Bài số 53: Những trăn trở, suy tư của người lính sau chiến tranh qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Một trong những mảng đề tài lớn của thơ ca Việt Nam sau 1975 là viết về chiến tranh qua hồi ức của những người lính đã từng đi qua trận mạc. Ta bắt gặp những sám hối day dứt của người họa sĩ trong Bức tranh của Nguyễn Minh Châu. Đến Ánh trăng của Nguyễn Duy ta lại bắt gặp những suy tư, trăn trở của người lính về những năm tháng đã đi qua.

BÀI LÀM

Một trong những mảng đề tài lớn của thơ ca Việt Nam sau 1975 là viết về chiến tranh qua hồi ức của những người lính đã từng đi qua trận mạc. Ta bắt gặp những sám hối day dứt của người họa sĩ trong Bức tranh của Nguyễn Minh Châu. Đến Ánh trăng của Nguyễn Duy ta lại bắt gặp những suy tư, trăn trở của người lính về những năm tháng đã đi qua. Mượn hình tượng ánh trăng, Nguyễn Duy muốn gửi đến bạn đọc thông điệp: phải sống ân tình, thủy chung, không nên quay lưng, vô tình với quá khứ.

Bài thơ như một câu chuyện nhỏ kể theo trình tự thời gian. Quá khứ như một đoạn phim quay chậm:

“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”.

Hình ảnh những đồng, sông, bể, rừng nguyên sơ, thuần hậu trong khổ thơ đầu này là nơi đã nuôi dưỡng, che chở cho tuổi thơ và năm tháng chiến tranh, cả một quãng đường dài sống trong tình thương yêu, gắn bó với thiên nhiên, với những miền quê ấy, vầng trăng thành tri kỉ. Trăng như mái nhà, như người bạn thân thiết của tâm hồn. Ở đó tâm hồn tình cảm con người cũng đơn sơ thuần phác như chính thiên nhiên. Trăng và người đã tạo nên mối giao tiếp, giao hòa thủy chung tưởng như không bao giờ có thể quên được.

“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường ".

Khi chiến tranh kết thúc, người lính trở về bị hấp dẫn bởi đô thị, với ánh điện, cửa gương, những ánh sáng nhân tạo đã làm họ quên đi ánh sáng tự nhiên hiền dịu của trăng. Cuộc sống hiện đại với nhiều tiện nghi đã làm cho con người thờ ơ, vô tình với những ngày gian khổ, cùng đồng đội, đồng chí chung một chiến hào mà trăng là biểu tượng.

"vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường ”.

Từ hình ảnh vầng trăng “tri kỉ” vầng trăng tình nghĩa trở thành người dư đường, Nguyễn Duy đã diễn tả được cái đổi thay của lòng người, cái lãng quên, dửng dưng đến phũ phàng. Cái so sánh thật thấm thía: “như người dưng qua đường”.

Cũng như dòng sông có khúc phẳng lặng êm đềm, cũng có khúc ghềnh thác dữ dội. Cuộc đời vốn cũng nhiều biến động. Ghi lại một tình huống, cuộc sống nơi thị thành, của những con người từ rừng về thành phố, Nguyễn Duy đặt con người vào bối cảnh.

“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”

Khi ánh trăng nhân tạo vụt tắt, bóng tối bao trùm khắp không gian thì vầng trăng xuất hiện khiến con người ngỡ ngàng trước ánh trăng thân thương của tuổi trên những nẻo đường ta sống và trong cuộc chiến gian khổ, ác liệt. Cuộc sống hiện đại làm cho lòng người thay đổi... Trước người bạn vô tình ấy, trăng chẳng nói, chẳng trách khiến người lính cảm thấy có cái gì rưng rưng. Ánh trăng soi chiếu khiến người ta nhận ra độ lệch của nhân cách mình.

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình ”.

Ánh trăng trước sau vẫn vậy, mộc mạc, giản dị và thủy chung. Trăng lặng lẽ tròn đầy một cách trong sáng, vô tư, mặc cho thời gian trôi, mặc cho bạn bầu xưa ai đó quay lưng dù trong quá khứ trăng là tri kỉ. Nhưng trăng cũng khơi gợi niềm xúc động, đánh thức lương tâm ở con người. Cái giật mình được diễn tả trong khổ thơ “vô ngôn ” thể hiện sự bình tĩnh đáng quý. Qua bài thơ Nguyễn Duy đã khám phá ra vẻ đẹp không bao giờ kết thúc. Dường như cuộc sống mới đầy đủ hơn khiến cho con người lãng quên ánh trăng. Hành trình đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người không bao giờ ngơi nghỉ và việc hoàn thiện mình của chính mỗi con người cũng không phải một sớm một chiều.

Cuộc đấu tranh hướng thiện âm thầm mà khốc liệt, nó đòi hỏi lòng dũng cảm của con người. Người lính năm xưa đã dành trọn quá khứ soi mình trong hiện tại để đấu tranh loại bỏ sự vô tình vô nghĩa của bản thân, hướng tới sự cao cả, tốt đẹp.

Ánh trăng - hành trình về sự thức tỉnh, hoàn thiện mình, hướng thiện của người lính nhưng cũng là của tất cả mọi người trong cuộc sống. Dù thời gian trôi đi, cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng có những giá trị tinh thần, những tư tưởng đạo lí sẽ không đổi thay, sẽ còn mãi bởi đó là một nét đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Các bài học liên quan
Bài số 48: Cảm nhận về hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật