Bài số 51: Cảm nhận của em về hình ảnh người phụ nữ qua hai bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt và Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điểm

Nếu thơ trung đại viết về người phụ nữ Việt Nam với nét nổi bật là sự thủy chung, son sắt thì thơ hiện đại lại hướng ngòi bút vào tình yêu gia đình gắn chặt với tình yêu quê hương, đất nước ở họ.

BÀI LÀM

Nếu thơ trung đại viết về người phụ nữ Việt Nam với nét nổi bật là sự thủy chung, son sắt thì thơ hiện đại lại hướng ngòi bút vào tình yêu gia đình gắn chặt với tình yêu quê hương, đất nước ở họ. Hình ảnh hai người phụ nữ trong hai bài thơ Bếp lửa và Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ đã minh chứng cho điều đó. Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận, Bằng Việt đã đưa ta vào thế giới kỉ niệm của tình bà cháu gắn bó cũng là đối với quê hương, đất nước. Còn Nguyễn Khoa Điểm lại thể hiện tình yêu của người mẹ dành cho con gắn chặt với tình yêu làng - nước và tinh thần chiến đấu của người mẹ miền tây Thừa Thiên qua Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ mang giọng thơ ngọt ngào, trìu mến.

Hai lối viết thơ khác nhau, hai nhân vật cũng khác nhau về hoàn cảnh nhưng lại gặp nhau ở sự chịu thương, chịu khó, lam lũ vất vả, giàu đức hi sinh của người bà trong Bếp lửa, người mẹ Tà Ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Họ đều là những con người mang vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam anh hùng.

Trước tiên, đến với Bằng Việt ta được cảm nhận hình ảnh người bà với bao trìu mến, dìu dắt và yêu thương con cháu vô bờ. Cuộc đời bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa và ngọn lửa thế nên người cháu cảm thấy gần gũi và thân thương biết bao khi nhớ về bà. Dòng hồi tưởng của nhà thơ bắt đầu từ hình ảnh bếp lửa "chờn vờn - ấp iu - nồng đượm" - hình ảnh quen thuộc, trìu mến.

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa

Tình cảm và những kỉ niệm về bà được khơi gợi từ hình ảnh bếp lửa. Hình ảnh "chờn vờn" gợi lên những mảnh kí ức hiện về trong Bằng Việt lúc rõ lúc mơ hồ, chập chờn như khói bếp. Bếp lửa được thắp lên, nó bật ánh sáng lên mọi vật và tỏa sáng tâm hồn "cháu" thơ ngây. Từ "ấp iu, nồng đượm" gợi hình gợi tả. Bếp lửa được bàn tay bà nhen nhóm có sức tỏa đặc biệt. Trong khoảnh khắc ấy nhà thơ thấy dâng trào cảm xúc bồi hồi, để rồi đọng lại một chữ "thương" - "Cháu thương bà biết mấy nắng mưa", dạt dào tình cảm.

Bếp lửa hiện ra trước mắt, dòng kí ức trào dâng, những kỉ niệm ùa về, đó là những ngày tháng "đói mòn, đói mỏi, tiêu điều" nhưng Bằng Việt lại cảm thấy ấm lòng bởi bếp lửa hiện diện như tình bà ấm áp:

Lên bốn tuổi, cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mãi còn cay

Tuổi thơ khổ cực với nạn đói năm 1945. Dường như nhà thơ rất rõ cuộc sống lam lũ, khổ cực của bao con người, của bà, người cha và nhớ khói bếp hun nhèm mắt cháu "đến giờ" sống mũi còn cay. Những năm "giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi". Cái cay xè của khói, cái nhọc nhằn của người bà đã già lưu giữ trong tâm hồn đứa trẻ lên bốn tuổi khó phai mờ. Một chữ "quen" đã nói lên cả nỗi niềm, khói lửa in sâu, gắn chặt vào tâm trí nhà thơ cho dù năm tháng trôi qua nhưng kí ức ấy trở thành đâu dễ nguôi ngoai.

Hình tượng người bà hiện lên với sự tần tảo, tấm lòng đôn hậu, tình thương bao la. Bà mang dáng dấp của người phụ nữ Việt Nam quả cảm:

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẩn vững lòng, bà dặn cháu đỉnh ninh:
"Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!".

Cuộc sống khó khăn, cực nhọc là thế nhưng bà vẫn "vững lòng". Dù cho túp lều tranh của hai bà cháu bị đốt rụi nhưng bà vẫn kiên cường dù đói khổ bà vẫn cam chịu, chịu thương chịu khó "gánh việc nhà". Lời thơ tha thiết nặng trĩu nỗi nhớ thương vô hạn của nhà thơ về bà - tình bà. Cách xưng hô dân dã "mày" thân mật mà trìu mến mang đậm tố chất của người dân quê Việt. Bà là người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, giàu nghị lực.

Những dòng thơ:

"Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng"

Cho thấy bà là ngọn lửa của tình yêu thương bà nhen trong trái tim cháu. Ngọn lửa vừa có ý nghĩa thực, vừa mang nghĩa tượng trưng. Ngọn lửa trong lòng bà chan chứa niềm tin, niềm tin dai dẳng, bền chặt, niềm tin vào tương lai. Đồng nghĩa bà trao cho người cháu - một niềm tin vào tương lai tươi sáng, niềm tin vào tình bà bất diệt, lớn lao, về sự ấm no của đất nước, về ngày mai tươi sáng, hạnh phúc hơn, niềm tin vào "ngọn lửa lòng bà cháy mãi sáng soi cho bước chân cháu". Bà - tình bà - hiện lên rất đỗi to lớn là bản lĩnh sống, là tình thương của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến!

"Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm"

Bếp lửa bà tay bà nhóm lên mỗi sớm mai là nhóm lên niềm yêu thương vui sưởi ấm, san sẻ và còn “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”. Cuộc “lận đận” - vất vả nhưng chẳng vì thế mà bà lùi bước, bà lo toan, dìu dắt cho người cháu và cả dân làng. Chẳng phải, đó là tình yêu quê hương, đất nước đấy sao!? Người bà cần mẫn, lo toan, thức khuya dậy sớm để con cháu được thừa hưởng hạnh phúc đủ đầy. Người bà với sức mạnh kì diệu, là biểu tượng cho sức mạnh người phụ nữ Việt Nam.

Cùng là vẻ đẹp về tình thương bao la - cháy bỏng, giàu đức hi sinh giống như người bà trong tác phẩm Bếp lửa của Bằng Việt, nhưng với cách viết tự nhiên, đậm chất nhạc, bằng khúc hát ru chứa chan tình cảm, Nguyễn Khoa Điềm đem thêm đến những cảm nhận về người phụ nữ.

Người mẹ với tất cả sự hi sinh đã nuôi nấng đứa con không phải ở trên nôi, mà lưng mẹ chính là chiếc nôi ru con. Em cu Tai “cùng” mẹ “làm” tất cả “công việc”: giã gạo, tỉa bắp, tham gia kháng chiến. Đầu tiên là hình ảnh mẹ làm công việc giã gạo:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng.
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

Với tình thương bao la rộng lớn, mẹ ru con bằng cả trái tim. Lời ru ấy chứa chan tình yêu thương, mẹ yêu em cu Tai, mẹ yêu bộ đội. Công việc dù vất vả gian lao “mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi”. Lời ru của nhà thơ - có lẽ vậy - hàm chứa bao trìu mến dành cho em cu Tai như muốn góp thêm bao yêu thương hoà cùng khúc ru của mẹ. Hình ảnh ấy lại khiến người đọc bồi hồi nhớ lại những câu thơ viết về người mẹ Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp của Tố Hữu.

“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô ”

Mẹ giã gạo để nuôi bộ đội, góp sức cho kháng chiến, chống Mỹ. Tình yêu vô bờ bến kết trong âm điệu của những lời ru giàu sức gợi cảm “Lưng đưa nồi và tim hát thành lời”.

Người mẹ ấy còn là người mẹ của công việc:

“Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi ”
...
“Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng ”
...
“Mẹ dịu em đi để giành trận cuối ”

Mẹ là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, bền bi, nhẫn nại cần cù. Công việc của mẹ cũng như bao anh chị em khác làm việc vì quê hương và đất nước. Mẹ “tỉa bắp, chuyển lán, đạp rừng, giành trận cuối” - toàn những công việc hết sức vất vả, khó khăn. Mẹ cũng không ngại, quyết tâm trong tất cả lao động lẫn kháng chiến. Từ những câu thơ, mẹ hiện lên với công việc và ẩn chứa trong đó là một tấm lòng yêu thương của người mẹ trên chiến khu kháng chiến gian khổ. Người mẹ ấy thắm thiết yêu con và cũng nặng tình thương buôn làng, quê hương, bộ đội, khát khao đất nước được độc lập, tự do. Người mẹ Tà Ôi thật kiên cường và giàu nghị lực, đó là những nét đáng quý của người phụ nữ Việt thời chiến. Tình thương con của người mẹ gắn với tình thương bộ đội, buồn làng cùng quê hương gian khổ.

“Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội.
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lần sân... "

/.../ “Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi ”
... “Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do”

Ước mơ của bà mẹ Tà Ôi thật giản dị, mong ước em cu Tai trưởng thành, khôn lớn thành một người khỏe mạnh; là một anh lính rồi trở thành con người tự do trên đất nước tự do. Tình yêu, niềm tin của mẹ dành cho em cu Tai cũng gắn với tình yêu bộ đội và Bác Hồ lẫn quê hương. Người mẹ giàu tình thương ấy gửi trọn niềm tin mong mỏi vào giấc mơ vào chính con yêu của mẹ. Giọng điệu của lời thơ - lời ru ngày một tiến triển một cách tha thiết, tin tưởng, niềm vui nhộn cùng của mẹ là “Mai sau con lớn thành người Tự do”.

Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo chọn cách gửi tình cảm của mình vào lời ru tha thiết, thân thương thật trìu mến. Từ hình ảnh, tấm lòng người mẹ Tà Ôi, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước thiết tha, ý chí chiến đấu cho độc lập tự do và khát vọng thống nhất nước nhà của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Người mẹ với tất cả tố chất của một nữ anh hùng như theo đến với cuộc đời, là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.

Hai tác phẩm ra đời trong hai thời điểm khác nhau, cách thể hiện nội dung, tình cảm của mỗi nhà thơ cũng khác nhau nhưng thể hiện cùng một đề tài: ca ngợi vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.

Hai nhà thơ Bằng Việt và Nguyễn Khoa Điềm có cách thể hiện và xây dựng nhân vật trữ tình của mình rất riêng, rất khác nhưng đều thành công vì đã xây dựng hai nhân vật nữ: Bà của Bằng Việt và người mẹ Tà Ôi đại diện cho người phụ nữ Việt Nam giàu tình yêu thương, chịu thương, chịu khó, bền bỉ, nhẫn nại, cần cù, giàu đức hi sinh, dũng cảm, kiên cường. Đó chính là sự hội tụ vẻ đẹp thiên tính và vẻ đẹp thời đại của người phụ nữ Việt Nam.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật