Bài số 49: Cảm nhận về khúc hát ru thứ nhất trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm

Lời ru là một nét đẹp văn hóa tinh thần rất riêng của dân tộc Việt Nam, người mẹ Việt Nam. Trong những lời ru thấm đẫm ngọt ngào ấy người mẹ gửi gắm thật nhiều tâm sự: tình yêu con, mong ước khát vọng cho con và những bài học làm người.

BÀI LÀM

Lời ru là một nét đẹp văn hóa tinh thần rất riêng của dân tộc Việt Nam, người mẹ Việt Nam. Trong những lời ru thấm đẫm ngọt ngào ấy người mẹ gửi gắm thật nhiều tâm sự: tình yêu con, mong ước khát vọng cho con và những bài học làm người. Nguyễn Duy đã nhận ra ý nghĩa lớn lao ấy của lời ru khi viết: “Tớ đi trọn kiếp con người, Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Nguyễn Khoa Điềm cũng lấy điểm tựa từ cảm xúc truyền thống này để sáng tạo nên Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, rất truyền thống nhưng cũng rất hiện đại. Bắt đầu từ khúc ru thứ nhất:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mai sau con lớn vung chày lún sân

Bài thơ được viết năm 1971 in trong tập "Đất và khát vọng . Cảm xúc bao trùm bài thơ là tình cảm chân thành của tác giả về hình ảnh người mẹ dân tộc Tà Ôi với tình thương con, thương bộ đội, yêu đất nước.

Đoạn thơ mở đầu chính là lời hát ru của tác giả nói về hình ảnh mẹ giã gạo nuôi bộ đội và rất yêu thương con:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
………………………………..
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Mở đầu là điệp khúc ngọt ngào tha thiết: “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/ Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ Tác giả vỗ về em cu Tai ngủ bởi vì: "mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội, nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng". Tiếng ru con ngủ "nghiêng” theo nhịp chày làm cho giấc ngủ của em cũng "nghiêng” theo. Con cũng đang chia sẻ theo công việc của người mẹ. Công việc giã gạo nuôi bộ đội không chỉ là công việc đơn thuần mà nó thật sự có ý nghĩa cao cả, hướng về sự nghiệp chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ của toàn dân tộc.

Sự vất vả của mẹ được diễn tả trong câu thơ:

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Hàng loạt các hình ảnh hoán dụ: mồ hôi, vai, lưng, má, tim được sử dụng rất đắt để thể hiện trái tim yêu thương mênh mông của người mẹ nghèo đặc biệt là hình ảnh "má em nóng hổi" vì giọt mồ hôi tuôn rơi của mẹ, lưng mẹ là chiếc nôi để con lớn lên, tim mẹ dạt dào tình mẫu tử đã hát thành lời, đó là tiếng hát từ trái tim, từ cảm xúc yêu thương con của người mẹ.

Cảm xúc từ lòng yêu thương tha thiết là điểm tựa cho những ước mơ khát vọng của mẹ. Thật xúc động khi ta lại bắt gặp sự đồng nhất giữa riêng và chung, giữa con và bộ đội trong ước mơ của mẹ:

Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân

Lời tâm sự của mẹ giản dị, mộc mạc khiến ta rưng rưng xúc động "Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội". Hai tình cảm ấy đã hòa làm một trong trái tim người mẹ Tà Ôi, thương bộ đội như thương chính con mình, ta cảm nhận được sự vĩ đại trong chính người mẹ bình thường ấy. Sự hòa quyện, xuyên thấm riêng chung ấy là một nét đẹp rất thời đại của người mẹ trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Và để bày tỏ tình yêu ấy mẹ gửi gắm nó vào những giấc mơ. Không phải mẹ mơ mà là "Con mơ cho mẹ" - Mơ điều nhỏ nhoi thôi, mơ "hạt gạo trắng ngần" để bộ đội ăn no đánh giặc, mơ con khỏe mạnh "vung chày lún sân" để cùng mẹ giã gạo nuôi bộ đội. Riêng và chung đã không còn ranh giới trong trái tim người mẹ Tà Ôi ấy, tạo nên sức mạnh tinh thần để mẹ vượt lên nuôi con khỏe mạnh và cùng cả dân tộc đi đến ngày chiến thắng, đến ngày "được gặp Bác Hồ", ngày cả dân tộc được tự do.

Khúc hát ru thứ nhất khép lại với ước mơ đứa con yêu của mẹ trở thành một chàng trai khỏe mạnh của núi rừng nhưng đưa đến cho ta những rung cảm sâu sắc về người mẹ. Yêu con và yêu nước, người mẹ Tà Ôi ấy không còn là của riêng cu Tai mà là người mẹ của đất nước thân yêu.

Các bài học liên quan
Bài số 44: Cảm nhận của em về hình ảnh Bếp lửa.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật