Bài số 60: Con cò khúc ca thiết tha, sâu lắng về tình mẹ và lời ru (Đọc bài thơ Con cò của Chế Lan Viên)
Từ hàng ngàn đời nay, văn chương đã dành bao nhiêu lời đẹp, ý hay để nói về cha mẹ, về tình mẫu tử, những đề tài quen thuộc ấy vẫn không bao giờ là chuyện xưa cũ. Với tuổi ấu thơ, người mẹ, tình mẹ lại luôn gắn liền với lời ru.
- Bài học cùng chủ đề:
- Bài số 52: Cảm nhận về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.
- Bài số 53: Những trăn trở, suy tư của người lính sau chiến tranh qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.
- Bài số 54: Bài học sâu sắc mà em cảm nhận được từ Ánh trăng của Nguyễn Duy.
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM
Từ hàng ngàn đời nay, văn chương đã dành bao nhiêu lời đẹp, ý hay để nói về cha mẹ, về tình mẫu tử, những đề tài quen thuộc ấy vẫn không bao giờ là chuyện xưa cũ. Với tuổi ấu thơ, người mẹ, tình mẹ lại luôn gắn liền với lời ru. Dòng sữa và lời hát ru của mẹ đã nuôi đứa trẻ lớn lên: "Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn" (Nguyễn Du). Những câu hát ru của mẹ, của bà sẽ đi vào tiềm thức của trẻ thơ, ở lại đó và đi cùng con người trong suốt cuộc đời. Được vỗ về bằng những lời hát ru là một hạnh phúc của trẻ thơ và hát ru con cũng là một hạnh phúc bình dị của người mẹ. Thế nhưng ngày nay, hát ru đã trở thành một công việc khó khăn đối với không ít người mẹ trẻ và không được nghe mẹ hát ru đã là một thiệt thòi của nhiều trẻ thơ. Bài thơ Con cò đã được Chế Lan Viên viết cách đây đã hơn 40 năm, đọc lại vào thời điểm hiện nay, lại càng thấy thấm thía về điều đó - về tình mẹ và lời ru đối với cuộc sống mỗi con người.
Như tựa đề của bài thơ đã chỉ rõ, con cò là hình tượng trung tâm và bài thơ là sự phát triển của hình tượng ấy, một hình tượng được gợi ra từ những câu ca dao quen thuộc. Nhưng bài thơ không phải là sự lặp lại đơn giản những hình ảnh và ý tứ có sẵn trong ca dao. Hình ảnh con cò trong ca dao đã được tác giả phát triển, mở rộng ý nghĩa biểu tượng và tập trung hướng vào biểu hiện tình mẹ, lòng mẹ lớn lao, sâu nặng, bền lâu đối với suốt cuộc đời mỗi đứa con. Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh này được phát triển qua từng đoạn thơ, nhưng vẫn mang tính thống nhất.
Con cò là một hình ảnh rất quen thuộc trong ca dao, dân ca Việt Nam. Ở xứ sở nông nghiệp lúa nước như nước ta, ngoài con trâu là người bạn cùng gánh vác, chia sẻ mọi công việc nặng nhọc của nhà nông, thì con cò là hình ảnh rất gần gũi với con người. Từ ngoài cánh đồng, đầm, hồ cho đến lũy tre làng, ở đâu cũng thấp thoáng bóng dáng con cò, lặng lẽ lầm lụi chăm chỉ bên cạnh nhà nông, như hình với bóng. Còn hình ảnh những cánh cò trắng rập rờn trên cánh đồng buổi chiều lại là cảnh tượng về cuộc sống thanh bình nơi thôn dã, đã từng in sâu không chỉ trong những câu ca dao, mà còn trong nhiều bài thơ cổ điển, cả trong thơ của một ông vua họ Trần (Thiên Trường vãn vọng, Trần Nhàn Tông).
Con cò là hình ảnh rất gần gũi và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng trong ca dao, bởi thế nó cũng xuất hiện trong nhiều câu hát ru. Ở đoạn một của bài thơ, hình ảnh con cò được gợi ra trực tiếp từ những câu ca dao dùng làm lời hát ru. Ở đây tác giả chỉ lấy lại vài chữ trong mỗi câu ca dao nhằm gợi nhớ những lời hát ấy. Những câu ca dao được gợi lại đã thể hiện ít nhiều sự phong phú trong ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò. Các câu "Con cò bay lả, bay la/Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng" hay "Bay từ cửa phủ, bay về Đồng Đăng" gợi tả không gian quen thuộc và cuộc sống nhịp nhàng, thong thả bình yên của thời xưa. Còn bài ca dao: Con cò mà đi ăn đêm... lại có nội dung và ý nghĩa tư tưởng khá sâu sắc. Còn cò ở đây là tượng trưng cho những con người, cụ thể là người mẹ, người phụ nữ nhọc nhằn, vất vả, lặn lội kiếm sống, gặp cảnh ngộ éo le mà vẫn giữ vẹn nguyên sự trung thực, ngay thẳng, sáng trong. Bài ca dao này gợi nhớ đến nhiều câu ca dao có hình ảnh con cò mang ý nghĩa tương tự như:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non...
Và:
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về...
Hay hình ảnh bà Tú trong thơ Tú Xương: Lặn lội thân cò khi quãng vắng...
Qua những lời ru của mẹ, hình ảnh con cò đã đến với tâm hồn tuổi ấu thơ một cách vô thức. Đây chính là sự khởi đầu con đường đi vào thế giới tâm hồn con người qua những lời ru, của ca dao dân ca, qua đó là cả điệu hồn dân tộc. Ở tuổi ấu thơ, đứa trẻ chưa thể hiểu và cũng chưa cần hiểu nội dung, ý nghĩa của những lời ru này, chúng chỉ cần được vỗ về trong những âm điệu ngọt ngào, dịu dàng của lời ru để đón nhận bằng trực giác, vô thức tình yêu và sự che chở của người mẹ. Đoạn thơ khép lại bằng những hình ảnh thanh bình của cuộc sống:
Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân,
Con chưa biết con cò, con vạc.
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân.
Ở đoạn hai, cánh cò từ trong lời ru đã đi vào trong tiềm thức của tuổi thơ, trở nên gần gũi thân thiết và sẽ theo cùng con người đến suốt cuộc đời. Cánh cò đã trở thành bạn đồng hành của con người trên suốt đường đời từ tuổi ấu thơ trong nôi:
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ,
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.
đến tuổi tới trường:
Mai khôn lớn, con theo cò đi học,
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
và đến lúc trưởng thành:
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn...
Ở đây hình ảnh con cò trong ca dao đã được tiếp tục sự sống của nó trong tâm thức con người. Hình ảnh con cò đã được xây dựng bằng sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú của nhà thơ, như được bay ra từ những câu ca để sống trong tâm hồn con người, theo cùng và nâng đỡ con người trong mỗi chặng đường. Như thế, hình ảnh con cò đã gợi ý biểu tượng về lòng mẹ, về sự dìu dắt, nâng đỡ đầy dịu dàng và bền bỉ của người mẹ.
Đến đoạn ba thì hình ảnh con cò được nhấn mạnh ở ý nghĩa biểu tượng cho tận lòng người mẹ, lúc nào cũng ở bên con đến suốt cuộc đời:
Dù ở gần con,
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
Trong cái nhìn và tấm lòng của người mẹ nào cũng vậy, đứa con dù đã khôn lớn, trưởng thành đến đâu thì vẫn cần đến sự chăm lo và tình yêu thương của mẹ. Tấm lòng người mẹ lúc nào cũng ở bên con, chia sẻ, khích lệ và nhất là động viên, an ủi khi đứa con gặp những nỗi buồn, những cay đắng, cô đơn. Người mẹ và quê hương bao giờ cũng là điểm tựa tinh thần, nguồn an ủi, nơi nương tựa và chốn bình yên, nhất là cho những ai mà cuộc đời phải trải qua nhiều thăng trầm, phiêu bạt. Ta nhớ đến Êxênhin, nhà thơ Nga lỗi lạc với bài Thư gửi mẹ thật chân thành và cảm động:
Chỉ mẹ là niềm vui, ánh sáng diệu kì
Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước
Hãy quên đi những âu lo mẹ nhé
Đừng buồn phiền quá đỗi về con
Mẹ chớ luôn dạo bước ra đường
Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát
Còn ca dao Việt Nam thì nói về lòng biết ơn của người con đối với tình yêu thương và sự chăm sóc của mẹ từ thuở ấu thơ:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương
Nguyễn Duy cũng có một khái quát sâu sắc về những điều lớn lao chứa đựng trong những lời hát ru của mẹ:
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Phần cuối bài thơ trở lại với âm hưởng lời ru và đúc kết ý nghĩa phong phú của hình tượng con cò trong những lời ru ấy:
Một con cò thôi,
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi.
Đến đây thì hình tượng con cò được phát triển thêm một tầng ý nghĩa khái quát lớn rộng hơn nữa: Con cò trong lời hát ru của mẹ là hình ảnh biểu tượng của cuộc đời “vỗ cánh qua nôi”, đến và sẽ ở lại với tâm hồn mỗi người, từ thuở còn nằm nôi. Lời ru không chỉ đem đến cho đứa trẻ tình thương và sự vỗ về của mẹ, mà qua đó còn là tâm hồn dân tộc, đất nước, như trong một bài thơ của Huy Cận:
Nằm trong tiếng nói yêu thương
Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời
Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi
Hồn thiêng đất nước đã ngồi bên con
(Nằm trong tiếng nói)
Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, có xen những câu năm chữ và tám chữ. Thể thơ tự do cho tác giả khả năng thể hiện tình điệu, cảm xúc một cách linh hoạt. Các đoạn thơ thường được bắt đầu từ những câu thơ ngắn, bốn hoặc năm chữ, có cấu trúc giống nhau, có những dòng điệp lại hoàn toàn gợi âm điệu lời ru. Sự trùng điệp của vần, nhịp và cấu trúc mỗi đoạn thơ đã tạo cho bài thơ âm hưởng luyến láy, hồi hoàn, tha thiết, vừa lắng lại vừa lan tỏa, như âm điệu của những khúc hát ru, dù không sử dụng thể lục bát quen thuộc. Tuy nhiên bài thơ của Chế Lan Viên không phải là một lời hát ru thực sự. Giọng điệu của bài thơ còn là giọng suy ngẫm, có cả triết lí. Nó không cuốn người ta vào hẳn điệu ru êm ái, đều đặn, mà hướng tâm trí nhiều hơn vào sự suy ngẫm, phát hiện.
Về hình ảnh, ở trên đã phân tích cách vận dụng sáng tạo hình ảnh con cò trong ca dao. Hình ảnh trong ca dao chỉ là nơi xuất phát, là điểm tựa cho những liên tưởng, tưởng tượng sáng tạo mở rộng của tác giả. Đặc điểm chung của hình ảnh trong bài thơ này là thiên về ý nghĩa biểu tượng mà ý nghĩa biểu tượng không phải chỗ nào cũng thật rành mạch, rõ ràng. Nhưng những hình ảnh biểu tượng trong bài thơ lại gần gũi, rất quen thuộc mà vẫn có khả năng hàm chứa những ý nghĩa mới và có giá trị biểu cảm.
Con cò chưa phải ở trong số những thi phẩm xuất sắc nhất của Chế Lan Viên, nhưng bài thơ cũng thể hiện được ít nhiều nét đặc điểm của phong cách nghệ thuật Chế Lan Viên. Nét đặc sắc của bài thơ chính là sự kết hợp chất suy tưởng, triết lí với cảm xúc tinh tế và sự sáng tạo hình ảnh vừa bình dị quen thuộc vừa giàu ý nghĩa biểu tượng. Bài thơ góp thêm vào nguồn mạch thi ca dồi dào ngợi ca người mẹ trong văn học từ xưa đến nay, một khúc ca thiết tha và sâu lắng về tình mẹ và lời ru.
- Bài 1 sgk ngữ văn 9
- Bài 2 sgk ngữ văn 9
- Bài 3 sgk ngữ văn 9
- Bài 4 sgk ngữ văn 9
- Bài 5 sgk ngữ văn 9
- Bài 6 sgk ngữ văn 9
- Bài 7 sgk ngữ văn 9
- Bài 8 sgk ngữ văn 9
- Bài 9 sgk ngữ văn 9
- Bài 10 sgk ngữ văn 9
- Bài 11 sgk ngữ văn 9
- Bài 12 sgk ngữ văn 9
- Bài 13 sgk ngữ văn 9
- Bài 14 sgk ngữ văn 9
- Bài 15 sgk ngữ văn 9
- Bài 16 sgk ngữ văn 9
- Bài 17 sgk ngữ văn 9
- Bài 18 sgk ngữ văn 9
- Bài 19 sgk ngữ văn 9
- Bài 20 sgk ngữ văn 9
- Bài 21 sgk ngữ văn 9
- Bài 22 sgk ngữ văn 9
- Bài 23 sgk ngữ văn 9
- Bài 24 sgk ngữ văn 9
- Bài 25 sgk ngữ văn 9
- Bài 26 sgk ngữ văn 9
- Bài 27 sgk ngữ văn 9
- Bài 28 sgk ngữ văn 9
- Bài 29 sgk ngữ văn 9
- Bài 30 sgk ngữ văn 9
- Bài 31 sgk ngữ văn 9
- Bài 32 sgk ngữ văn 9
- Bài 33 sgk ngữ văn 9
- Bài 34 sgk ngữ văn 9
- Các thể loại văn tham khảo lớp 9