Bài số 29: Chất lính - chất thơ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Phạm Tiến Duật tâm sự: thời tuổi trẻ, tính tình sôi nổi, bồng bột, thích tìm tòi, thể hiện cái mới, thậm chí thích nói ngược lại những cách nói thông thường.

BÀI LÀM

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Phạm Tiến Duật tâm sự: thời tuổi trẻ, tính tình sôi nổi, bồng bột, thích tìm tòi, thể hiện cái mới, thậm chí thích nói ngược lại những cách nói thông thường. Bài thơ về tiểu đội xe không kính được Phạm Tiến Duật sáng tác từ những năm đầu mới vào bộ đội đã thể hiện khá rõ nét cách suy nghĩ này của ông.

Ngay câu đầu tiên, đọc lên đã thấy trúc trắc, ngang ngang:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Chỉ trong một câu thơ mà có đến ba chữ không, mà còn lặp đi lặp lại: không có kính, không có kính... chỉ để nói về cái "sự bất thường": xe không có kính. Thơ xưa trau chuốt từng câu, từng chữ, theo luật bằng - trắc rõ ràng, hẳn không thể chấp nhận cách viết như vậy. Thơ mới (1932 - 1945) vốn nổi tiếng về sự phá cách nhưng nhìn chung, đọc câu thơ mới lên vẫn thấy mềm mại, mượt mà. Ngay đến một bài văn thông thường, nếu lặp đi lặp lại quá nhiều mà không có dụng ý rõ ràng, rất có thể sẽ bị thầy cô phê là "văn viết vụng về, lủng củng"...

Thế nhưng đây là điểm nhấn của bài thơ. Nói đến Phạm Tiến Duật, bạn đọc nghĩ ngay đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính, mà ai nhớ bài thơ này lại chẳng thuộc câu "Không có kính không phải vì xe không có kính"... Có người cho rằng, bản chất của ngôn ngữ thơ là khác thường, là "phi chuẩn". Ví dụ trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan "Lom khom dưới núi tiểu vài chú! Lác đác bên sông chợ mấy nhà", các tính từ "lom khom", "lác đác" đã được đảo lên trước các danh từ "tiều vài chú", "chợ mấy nhà" nhằm mục đích nhấn mạnh. Các câu thơ nổi tiếng, được bạn đọc nhớ đến nhiều nhất đều có tính "phá cách" như vậy. Trong câu thơ của Phạm Tiến Duật, sự "phá cách" không chỉ thể hiện ở cách lặp lại các từ ngữ một cách đầy đủ chú ý mà còn ở giọng điệu đùa vui, ở cách đề cập đến những sự việc tưởng như "không có gì".

Trong văn học, những vật dụng cũng như các chi tiết của đời sống sinh hoạt hàng ngày ít khi được quan tâm. Trong bài Tràng giang, Huy Cận có sử dụng chi tiết "củi một cành khô" cũng rất lạ nhưng chủ yếu mang tính ẩn dụ, thể hiện trạng thái trôi nổi, vô định. Đó là một yếu tố mang tính nhất thời chứ không phải là định hướng nghệ thuật. Trái lại, những chi tiết về đời sống hàng ngày như vậy có thể thấy rất nhiều trong thơ kháng chiến, đặc biệt là trong thơ của các tác giả trẻ thời chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Duy... Không chỉ đưa vào thơ những chi tiết, hình ảnh của đời sống mà ngay cả ngôn ngữ thơ cũng được đổi mới triệt để nhằm có thể truyền tải những chi tiết về đời sống hàng ngày của những người lính một cách chân thực nhất. Những từ đệm, từ tình thái... được đưa vào thơ ngày càng nhiều không cổ kính, ừ thì có bụi", "không có kính, ừ thì ướt áo" đã mang đến cho thơ chống Mỹ những sắc thái vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, gần gũi hơn mà cũng hấp dẫn hơn với đa số bạn đọc. Cũng từ những chi tiết đầy chất sống, từ kiểu ngôn ngữ thơ đậm chất đời thường, chất văn xuôi đó, hiện thực cuộc sống chiến trường khốc liệt (bom giật, bom rung, khói, bụi...) đã được tái hiện khá rõ nét, giúp người đọc có những hình dung tương đối cụ thể về những năm tháng hào hùng và bị thương trong lịch sử dân tộc, cảm nhận được những mất mát, hi sinh, hiểu được rằng để có được những ngày hạnh phúc như hôm nay, thế hệ cha anh đã phải hi sinh xương máu như thế nào.

Nhưng vượt lên tất cả hiện thực khốc liệt đó vẫn là thế giới tâm hồn của những người lính. Những chàng trai trẻ vừa rời ghế nhà trường, tâm hồn đầy ắp những ước mơ và khát vọng cống hiến. Ở đây cần phải nói đến tính cách trượng nghĩa, tinh thần xả thân vì nước như một tính cách dân tộc đã được kết tinh qua bao nhiêu thế kỉ dựng nước và giữ nước. Truyền thống tốt đẹp đó cùng lí tưởng thời đại đã làm nên nét đẹp của cả một thế hệ: vượt lên mọi hiểm nguy, sẵn sàng đối mặt với hi sinh gian khổ, sống và chiến đấu bằng tinh thần lạc quan, luôn hướng về phía trước. Cuộc sống nơi chiến trường gian khổ, hàng ngày, hàng giờ phải chứng kiến những mất mát, đau thương, phải trải qua những khó khăn chồng chất nhưng những con người can đảm, giàu nghị lực luôn nhìn thấy khía cạnh lạc quan của vấn đề, lấy đó làm điểm tựa để sống và chiến đấu. Nhiều người gọi đó là chất lính - là cái nhìn lạc quan, tinh thần quả cảm hành trang chủ yếu mà thế hệ cha anh thời chống Mỹ đã mang trên mình trong cuộc trường chinh vạn dặm.

Những chiếc cửa kính được sản xuất ra để bảo vệ người lái khỏi mưa, gió, bụi đường... Thông thường, khi cửa kính xe bị vỡ sẽ gây bao phiền toái: khói bụi vào mắt, mưa gió, cành cây... Tuy nhiên, với những người lính điều đó chưa hẳn đã là bất lợi. Ngược lại, không có kính hóa ra lại hay:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.

Quả là một cái nhìn hết sức lãng mạn - sự lãng mạn của tuổi trẻ, của những con người luôn biết cách chế ngự, vượt lên trên hoàn cảnh. Không phải khói bụi, không phải gió táp mưa sa mà là ngọn gió lành vào xoa "mắt đắng", con đường thì "chạy thẳng vào tim", người lái tha hồ giao tiếp với thiên nhiên mà không còn bị cửa kính ngăn trở như mọi khi. Bụi thì có sao đâu, dù "bụi phun tóc trắng như người già". Áo ướt rồi sẽ khô thôi, tiếng cười sảng khoái và cái bắt tay qua cửa kính vỡ mới thật là điều đáng nói. Khoảng cách giữa con người với thiên nhiên, con người với con người dường như được thu ngắn lại. Nếu cửa kính không vỡ, e rằng khó có thể dễ dàng như thế. Cái nhìn hài hước - vốn chỉ có ở những tâm hồn yêu đời - đã khiến cho nỗi gian khổ vơi đi rất nhiều.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Những câu thơ ấm tình đồng đội, những sinh hoạt thường ngày được miêu tả trong khung cảnh yên bình, tựa như không phải trong thời chiến tranh. Có người đã phê phán thơ kháng chiến thiếu tính chân thực, thiên về ngợi ca nhưng nếu đọc những câu thơ này, cần phải lí giải vấn đề từ một khía cạnh khác. Tình cảm, cảm xúc trong bài thơ này được miêu tả rất chân thực, tự nhiên. Không phải những người lính đang cố quên đi gian khổ mà chính bản lĩnh, ý chí can trường cùng với tâm hồn lãng mạn kết hợp với tinh thần quyết tử xả thân vì nước đã giúp người lính vượt lên trên những gian khổ hàng ngày. Tinh thần xả thân vì nước ấy vốn đã có từ thời vua hùng dựng nước, trải qua thời Bà Trưng, Bà Triệu, thời Đinh, thời Lí, thời Trần, được phát huy triệt để qua mỗi cuộc đấu tranh giữ nước: nghĩa quân Lam Sơn khiến quân Minh "về đến nước mà vẫn tim đập chân run", đoàn quân của Quang Trung khiến quân Thanh "không còn mảnh giáp", các nghĩa sĩ Cần Giuộc tuy không giành được thắng lợi nhưng vẫn làm cho "mã tà, ma ní hồn kinh"... Sức mạnh của những người lính trong thời đại Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống với lí tưởng thời đại. Họ chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới, là một trong những hình tượng đẹp nhất của thế kỉ.

Như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi
Mật dây ná, một cây chông cũng tấn công giặc Mỹ...
                                                      (Tố Hữu - Bài ca Xuân 68)

Vốn bản tính khiêm nhường, những người lính không thích nói về chiến công, cũng không nói về những khó khăn gian khổ. Họ chỉ nói về công việc hàng ngày - một công việc nguy hiểm bậc nhất nhưng lại được thể hiện như thể đó là việc bình thường như biết bao công việc bình thường khác. Câu thơ "Lại đi, lại đi trời xanh thêm" trong vắt như tâm hồn người lính, như khát vọng và niềm tin mà họ đã mang theo trên đường đời. Và đây mới là điều quan trọng nhất:

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Chỉ cần trong xe có một trái tim". Không có cách lí giải nào giản dị mà thiêng liêng hơn thế. Không có kính, không có đèn, không có mui xe... rất nhiều chữ "không" để đến một chữ "có". Chỉ cần có một trái tim yêu nước, quả cảm, mọi khó khăn, gian khổ đã ở lại phía sau.

Sau Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Hoan hô anh giải phóng quân của Tố Hữu, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân... Bài thơ về tiểu đội xe không kính của. Phạm Tiến Duật đã nối dài những khúc ca về những người lính trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.

Các bài học liên quan
Bài số 21: Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật