Bài số 52: Cảm nhận về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Không biết tự bao giờ trăng đã trở thành nàng thơ, thành người bạn tri âm tri kỉ của biết bao tâm hồn thi sĩ, trăng đã gợi cho các thi nhân cổ kim nhiều thi tứ.

BÀI LÀM 1

Không biết tự bao giờ trăng đã trở thành nàng thơ, thành người bạn tri âm tri kỉ của biết bao tâm hồn thi sĩ, trăng đã gợi cho các thi nhân cổ kim nhiều thi tứ. Trong miền thơ mênh mang ấy, "ánh trăng" của Nguyễn Duy như một lời tâm sự chân thành, đã neo lại trong tâm hồn người đọc những tâm trạng riêng, những suy ngẫm riêng giàu trăn trở.

Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian. Cảm nghĩ trữ tình của tác giả men theo dòng tự sự này để bộc lộ. Trước hết là hình ảnh vầng trăng thiên nhiên gắn bó với tuổi thơ:

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể

Bằng cách gieo vần lưng và điệp từ “với” được nhắc đi nhắc lại gợi ra trước mắt người đọc một tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm êm đềm, tuổi thơ được vui đùa, được hòa mình với thiên nhiên, sông, bể... Và khi đã trở thành người lính, trăng và người vẫn gắn bó bên nhau:

hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ

Vầng trăng đẹp đẽ ân tình, gắn với những kỷ niệm thiếu thời và những tháng năm chinh chiến. Trăng là hình ảnh của thiên nhiên hồn nhiên tươi mát, là trò chơi tuổi thơ, là ước mơ trong sáng, là ánh sáng, là niềm vui bầu bạn của người lính. Con người khi ấy sống giản dị và hòa hợp với thiên nhiên trong lành:

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
nhớ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.

Con người và thiên nhiên hài hòa trong mối kết giao tri kỉ, thủy chung. Từ những năm tháng tuổi thơ bươn chải nhọc nhằn gắn bó với đồng, với sông rồi với bé cho đến những năm tháng chiến tranh gian khổ sống với rừng, bao giờ trăng cũng gần gũi, thân thiết. Giữa con người với thiên nhiên, với trăng là mối quan hệ chung sống, quan hệ thân tình khăng khít. Trăng là người bạn đồng hành trên mỗi bước đường gian lao nên trăng hiện diện như là hình ảnh của quá khứ, là hiện thân của kí ức chan hòa tình nghĩa. Người ta cứ đinh ninh về sự bền chặt của mối giao tình ấy. Nhưng hoàn cảnh sống thay đổi, hết chiến tranh, con người trở về thành phố, quen với cửa gương và ánh điện của cuộc sống hiện đại lúc nào cũng rực rỡ sáng lòa, vầng trăng tri kỉ, vầng trăng tình nghĩa của ngày xưa đã mau chóng trở thành quá khứ. Nếu ở khổ thơ đầu ta rung động trước một tình cảm gắn bó bền chặt thì đến đây người đọc lại sửng sốt, ngỡ ngàng:

Vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Vẫn là vầng trăng ngày xưa nhưng con người giờ đã khác xưa, quen với ánh sáng nhân tạo nên coi trăng hoàn toàn xa lạ. Một sự thay đổi đến phũ phàng, tê tái... Tác giả đã tạo ra sự đối lập giữa hình ảnh vầng trăng tri kỉ, tình nghĩa trong quá khứ và vầng trăng "như người dưng qua đường" trong hiện tại. Sự đối lập này diễn tả những đổi thay trong tình cảm của con người. Thủa trước, ta hồn nhiên sống với đồng, với sông, với bể, với gian lao "ở rừng", khi ấy trăng chan hoà tình nghĩa, thiên nhiên và con người gần gũi, hòa hợp. Bây giờ, thói quen cuộc sống phương tiện đủ đầy khiến ta không còn thấy trăng là tri kỉ, nghĩa tình nữa. Nhà thơ nói về trăng là để nói thế thái, nhân tình.

Người lính đã quên những tình cảm chân thành, những tháng năm gian khổ nhưng chan chứa ân tình thuở trước. Mặc dù vậy trăng vẫn không quên, vẫn đến với bạn xưa bằng tình cảm tràn đầy không hề sứt mẻ. Người lính chỉ nhận ra điều đó khi:

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.

Việc mất điện như một tình huống có vấn đề đột ngột xảy ra, theo thói quen con người vì cần ánh sáng mà mở tung cửa sổ, lại nhìn thấy hình ảnh vầng trăng vẫn hiện diện trên bầu trời và tỏa sáng khắp căn phòng. Và chính trong khoảnh khắc ấy, khi mà vầng trăng xuất hiện bất ngờ gây ấn tượng mạnh thì ánh sáng của quá khứ, của ân tình lại bừng tỏ, cũng là lúc người ta nhận thấy giá trị của quá khứ gian lao mà tình nghĩa, thiếu thốn mà đủ đầy. Đó cũng là nỗi nhớ về một thời quá khứ chưa xa:

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng.

Phép nhân hóa tài tình khiến trăng và người đối diện đàm tâm là một cách viết lạ và sâu sắc của riêng Nguyễn Duy. Trong cuộc gặp mặt không lời, người lính xưa xúc động “rưng rưng”. Cảm xúc nghẹn ngào, khắc khoải như chỉ chực trào nước mắt. Sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng làm ùa dậy trong tâm trí nhà thơ bao kỷ niệm xưa: những kỷ niệm thiếu thời, những tháng năm chinh chiến giữa thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hòa. Tất cả hiện hình trong nỗi nhớ, trong cảm xúc thiết tha và cả trong tư thế lặng im thành kính của tác giả... Vào lúc đó ông đã nhận ra, trăng vẫn tràn đầy, tình nghĩa, thủy chung và vị tha, cao thượng:

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.

Hình ảnh “vầng trăng tròn vành vạnh” không chỉ thể hiện vẻ đẹp bình dị và vĩnh hằng của cuộc sống mà còn có ý nghĩa biểu tượng cho nghĩa tình quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên, chẳng thể phai mờ. Trăng xuất hiện không một lời oán hờn trách cứ, nhưng đôi khi, im lặng lại là sự trừng phạt nghiêm khắc nhất. Không gian như chững lại, lặng yên trong cuộc gặp mặt không lời của hai người tri kỉ. Giây phút ấy tác giả nhận ra trăng chính là người bạn, là nhân chứng đã chứng kiến trọn vẹn quá khứ nghĩa tình giờ lặng yên như nghiêm khắc nhắc nhở ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên, nhưng thiên nhiên và nghĩa tình quá khứ thì luôn luôn tràn đầy, luôn luôn bất diệt. Điều đó đã tạo nên cái “giật mình” đầy ý nghĩa của tác giả: giật mình để nhớ lại, để tự vấn lương tâm, để nhận ra và hoàn thiện chính mình...

Giọng điệu tâm tình, nhịp thơ lúc trầm lắng suy tư, lúc lại nhịp nhàng, ngân nga, tha thiết đã góp phần làm nổi bật chủ đề, tạo nên sự chân thành và sức truyền cảm sâu sắc của bài thơ.

Từ một câu chuyện riêng, tiếng thơ của Nguyễn Duy như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở thấm thía về thái độ sống, vì chân lý giản đơn đã thành đạo lý: “uống nước nhớ nguồn”, “ân nghĩa thủy chung” cùng quá khứ. Có lẽ vì vậy mà đến với “ánh trăng”, người đọc nào cũng thấy lòng mình dường như lắng lại.

 

BÀI LÀM 2

Một nét đạo lí có tính truyền thống của dân tộc ta là sự thuỷ chung son sắt, có mới không nới cũ, hoàn cảnh sống dù thay đổi vẫn không quên gốc rễ của mình.

Còn nhớ tháng 10 năm 1954, lúc Đảng và Chính phù rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Tố Hữu sáng tác bài Việt Bắc, nhắc nhở mọi người đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ hãy giữ gìn nét đạo lý đáng nâng niu ấy.

Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phô đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

Sau Tố Hữu gần ba mươi năm - năm 1978, Nguyễn Duy đã viết Ánh trăng, một bài thơ đặc sắc cũng nói về sự thủy chung của con người đối với gốc rễ của mình,suy rộng ra là sự thủy chung của cách mạng đối với gốc rễ nhân dân.

Thoạt nhìn bài thơ đã thấy cách trình bày khác lạ. Trừ chữ đầu của mỗi khổ thơ, còn lại các chữ đầu mỗi dòng thơ trong bài đều không viết hoa. Điều này khiến khổ thơ cũng giản dị chẳng khác chi một câu văn ngắt dòng.

Ánh trăng gồm sáu khổ thơ năm chữ là lời tác giả đối thoại với chính mình và cũng là lời tâm sự chân thành của tác giả với người đọc. Lối viết của Nguyễn Duy ở đây thật mộc mạc mà tha thiết, trầm tĩnh mà sâu lắng. Bằng hình ảnh ánh trăng đột ngột hiện ra giữa khung cảnh thành phố mất điện, nhà thơ không những tự nhắc nhở mình mà còn nhắn gửi đến một người về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị và hồn hậu.

Mở đầu bài thơ là những dòng hồi ức mộc mạc, giản dị. Lời kể của tác giả tự nhiên và chân thành như chính những gì đã xảy ra, những gì mà mình đã trải nghiệm:

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa

Hai câu thơ đầu gợi lại một tuổi thơ của tác giả, một tuổi thơ đầy ánh trăng gắn với đồng! với sông, với bể. Sinh trưởng ở làng quê, hẳn tuổi thơ bất kì ai cũng thế, cũng có biết bao lần cùng mẹ, cùng chị tát nước, bắt ốc, mò cua, xúc tép... dưới trăng. Trăng do đó không chỉ soi tỏ góc sân nhà mà còn tràn ngập khắp cả vườn cây, ruộng lúa, bờ bãi xa xôi. Trăng soi tỏ cả tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng, cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại, vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải, bờ ruộng buồn lấm tấm dấu chân cua (Tuổi thơ - Nguyễn Duy)

Khi trưởng thành làm người lính, nhà thơ đã gắn bó khăng khít với trăng trong những năm dài chiến đấu ờ rừng. Cuộc sống nhiều khó khăn gian khổ ấy khiến tình nghĩa giữa anh bộ đội và trăng đã rất tự nhiên chân thành và đằm thắm. Có biết bao đêm giữa rừng hoang sương muối anh cùng đồng đội đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới, đầu súng trăng treo. Bao lần, họ cùng ngắm mảnh trăng cuối rừng mà lòng bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu. Anh và trăng vì thế đã là đôi bạn tri kỉ với nhau, khăng khít với nhau tưởng như không bao giờ quên.

Rồi hòa bình lặp lại, người lính trở về thành phố gắn cuộc sống mình với nhà cao tầng, màn lụa cửa gương sáng bừng ánh điện và bao nhiêu là tiện nghi hiện đại khác. Điều kiện ngoại cảnh vô tình khiến anh trở nên xao lãng với ánh trăng ngày nào, ánh trăng thời tuổi thơ, ánh trăng thời cầm súng xa quê đánh giặc:

Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Chao ôi! Khoảng cách từ vầng trăng thành tri kỉ đến vầng trăng đi qua ngõ, như người dưng qua đường sao mà ngắn ngủi, chóng vánh đến xót xa như thế. Tất cả cũng chỉ vì “Từ hồi về thành phố. Quen ánh điện cửa gương” ư ? Cụm từ “người dưng qua đường” có chi mà làm tê tái cả lòng người đọc!

Cuộc sống người lính ở thành phố sẽ cứ như thế mà tiếp tục nếu như không có một sự cố:

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om

Thành phố bị mất điện. Theo phản xạ tự nhiên, người lính vội bật tung cửa sổ. Thật bất ngờ, anh đã gặp lại được vầng trăng:

... đột ngột vầng trăng tròn
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng

Hai gương mặt: gương mặt người lính và gương mặt trăng đang nhìn thẳng vào nhau. Hai người bạn đang tìm lại ở nhau sự đồng cảm. Đây cũng là phút dòng kỉ niệm xưa bất chợt trào lên trọn vẹn, đủ đầy ào ạt chảy về trong tâm trí người lính từ thời bé đến những năm lội suối nằm rừng đánh giặc:

như là đồng là bể
như là sông là rừng

Hai câu thơ cấu trúc song hành lại dùng cả phép so sánh, phép điệp ngữ, phép liệt kê... khiến người đọc tưởng chừng cả đồng nước bao la, cả bể trăng bát ngát, cả sông thăm thẳm, cả rừng ngập trùng dưới ánh trăng đêm đang dội về tâm trí kẻ trót lãng quên. Hai câu thơ ngắn nhưng hơi thơ, mạch thơ lại dài tưởng như miên man bất tận. Đây cũng là giây phút trăng đã đánh thức tâm hồn anh gọi về những kỉ niệm quá khứ và cả tình thâm tri kỉ năm xưa nghĩa là tất cả những gì anh đã lãng quên.

Bị vật chất cao sang vây bủa, người lính quên đi những ngày gian khó đấu tranh, một quá khứ ác liệt nhưng cao đẹp tình người. Bị bạn tri kỉ lãng quên, nhưng vầng trăng trước sau vẫn thủy chung và bình dị, khiêm tốn và lặng lẽ, độ lượng và vị tha. Có phải đây là biểu tượng của tình nghĩa nhân dân trong sáng và trọn vẹn mà trong những năm tháng chiến đấu được bao bọc chở che, người lính đã cảm nhận được:

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình

Trăng không nói một lời nào. Giây phút này là giây phút của sự im lặng đến vô bờ. Không một tiếng động bên ngoài nhưng có những vang dội đáng quý bên trong tâm hồn. Đó là cái giật mình của người lính:

Giật mình là thể hiện sự thức tỉnh của lương tri vừa bừng dậy vì được đánh thức. Trước sự cao đẹp của trăng, người lính, đã giật mình để tự kiểm điểm mình, tự trách mình. Đó là một nỗi ăn năn đầy nhân bản đáng quý vô cùng.

Hai câu kết là hai câu thơ chứa nặng sự suy tư.

Bài thơ tuy khép lại nhưng lẽ đời tình đời bao nỗi đa đoan vẫn vấn vương không dứt cùng người đọc...

Các bài học liên quan
Bài số 48: Cảm nhận về hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật