Bài số 32: Hình ảnh người lính qua hai bài thơ: Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã trải dài bốn nghìn năm. Trong cuộc trường chinh ấy bao thế hệ đã tiếp nối lên đường.

BÀI LÀM

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã trải dài bốn nghìn năm. Trong cuộc trường chinh ấy bao thế hệ đã tiếp nối lên đường. Về điều đó, nhà thơ Tố Hữu viết:

Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành...
                                      (Tiếng hát sang xuân)

Còn Hoàng Trung Thông chí viết:

“Ta lại viết bài thơ trên báng súng
Con lớn lên đang viết tiếp thay cha
                                      (Bài thơ báng súng)

Đọc Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, ta lại bắt gặp "lớp cha trước lớp con sau" cùng "viết bài thơ trên báng súng" để đi đến ngày đất nước hoàn toàn độc lập, không còn bóng quân thù. Hai bài thơ viết về người lính trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ở thế kỷ XX đem đến cho chúng ta những cảm nhận đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về hình ảnh người lính - hình tượng trung tâm của thơ ca kháng chiến.

Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ đã trở thành cảm hứng đẹp trong thơ ca hiện đại. Trong số những bài thơ viết về đề tài này phải kể đến Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Hai bài thơ gắn với hai giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sẽ giúp chúng ta cảm nhận đầy đủ hơn về hình ảnh người lính.

Chính Hữu sinh năm 1926. Năm 1946 ông nhập ngũ, là lính trung đoàn Thủ đô. Đầu năm 1948, bài thơ Đồng chí ra đời khi ông là chính trị viên đại đội. Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, năm 1964 gia nhập quân đội, hoạt động trên tuyến đường Trường sơn. Bài thơ về tiểu đội xe không kính sáng tác năm 1969.

Hai nhà thơ thuộc hai thế hệ thi nhân nối tiếp nhau trong cuộc trường chinh của dân tộc. Hai thi phẩm mà chúng ta đề cập tới là hai trong những tác phẩm tiêu biểu của mỗi thời kì văn học. Hay sự thể hiện hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ, người lính trong hai bài thơ này là những hình ảnh tiêu biểu của thơ Việt Nam 1945 - 1975 sẽ còn sống mãi trong lòng người đọc.

Đọc Đồng chí, cảm nhận chung của chúng ta là, người lính cách mạng trong kháng chiến chống Pháp xuất thân từ nông dân. Hình ảnh họ được Chính Hữu mô tả chân thực, giản dị mà cao đẹp. Khác với khuynh hướng lãng mạn anh hùng mang dáng dấp tráng sĩ trượng phu của thơ ca đầu chống Pháp, cảm hứng của Chính Hữu trong Đồng chí hướng về chất thực của đời sống, khai thác cái đẹp và chất thơ trong cái "đời thực" của cuộc chiến đấu và người chiến sĩ. Cái đẹp trong khó khăn, thiếu thốn và nhất là cái đẹp trong tình đồng chí, đồng đội, thắm thiết, sâu nặng:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!

Đoạn mở đầu này có bày dòng, theo ba cặp và cuối cùng dồn lại ở một từ: Đồng chí. Một sự lí giải tình đồng chí của người lính. Đó là xuất phát từ sự giống nhau ở cảnh ngộ, xuất thân từ nghèo khó, là cùng chung mục đích, lí tưởng, nhiệm vụ, chia sẻ gian lao (Súng bên súng, đầu sát bên đầu Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ...). Một chữ chung khiến những người vốn xa lạ thành đôi tri kỉ và cao hơn là thành đồng chí.

Người xưa đánh giá tình bạn cao nhất bằng tri kỉ. Chính Hữu nhìn thấy ở anh bộ đội Cụ Hồ một tình cảm còn sâu sắc hơn, gắn bó hơn - tình đồng chí. Tình cảm này không phải chỉ vì sự cảm thông sâu xa tâm tư, nỗi lòng của nhau mà là cái chung lớn lao. Là những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời chiến đấu. Tất cả diễn đạt bằng lời không đủ, bao nhiêu lời thân thương, trìu mến nhất cũng trở thành sáo rỗng, không chuyên chở nổi sức nặng cảm động giữa những người lính, người đồng đội. Vì thế đoạn thơ thứ hai có 10 dòng vẫn theo từng cặp tương ứng để cuối cùng dồn lại một hành động thay cho muôn lời: "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay". Tình đồng chí giữa những người lính vệ quốc, nói như Chính Hữu :

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hỏi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày...

Là tình cảm của cha ông thuở mới nổi dậy chống Pháp hồi giữa thế kỉ XIX truyền lại. Tình của những dân ấp, dân lân, "Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm - Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó" (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Nguyễn Đình Chiêu). Những con người ấy vốn dĩ không đi vào cuộc chiến đấu cam go, thiếu thốn này bằng óc lãng mạn. Những cuộc chiến đấu trên chiến hào bảo vệ Tổ quốc đã khiến họ thành oai hùng, lãng mạn. Bức tượng đài cuối bài thơ là sự phát triển tất yếu từ tình đồng chí:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Đó là cuộc đời thực của những người lính nông dân nghèo khổ nơi: nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá, áo rách vai, quần vài mảnh vá, chân không giày... được tình cảm cách mạng cao đẹp tạo thành dáng hình mới.

Nếu Đồng chí là hình ảnh của anh lính nông dân chưa biết chữ thời kì đầu kháng Pháp thì người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một hóa thân khác. Họ là những thanh niên học sinh đã qua 20 năm dưới mái trường Miền Bắc đi chiến đấu, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Người chiến sĩ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính không mang đặc điểm như đã nói ở trên tuy vẫn cùng bốn phương hội tụ, với tất cả sự trong sáng, hồn nhiên, vô tư. Họ, những người chiến sĩ lái xe, những chiếc xe từ trong bom đạn: đã về đây họp thành tiểu đội, Không có kính, rồi xe không có đèn không có mui xe... Bởi vì: Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi, nên phải chịu bao gian khổ: gió, bụi, mưa xối xả song:

Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Tình đồng chí, đồng đội trong bài thơ của Phạm Tiến Duật có cái tên chung là ta, chúng ta. Tất cả đều là đồng chí: trẻ, khỏe, dũng cảm bất chấp nguy hiểm. Không có kính không phải vì xe không có kính bom giật bom rung kính vỡ đi rồi. Nhưng: ung dung buồng lái ta ngồi/Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng......../Bụi phun tóc trắng... cười ha ha/Mưa tuôn... mau thôi /Gặp bè bạn... kính vỡ rồi. Họ không cần nhiều tìm hiểu, không cần phải đồng cảnh ngộ, với họ từ trong bom rơi... họp thành tiểu đội. Nếu hình ảnh người chiến sĩ trong bài Đồng chí là một bức tượng đài: Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo thì người lính trong thơ Phạm Tiến Duật là một tổ hợp của những khuôn mặt trai trẻ. hồn nhiên. Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật là hai tiêu điểm trong các tiêu điểm của hình tượng người lính - Anh bộ đội Cụ Hồ mà thơ ca dựng lên từ 30 năm chiến đấu gian khổ đến ngày toàn thắng 1975.

Hai bức phù điêu, hai tượng đài ấy là người lính, là anh bộ đội cụ Hồ, là đồng chí, là cha và con, là sự chuyển giao thế hệ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Nó còn là niềm tự hào, là truyền thống yêu nước đã được tạo dựng từ xa xưa trong lịch sử của dân tộc, là hôm nay, là mai sau. Sự tiếp nối ấy là sức mạnh đưa dân tộc Việt Nam đi qua máu lửa để đến ngày nở hoa chiến thắng. Nó vẫn sẽ là sức mạnh để tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam vượt qua khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu đến giàu mạnh, văn minh.

Các bài học liên quan
Bài số 21: Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật