Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm Đâm mấy thằng gian hút chẳng tà. Trình bày ý kiến của em về quan điểm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Quan điểm này thể hiện trong sáng tác của ông như thế nào?

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ đã để lại trong mọi thế hệ học sinh những ấn tượng sâu đậm bởi những bài thơ yêu nước sâu sắc, bởi Truyện Lục Vân Tiên bất hủ và còn bởi quan niệm sáng tác rất đúng đắn của mình.

BÀI LÀM

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ đã để lại trong mọi thế hệ học sinh những ấn tượng sâu đậm bởi những bài thơ yêu nước sâu sắc, bởi Truyện Lục Vân Tiên bất hủ và còn bởi quan niệm sáng tác rất đúng đắn của mình, về vấn đề này, Nguyễn Đình Chiểu có lần đã viết:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
                                        (Than đạo)

“Thuyền” và “bút” theo em chính là hình ảnh ẩn dụ mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng để chỉ tác phẩm văn chương. “Đạo” ở đây là đạo làm người trong thế gian, đạo làm dân đối với đất nước. Theo Nguyễn Đình Chiểu, tác phẩm văn chương phải miêu tả, phải thể hiện, phải ngợi ca đạo đức nhân dân, đạo đức làm người và miêu tả bao nhiêu, ca ngợi bao nhiêu cũng không đủ, không đầy. Còn “thằng gian” ở đây là những kẻ xấu xa, độc ác trong xã hội, bọn cướp nước và bọn bán nước. Theo ông, văn chương phải chống lại kẻ ác, chống lại bọn bán nước và cướp nước, và chống lại bao nhiêu cũng không nhàm, không chán.

Quan niệm trên rất đúng đắn và chi phối cả cuộc đời chiến đấu của ông. Đọc tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu, ta thấy cuộc đời của ông gồm toàn những tai biến và bất hạnh. Bệnh tật mù lòa đã đến với ông giữa tuổi thanh xuân và ông đã phải sống suốt bốn chục năm trời trong cảnh tối tăm đó. Những năm đó, chế độ phong kiến suy tàn, cái ác lan tràn khắp nơi. Rồi quê hương ông bị ngoại xâm chiếm đóng, nhân dân, trong đó có ông, sống trong cảnh lầm than. Bất hạnh của đời riêng hòa trong bất hạnh chung của nhân dân, của dân tộc. Chính trong cảnh bất hạnh, tối tăm đó, một phong trào mạnh mẽ của nhân dân đấu tranh chống cái ác, chống ngoại xâm sôi nổi khắp nơi và Nguyễn Đình Chiểu đã gia nhập phong trào đó với lòng tự nguyện. Vì bị mù không cầm được gươm súng ông đã cầm bút. Và ngay từ đầu Nguyễn Đình Chiểu đã vạch cho mình một con đường đúng đắn: dùng thơ văn làm vũ khí đấu tranh cho đạo đức con người, cho tự do của đất nước và cho hạnh phúc của nhân dân. Hai câu thơ trên là tuyên ngôn của Đồ Chiểu về chức trách của nhà thơ, về nhiệm vụ của văn học đối với cuộc đời. Tuyên ngôn đó thể hiện tính tư tưởng, tính chiến đấu rất cao. Ông biết sáng tác cho cái gì, sáng tác vì ai và phải đấu tranh với ai. Đó là một quan niệm rất tiến bộ về thiên chức của nhà văn đối với cuộc đời.

Quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu đúng đắn, phù hợp với những quan niệm tiến bộ về nghĩa vụ của văn nghệ của các thế hệ trước ông. Ngày xưa, không ít người cho rằng làm thơ văn là chỉ để ngắm hoa, vinh nguyệt như Bác Hồ đã nói: “Có thì thiên ái thiên nhiên mỹ”, hoặc thơ văn chỉ để ngân nga lúc “tửu hậu trà dư”. Có lẽ Nguyễn Đình Chiểu cũng biết khuynh hướng này. Nhưng ông không chịu ảnh hưởng vì trong toàn bộ sự nghiệp thơ văn của ông, ta không thấy có bài nào thuộc loại đó. Trái lại, ông đã rất tâm đắc với kết luận khái quát của người xưa về nhiệm vụ của văn chương nghệ thuật: “Văn dĩ tải đạo”, văn phải chờ đạo, phải phản ánh, ngợi ca đạo đức của con người. Con thuyền chở đạo của Nguyễn Đình Chiểu phải chăng là sự hình tượng hóa quan điểm tiến bộ của người xưa về nhiệm vụ, chức năng của văn học.

Do quan niệm tiến bộ đó, trong tác phẩm của ông, việc yêu ghét, việc ngợi ca, phê phán rất rõ ràng và đúng đắn.

Truyện Lục Vân Tiên có khá nhiều nhân vật. Các nhân vật đó được chia làm hai trận tuyến: thiện và ác, có đạo đức và gian tà. Ngòi bút của ông khi viết về các nhân vật đó hoàn toàn có thái độ khác nhau. Ông bán quán, hai vợ chồng ông chài, người tiều phu, anh tiểu đồng, anh bạn nóng tính Hớn Minh, Vương Tử Trực... đều được Nguyễn Đình Chiểu trân trọng đề cao. Họ là những người lao động chăm chỉ làm ăn, là những nho sĩ lương thiện: Họ có lòng tốt. Họ trọng nghĩa khinh tài. Họ là chính nghĩa, vì nghĩa mà cứu Vân Tiên thoát nạn. Rồi Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, hai nhân vật chính được Nguyễn Đình Chiểu hết lời ca ngợi, dồn cả tâm lực xây dựng, để qua đó đề cao đạo đức làm người theo quan điểm của ông lúc đó:

Trai thì trung hiếu làm đầu
Gái thì đức hạnh làm câu sửa mình

Không những đã “chở đạo”, Truyện Lục Vân Tiên còn vạch mặt, lên án bọn gian tà trong xã hội. Đó là bộ ba Võ Công, Quỳnh Trang, Võ Thế Loan tráo trở, bất nhân, định hại Vân Tiên khi Vân Tiên gặp nạn. Nhưng khi Vân Tiên công thành, danh toại, hai mẹ con lại trơ tráo kéo nhau ra đón. Ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu đã vạch trần tâm địa bỉ ổi của bọn người bội bạc. Một loại người nữa mà ông lên án là Bùi Kiệm, Trịnh Hầm. Chúng cũng học hành, cũng đi thi với Vân Tiên nhưng chúng đều là những nho sinh rởm, dốt nát, dâm ô, lập mưu giết tiểu đồng và xô Vân Tiên xuống hang. Ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu đã căm giận lên án chúng và trừng trị chúng ngay giữa nhân tiền: mẹ con Võ Thế Loan cuối cùng phải chết ở nơi hang tối, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm cũng bị trừng trị thích đáng như tội ác mà chúng gây ra.

Khi Pháp xâm lược Việt Nam, trước cảnh nước mất nhà tan, một số kẻ xấu đã dùng thơ văn để tô vẽ cho bộ mặt cướp nước của kẻ thù, thanh minh cho thái độ đầu hàng của chúng. Trái lại, ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu chỉ xoay quanh một vấn đề là vấn đề mất nước. Lời ca, tiếng chửi của ngòi bút ông lúc này đều hướng vào một mục tiêu duy nhất là cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Trước cảnh đất nước bị xâm lăng, ông ca ngợi những người hy sinh cứu nước, phê phán kẻ thù cướp nước và bán nước. Khi giặc mới đánh vào Bến Nghé, Nguyễn Đình Chiểu có lời kêu gọi:

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này?
                                  (Chạy Tây)

Trong khói lửa mù mịt của chiến tranh như mây đen che kín bầu trời, ông mong mỏi, ước mơ có người cứu nước:

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông
Chúa xuân đâu hỡi có hay không?
                                         (Xúc cảnh)

Và khi những trang dẹp loạn xuất hiện, những “ngọn gió đông” thổi, ông hết lời ca ngợi, ông ca ngợi những người nông dân tay cày, tay cuốc đã vùng dậy lăn xả vào đồn địch và chiến đấu anh dũng tuyệt vời. Ông ca ngợi những người lãnh tụ nghĩa quân như Trương Định, Thủ Khoa Huân một lòng thờ vua cứu nước, anh hùng bất khuất trước kẻ thù. Còn hình ảnh kẻ thù: ông đã ví chúng như đám mây đen làm vẩn đục cả bầu trời, chúng đi đến đâu là đốt phá làng mạc, cướp bóc tài sản của nhân dân:

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay
Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây.
                                               (Chạy Tây)

Và trong nhiều bài thơ khác, ông đã tố cáo kẻ xâm lược và bọn bất lưu làm tay sai cho chúng. Rõ ràng văn thơ của ông vẫn tiếp tục làm vũ khí đấu tranh trong cuộc đấu tranh của toàn dân tộc, thể hiện rõ quan niệm đúng đắn và sáng suốt của ông.

Nhờ đâu mà Nguyễn Đình Chiểu có một quan niệm về nhiệm vụ của văn chương đúng đắn và sáng suốt như vậy? Trước tiên ta phải thấy Nguyễn Đình Chiểu là người có học. Ông đã từng đi thi và sau đó làm nghề dạy học. Chắc chắn những tri thức trong sách vở xưa nay đã ảnh hưởng đến ông. Các nhà văn, nhà thơ trước ông với những tác phẩm xuất sắc của họ đã lay động tâm hồn ông, đã giúp ông rút ra những kết luận đúng đắn. Nhưng có lẽ ảnh hưởng này không phải là chủ yếu mà cái chính là do cuộc sống của ông gắn bó với nhân dân. Nhân dân đã cưu mang ông, động viên ông, đã truyền cho ông những tình cảm, phẩm chất tốt lành và cuộc đấu tranh chống cái ác của nhân dân đã lay động tâm hồn ông, đã gieo vào lòng ông sự đồng cảm, sự khâm phục sâu xa. Vì vậy, ông ta đã gia nhập vào đội ngũ của họ và bằng vũ khí của mình, các tác phẩm văn học, ông đã tham gia cuộc chiến đấu của nhân dân và đã trở thành lãnh tụ tinh thần của cuộc kháng chiến ấy.

Rõ ràng, cuộc đời Đỗ Chiểu gắn bó với cuộc đấu tranh của nhân dân. Cuộc đời của ông éo le chồng chất nhưng là cuộc đời vinh quang rực rỡ vì gần với sự nghiệp văn chương rực rỡ của ông. Từ sự nghiệp văn chương của ông, thế hệ chúng ta học được không biết bao nhiêu điều bổ ích về đạo lý làm người, về trách nhiệm nghề nghiệp của người cầm bút, về nhiệm vụ, chức năng của văn chương đối với cuộc đời. Là học sinh giỏi văn, em nguyện học tập Nguyễn Đình Chiểu, ra sức tu dưỡng ngòi bút và tiếp tục con đường văn nghệ mà Nguyễn Đình Chiểu đã đi.

Các bài học liên quan
Phân tích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Câu 1. Qua các đoạn trích trong sách Văn học (tập một) và những hiểu biết của em về Truyện Kiều, hãy trình bày nghệ thuật miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật của Nguyễn Du.
Hãy trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều, Kim Trọng và nêu nhận xét nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du.
So sánh hai câu thơ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật