Bài số 42: Một bếp lửa ấp iu nồng đượm - Cảm xúc khi đọc bài Bếp lửa của - Bằng Việt

Bếp lửa và hình ảnh người bà đã gắn bó với tuổi thơ của Bằng Việt, cũng như gắn bó với thời niên thiếu của bao người. Bếp lửa và tình cảm bà cháu thơm thảo yêu thương ấp iu nồng đượm.

BÀI LÀM

Tuổi ấu thơ và những kỉ niệm ai mà chẳng có. Tế Hanh có một "con sông xanh biếc" với 10 bè bạn bơi lội, vui đùa; Giang Nam có "Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường"; Nguyễn Duy có một sân "chơi đáo, chơi vòng" của bạn bè cùng lứa, có tuổi thơ thả hồn với ruộng đồng, rồi đi "cống Na câu cá", rồi "níu váy bà đi chợ Bình Lâm"; Chử Văn Long có Tiếng trống trường vang vọng kí ức đi suốt cuộc đời với những mùa thi; Nguyễn Đức Mậu lại có con chuồn ớt chấm đỏ... Bằng Việt cũng có một tuổi thơ da diết vọng về:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mây nắng mưa.

Bếp lửa và hình ảnh người bà đã gắn bó với tuổi thơ của Bằng Việt, cũng như gắn bó với thời niên thiếu của bao người. Bếp lửa và tình cảm bà cháu thơm thảo yêu thương ấp iu nồng đượm. Ngọn lửa yêu thương, tấm lòng ấm áp, niềm tin dai dẳng của bà đã truyền cho cháu thời thơ bé để cháu mang đi suốt cả cuộc đời, đó là chủ đề bài thơ. Bà và cháu, cháu và bà quấn quít bên bếp lửa. Ban đầu chỉ là "Một bếp lửa chờn vờn sương sớm" mà mắt ta dễ hình dung như hiện hữu. Nhưng đến "Một bếp lửa ấp iu nồng đượm" thì bếp lửa chính là tình cảm ấp iu nồng thắm, đậm đà của tấm lòng người bà để dành cho đời, cho người cháu bé bỏng của mình.

Những đoạn đời thơ bé của tác giả đã hiện lên cùng với cuộc sống của người bà chịu thương chịu khó. Đoạn đời đói khổ - đói đến mòn mỏi; hình ảnh người bố đi đánh xe khô rạc, với con ngựa gầy còm, tất cả, trong mùi khói hun đến nghẹt thở, nao lòng cả tuổi thơ. Không có một vòm trời cổ tích cao rộng và nhuộm màu lãng mạn trong thời thơ bé, mà đúng hơn - khói bếp đã bao trùm ấn tượng suốt khung trời tuổi thơ của tác giả. Ấn tượng về cuộc sống đói khổ và khói bếp nhà nghèo đã đọng lại và da diết trong kí ức của nhà thơ: ''Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay".
Quá khứ tuổi thơ cay cực đã qua rồi mà dư vị một thời thơ bé vẫn ám ảnh nhà thơ, nghĩ lại vẫn thấy xót thương trong hồi ứ về bà... Gọi là một đoạn đời thơ bé, nhưng thời gian trong bài thơ dài lắm:

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc.

Cuộc sống đói khổ vất vả, đã đổ sập xuống tuổi ấu thơ của tác giả để cho chú bé lên bốn, dường như già đi trước tuổi. Thời gian "tám năm ròng" dài tưởng như vô tận. Cái đói, cái vất vả đã đeo đẳng hai bà cháu như chẳng thể nào thoát ra được.

Bếp lửa và tu hú kêu gợi lên những liên tưởng gần xa. Đời bà và cháu chỉ quẩn quanh bên bếp lửa, mà tiếng chim tu hú kia, sao giục giã, như khắc khoải những khao khát rộng dài đến một không gian xa xôi, một cuộc sống khác. Ngoài bếp lửa kia là cánh đồng, là mùa quả ngọt, là mùa hè rực nắng, là hoa phượng đỏ đầy ước mơ, hi vọng (lời một bài hát thiếu nhi), là mùa lúa chín,... thế mà bà và cháu vẫn chỉ quẩn quanh nơi đây với những kỉ niệm buồn.

Cuộc sống cực nhọc dường như đã buộc chặt số phận một người già và một chú bé với nhau:

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc

Có cái gì thật thương, thật cảm động khi hình ảnh bà cháu họ lúi húi bên nhau quanh bếp lửa. Cháu thương bà, bà yêu, chăm sóc cháu. Họ nương tựa vào nhau trong những buổi cơ hàn.

Cơ hàn rồi giặc giã.., lại vẫn chỉ có hai bà cháu sớm tối. Đứa cháu, luôn lặp đi lặp lại điệp khúc: "Thương bà" bởi vì nó chẳng biết làm thế nào cho bà nó đỡ khổ, mặc dù trong tận đáy lòng, nó luôn luôn muốn làm điều gì đó. Kỉ niệm thời giặc giã của hai bà cháu đã gắn với thời kì đau thương của dân tộc. Như nhánh suối nhỏ đã dồn về một dòng sông. Người bà quê mùa lam lũ, lầm lũi nắng mưa ấy, chợt bừng sáng phẩm chất mới: niềm tin vào tương lai của cách mạng, của dân tộc. Bà kiên trì chờ đợi, vững tin, truyền niềm tin cho người cháu yêu dấu bằng ngọn lửa của lòng mình:

Một ngọn lửa ấp lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.

Bếp lửa của Bằng Việt vừa là một bếp lửa có thực, ta luôn gặp ở khắp các xóm quê, vừa là hình ảnh ẩn dụ một quá khứ tuổi thơ, một bếp lửa ấm nồng tình bà cháu.

Tuổi thơ đã lùi xa, người cháu đã lớn rồi, thế mà bếp lửa của người bà yêu thương thì chẳng bao giờ tắt. Tác giả bài thơ đã giữ ngọn lửa thiêng ấy như giữ gia tài quý giá nhất của đời mình. Như cất giấu tuổi thơ cực khổ mà nồng đượm tình bà cháu thân thương. Chính ngọn lửa thiêng đó đã sưởi ấm cho nhà thơ suốt cả cuộc đời dẫu có đi khắp nơi chân trời góc bể.

Người bà trong Bếp lửa của Bằng Việt chắc là không còn nữa, nhưng bếp lửa của người bà vẫn cứ sáng và vẫn chờn vờn, vẫn ấp iu nồng đượm trong tâm trí chúng ta. Chắc chúng ta vẫn còn gặp nhiều ở những vùng quê rơm rạ, chưa hết cảnh nghèo.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật