Bài số 57: Thuyết minh về tác giả Nguyễn Duy và bài thơ Ánh trăng

Viết về người lính sau chiến tranh là một cảm hứng của thơ ca sau 1975 Nguyễn Duy và bài thơ Ánh trăng nằm trong mạch đề tài ấy.

BÀI LÀM

Viết về người lính sau chiến tranh là một cảm hứng của thơ ca sau 1975 Nguyễn Duy và bài thơ Ánh trăng nằm trong mạch đề tài ấy.

Nguyễn Duy họ tên là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê ở Quảng Xá, thành phố Thanh Hóa. Ông từng là dân quân chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, rồi gia nhập quân đội từ năm 1966, tại Bộ tư lệnh Thông tin, lính đường dây, tham gia chiến đấu tại các chiến trường Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào. Ông đã đi suốt hành trình chiến đấu và chiến thắng cùng quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1979, tham gia mặt trận phía Nam và phía Bắc. Từ 1976, chuyển ngành về làm báo Văn nghệ Giải phóng. Hiện công tác tại tuần báo Văn nghệ. Xuất hiện vào chặng cuối của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, từ khoảng 1972 trở đi, Nguyễn Duy đã trở thành một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ. Cho đến nay, Nguyễn Duy vẫn là một trong số không nhiều nhà thơ "thời ấy" còn sung sức và được bạn đọc yêu thích. Có thể thấy tài năng và con đường thơ của ông phát triển và khẳng định gắn chặt với những năm tháng đầy biến động của lịch sử dân tộc. Nhà phê bình Hoài Thanh khẳng định ở thơ Nguyễn Duy có một vẻ đẹp "không gì so sánh được", "quen thuộc mà không nhàm chán", "Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những cuộc đời cần cù, gian khổ, không tuổi, không tên", chất thơ của Nguyễn Duy chính là "cái hiền hậu, một cái gì rất Việt Nam". Ta có thể thấy rõ điều đó qua các bài thơ tiêu biểu như: Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm,... Thơ Nguyễn Duy dung dị, hồn nhiên và trong sáng. Ngôn ngữ thơ hình tượng, thơ sáng tạo, gợi cảm và rất đẹp, một vẻ đẹp chân quê. Sau này, cảm xúc trữ tình trong thơ Nguyễn Duy ít nhiều pha màu sắc triết lý khá thâm trầm, ấn tượng, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở day dứt. Hiện nay Nguyễn Duy vẫn tiếp tục sáng tác. Thơ của ông ngày càng đậm đà, ổn định một phong cách, một giọng điệu quen thuộc mà vẫn rất hấp dẫn đối với người đọc. Ông viết đều những bài thơ tài hoa, đậm chất suy tư. Các tác phẩm đã xuất bản: Cát trắng (thơ, 1973); Ánh trăng (thơ, 1984); Nhìn ra bể rộng trời cao (bút ký, 1985); Khoảng cách (tiểu thuyết, 1985); Mẹ và em (thơ, 1987); Đường xa (thơ, 1989); Quà tặng (thơ, 1990); Về (thơ, 1994), Nhà thơ đã được tặng giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1973 với chùm thơ gồm các bài: Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Giọt nước mắt và nụ cười, Bầu trời vuông. Tặng thưởng loại A về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (1985).

Bài thơ Ánh trăng được tác giả Nguyễn Duy viết năm 1978, sau đưa vào tập Ánh trăng - tập thơ được tặng giải A của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984. Mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian. Cảm nghĩ trữ tình của tác giả men theo dòng tự sự này để bộc lộ. Bài thơ như một lời nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên đất nước. Bài thơ được xem như là niềm thôi thúc của tác giả, nhớ về cội nguồn và ý thức trước lẽ sống thủy chung.

Giọng điệu tâm tình, nhịp thơ lúc trầm lắng suy tư, lúc lại nhịp nhàng, ngân nga, tha thiết. Sự kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, các biện pháp nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ... đã góp phần làm nổi bật chủ đề, tạo nên sự chân thành và sức truyền cảm sâu sắc của bài thơ.

Từ một câu chuyện riêng, Ánh trăng của Nguyễn Duy như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở thấm thía về thái độ sống, về chân lí giản đơn đã thành đạo lí: “uống nước nhớ nguồn”, “ân nghĩa thủy chung” cùng quá khứ.

Các bài học liên quan
Bài số 46: Thuyết minh về tác giả Bằng Việt và bài thơ Bếp lửa.
Bài số 47: Cảm nhận về bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Bài số 48: Cảm nhận về hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật