Phân tích hình ảnh và biện pháp so sánh trong đoạn thơ sau: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ... Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa. (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)

Mỗi chúng ta ai cũng từng một lần nếm trải những phút giây buồn tủi, cũng như những phút giây hạnh phúc. Có những niềm hạnh phúc lớn đến tột đỉnh, tưởng chúng ta có thể tan biến đi trong niềm vui bất tận đó.

BÀI LÀM

Mỗi chúng ta ai cũng từng một lần nếm trải những phút giây buồn tủi, cũng như những phút giây hạnh phúc. Có những niềm hạnh phúc lớn đến tột đỉnh, tưởng chúng ta có thể tan biến đi trong niềm vui bất tận đó. Chế Lan Viên - một nhà thơ của dân tộc - cũng đã một lần có những phút giây thiêng liêng, quý giá như thế. Đó là khi ông trở về với nhân dân, tìm được lẽ sống cho cuộc đời mình. Ông đã ghi lại sự kiện đó bằng những dòng thơ thật xúc động:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
                                          (Tiếng hát con tàu)

Một tiếng “con” thật nhỏ nhoi trước một tập thể vô cùng to lớn, đó là “nhân dân”. Chế Lan Viên xưng “con” vì ông cảm thấy mình thật bé bỏng trước đồng bào. Cách xưng hô đó cũng chứa đựng biết bao nhiêu niềm yêu mến thân thương của tác giả. Đứng trước nhân dân, tác giả thấy mình bé bỏng nhưng không lẻ loi, vì nhân dân vẫn luôn dang rộng vòng tay đến ông, như một người con trở về với đại gia đình thân thương của mình. Thật khó mà diễn tả được niềm vui sướng của Chế Lan Viên lúc đó. Ông thấy mình như con nai về suối cũ, như có đến tháng giêng, tháng hai, như đứa trẻ đang đói lòng gặp được bầu sữa mẹ, như chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa. Một loạt các hình ảnh so sánh đều tập trung vào hai đối tượng: tác giả là con nai, là cỏ, là chim én là đứa trẻ đói lòng, là chiếc nôi ngừng mà nhân dân là suối cũ, là tháng giêng hai, là bầu sữa mẹ, là cánh tay đưa nôi. Ta đọc được trong hình ảnh đó một niềm vui vô bờ. Còn gì vui sướng hơn khi con nai được về bên suối cũ mà nó từng uống nước ở đó bao nhiêu năm dài. Nó có thể sẽ ngơ ngác trước con suối đã quen mà thành lạ. Nó đã có một thoáng bâng khuâng nghĩ về quá khứ, những phút giây đó sẽ qua mau và nhường lại cho niềm hạnh phúc. Con nai đó là lại trở về nhịp sống quen thuộc của mình, bên con suối thân thương. Và cũng có gì sung sướng hơn khi cỏ gặp tháng giêng, tháng hai, nó như được tiếp sức thêm nhựa sống trong những làn mưa bụi ngọt ngào, ướt lạnh để mơn mởn đâm chồi. Con chim én bay đi suốt mùa đông tránh rét, nó vui sướng khi gặp lại được mùa xuân, được chao riêng trên bầu trời ấm áp mà giờ đây chỉ dành riêng cho nó. Ta cũng hình dung ra cảnh một đứa trẻ đói lòng vồ vập nhận lấy dòng sữa ngọt ngào của người mẹ. Một chiếc nôi ngừng đưa bỗng gặp một cánh tay đưa đấy biết bao bỡ ngỡ, mà cùng biết bao thân thương. Chế Lan Viên cũng vậy, ông cũng thấy rất mới mẻ, ngỡ ngàng trong những điều tưởng chừng đã quen thuộc. Ta hiểu rằng sự trở về của Chế Lan Viên là sự trở về của tinh thần, ông đã tìm cho mình một chân lý, đó là đi theo tiếng nói chung của đồng bào, của dân tộc.

Đọc đoạn thơ, ta như thấy tác giả nghẹn ngào, rưng rưng lệ. Nhưng đó là sự xúc động vì niềm vui tìm được lẽ sống đích thực của cuộc đời mình. Không còn đâu nữa bóng dáng một thi sĩ lãng mạn, than khóc trước Tháp Chàm đổ nát, trước những bức tượng vũ nữ người Chàm đã hoen ố rêu phong. Mùa xuân đến với Chế Lan Viên giờ đây không phải là mùa xuân khổ đau sầu não, mà là mùa xuân vui tươi, đầy sức sống. Giờ đây, người thi sĩ ấy đã đến với ánh sáng của cách mạng, cùng vững bước trên con đường dân tộc đang đi. Đó là sự trở về kịp thời nhất. Ta có cảm giác, nếu như không có giây phút ấy, Chế Lan Viên sẽ đầy dứt, tiếc nuối suốt cuộc đời còn lại của mình.

Đoạn thơ có âm điệu tươi vui, trẻ trung, nhưng vẫn có một thoáng ân hận của người con lầm lạc trở về với người mẹ nhân dân đầy nhân ái, bao dung. Tâm trạng đó của nhà thơ Chế Lan Viên cũng là tâm trạng chung của các nhà thơ lãng mạn bấy giờ khi họ tìm đến với chân lý cách mạng. Đó là những giây phút trọng đại, đánh dấu bước thay đổi lớn trong cuộc đời các thi sĩ, và cũng là những giây phút lịch sử, khi dân tộc dang rộng vòng tay đón nhận sự trở về của những đứa con đã từng đi lầm đường. Hiểu được điều đó, ta càng cảm thông và trân trọng hơn những vần thơ như thế.

Các bài học liên quan
Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm Đâm mấy thằng gian hút chẳng tà.  Trình bày ý kiến của em về quan điểm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Quan điểm này thể hiện trong sáng tác của ông như thế nào?
Phân tích những biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau: Tiếng chim vách núi nhỏ dần... Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. (Trần Đăng Khoa - Đêm Côn Sơn)
Đóng vai Thúy Kiều kể lại cho mọi người nghe việc báo ân báo oán. Trong lời kể giúp mọi người hình dung được cảnh vật và tâm trạng của Thúy Kiều khi gặp lại Hoạn Thư.
Phân tích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Câu 1. Qua các đoạn trích trong sách Văn học (tập một) và những hiểu biết của em về Truyện Kiều, hãy trình bày nghệ thuật miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật của Nguyễn Du.
Hãy trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều, Kim Trọng và nêu nhận xét nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật