Bài số 21: Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu đã trở thành quen thuộc với bạn đọc hơn nửa thế kỉ và cũng "hơn nửa thế kỉ, từ "đồng chí" trong ngôn ngữ chúng ta là tiếng xưng hô của những người chung lí tưởng cộng sản.

BÀI LÀM 1

Bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu đã trở thành quen thuộc với bạn đọc hơn nửa thế kỉ và cũng "hơn nửa thế kỉ, từ "đồng chí" trong ngôn ngữ chúng ta là tiếng xưng hô của những người chung lí tưởng cộng sản. Nói đến bài thơ là nói đến tình đồng chí keo sơn gắn bó của người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp. Bài thơ phản ánh vẻ đẹp của tâm hồn con người Việt Nam, những người nông dân hiền lành, bình dị nhất, dưới ánh sáng của cách mạng đã "rũ bùn đứng dậy" để lấp lánh một vẻ đẹp mới, vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.

Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã đem lại cho người dân Việt Nam, những người nông dân, những người nghèo - biết bao điều lớn lao mới mẻ mà một trong những điều đó là những tình cảm mới, những mối quan hệ mới giữa con người với con người. Nó không còn bó hẹp trong những quan hệ huyết thống - gia đình, họ tộc... - vốn là những ràng buộc cơ bản, lâu đời trong xã hội Việt Nam. Từ "đồng chí" được khai sinh trong ngôn ngữ Việt Nam chính vào lúc đó. Cùng với bao từ ngữ mới của cuộc Cách mạng, nó đem đến cho người nông dân một ánh sáng mới, dù có thể ngay cả ý nghĩa của nó người ta cũng chưa hiểu hết (như nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, anh thanh niên trong Đôi mắt của Nam Cao). Những bài thơ Đồng chí không bắt đầu từ những mới mẻ lớn lao ấy. Nó mở đầu bằng lời tâm tình của hai người bạn, hai người nông dân cùng vào bộ đội:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Những câu thơ mộc mạc tự nhiên, mặn mà như một lời thăm hỏi. Quê quán, cửa nhà, vẫn là những điều "đầu câu chuyện" của người bình dân Việt Nam. Thật dễ cởi mở và thân thiết khi cùng một cảnh ngộ: mỗi người một vùng quê, khác nhau về địa giới nhưng giống nhau cái nghèo. Họ hiểu nhau, thương nhau, tri kỉ với nhau bằng tình tương thân tương ái vốn có từ lâu giữa những người nghèo, người lao động. Nhưng "tự phương trời" họ về đây không phải do cái nghèo xô đẩy, mà để cùng đứng trong một đội ngũ chiến đấu vì đất nước. Trong cái quen thuộc như mình gặp chính mình còn có thêm niềm tự hào chung, niềm gắn bó mới: "Súng bên súng đầu sát bên đầu". Họ sống bên nhau trong một cuộc sống - chiến đấu mới, chia sẻ với nhau những gian khổ vui buồn của cuộc sống - chiến đấu ấy: "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ...". Và từ trong những sẻ chia, gắn bó ấy, hai tiếng "đồng chí" mới vang lên...

Không còn là một từ mới, dù thiêng liêng, đẹp đẽ nhưng vẫn là một khái niệm, một tên gọi từ bên ngoài đem đến; "đồng chí" ở đây bật lên tự đáy lòng, từ tình cảm của những con người gắn bó với nhau trong một tình thương yêu mà đến bây giờ họ mới cùng hiểu hết, tình thương yêu đã được hình thành và thử thách trong gian khó.

Hai tiếng "đồng chí", đến đây, tự nó đủ sức để đứng riêng làm một câu thơ. Có người thắc mắc: nó liền mạch với câu thơ trên để trở thành:

... Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!

 

hay là thuộc về những câu thơ dưới, để trở thành:

Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay...

Sự thắc mắc như vậy là có cơ sở, bởi "đồng chí" ở đây vừa là cao trào của mọi cảm xúc trong 6 câu thơ trước, vừa mở ra những gì chứa đựng ở những câu thơ sau, ở trong cả bài thơ. Vì thế khi đọc nó, phải có một khoảng lặng như nhau ở cả trước và sau nó.

Có người đã phân tích sự gắn bó của tình bạn, tình đồng chí trong bài thơ này một cách khá sâu sắc: "Sức cảm thông, tri kỉ ở đôi bạn này được bắt nguồn từ mọi chi tiết đời sống. Chính Hữu hay sử dụng những cặp câu thơ đối nhau để nói cảnh ngộ chung của cả hai, anh và tôi... Hai vế nhưng là một cảnh ngộ cho nên khi tác giả chỉ nói một cảnh ngộ, người đọc vẫn có ấn tượng là chung cho cả hai. Mấy câu thơ nói về gia đình người này hóa ra lại diễn đạt sâu sắc tình thương yêu của người kia, tình thương lặng lẽ thấm thía như có gì xót xa:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay...

Nhưng có lẽ đến những dòng thơ này, câu thơ không đơn thuần nói về "gia cảnh, cảnh ngộ" nữa. Nếu chỉ thế, sẽ có một cái gì quấn quanh, lặp lại, dù những hình ảnh thật chân thực, cảm động. Tác giả của tài liệu vừa giẫn cũng viết tiếp.: "Cảnh ngộ ấy còn cho ta thấy vẻ đẹp tinh thần của người lính: sự hi sinh âm thầm cho kháng chiến". Một cái gì đã nâng lên, đã thay đổi về chất trong tình thương yêu giữa họ. Trong mạch cảm xúc từ đầu bài thơ, giữa hai người bạn, từ sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu đến lúc bật lên thành hai tiếng "đồng chí", người chiến sĩ đến đây như đã có một nhận thức mới, một cái nhìn với ánh sáng mới về người bạn của mình, cũng là về chính mình: Họ cùng từ giã quê hương, cũng để lại hậu phương nghèo những gì thân yêu nhất để cùng đến đây, cùng "ra lính". Cái đã gắn bó họ ở đây thật lớn lao, thật thiêng liêng và vì thế họ thấy càng gắn bó, càng thân thiết yêu thương người bạn cùng lí tưởng của mình. Tình thương ấy thấm thía xúc động và giúp họ gắn kết, nương tựa vào nhau, cùng nhau vượt mọi gian lao thiếu thốn trong những tháng năm gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp mà bao tác phẩm văn học và bao tư liệu lịch sử còn ghi. Những cơn ớn lạnh của sốt rét rừng, những "áo anh rách vai - quần tôi có vài mảnh vá - miệng cười buốt giá - chân không giày...", mỗi chi tiết đều gợi sức lay động để rồi "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay...". Đấy là hình ảnh đẹp nhất của sự sẻ chia thầm lặng đầy sức mạnh giữa những người lính, người đồng đội, là sự thông cảm yêu thương đến tột cùng, là sự xiết chặt lại để cùng đứng vững, cùng trụ lại trong gian khó.

Và họ đã cùng trụ vững. Khi đã hiểu, đã yêu thương, đã kết lại làm một trong mối tình đồng chí mà họ đã cảm và hiểu đầy đủ và sâu sắc những người nông dân gặp nhau hồi chưa biết chữ - quen nhau từ thuở một hai..." ấy đã thực sự hoàn thiện vẻ đẹp của người chiến sĩ, của anh bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh những con người giữa "rừng hoang sương muối" đứng vững trong tư thế "chờ giặc tới" mà vẫn thấy rất nên thơ, rất thanh thản "treo" trên đầu sung một vành trăng, hình ảnh ấy từ lâu trở thành một biểu tượng chiến đấu, một biểu tượng thơ.

Như vậy, nếu chỉ phân tích, diễn giải những chi tiết hình ảnh nói lên tình đồng chí của người chiến sĩ trong bài thơ là chưa đủ. Phải bắt được vào mạch cảm xúc xuyên suốt trong toàn bộ bài thơ: đó là sự lớn lên của tâm hồn người chiến sĩ trong một tình cảm lớn, tình đồng chí. Đó cũng chính là sự lớn lên, sự trưởng thành của tâm hồn nhà thơ. Người ta còn nhớ những ngày đầu kháng chiến, là một học sinh thành phố tham gia chiến đấu, Chính Hữu đã viết bài Ngày về với những câu thơ:

... Nhớ buổi ra đi đất trời khói lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Tấm lòng son thề mãi đến khi già
Phơi gió núi với mưa ngàn cỏ nội...

Trong những hình ảnh cầu kì, xưa cũ của những câu thơ ấy, cũng có một vẻ đẹp của những tâm hồn trẻ trung lãng mạn sẵn sàng hi sinh vì đất nước. Nhưng phải đến khi những con người ấy đã hòa nhập và nhân dân, trong vẻ đẹp và sức mạnh của những người đồng đội, trong cuộc chiến thực sự của dân tộc, một bài thơ như Đồng chí mới có thể ra đời. Và nó trở thành một trong số các bài thơ hay nhất về một thời sống và chiến đấu không bao giờ quên được của con người Việt Nam.

 

BÀI LÀM 2

Nói đến thơ ca kháng chiến chống Pháp không thể không nói đến Đồng chí (1948) của Chính Hữu. Bài thơ mang vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí giản dị, mộc mạc mà sâu sắc của những người lính cách mạng trong những tháng ngày kháng chiến gian lao.

Nhà thơ Chính Hữu đã từng nói về tác phẩm của mình: "... Trong bài thơ Đồng chí, tôi muốn nhấn mạnh đến tình đồng đội. Suốt cả cuộc chiến đấu, chỉ có một chỗ dựa dường như là duy nhất để tồn tại, để chiến đấu là tình đồng chí, tình đồng đội. Đồng chí ở đây là tình đồng đội. Không có đồng đội, tôi không thể nào hoàn thành được trách nhiệm, không có đồng đội, có thể nói, tôi cũng chết lâu rồi. Bài Đồng chí là lời tâm sự viết ra để tặng đồng đội, tặng người bạn nông dân của mình."

Thật vậy, không gian trữ tình trong Đồng chí giá buốt mà không lạnh lẽo. Hơi ấm tỏa ra từ tình người, từ tình tri kỉ, kề vai sát cánh bên nhau của những con người chung lí tưởng, chung chí hướng. Đứng trong hàng ngũ cách mạng, chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, người lính vượt lên trên mọi gian khó bằng sự sẻ chia, đồng tâm hiệp lực. Họ sống trong tình đồng đội, nhờ đồng đội, vì đồng đội.

Những người đồng đội ấy thường là những người "nông dân mặc áo lính". Điểm giống nhau về cảnh ngộ xuất thân giúp họ có thể dễ dàng gần gũi, đồng cảm với nhau:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,

"Anh và tôi" từ những vùng quê khác nhau, chỉ giống nhau cái nghèo khó của đất đai, đồng ruộng. Anh từ miền quê ven biển: "nước mặn đồng chua". Tôi từ vùng đất cao "cày lên sỏi đá". Hai người xa lạ, từ hai phương trời xa lạ trở thành tri kỉ:

Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Những người "nông dân mặc áo lính" ấy gặp nhau trong cuộc chiến đấu vì chính cuộc sống của họ, cùng đứng trong hàng ngũ những "người lính cụ Hồ". Vì sự nghiệp chung của dân tộc họ đã xóa bỏ mọi khoảng cách xa lạ ban đầu để cùng "Súng bên súng", "đầu sát bên đầu" họ không chỉ gần nhau về không gian mà còn chung nhau ý nghĩ, lí tưởng" (Trần Đình Sử - Đọc văn học văn, Sđd). Đến khi đắp chung chăn trong đêm giá rét thì họ đã thực sự là anh em một nhà. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng viết: "Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" để thể hiện tình kháng chiến gắn bó, bền chặt. Để nói về sự gần gũi, sẻ chia, về cái thân tình ấm áp không gì hơn là hình ảnh đắp chăn chung. Như thế, tình đồng chí đã bắt nguồn từ cơ sở một tình tri kỉ sâu sắc, từ những cái chung giữa "anh" và "tôi".

Câu thơ thứ bảy chỉ gồm hai tiếng: "Đồng chí". Nếu không kể nhan đề thì đây là lần duy nhất hai tiếng "đồng chí" xuất hiện trong bài thơ, làm thành riêng một câu thơ. Câu này có ý nghĩa quan trọng trong bố cục của toàn bài. Nó đánh dấu một mốc mới trong mạch cảm xúc và bao hàm những ý nghĩa sâu xa. Sáu câu thơ đầu là tình đồng đội tri kỉ, đến đây được nâng lên thành tình đồng chí thiêng liêng. Đồng chí nghĩa là không chỉ có sự gắn bó thân tình mà còn là cùng chung chí hướng cao cả. Những người đồng chí - chiến sĩ hòa mình trong mối giao cảm lớn lao của cả dân tộc. Gọi nhau là đồng chí thì nghĩa là đồng thời với tư cách họ là những con người cụ thể, là những cá thể, họ còn có tư cách quân nhân, tư cách của "một cây" trong sự giao kết của "rừng cây", nghĩa là từng người không chỉ là .riêng mình. Hai tiếng đồng chí vừa giản dị, thân mật lại vừa cao quý, lớn lao là vì thế.

b. Ở phần tiếp theo của bài thơ, với những chi tiết, hình ảnh cụ thể tác giả đã giúp người đọc thấy rõ biểu hiện tình cảm sâu sắc của những người đồng chí. Trước hết, họ cùng chung một nỗi nhớ quê hương:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Trong nỗi nhớ quê hương ấy có nỗi nhớ ruộng nương, nhớ ngôi nhà, nhớ giếng nước, gốc đa. Nhưng ruộng nương cũng như nhớ tay ai cày xới, ngôi nhà nhớ người trong lúc gió lung lay, và giếng nước, gốc đa cũng đang thầm nhớ người ra đi. Nỗi nhớ ở đây là nỗi nhớ hai chiều. Tình quê hương luôn thường trực, đậm sâu trong những người đồng chí, cũng là sự đồng cảm của những người đồng đội. Người lính hiện ra cứng cỏi, dứt khoát lên đường theo tiếng gọi non sông, song tình quê hương trong mỗi người không khi nào phai nhạt. Và bên cạnh hình bóng quê hương, điểm tựa vững chắc cho người lính, là đồng đội:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Kể sao xiết những gian khổ mà người lính phải trải qua trong chiến đấu. Nói về cái gian khổ của người lính trong kháng chiến chống Pháp, ta nhớ đến cái rét xé thịt da trong bài Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu:

Cuộc đời gió bụi pha xương máu
Đợt rét bao lần xé thịt da

Nhớ đến cái ác nghiệt của bệnh sốt rét trong Tây Tiến của Quang Dũng:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Ta cũng có thể thấy cái buốt giá của núi rừng Việt Bắc, cái ớn lạnh toát mồ hôi của bệnh sốt rét trong những câu thơ của Chính Hữu. Nhưng nếu như Thôi Hữu viết về cái rét xé thịt da để khắc họa những con người chấp nhận hi sinh, "Đem thân xơ xác giữ sơn hà", Quang Dũng nói đến sốt rét để tô đậm vẻ đẹp bi tráng của những người chiến sĩ thì Chính Hữu nói về cái rét, cái ác nghiệt của sốt rét là để nói về tình đồng đội, đồng chí trong gian khổ, là sự thấu hiểu, cảm thông giữa những người lính. Trong bất cứ sự gian khổ nào cũng thấy họ sát cánh bên nhau, san sẻ cho nhau: "Anh với tôi biết... ", "Áo anh... - Quần tôi... ", "tay nắm lấy bàn tay".

Cái "Miệng cười buốt giá" kia là cái cười trong gian khổ để vượt lên gian khổ, cười trong buốt giá để lòng ấm lên, cũng là cái cười đầy cảm thông giữa những người đồng đội. Giá buốt mà không lạnh lẽo cũng là vì thế.

c. Bài thơ kết bằng hình tượng những người lính trong thời điểm thực tại, khì họ đang làm nhiệm vụ:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Có thể xem đây là một trong những hình ảnh thơ đẹp nhất về người lính trong thơ ca kháng chiến. Ba câu thơ phác ra một bức tranh vừa mang chất chân thực của bút pháp hiện thực, vừa thấm đảm cái bay bổng của bút pháp lãng mạn. Trên sắc xám lạnh của nền cảnh đêm rừng hoang sương muối, hiện lên hình ảnh người lính - khẩu súng - vàng trăng. Dưới cái nhìn của người trong cuộc, người trực tiếp đang cầm súng, trong một sự kết hợp bất ngờ, đầu súng và vầng trăng như không còn khoảng cách xa về không gian, để thành: "Đầu súng trăng treo". Sự quan sát là hiện thực, còn sự liên tưởng trong miêu tả là lãng mạn. Hình ảnh súng tượng trưng cho hành động chiến đấu, tinh thần quyết chiến vì đất nước. Trăng tượng trưng cho cái đẹp yên bình, thơ mộng. Hình ảnh "đầu súng trăng treo" mang ý nghĩa khái quát về tư thế chủ động, tự tin trong chiến đấu, tâm hồn phong phú của người lính. Nói rộng ra, hai hình ảnh tương phản sóng đôi với nhau tạo nên biểu tượng về tinh thần, ý chí sắt đá mà bay bổng, trữ tình của dân tộc Việt Nam.

Những người lính là đồng đội, đồng chí, cả dân tộc là đồng chí. Chung nhau cảnh ngộ, chung nhau lí tưởng, chung nhau cái rét, cái khổ,... những người lính - những người đồng chí sống, chiến đấu vì sự nghiệp chung của dân tộc. Bài thơ Đồng chí đã thể hiện rất rõ vẻ đẹp của những con người sống và chiến đấu cho hạnh phúc, tự do.

Các bài học liên quan
Bài số 16: Trong Truyện Kiều, Nguyên Du viết:  Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Trình bày cảm nhận về ý thơ trên?
Bài số 14: Cảm nhận về sáu câu thơ đầu trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật