Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Trích Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

Đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga thực chất là đoạn thơ giới thiệu nhân vật. Qua đoạn này, phẩm chất cao đẹp, đức hạnh của hai nhân vật đã được bộc lộ, làm nền tảng cho tình yêu hai người về sau.

BÀI LÀM

Từ biệt tôn sư về đi thi, giữa đường bất chợt gặp cảnh lũ cướp hoành hành, Lục Vân Tiên vụt dũng mãnh như chàng Thạch Sanh trong truyện cổ. Và, thơm thảo đọng mãi trong lòng người đọc là hình ảnh chàng trai họ Lục với những phẩm chất tốt đẹp:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân...

Có cảm giác là sự việc diễn ra quá bất ngờ, nhanh chóng. Bất ngờ cũng phải thôi, vì Vân Tiên “giữa đường gặp cảnh bất bình”, hoàn toàn ngẫu nhiên. Không kịp nghĩ suy, không kịp đắn đo, chàng bất chấp hiểm nguy, ra tay cứu giúp. Chàng là ai? Người được che chở không hề biết; chỉ biết chàng đang quyết liệt sống mái với lũ cướp đường. Quả thật, theo mạch truyện, chính Vân Tiên đã bị cuốn vào cuộc đấu một cách không chủ động. Chàng có thể tránh xa nếu là một người hèn nhát, có thể dửng dưng nếu là một kẻ ích kỉ... Vân Tiên đã không bàng quan, không để ngoài tai, ngoài mắt những điều trông thấy. Và sự bất ngờ “vào cuộc” của chàng tạo nên thế tự chủ vững vàng trong cái ngẫu nhiên ấy. Giá như Vân Tiên biết rằng người bị cướp tấn công là nàng Kiều Nguyệt Nga xinh đẹp, hiền thục; giá như chàng kịp dừng lại để suy nghĩ một chút thiệt hơn thì đoạn thơ sẽ mất đi cái hấp dẫn của tư thế chủ động “tả đột hữu xông, khác nào Triệu Tử mở vòng Đương Dương” - cái tư thế như luôn tiềm ẩn trong con người mạnh mẽ ấy. Ta gặp một chàng trai Nam Bộ thực sự cương trực và... hơi liều lĩnh nữa; thấy cảnh bọn cướp “làm thói hồ đồ hại dân” là xông vào đánh hết mình, đánh bằng lòng căm của một đấng nam nhi quả cảm, bằng tài võ nghệ điêu luyện. Hình ảnh Vân Tiên ngang tàng xông pha giữa đám đầu trâu mặt ngựa như chính biểu hiện của chính nghĩa đang trừng trị cái ác cái xấu. Nhân nghĩa và can trường biết bao!

Không hiện lên trước mắt người đọc như một Từ Hải “Vài năm tấc rộng, thân mười thước cao”, cũng không “Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” như Kim Trọng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng qua lời nói, việc làm của Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã tạo được ấn tượng đậm nét về chàng. Làm ơn mà không màng được trả ơn là cách sống của người quân tử xưa nay; nhưng thái độ của Lục Vân Tiên trước tình cảnh và sự hàm ơn của Nguyệt Nga lại có những nét riêng đáng yêu. Bạo liệt, xông xáo trong cuộc chiến với lũ cướp bao nhiêu, chàng lại nhút nhát và e dè trước người con gái nhờ mình mà thoát nạn bấy nhiêu. Khi Nguyệt Nga định bước ra tạ ơn, Vân Tiên ngượng ngùng:

Khoan khoan ngồi đó chớ ray
Nàng là phận gái, ta là phận trai...

Dẫu chưa nguôi sợ hãi, chắc rằng Nguyệt Nga khổ mà giấu được nụ cười kín đáo trước chàng trai nhát gái này. Có lẽ, người ta sẽ không buột miệng nói như thế nếu là một kẻ thạo đời, lọc lời trong tiếp xúc với phụ nữ. Liệu hình ảnh Lục Vân Tiên có đẹp một cách trọn vẹn nếu như chàng tỏ ra vồ vập đối với Nguyệt Nga? Thì ra tâm hồn, bản chất chàng trai họ Lục thật trong sáng, tươi trẻ. Càng đáng quý hơn nữa khi cái chất trong trẻo, lành hiền ấy ẩn chứa sau một tính cách khí khái, dũng cảm. Sự cứng rắn của thép, nét non nớt, thư sinh của chàng trai vừa bước vào đời hào hoa trong con người Vân Tiên. Không chỉ qua hành động, cách giao tiếp, ứng xử cũng bộc lộ rõ phẩm cách của chàng. Dám liều mình cứu người, lời lẽ đanh thép khi giao chiến với giặc cướp, để rồi trước một cô gái dịu dàng, Vân Tiên không tránh khỏi ngại ngùng, bẽn lẽn - điều đó tự nhiên đã biểu lộ một lối sống lành mạnh, có giáo dục, nền nếp. Lời nói thái độ khiêm nhường, nhã nhặn, “Làm ơn há dễ trông người trả ơn", “Nhớ câu kiến ngãi bất vi, Làm người thế ấy cũng phi anh hùng"... vừa cho ta cảm cái tâm nhân ái, vừa khâm phục trước quan niệm sống trọng nghĩa của Vân Tiên.

Cái nhìn, cách nghĩ của nhà văn bao giờ cũng lộ rõ trong tác phẩm, trong cách thể hiện hình tượng, chi tiết... Có ý kiến cho rằng, cuộc đời Lục Vân Tiên là hình bóng cuộc đời nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Chỉ qua vài chi tiết nhỏ - Vân Tiên "bẻ cây làm gậy" có thể thấy được cảm quan hiện thực của nhà thơ. Không rút gươm, rút kiếm một cách oai phong như các binh tướng hay vận nhân quý tộc cao đạo, hành động của chàng mang tính dân dã, bộc trực. Đất kỳ một người con trai bình dân nào cũng có thể bẻ cây làm gậy để làm việc nghĩa, không cầu kỳ, chẳng nề hà. Thực chất ở đây, Vân Tiên vẫn là một chàng trai có học, sống giữa những người lao động, chưa phải là một quan chức của nhà nước phong kiến như ở đoạn sau. Chỉ một cử chỉ ấy thôi, người đọc đã thấy rõ sự gắn bó mật thiết giữa tâm hồn, tình cảm của nhà thơ với cuộc sống nhân dân, hồn hậu như hạt lúa, củ khoai. Việc làm và cách nghĩ của Lục Vân Tiên như minh chứng cho quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu về lẽ sống ở đời:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Vẫn là những vần thơ mang đậm phong cách dân gian quen thuộc nhưng được tác giả gọt giũa và nâng cao, tạo được sự hấp dẫn, thích thú đối với người đọc, nhất là trong những lời đối thoại giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Lời thơ trau chuốt, không còn là thứ ngôn ngữ mộc mạc thường ngày:

Chút tôi liễu yếu đào thơ,
Giữa đường gặp phải bụi dơ đã phần.
Hà Khê qua đó cũng gần,
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng...

Đây đúng là lời lẽ của một tiểu thư con nhà khuê các, có giáo dục. Và điều đó cũng chứng tỏ nhà thơ đã có dụng công khi dùng câu chữ và có dụng ý khi thể hiện nhân vật.

Lấp lánh sau những câu thơ giản dị, hồn hậu là nét đẹp của phẩm cách, tấm lòng đáng quý, đáng phục của Vân Tiên, Nguyệt Nga… Đoạn thơ ngời sáng như chính cái tâm nhân ái của cụ Đồ Chiểu.

BÀI LÀM 2

Truyện Lục Vân Tiên là truyện Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa, phê phán thói phản trắc, đố kị, bất nhân, bất nghĩa.

Lục Vân Tiên là nhân vật anh hùng, văn võ toàn tài, thể hiện trọn vẹn ước mơ, lí tưởng của tác giả. Đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga là đoạn kể về chiến công đầu tiên của chàng trai họ Lục và cũng là cuộc gặp gỡ kì lạ đầu tiên của hai nhân vật chính trong truyện, một hình thức giới thiệu nhân vật thường thấy trong lối tự sự. Đoạn văn đã thể hiện nổi bật khí phách anh hùng và tinh thần nghĩa khí của Lục Vân Tiên, cũng như lòng biết ơn, lưu luyến của Kiều Nguyệt Nga.

Sau khi từ biệt thầy học, lên đường lập nghiệp, Vân Tiên một mình đã qua mấy ngày đường, đang tìm nơi trú chân và kết bạn thì gặp phải đám cướp làm cho dân làng tán loạn, kêu khóc thảm thiết. Hỏi được nguyên nhân, Vân Tiên khẳng khái xin nhận việc diệt cướp:

Tôi xin đem sức anh hào
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này.

Mặc cho mọi người khuyên can, ngăn cản, Vân Tiên vẫn một lòng xông ra.

Đoạn mở đầu với việc Vân Tiên tìm vũ khí:

Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Chiếc gậy bằng cây là một vũ khí quá thô sơ trước một đảng cướp khét tiếng. Nhưng với vũ khí đó càng chứng tỏ tinh thần anh dũng của Vân Tiên.

Cái cách đánh giặc của chàng cũng công khai, đàng hoàng, quang minh, chính đại như các anh hùng lưu hán: gọi tên, trách mắng. Tên giặc điên cuồng, kiêu căng, hùng hổ, kêu quân vây bủa. Vân Tiên một mình tả xung, hữu đột như Triệu Tử Long ở Đương Dương trong Tam quốc diễn nghĩa, làm cho lâu la vỡ tan:

Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay
Phong Lai trở chẳng kịp tay
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.

Trận đánh kết thúc nhanh chóng, bất ngờ như trong truyện cổ tích. Người đọc chưa kịp hồi hộp mà quân giặc dường như chỉ chờ Vân Tiên đến để bỏ chạy và chịu chết. Đó không phải là trận đánh của vũ lực, mà là trận đánh của chính nghĩa chông gian tà, và chính nghĩa dù vũ khí thô sơ cũng nhất định thắng lợi. Đó là niềm tin và ước vọng của nhân dân.

Sau trận diệt cướp là cuộc gặp gỡ với người đẹp gặp nạn. Điều thú vị là cuộc gặp gỡ này chỉ có toàn đối thoại, người hỏi, người đáp, ngoài ra không có miêu tả. Hình như Vân Tiên chỉ nắm bắt thông tin bằng kênh nghe: Vân Tiên “Hỏi: Ai ở trong xe này?”. Rồi lời đáp và than khóc. “Vân Tiên nghe nói động lòng”, nhưng chàng không muốn nhìn thấy gì hết, chỉ muốn hỏi:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai
Tiểu thu con gái nhà ai
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kì?
Chẳng hay tên họ là chi
Khuê môn phận gái việc gì đến đây?
Trước sau chưa hãn dạ này
Hai nàng ai tớ ai thầy nói ra?

Tiếp theo là Nguyệt Nga “Thưa rằng” một thôi (22 dòng).

Rồi:

Vân Tiên nghe nói liền cười
Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Nay đà rô đặng nguồn cơn
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Nhớ câu kiến ngài bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

Tuy chỉ là hỏi, đáp, những lời hỏi của Vân Tiên chứng tỏ chàng quang minh, chính đại. Lời hỏi dõng dạc, cái gì cũng muốn rõ ràng: muốn phân định ranh giới nam, nữ rõ ràng, muốn biết rõ lí lịch cô gái, nguyên nhân mắc nạn, phân biệt thứ bậc tớ, thầy. Ngay hành động anh hùng chàng cũng không muốn nhập nhằng với việc làm ơn. Đó là một nhân cách sáng ngời. Nụ cười của chàng mới thật hiền lành, đáng yêu biết bao. Chỉ có hỏi đáp mà tính cách Vân Tiên hiện lên thật đẹp đẽ và độc đáo.

Câu trả lời của Nguyệt Nga cùng thể hiện phẩm chất hiền thục của nàng. Nàng một lòng vâng theo cha mẹ:

Làm con đâu dám cãi cha
Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành.

Nàng, cảm ơn cứu mạng và một lòng muốn được đền ơn. Lời nói của Nguyệt Nga hết sức mộc mạc và thật thà:

Hà Khè qua đó cũng gần
Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.
Gặp đây đương lúc giữa đàng
Của tiền chẳng có, bạc vàng cùng không
Tưởng câu báo đức thù công
Lấy chi cho phí tấm lòng cùng ngươi.

Lúc nào nàng cũng muốn làm theo đức hạnh. Chỉ mấy nét mà tác giả đã cho thấy một người nết na, đức hạnh theo quan niệm truyền thống cổ xưa.

Tóm lại, đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga thực chất là đoạn thơ giới thiệu nhân vật. Qua đoạn này, phẩm chất cao đẹp, đức hạnh của hai nhân vật đã được bộc lộ, làm nền tảng cho tình yêu hai người về sau. Lời văn mộc
mạc, giản dị mà ý tình sâu nặng, càng đọc càng thấy ý nghĩa sâu sắc, chắc nịch. Nhân vật nào cũng sống theo những lời dạy đạo đức cổ truyền. Lục Vân Tiên thì “Nhớ câu kiến ngãi bất vi, Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”, theo câu “nam nữ thụ thụ bất thân”: “Nàng là phận gái, ta là phận trai”, rồi theo câu “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Kiều Nguyệt Nga thì theo câu “Làm con đâu dám cãi cha”, lại theo câu “báo đức thù công”. Xét về mặt này, cả hai nhân vật đều tiêu biểu cho nhân vật văn học cổ điển truyền thống. Ta có thể nói, trong các truyện Nôm, đây là những nhân vật “cổ điển” nhất trong các nhân vật “cổ điển”.

LUYỆN TẬP

1. Cảm nhận của em về hình ảnh người anh hùng Lục Vân Tiên trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” (trích “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu).

2. Trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu) nhân vật Lục Vân Tiên có nói: “Nhớ câu kiến ngải bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Hãy phân tích nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích trên để làm rõ quan niệm đó của chính nhân vật.

3. Lục Vân Tiên nói với Kiều Nguyệt Nga: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Lục Vân Tiên đã nói trong trường hợp nào? Hãy lấy việc Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga để làm rõ thế nào là điều nghĩa, thế nào là anh hùng?

LỤC VÂN TIÊN GẶP NẠN

1. Phân tích sự đối lập thiện - ác trong đoạn trích Lục vân Tiên gặp nạn (trích Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

2. Có ý kiến cho rằng: “Truyện Lục Vân Tiên phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong một xã hội suy tàn. Có thể nói Nguyễn Đình Chiểu đã đưa vào trận “cả một đạo quân bừng bừng khí thế, kiên quyết vì chính nghĩa mà chiến đấu” (Hoài Thanh).

Đạo quân chính nghĩa ấy gồm những ai?

Hãy kể lại một cuộc giao tranh giữa thiện và ác được miêu tả trong tác phẩm và phân tích những điều cơ bản mà Nguyễn Đình Chiểu muốn nói về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong tác phẩm nổi tiếng của ông.

3. Cảm nhận của em về hình ảnh ông ngư trong đoạn trích Lục vân Tiên gặp nạn (trích Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu).

Các bài học liên quan
Đóng vai Thúy Kiều kể lại cho mọi người nghe việc báo ân báo oán. Trong lời kể giúp mọi người hình dung được cảnh vật và tâm trạng của Thúy Kiều khi gặp lại Hoạn Thư.
Phân tích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Câu 1. Qua các đoạn trích trong sách Văn học (tập một) và những hiểu biết của em về Truyện Kiều, hãy trình bày nghệ thuật miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật của Nguyễn Du.
Hãy trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều, Kim Trọng và nêu nhận xét nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du.
So sánh hai câu thơ

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật