Bài số 55: Xuyên suốt bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy là hình tượng ánh trăng. Em hiểu hình tượng đó như thế nào?

Tập thơ Ánh trăng với bài thơ cùng tên viết về người lính sau chiến tranh với những vần thơ tha thiết và thấm thía, những trăn trở băn khoăn xuyên suốt bài thơ là hình tượng ánh trăng, một hình tượng giàu ý nghĩa biểu đạt.

BÀI LÀM

Xuất hiện vào chặng cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nguyễn Duy trở thành một gương mặt tiêu biểu của lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ. Sau chiến tranh, Nguyễn Duy vẫn tiếp tục con đường thơ của mình. Tập thơ Ánh trăng với bài thơ cùng tên viết về người lính sau chiến tranh với những vần thơ tha thiết và thấm thía, những trăn trở băn khoăn xuyên suốt bài thơ là hình tượng ánh trăng, một hình tượng giàu ý nghĩa biểu đạt. Ánh trăng chính là biểu tượng của quá khứ đẹp đẽ, là lời nhắc nhở nghiêm khắc mà bao dung.

Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp hình ảnh vầng trăng nguyên sơ, vầng trăng của quá khứ:

“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”

Hai khoảng thời gian xác định được mở ra, đi kèm với nó là hai khoảng không gian: hồi nhỏ - sống với đồng, hồi chiến tranh - ở rừng. Trong hai khoảng thời gian, không gian ấy ta bắt gặp hình ảnh trăng tươi mát, hồn nhiên. Kỉ niệm cũ chợt ùa về, không dùng ngôn ngữ để diễn tả nhưng ta hiểu trong lòng người lính ấy, cả một quá khứ sống dậy. Những trò chơi thuở nhỏ đêm hè trăng sáng, rồi những đêm nằm chõng tre nhìn trời đếm sao và "vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm" trong lời ru của mẹ. Trở thành người lính, lại có dịp bầu bạn cùng vầng trăng, thấy "lập lờ sau lớp lá rừng" là "trăng mắc võng lưng chừng cành cây" hay "trăng kia cùng cánh võng này soi nhau"... Có thể nói trong quá khứ trăng là người bạn bình dị, hiền hậu, nghĩa tình và trong sáng. Một quá khứ đẹp, chính người lính đã từng tự hào với quá khứ ấy, yêu mến quá khứ, yêu mến vầng trăng. Người và trăng đã "thành tri kỉ". Bởi thế từ sâu thẳm "lòng mình", người lính thốt lên:

"ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa"

Nhưng chiến tranh rồi cũng lùi xa. Ra khỏi cuộc chiến, chàng lính trẻ năm xưa về với cuộc sống đời thường. Những anh hùng trận mạc của một thời giờ hòa mình vào cuộc sống, họ cũng nhanh chóng hòa nhập, nhanh chóng "vào cuộc như thuở xưa họ vào trận". “Ánh điện của gương" từ xa lạ thành thân quen và theo quy luật, cái thân quen lại trở thành xa lạ:

"vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường"

Trăng vẫn vậy còn con người đã khác xưa. Từ "tri kỉ" thành "người dưng" mà lại là thứ "người dưng qua đường". Một sự thay đổi phũ phàng làm tái tê lòng người. Đây là sự nghiệt ngã của thực tại, của quy luật biến đổi tâm lí con người, quy luật ấy được nhà thơ phản ánh sinh động, tự nhiên nhưng cũng hết sức chính xác. Sẽ không có sự "nghĩ lại" của con người nếu không có tình huống bất ngờ xảy ra. Ấy là khi "đèn điện tắt" "phòng buyn-đinh tối om", theo phản xạ tự nhiên, con người cần ánh sáng và gió mát nên mới "vội bật tung cửa sổ" và khi ấy:

"Đột ngột vầng trăng tròn"

Khoảnh khắc vầng trăng xuất hiện, bất ngờ và gây ấn tượng mạnh thì ánh sáng của quá khứ, của ân tình tường đã tắt lại bừng tỏ. Quá khứ ùa về, "rưng rưng" lòng người, tất cả chợt sống dậy, hiện hình trong nỗi nhớ, trong cảm xúc nghẹn ngào. Và cũng chính lúc ấy, người lính nhận ra trăng vẫn tròn đầy, tình nghĩa, thủy chung - quá khứ vẫn vẹn nguyên, gần gũi và thân thương. Hơn thế người lính còn nhận ra một điều mà bình thường không dễ nhận thấy:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”

Ở phần đầu của bài thơ ta bắt gặp trăng của quá khứ, trăng là biểu tượng những ngày tháng sống hồn nhiên, hòa mình cùng cây cỏ. Đến đây ta lại nhận ra vầng trăng trong một diện mạo mới: là lời nhắc nhở nghiêm khắc mà bao dung, là quá khứ vẹn nguyên, vĩnh hằng. Lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng có giá trị thức tỉnh mãnh liệt, để từ sự thức tỉnh ấy, con người tự rút ra cho mình cách sống ân nghĩa, thủy chung về sự biết ơn và nhớ ơn để luôn ghi nhớ rằng "kẻ nào bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh ta bằng đại bác" (Gamzatốp).

Hình tượng ánh trăng là hình tượng trung tâm xuyên suốt bài thơ, cũng là hình tượng giàu ý nghĩa biểu tượng: quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên là lời nhắc nhở nghiêm khắc, bao dung đồng hiện trong hình ảnh ánh trăng. Hình tượng ấy đã đánh thức lương tâm của mỗi người nhắc nhở ta về bài học "uống nước nhớ nguồn" rất xưa mà không bao giờ cũ.

Các bài học liên quan
Bài số 48: Cảm nhận về hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật