Bài số 27: Cảm nhận về bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ những năm kháng chiến chống Mỹ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, Phạm Tiến Duật có một giọng điệu thơ khỏe khoắn, tự nhiên, dạt dào sức sống

BÀI LÀM 1

Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ những năm kháng chiến chống Mỹ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, Phạm Tiến Duật có một giọng điệu thơ khỏe khoắn, tự nhiên, dạt dào sức sống, rất tinh nghịch, vui tươi mà lại giàu chất suy tưởng: Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một bài thơ như thế của ông.

Nổi bật lên trong bài thơ là hình ảnh những chiếc xe không kính. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng độc đáo của nhà thơ. Càng độc đáo hơn nữa là tiểu đội xe không kính. Hình ảnh này có sức hấp dẫn đặc biệt vì nó chân thực mà mới lạ. Xưa nay, hình ảnh xe cộ đi vào thơ ca thường được mỹ lệ hóa hoặc mang tính chất tượng trưng, ước lệ cho chẳng mấy khi được miêu tả một cách cụ thể và chi tiết như lần này. Bom đạn của chiến tranh ác liệt đã khiến cho những chiếc xe không chỉ không có kính, mà còn trần trụi hơn nữa không có đèn, không có mui xe, thùng xe có xước...

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Đây vốn là một hình ảnh chân thực, có thực không phải là hiếm trong chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn đầy lửa đạn. Nhưng phải thực sự là một chiến sĩ một nghệ sĩ nhạy cảm sống thực tế, gần gũi với các chiến sĩ lái xe thì mới phát hiện ra chất thơ của hình ảnh ấy để đưa vào nghệ thuật thơ ca được.

Nhà thơ miêu tả những chiếc xe không kính là nhằm mục đích nêu bật lên hình ảnh những người lái xe trên đó. Tuy công việc đầy hiểm nguy gian khổ, nhưng những anh chiến sĩ trẻ này dưới bom đạn vẫn một tư thế ung dung lạc quan và tươi trẻ. Nhà thơ miêu tả những cảm xúc rất cụ thể của họ khi ngồi trên chiếc xe không có kính:

Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đăng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.

Những câu thơ tuy có nhịp điệu nhanh gấp mà vẫn nhịp nhàng đều đặn dễ khiến người đọc liên tưởng đến nhịp tiếng bánh xe làn bon bon trên đường dài. Có thật sự ung dung nhìn đất, nhìn trời không chút lo âu, hốt hoảng thì anh chiến sĩ trẻ của chúng ta mới có thể nhìn và thấy đủ đầy như thế. Anh từ nhìn thấy gió, nhìn thấy con đường đến nhìn thấy cả sao trời và cánh chim... từ buồng lái đã vỡ hết kính chắn gió “gió xoa vào mắt đắng”. Làn gió ùa vào như để làm giảm đi vị đắng nơi mắt. Mắt đắng là vì mắt đã thức nhiều đêm để lái xe liên tục từ đêm này sang đêm khác. Tất cả thế giới bên ngoài ấy đã ùa vào buồng lái của anh với tốc độ làm chóng mặt. Đó là những cảm giác rất mạnh và đột ngột cảm nhận được trên một chiếc xe bon nhanh nên con đường tưởng như chạy ngược về phía người lái và trở thành: Con đường chạy thẳng vào tim - một liên tưởng đẹp biết bao! Nhất là hình ảnh những cánh chim đến “đột ngột” ùa vào buồng lái thật sinh động và gợi cảm. Điều này cho thấy một hồn thơ bén nhạy dễ xúc động trước nét đẹp của đời thường. Trong tư thế hiên ngang chủ động ấy, anh chiến sĩ lái xe bình thản coi thường mọi khó khăn nguy hiểm và gian khổ.

Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

Cũng vậy, các câu thơ tiếp theo có ngôn ngữ đậm chất văn xuôi gần với lời nói thường ngày:

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mua tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa rừng, gió lùa khô mau thôi.

Một giọng điệu tự tin pha chút ngang tàng thể hiện trong các cấu trúc lặp lại (không có... ừ thì... chưa cần...). Phong cách ấy chính là tính cách bất chấp khó khăn, coi thường nguy hiểm và gian khổ của các anh chiến sĩ lái xe trẻ trên đường Trường Sơn. Dường như tất cả những thứ ấy không ảnh hưởng mảy may nào đến tinh thần của họ. Trái lại, họ đã xem đây là cơ hội để thử thách sức mạnh ý chí của mình. Các anh còn là những chàng trai trẻ sôi nổi vui nhộn và lạc quan, thể hiện qua cái nhìn “Bụi phun tóc trắng như người già” và đặc biệt là tiếng cười sảng khoái đầy trẻ trung, hồn nhiên và yêu đời: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” tuy sinh hoạt từ cái ăn, cái ngủ bình thường của các anh đều có tính tạm bợ, cô đọng nhiều gian khổ:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Trời xanh thêm phải chăng bởi vì lòng người đã phơi phới thêm, say mê thêm trước những chặng đường đã đi, những chặng đường đang đến.

Cái gì đã làm nên sức mạnh? Đây chính là ý chí chiến đấu để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là tình yêu nước nồng nàn của tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mỹ.

Khổ thơ cuối cùng, sau đó, như một lời kết luận có tính khái quát:

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Đây cũng là sự đối lập giữa hai mặt vật chất và tinh thần, giữa vẻ bề ngoài và bên trong chiếc xe. Tuy bị bom đạn Mỹ làm cho biến dạng: Không có kính, không có mui xe, thùng xe bị xước nhưng chiếc xe ấy vẫn chạy vì miền Nam phía trước vẫn băng băng thẳng tiến tuyến. Nhà thơ lí giải về điều ấy thật bất ngờ mà cũng chí lí biết bao: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Đó là trái tim nồng nàn yêu nước, sôi nổi yêu đời, một trái tim dũng cảm. Một cái có ấy đủ sức để đương đầu với bao nhiêu lần không có đã kể bên trên.

Câu thơ cuối cùng lắng đọng, kết tinh ánh lên lời giải thích cho cả bài thơ đẹp.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính thông qua hình ảnh độc đáo của những chiếc xe không kính chắn gió để khắc họa và ngợi ca hình ảnh các chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn nói riêng và cả thế hệ trẻ trong thời kì chống Mỹ cứu nước nói chung.

Cuộc kháng chiến đã thành công hơn hai mươi năm qua, những lời thơ này đủ sức làm sống lại khung cảnh hào hùng của một thời bằng những hình ảnh chân thực sinh động và độc đáo bằng cả nhịp thơ, giọng thơ nhanh, vui, khỏe khoắn, tự nhiên, tràn ngập sức sống rất tinh nghịch mà lại giàu chất suy tường.

 

BÀI LÀM 2

Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ những năm kháng chiến chống Mỹ. Anh từng cầm súng chiến đấu và công tác trong đội ngũ những chiến sĩ vận tải dọc đường Trường Sơn, chở vũ khí, quân trang từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn. Niềm vui hăm hở của tuổi trẻ ra trận lúc bấy giờ như ánh sáng chói chang, như gió mát lồng lộng phả vào tâm hồn nhà thơ - chiến sĩ, khiến thơ Phạm Tiến Duật có một giọng điệu thật khỏe khoắn, tự nhiên, tràn trề sức sống, rất tinh nghịch, tươi vui mà giàu suy tưởng. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là tác phẩm tiêu biểu nhất của giọng thơ ấy, của hồn thơ ấy. Không rõ nhà thơ đã từng bao nhiêu lần trực tiếp cầm lái, hay ngồi trong ca bin bên cạnh người lái, mà ngôn ngữ, nhạc điệu, cảm hứng và suy nghĩ trong bài lại chân thực, sống động đến như vậy. Tất cả, cứ hiển hiện hồn nhiên, trực diện ngay trước bạn đọc: những chiếc xe không kính, cả tiểu đội xe, tiểu đội lính vận tải vui vẻ, tếu táo mà thật đĩnh đạc, hiên ngang, can đảm... Mở đầu bài thơ là một hình ảnh trớ trêu - "Xe không có kính". Kết thúc là một ý tưởng bất ngờ "Chỉ cần trong xe có một trái tim". Phải chăng, tiểu đội xe không kính ấy lăn bánh thông đường mau lẹ được là nhờ… "những trái tim cầm lái”. Chuyện thật vô lí? Xin hãy lắng nghe lời người chiến sĩ lái xe, hãy đọc thơ và suy ngẫm...

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Lời kể, hay lời giới thiệu đoàn xe? Ngôn ngữ mộc mạc, nhịp điệu khoan thai mà gợi tả rõ nét. Cứ y như một đoàn xe đang lừng lững tiến lại. Những chiếc xe kì lạ "Không có kính chắn gió" - mà thật anh hùng, đang vượt qua chặng đường nguy hiểm quân thù đánh phá ác liệt - "bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi" - Trên những chiếc xe ấy, người chiến sĩ đang vững tay lái. Vừa nhấn ga cho xe lăn bánh ra trận, các anh vừa kể chuyện về mình, về đồng đội:

Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn tròi, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái...

Đó là những câu thơ tả thực, sự thực chính xác đến từng chi tiết. Không có kính chắn gió, bảo hiểm, xe lại chạy nhanh, nên người lái phải đối mặt với biết bao khó khăn nguy hiểm. Nào là "gió vào xoa mắt đắng". Nào là "con đường chạy thẳng vào tim" rồi "sao trên trời", rồi "chim dưới đất" đột ngột, bất ngờ như sa, như ùa - rơi rụng, va đập, quăng ném... - vào buồng lái, vào mặt mũi, thân mình. Dường như chính nhà thơ cũng đang cầm lái, hay ngồi trong buồng lái của những chiếc xe không kính nên câu chữ mới sinh động, cụ thể, đầy ấn tượng, gợi được cảm giác chân thực dường ấy. Cảm giác, ấn tượng căng thẳng, đầy thử thách. Song người chiến sĩ không run sợ, hoảng hốt. Trái lại, tư thế của các anh vẫn hiên ngang, tinh thần các anh vẫn vững vàng... Các anh vẫn "Ung dung buồng lái ta ngồi - Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng...". Hai câu thơ có nhịp thật cần đối 2/2/2 và 2/2/2. Đó là sự thăng bằng của chiếc xe đang lăn bánh, sự thanh thản bình tĩnh, tự tin của người lái. "Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng... Nhìn thấy, nhìn thấy... Thấy...". Những điệp từ ấy cứ nhấn đi nhấn lại, biểu hiện sự tập trung cao độ của người lái. Vậy đấy, hai khổ thơ mở đầu tả thực những khó khăn gian khổ mà những chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã trải qua. Trong khó khăn, các anh vẫn bình tĩnh, tự tin, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, gan góc đưa hàng ra tiền tuyến. Lời thơ nhẹ nhõm, trôi chảy như những chiếc xe vun vút bươn chải trên đường. Có chỗ nhịp nhàng, trong sáng như văng vẳng tiếng hát - vút cao, vui vẻ.

Vẫn cái âm điệu nhẹ nhàng, trong sáng ấy, hai khổ thơ tiếp sau biểu hiện rõ nét hơn tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ:

"Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi"

Nếu ở hai khổ thơ trên là những cảm giác về khó khăn thử thách - dù sao cũng vẫn mơ hồ - thì đến đây, thử thách, khó khăn ập tới cụ thể, trực tiếp. Đó là "bụi đường phun trắng" và "mưa tuôn, mưa xối" - hậu quả tất yếu của những chiếc xe bị mất kính bảo vệ. Trước thử thách mới, người chiến sĩ vẫn không nao núng. Các anh càng bình tĩnh, dũng cảm hơn. "Không có kính, ừ thì có bụi... không có kính, ừ thì ướt áo". Những câu thơ như lời nói thường, nôm na mà cứng cỏi, toát ra một thái độ. Đó là sự chấp nhận, sự thách thức trở lại và cả những tiếng cười đùa, những lời hứa hẹn, quyết tâm vượt gian khó, hiểm nguy:

... Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
... Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi...

Cấu trúc các câu thơ vẫn cân đối, nhịp nhàng theo nhịp rung cân đối của những bánh xe lăn. Thanh điệu phối hợp khá linh hoạt: thanh bằng - trắc (phì phèo châm - điếu thuốc); trắc - bằng (mặt lấm - cười ha ha) rồi lại bằng - trắc (trăm cây số nữa). Và cuối đoạn là câu thơ bảy tiếng, sáu thanh bằng (Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi) gợi một cảm giác nhẹ nhõm, ung dung rất lạc quan, rất thanh thản. Đó là khúc nhạc vui sôi nổi của tuổi mười tám đôi mươi. Nhạc vui hài hòa trong những hình ảnh hóm hỉnh: "phì phèo châm điếu thuốc - nhìn nhau mặt lấm cười ha ha" và một ý nghĩ táo tợn: "chưa cần thay, lái trăm cây số nữa" làm cho thơ rộn rã, sôi động, luôn luôn hối hả, như sự sôi động, hối hả của đoàn xe trên đường đi tới.

Song, cũng có lúc đoàn xe dừng lại. Ấy là lúc ngồi nghỉ hoặc tới đích, đổ hàng. Hai khổ thơ thứ năm và thứ sáu miêu tả những cuộc gặp gỡ, vui vầy trong không khí đoàn kết, trong tình đồng chí, đồng đội thật cảm động:

Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội...
... Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy...

Hình tượng người chiến sĩ lái xe thêm một nét đẹp nữa. Đây là tình cảm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi. Khi hành quân, các anh động viên, chào hỏi nhau trong cảnh ngộ độc đáo: "Bắt tay qua cửa kính vỡ" - Lúc cắm trại, các anh trò chuyện, ăn uống nghỉ ngơi thoải mái, xuềnh xoàng, nhường nhịn nhau như anh em ruột thịt: chung bát, chung đũa - võng mắc chông chênh... Ăn uống, nghỉ ngơi, trò chuyện... Song cũng chỉ trong một thoáng chốc. Để rồi, lại tiếp tục hành quân: "Lại đi, lại đi trời xanh thêm...". Câu thơ bay bay, phơi phới, thật lãng mạn, thật mộng mơ.

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim...

Khổ thơ cuối cùng, vẫn một giọng thơ mộc mạc, gần với lời nói thường, như văn xuôi. Vậy mà nhạc điệu, hình ảnh, ngôn ngữ rất đẹp, rất thơ, cảm hứng và suy tưởng vừa bay bổng, vừa sâu sắc để hoàn thiện bức chân dung tuyệt vời của những chiến sĩ vận tải Trường Sơn những năm đánh Mỹ. Bốn dòng thơ dựng hai hình ảnh đối lập đầy kịch tính, bất ngờ, thú vị.

Hai câu đầu dồn dập những mất mát, khó khăn do quân địch gieo xuống do đường trường gây ra: xe không kính, không đèn, không mui, thùng xe xước vỡ... Điệp ngữ "không có" nhắc lại ba lần như nhân lên "không có kính/rồi xe không có đèn/không có mui xe/thùng xe có xước" như bốn chặng gập ghềnh, khúc khuỷu, đầy chông gai, bom đạn, bốn khúc "cua vòng, rẽ ngoặt"... trêu ngươi, chọc tức đoàn xe.

Hai câu cuối:

Xe vẫn chạy Vì miên Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim...

m điệu đối chọi lại, trôi chảy, êm ru. Hình ảnh đậm nét. Vậy là đoàn xe đã chiến thắng, vượt lên, bom đạn, hăm hở hướng ra phía trước, hướng ra tiền tuyến lớn với một tình cảm thiêng liêng "vì miền Nam", vì cuộc chiến đấu giành độc lập, thống nhất cho cả nước. Đặc biệt, tỏa sáng chói ngời cả đoạn thơ, bài thơ là hình ảnh "trong xe có một trái tim". Thì ra cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, gốc rễ phẩm chất anh hùng của mỗi người cầm lái tích tụ, đọng kết lại ở cái "trái tim" gan góc, kiên cường, giàu bản lĩnh và chan chứa tình yêu thương này. Phải chăng chính trái tim con người đã cầm lái? Tình yêu Tổ quốc, tình thương đồng bào đồng chí ở miền Nam đau khổ đã khích lệ, động viên người chiến sĩ vận tải vượt khó khăn gian khổ, luôn lạc quan, bình tĩnh nắm chắc "vô lăng", nhìn thật đúng hướng để đưa đoàn xe khẩn trương tới đích? Ngữ điệu của câu thơ "chỉ cần trong xe... có một trái tim" thật nhẹ nhõm, song khả năng khắc họa hình tượng nhân vật và khơi gợi suy luận triết lí thật đắm sâu, trĩu năng. n sau ý nghĩa "trái tim cầm lái", câu thơ còn muốn hướng người đọc về một chân lí của thời đại chúng ta: sức mạnh quyết định, chiến thắng không phải là vũ khí, là công cụ... mà là con người - con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường, dũng cảm, niềm lạc quan và một niềm tin vững chắc. Có thể nói, cả bài thơ, hay nhất là câu thơ cuối cùng này. Nó là "nhãn tự" là "con mắt của thơ", bật sáng chủ đề, tỏa sáng vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trong thơ.

Trở lại với phong cách thơ Phạm Tiến Duật như phần đầu đã nêu, đọc bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính, cũng như một vài tác phẩm tiêu biểu khác của anh - bài Lửa đèn, bài Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, bài Nhớ... chúng ta thật thú vị, nhận ra cái chất giọng rất trẻ, rất lính của bài thơ. Chất giọng ấy bắt nguồn từ sức trẻ, từ tâm hồn phơi phới của thế hệ chiến sĩ Việt Nam mà chính nhà thơ đã sống, đã trải nghiệm. Do đó không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên cho tác phẩm là Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Bài thơ, chất thơ tỏa ra từ thực tế cuộc chiến đấu, từ niềm vui sống của con người thời đại. Chất "thơ ấy đi từ sự giản dị của ngôn từ, sự linh hoạt của nhạc điệu, sự sáng tạo bất ngờ của hình ảnh, chi tiết..., để khắc họa đậm nét những vẻ đẹp phẩm giá con người, và cuối cùng cất bổng lên, hòa nhập với âm hưởng sử thi và cảm hứng lãng mạn của cả giai đoạn văn học Việt Nam trong ba thập kỉ chiến tranh chống xâm lược 1945 đến 1975.

Các bài học liên quan
Bài số 16: Trong Truyện Kiều, Nguyên Du viết:  Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Trình bày cảm nhận về ý thơ trên?
Bài số 14: Cảm nhận về sáu câu thơ đầu trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du).

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật