng, cùng mang trong mình dòng máu Việt, trở thành một biểu tượng đẹp cho những người lính cụ Hồ trong mọi thời đại.

Các bài học liên quan
Bài số 16: Trong Truyện Kiều, Nguyên Du viết:  Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Trình bày cảm nhận về ý thơ trên?
Bài số 14: Cảm nhận về sáu câu thơ đầu trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật