Bài số 56: Cảm nhận về hình ảnh người và trăng trong đoạn thơ sau: “Thình lình đêm điện tắt... đủ cho ta giật mình

Từng đi qua một thời trận mạc, trở về cuộc đời thường, Nguyễn Duy cũng như bao người lính khác hăm hở bước vào cuộc sống mới. Nhịp sống hối hả, khẩn trương cùng sự đủ đầy về vật chất kéo con người ta vào vòng xoáy vô tận của nó.

Cảm nhận về hình ảnh người và trăng trong đoạn thơ sau:

“Thình lình đêm điện tắt

phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình ”

                         (Trích Ánh trăng của Nguyễn Duy)

BÀI LÀM

Từng đi qua một thời trận mạc, trở về cuộc đời thường, Nguyễn Duy cũng như bao người lính khác hăm hở bước vào cuộc sống mới. Nhịp sống hối hả, khẩn trương cùng sự đủ đầy về vật chất kéo con người ta vào vòng xoáy vô tận của nó. Trong vòng xoáy ấy, có những lúc con người đã quay lưng lại với những ngày tháng gian khổ mà ân tình, quay lưng lại với đồng đội, lãng quên quá khứ. Ta bắt gặp điều đó trong ánh trăng của Nguyễn Duy. Ý nghĩa sâu sắc của bài thơ được biểu đạt qua hình ảnh người và trăng - Quá khứ vẹn nguyên và lời sám hối chân thành được thể hiện sâu sắc qua đoạn thơ:

"Thình lình đèn diện tắt
.... giật mình"

Trở về thành phố, mải miết với dòng chảy của cuộc sống mới, quá khứ trở nên nhạt mờ và trăng - người bạn tri kỉ năm xưa thành "người dưng qua đường". Nhưng cuộc sống vốn tiềm ẩn nhiều bất ngờ ngoài toan tính của con người, bất ngờ như khi:

“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om"

Và theo thói quen, con người tìm ánh sáng, tìm gió mát nên:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là dòng là bể
như là sông là rừng”

Người và trăng - mặt và mặt. Phép nhân hóa khéo léo tài tình được sử dụng rất đúng lúc đã khiến trăng không còn là vật vô tri, trăng và người đối diện, soi vào nhau. Trong cuộc gặp mặt không lời ấy, người lính xưa xúc động "rưng rưng" ta có cảm giác nơi khóe mắt của người lính bắt đầu ướt lộ. Nghẹn ngào, khắc khoải, sự xuất hiện bất ngờ của vầng trăng kéo con người trở về với những năm tháng tình nghĩa, những kỉ niệm thuở thiếu thời giữa thiên nhiên vô tư, khoáng đạt. Những năm tháng chinh chiến sống giữa rừng hiền hòa có trăng bầu bạn. Tất cả hiện hình trong tâm hồn, trong cảm xúc trào dâng, trong tư thế lặng im. Và hơn bao giờ hết, người nhận ra trăng tròn đầy, vẹn nguyên, thủy chung, nghiêm khắc nhưng bao dung:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
dù cho ta giật mình”

Hình ảnh trăng cứ "tròn vành vạnh" kia là biểu tượng đẹp nhất của sự vẹn nguyên của quá khứ. Sự lặng im lại có sức mạnh nhắc nhở, thức tỉnh gấp ngàn lần lời nói. Cả không gian và thời gian như ngừng lại trước cuộc hội ngộ không lời của hai người tri kỉ. Nhưng từ sâu thẳm phẩm chất tốt đẹp của người lính chỉ bị khuất lấp chứ không hề mất đi lúc này lại biểu hiện, bởi thế, đứng trước sự im lặng của người bạn tri kỉ, người lính ấy giật mình. Cái giật mình mang thật nhiều giá trị, giật mình để nhận ra và hoàn thiện bản thân.

Hình ảnh người và trăng trong đoạn thơ luôn hiện lên trong tư thế đối diện, song hành bởi một điều giản đơn: quá khứ là phần không tách khỏi mọi con người, là một phần cuộc đời con người, người ta không thể chối bỏ nó. Từ một câu chuyện tưởng như rất nông tư, bài thơ của Nguyễn Duy như một lời nhắc nhở về điều giản dị nhưng đã thành lẽ sống của con người Việt Nam "uống nước nhớ nguồn".

Các bài học liên quan
Bài số 48: Cảm nhận về hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật