Bài số 46: Thuyết minh về tác giả Bằng Việt và bài thơ Bếp lửa

Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông viết bài thơ Bếp lửa năm 1963 khi còn là sinh viên đang học đại học tại nước ngoài. Bếp lửa và Bằng Việt để lại ấn tượng sâu sắc về những tình cảm thuần hậu chân chất rất Việt nam.

BÀI LÀM

Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông viết bài thơ Bếp lửa năm 1963 khi còn là sinh viên đang học đại học tại nước ngoài. Bếp lửa và Bằng Việt để lại ấn tượng sâu sắc về những tình cảm thuần hậu chân chất rất Việt nam.

Bằng Việt tên là Nguyễn Việt Bằng, sinh 1941, quê ở Thạch Thất - Hà Tây (nay là Hà Nội). Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 60 của thế kỉ XX, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ Bằng Việt tài hoa, thường nghiêng về một lời tâm sự, một sự trao đổi nghĩ suy, nhưng vẫn trẻ trung, hồn nhiên và gây được cảm giác gần gũi, thân thiết đối với người đọc. Một đặc điểm nữa của thơ Bằng việt là sâu lắng trầm tư thích hợp với người đọc thơ trong sự trầm tĩnh, vắng lặng. Đó là dấu ấn riêng của thơ Bằng Việt lưu lại trong ký ức người đọc. Ông là một trong số không nhiều nhà thơ trẻ được bạn đọc tin yêu ngay từ ban đầu. Sau tập thơ Hương cây bếp lửa in chung với Lưu Quang Vũ, ông có các tập thơ: Những khoảng trời, Đất sau mưa, Khoảng cách giữa lời... Tác giả đã được nhận Giải nhất văn học - nghệ thuật Hà Nội năm 1967 với bài thơ Trở lại trái tim mình. Giải thưởng chính thức về dịch thuật văn học quốc tế và phát triển giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa Bình (Liên Xô) trao tặng năm 1982.

Bài thơ Bếp lửa được Bằng Việt sáng tác vào năm 1963 khi đang học Đại học ở nước Nga, sau được in trong tập thơ Hương cây - bếp lửa. Bài thơ nói về tình bà cháu vừa sâu sắc, vừa thấm thía trong những năm đất nước gian khổ khó khăn. Gợi lại ký ức tuổi thơ, kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu qua hình tượng bếp lửa, ngọn lửa, bàn tay bà nhóm lửa để ca ngợi đức hy sinh, sự tần tảo và tình thương bao la của bà. Qua đó thể hiện sự kính yêu thiết tha, lòng trân trọng và biết ơn của cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước. Bài thơ còn biểu hiện một triết luận thầm kín: những gì là thân thiết nhất của mỗi tuổi thơ mỗi con người, đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ họ trong suốt cuộc đời.

Đến với Bếp lửa, ta bắt gặp giọng thơ nhẹ nhàng, mộc mạc mà thấm thía, sâu xa, phù hợp với cảm xúc hồi tưởng và suy ngẫm. Hình tượng thơ mang nhiều ý nghĩa biểu tượng và chiều sâu triết lí.

Trong cuộc sống hiện đại sẽ không còn nhiều người biết đến bếp lửa như bếp lửa của bà ở nơi quê nghèo ấy. Nhưng Bếp lửa và nhà thơ Bằng Việt mãi khơi gợi cho người đọc những kỉ niệm về cuộc sống gia đình, về truyền thống nghĩa tình của dân tộc Việt Nam.

Các bài học liên quan
Bài số 44: Cảm nhận của em về hình ảnh Bếp lửa.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật