Bài số 37: Trời đêm mà tràn đầy ánh sáng, cảm nhận khi đọc bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận tái hiện một đêm lao động của người dân chài trên vùng biển Quảng Ninh. Đoàn thuyền ra khơi từ lúc màn đêm bắt đầu buông xuống và trở về khi mặt trời bắt đầu nhô lên.

BÀI LÀM

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận tái hiện một đêm lao động của người dân chài trên vùng biển Quảng Ninh. Đoàn thuyền ra khơi từ lúc màn đêm bắt đầu buông xuống và trở về khi mặt trời bắt đầu nhô lên. Thời gian trải dài suốt một đêm nhưng cả bài thơ lại tràn ngập ánh sáng, thứ ánh sáng lấp lánh từ trăng, sao, từ lân tinh trên biển, từ mắt cá, từ vẩy cá và sáng nhất là từ tâm hồn, tình cảm và niềm tin phơi phới của con người vào cuộc sống mới và tương lai của đất nước.

Mở đầu bài thơ là vầng mặt trời đỏ
Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Khép bài thơ lại là một vùng mặt trời "nhô màu mới"

Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi

Vậy là, "diễn tả một buổi đánh cá đêm nhưng mở đầu và kết thúc đều là hình ảnh mặt trời tạo nên hai mảng rực sáng của bài thơ, và nhờ có ánh sáng ấy những hình ảnh, màu sắc rực rỡ như vẩy bạc, đuôi vàng, mắt cá huy hoàng, mới có điều kiện xuất hiện" (Vũ Quần Phương). Ở đây còn có mối liên tưởng đi về, qua lại giữa ánh sáng mặt trời, ánh trăng và hình ảnh đàn cá đã đưa lại cho nhà thơ rồi độc giả những hình ảnh thơ đẹp một vẻ đẹp kì thú. Những hình ảnh này đã đặt nên bức tranh sáng đẹp lung linh của cảnh đánh cá là nhờ thiên nhiên đẹp (cá quẫy trăng, sao lửa nước, thuyền lái gió...), cũng bởi lòng người phơi phới tin yêu, tràn đầy khí thế, khiến cho cả bài thơ rực rỡ như một bức tranh sơn mài lớn, trong đó lấp lánh những bức tranh sơn mài nhỏ, đàn cá thu dệt biển muôn luồng sáng, con cá song lấp lánh đuốc đen hồng, rồi cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe, vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông để đi đến bức tranh kết thúc vừa hùng vĩ, lộng lẫy, vừa tạo dư âm trong lòng người đọc:

Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi,

Một buổi đánh cá đêm mà thành một bức tranh thơ đẹp là do hồn thơ và tài thơ của Huy Cận: một hồn thơ đằm thắm và tin yêu trước thiên nhiên đất nước và con người, cuộc sống mới; một tài thơ sáng tạo ra những hình ảnh kì thú. mới mẻ.

Bức tranh sáng đẹp, lung linh ấy là cái nền để khúc ca vút lên phơi phới lạc quan yêu đời. Đoàn thuyền đánh cá mang âm hưởng hào hùng của một bài ca lao động. Bài thơ vang lên nhiều lần từ "hát": hát cho căng buồm, hát để gọi cá, hát ca ngợi biển bạc... Những người đánh cá trên biển đang "hát bài ca gọi cá vào" bởi "gõ thuyền đã có nhịp trăng cao". Lao động mà nên thơ, nên nhạc mặc dầu đó là thứ lao động vất vả: "Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng". Ta hiểu trong lòng họ đang vang lên một khúc hát, một niềm vui. Họ ra đi trong "câu hát căng buồm cùng gió khơi" và trở về trong "câu hát căng buồm với gió khơi". Câu hát căng buồm ấy đã thổi vào bài thơ một ngọn gió của niềm tin yêu cuộc sống mới, một chất men say lãng mạn sảng khoái lòng người. Đó là cảm hứng lãng mạn cách mạng say người của thơ Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám.

Tiếng hát sóng đôi, hòa quyện với đoàn thuyền để cùng ra khơi, cùng gọi cá và cùng về bến. Hình ảnh đoàn thuyền nâng câu hát bay lên và âm thanh câu hát lại kéo đoàn thuyền lướt nhanh trên sóng. Ra đi nhẹ nhàng phơi phới:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Trở về hăm hở, say sưa và sảng khoái:

Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

Con người đang chạy đua với thời gian để vượt lên trước thời gian, vì cuộc sống mới. Bởi chính cuộc sống mới đã cho họ câu hát căng buồm - cho họ niềm tin và sức sống mới. Phải tắm mình trong cuộc sống dào dạt đó thì Huy Cận mới có thể sáng tạo ra một câu hát có kích thước và sức mạnh to lớn đến vậy. Nhưng sáng tạo ra câu hát độc đáo này thì đó lại là tài thơ của Huy Cận.

Khúc hát phơi phới lạc quan yêu đời làm nên âm hưởng hào hùng của Đoàn thuyền đánh cá. m hưởng đó chỉ có ở những khúc ca lao động dưới chế độ mới khi con người lao động làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình.

Trời đêm mà tràn đầy ánh sáng, đó là cảm nhận của tất cả chúng ta khi đọc Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận. Bài thơ đã góp phần thể hiện chủ đề chính của tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng, đồng thời góp phần làm sáng lên niềm vui của mỗi người và của cả dân tộc khi được đổi đời, khi được làm chủ. Ánh sáng ấy từ bài thơ đã tỏa suốt chặng đường thơ Huy Cận và tỏa sáng cuộc đời, tỏa sáng tương lai của dân tộc Việt Nam.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật