Đề bài: Phân tích bài “Tràng giang” của Huy Cận
Tràng giang được nhà thơ Huy Cận viết từ năm 1939, khi ông mới vào học Trường Cao đẳng Canh nông Hà Nội. Bài thơ được in trong tập Lửa thiêng (1940), tập thơ đầu tay của Huy Cận.
- Bài học cùng chủ đề:
- Soạn bài Tràng giang, trang 28 SGK Văn 11
- Soạn bài Tràng Giang - Ngắn gọn nhất
- Phân tích Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của Tràng Giang nhà thơ Huy Cận_bài 1
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM 1
Tràng giang được nhà thơ Huy Cận viết từ năm 1939, khi ông mới vào học Trường Cao đẳng Canh nông Hà Nội. Bài thơ được in trong tập Lửa thiêng (1940), tập thơ đầu tay của Huy Cận.
Trường giang là nỗi nhớ: nhớ quê hương đất nước, nhớ không gian:
Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.
Nỗi nhớ ấy được gợi Lên từ một buổi chiều tà, Huy Cận ngồi bên bờ sông Hồng ngắm nhìn cảnh sông nước mênh mang, nỗi buồn, nỗi nhớ như gửi về muôn nẻo. Nỗi buồn trong lòng người tỏa vào cảnh vật, hay đúng hơn, nỗi buồn của thi nhân cộng hưởng với nhịp sầu trong vũ trụ để tạo thành những đợt sóng triền miên vô tận.
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh dòng sông dài rộng, dập dờn sóng nước:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp.
Tràng giang về mặt ngữ nghĩa tương đồng với trường giang (dòng sông dài) nhưng mặt ngữ âm còn gợi lên dòng sông rộng, gợi lên cảnh sông nước mênh mang, gợi lên cái vô hạn của đất trời. Sóng triền miên trên sông, buồn triền miên trong lòng thi sĩ, tất cả hòa điệu trong mạch “sầu thiên cổ”. Giữa không gian rộng lớn của Tràng giang đang diễn ra cảnh chia lìa:
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Hình ảnh con thuyền và dòng sông, cảnh thuyền rời bến là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca phương Đông. Cái hơi thở Đường thi được gợi lên từ đó. Nhưng con thuyền ấy, dòng sông ấy mang tâm trạng của một nhà Thơ mới, một nhà thơ buôn bã ảo não bậc nhất. Vì thế dòng sông và con thuyền cũng chở bao buồn bã cô đơn đi về muôn nẻo. Buồn trải rộng mênh mang, buồn hội về một điểm: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Vượt qua những ước lệ của thơ xưa. Huy Cận đưa vào một hình ảnh mới mẻ để nói lên cái nhỏ nhoi tội nghiệp của kiếp người giữa dòng đời sóng gió. Cành củi ấy đã bập bênh trôi nổi qua bao ghềnh thác, trải bao thương đau va đập, giờ đây đã khô héo, không còn chút nhựa sống mong manh.
Không gian buồn được mở ra từ dòng sông, lan tỏa sang đôi bờ và bỗng vút lên theo tia nắng đến với bầu trời xa thẳm:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều,
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Cảnh có thêm cồn nhỏ, có thêm ngọn gió nhưng sao hiu hắt thê lương, chỉ làm cho lòng người thêm ủ dột. Vì đó chỉ là những ngọn gió đìu hiu lướt nhẹ qua những cồn nhỏ lơ thơ gợi lên cái vẻ heo hút của vùng đất thiếu vắng cuộc sống con người. Không gian đìu hiu quạnh quẽ, không có bóng người và không có cả tiếng người từ xa vẳng lại. Lời thơ Huy Cận như một niềm thảng thốt: “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Cũng có thể hiểu “đâu đây có tiếng làng xa vãn chợ” nhưng theo tác giả khi ấy muốn là “có đâu, đâu có tiếng làng xa vãn chợ, vì tâm lí của thơ trữ tình công khai nói chung trước Cách mạng là nói nỗi buồn”. Không gian ba chiều dường như không có giới hạn, không phải là trời cao, mà là trời “sâu”, thăm thẳm không cùng làm nổi rõ sự quạnh vắng của “bến cô liêu”.
Cái nổi trôi vô định đã được gợi lên từ khổ thơ đầu, đến khổ thơ thứ ba càng được tô đậm bởi hình ảnh “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”. Không phải dòng sông đỡ trống vắng nhờ có những mảng bèo nối nhau trôi tới mà ngược lại, dòng nước càng mênh mông hơn, vô định về hướng hơn. “Bèo dạt về đâu?” - một câu hỏi bâng khuâng gửi về muôn nẻo. Cánh bèo trôi dạt vô định vô hướng kia gợi lên tâm trạng bơ vơ của con người trước vũ trụ bao la. Cái trống vắng của dòng sông như gợi về thời tiền sử, nơi không có bóng người, không có cả dấu vết của cuộc sống con người:
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Cảnh đẹp mà lặng lẽ, lặng lẽ đến tuyệt đối. Chỉ có hình, có màu mà không có tiếng. Cái xa vắng, cô đơn càng trở nên đậm nét hơn khi buổi chiều nghiêng xuống:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Đã nhiều nhà thơ tái hiện hình ảnh cánh chim trong buổi chiều tà nhưng hình ảnh cánh chim trong Tràng giang nhỏ nhoi, tội nghiệp hơn nhiều. Cánh chim ấy càng bé nhỏ trước trời rộng, sông dài, mây trắng đùn lên tầng tầng lớp lớp. Cánh chim chấp chới như giọt nắng chiều rơi xuống chân trời xa. Đọc câu thơ này, Xuân Diệu cảm thấy “bóng chiều sa nặng đến nỗi nó phải nghiêng cánh, lệch cánh”.
Toàn bộ bài thơ được tạo dựng bằng hai hệ thống hình ảnh mang tính chất đối lập, tương phản. Đó là sự tương phản giữa cái vô hạn và cái hữu hạn. Cái vô hạn thật rộng lớn, cao vút đến không cùng, còn cái hữu hạn thì nhỏ nhoi, lẻ loi, vô định. Từ tương quan ấy, Huy Cận muốn nói lên tương quan giữa con người và cuộc đời, con người và vũ trụ.
Con người thật nhỏ bé trước vũ trụ bao la, thật bơ vơ giữa dòng đời vô định. Nỗi, cô đơn trống vắng dồn tới tâm hồn thi nhân, trong giây phút ấy, Huy Cận ngỡ như bơ vơ lạc lõng giữa lòng nhân loại.
Bài thơ không hề tái hiện âm thanh mà đọc lên nghe như tiếng sóng. Nhịp sầu vũ trụ cộng hưởng với nỗi buồn triền miên của thi nhân hòa nhập vào nhau chảy man mác. miên man đến vô tận.
Tiếng sóng đã dạo lên ngay từ câu thơ mở đầu: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”, càng về cuối nó càng không lan ra, lan xa mà đọng lại trong lòng nhà thơ sâu lắng hơn: Lòng quê dợn dợn vời con nước.
vẫn là con sóng nhưng con sóng xa, con sóng của dòng sông như lắng xuống để con sóng trong lòng, trong hồn quê nổi rõ hơn. Cảm giác rợn ngợp xâm chiếm cõi lòng, cõi lòng cũng có cái "dợn dợn" của sông nước, cũng mênh mang, man mác như Tràng giang. Không còn một điểm tựa nào cho “linh hồn nhỏ”, nhà thơ trở về cội nguồn, trở về quê hương, trở về nỗi nhớ triền miên trong lòng, không biết đến ngoại cảnh:
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Trong thơ xưa, các thi sĩ thường nổi đến cảnh hoàng hôn gợi lên nỗi nhớ nhà. Còn Huy Cận buồn bã, nhớ nhung không phải vì cảnh hoàng hôn trên sông gợi nhớ mà triền miên, thường trực trong lòng. Nỗi nhớ ấy như gửi về mọi nẻo, mọi quê hương. Nỗi nhớ cũng mênh mang vô định phảng phất tình hoài cổ. Nỗi nhớ quê hương của Huy Cận còn là nỗi nhớ nước. Nhà thơ sống trên quê hương đất nước nhưng đất nước đã bị quân thù xâm chiếm. Quê hương đất nước hùng vĩ thơ mộng này đâu còn là của mình nữa. Vì thế sống giữa quê hương đất nước của mình mà ngỡ là đất khách, vẫn mang tâm trạng “thiếu quê hương”. Nỗi buồn, nỗi nhớ của Huy Cận vì thế chất chứa bên trong nỗi tủi nhục, nỗi khổ đau của người dân mất nước. Tình yêu quê hương đất nước là nội dung cảm động nhất của bài thơ Tràng giang. Có tình yêu ấy thì nỗi buồn của thi nhân mới thực là ngọn lửa thiêng, ngọn lửa không bao giờ tắt trong lòng thi nhân ngay giữa lúc cuộc đời trở nên hoang vắng, lạnh lẽo.
BÀI LÀM 2
Tràng giang là một trong những bài thơ hay nhất và tiêu biểu nhất cho hồn thơ Huy Cận trước Cách mạng. Người thi sĩ “ảo não” nhất trong phong trào Thơ mới ấy đã cất tiếng nói trong lòng mình trước cảnh sông nước mênh mông, trong cái bao la của vũ trụ. Bài thơ là nỗi buồn mênh mông rợn ngợp, bao trùm cả không gian và thời gian, như thấm vào linh hồn của tạo vật, mà ở đó mỗi cảnh, mối tình đều như chứa chất “Cái lớp sầu dưới đáy hôn nhân thế” (Xuân Diệu).
Huy Cận thường lấy cảm hứng từ cái bao la trong vũ trụ, cái mênh mang của sông nước. Nhà thơ muốn từ đó để nói lên nỗi “sầu vạn kỉ của mình”. Bài thơ Tràng giang cũng có chung nguồn cảm hứng nhưng ở đây nỗi buồn, nỗi sầu và cái bao la trong trời đất đã được đẩy cao, trở thành tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận. Cảm giác đó được mang lại ngay từ tiêu đề Tràng giang và lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Sự kết hợp hai âm “ang” tạo độ mở, gợi hình ảnh con sông dài và rộng, đượm màu sắc cổ kính. Lời đề từ là cảm xúc của chính nhà thơ vừa góp phần tạo cảm giác mênh mông rộng mở, vừa để nói lên linh hồn của tạo vật. Chỉ có một câu, Huy Cận đã dẫn người đọc vào một khoảng không gian bao la, nơi mà “trời rộng”, “sông dài” cũng chất chứa tâm trạng.
Bài thơ mở đầu là cảnh tràng giang mênh mông sông nước:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Cảnh vật không chỉ đơn thuần là cảnh nữa, mà đã thấm đẫm tâm trạng. Nhưng nhà thơ bắt đầu bộc lộ cảm xúc bằng cách miêu tả những con sóng sông, nhưng cùng với những con sóng thiên nhiên, những con sóng lòng đã ùa theo và lập tức trải ra nỗi “buồn điệp điệp”. Nỗi buồn mênh mang và dường như không dứt như những con sóng trên sông.
Từ xưa, hình ảnh thuyền và nước đã diễn tả sự gắn bó. Thế nhưng đến Huy Cận, thuyền và nước trở lên có linh hồn, trở nên chia ra tan tác:
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả.
Trên dòng sông rộng lớn, hình ảnh con thuyền nhỏ bé đem lại cho người đọc cảm giác buông xuôi, thụ động. Ở đây sự đối lập giữa dòng sông mênh mông và con thuyền nhỏ bé, cô độc càng làm tăng vẻ nghiêm trang, cổ kính. Nhạc điệu và tứ thơ phảng phất như trong Đồ Phủ:
Ngàn cây bát ngát lá rụng xào xạc
Dòng sông dằng dặc nước cuồn cuộn trôi.
(Đăng cao)
Cùng thấm đượm một nỗi buồn da diết và cùng diễn tả sự chia lìa nhưng Hàn Mặc Tử trong bài Đây thôn Vĩ Dạ viết:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Ở đây gió, mây như đã rạch vào nỗi đau thân phận của người thi sĩ có những cơn “điên loạn thần thánh”. Còn Huy Cận, ông vừa diễn tả sự sum họp, sự đồng nhất “Con thuyền xuôi mái nước song song”, vừa thể hiện nỗi buồn của sự tan tác, chia li: “thuyền về nước lại sầu trăm ngả”. Nỗi buồn, nỗi sầu vì thế mà nhân lên gấp bội. Ở đây có sự gặp gỡ giữa Huy Cận và Xuân Diệu khi cảm nhận được ngay trong sự hài hòa cũng ẩn chứa sự chia ly.
Câu thơ thứ tư đặc tả hình ảnh một cành củi khô “lạc mấy dòng”. Trên dòng tràng giang giàu màu sắc cổ điển ấy, Huy Cận đã thả một chi tiết “sống sót” chân thực đến mức nôm na mà chỉ ở thơ hiện đại mới có được. Hình ảnh củi một cành khô lạc mấy dòng” để thể hiện một nỗi buồn sâu sắc thấm thía trong một nhà thơ mới, một cành củi khô héo lênh đênh trên dòng tràng giang mênh mông sông nước gợi nỗi buồn tủi về những thân phận nổi trôi vô định. Nhà thơ đã đề cao đến mức tuyệt đối sự nhỏ nhoi, cô độc không còn sức sống của “cành củi khô”. Câu thơ tràn đầy tâm trạng, nhà thơ buồn trước sự nổi trôi của kiếp người trước dòng chảy thời gian, trước sự vùi dập của những thân phận đau thương trong xã hội. Huy Cận đem lại cho người đọc sự thấm thía xót xa về kiếp người, về dòng đời. Cái “tôi” tội nghiệp, cô đơn trong thơ mới đã tìm được sự đồng vọng trong hình ảnh củi khô lạc loài trong thơ Huy Cận.
Ở khổ thơ tiếp theo, nỗi buồn tiếp tục được thấm sâu vào cảnh vật:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Cảnh vật được hiện lên với đôi nét phác họa. Cảnh như trong một bức tranh cổ điển, có hình khối, có đường nét nhưng sao thiếu vắng một điều gì đó. Huy Cận đã đọc được trong Chinh phụ ngâm từ “đìu hiu”: “Non Kì quạnh quẽ trăng treo. Bến thì gió thổi đìu hiu mấy gò”. Sự ít ỏi về số lượng “lơ thơ”, bé nhỏ về khối lượng “cồn cỏ” và cái đìu hiu của gió đã đem lại nỗi buồn, sự cô đơn cho người đọc. Dường như cảnh vật được nhìn dưới một ống kính xa, nên mọi đường nét đều lặng thầm, tuy có hoạt động đấy nhưng chỉ là sự chuyển động nhẹ nhàng của gió, không gian được lắng xuống và khi đó ta lắng nghe “làng xa vãn chợ chiều”. Điều đó chỉ có được ở một tâm hồn biết lắng nghe nhưng thật đáng tiếc, khi sự lắng nghe, sự mong chờ những sắc màu của sự sống ấy lại rơi vào một khoảng không vắng lặng. Nay có cảm giác của nhà thơ cũng không rõ ràng: “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”, Nguyễn Trãi cũng lắng nghe nhưng ông được đáp lại: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ”. Cũng là âm thanh mơ hồ, không rõ ràng nhưng câu thơ của Nguyễn Trãi tràn đầy niềm vui, tràn đầy sự sống, còn Huy Cận, cảm giác của nhà thơ lại chìm vào cái mênh mông của trời đất và vì thế nỗi buồn thấm thía hơn. Lấy cái động để tả cái tĩnh là thủ pháp quen thuộc của thơ cổ nhưng với Huy Cận, nó có tác dụng đặc biệt: gợi ra một không gian trống vắng, làm tăng thêm không khí vắng lặng, chia lìa của cảnh vật.
Với đôi nét phác thảo, Huy Cận cũng đã tạo ra được những màu sắc của cuộc sống, thiên nhiên trong một buổi chiều giữa cảnh “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu” cũng thật lạ lùng:
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Không gian được mở rộng đến ba chiều, dường như ở đây có sự vận động của thiên nhiên, của Vũ trụ. Với sự vận động “nắng xuống, trời lên”, Huy Cận đã mở ra một không gian cao rộng đến khôn cùng. Đây là một câu thơ rất hay của Huy Cận. Nó vừa nói lên sự bao la của vũ trụ, vừa tạo vũ trụ ở trong lòng sông. Cảm giác choáng ngợp trước thiên nhiên càng làm tăng thêm cái nhỏ nhoi của con người và “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu” - cái cảm giác buồn cô độc được đẩy cao. Câu thơ diễn tả ý thơ của lời đề từ nhưng rõ ràng nỗi buồn ở đây đã trở thành mối “sầu vạn kỉ”. Trước cái mênh mông của vũ trụ, con người tìm đến những hình ảnh gần gũi của cuộc sống:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Trái với sự mong đợi của con người, cảnh vật hiện lên tàn lụi, héo úa. Hình ảnh “bèo dạt” gợi cảm giác “bèo dạt hoa trôi” đến những thân phận đau khổ trong xã hội cũ. Nhà thơ cảm nhận theo cách riêng về sự tàn lụi. Sự phủ nhận liên tiếp “không một chuyến đò ngang”, “không cầu gợi chút niềm thân mật” càng thể hiện sự vắng vẻ, cô đơn, hoang vắng. Bức tranh có màu sắc nhưng là sự héo úa: “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Tuy nhà thơ tách riêng hai màu sắc xanh và vàng nhưng ta có cảm giác đó là màu sắc của “Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” trong thơ Nguyễn Du. Dường như chính nhà thơ đã đem lại màu sắc cho cảnh vật từ thế giới chủ quan của mình. Sự nổi nênh, trôi nổi của “bèo dạt về đâu hàng nối hàng” tuy liên tiếp nhưng không gợi sự đông đúc, cùng với sự phủ nhận sự đoàn tụ, sum họp của nhà thơ không những đem lại ấn tượng buồn mà còn là thái độ là tâm trạng của nhà thơ trước sự sống: đó là sự bế tắc, lụi tàn.
Không ai trong Thơ mới có nỗi “sầu vạn kỉ” như Huy Cận. Đối với ông, mọi cảnh vật đều nhuốm màu sắc buồn thương. Vì thế mà trong khổ kết, cảnh vật có bừng lên rực rỡ, huy hoàng chốc lát rồi lại sẫm xuống thấm đẫm tâm trạng:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Ở đây, sự liên tưởng thật độc đáo: từng đám mây trắng đùn lên ở phía chân trời trông như núi bạc. Huy Cận đã học được chữ “đùn” trong thơ Đỗ Phủ: “Mặt đất mây đùn cửa ải xa” nhưng không gian trong thơ Huy Cận rợn ngợp hơn. Trong buổi chiều, hình ảnh một cánh chim nhỏ nhoi, cô độc như một chấm buôn giữa vũ trụ bao la, không gian vũ trụ càng bao la rộng lớn, càng hùng vĩ thì càng làm nổi bật sự đơn lẻ của cánh chim chiều. Bóng chim trong thơ Huy Cận có nét giống với cánh chim bay mải miết trong ráng chiều của Vương Bột vì cũng như bị tan biến vào không gian, song là một nhà Thơ mới, Huy Cận có cách thể hiện hết sức mới mẻ. Cánh chim dường như lệch đi dưới sức nặng của buổi chiều. Cái cô đơn, cái buồn dường như trĩu nặng trước một không gian bao la như trống vắng. Cánh chim tuy gợi một cảm giác ấm cúng cho cảnh vật nhưng nhỏ bé, mông lung quá, vì vậy mà càng nhỏ bé, tội nghiệp.
Trong cái buồn của ngoại cảnh, Huy Cận còn có cái buồn của tâm hồn - cái buồn của một con người xa quê hương:
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Nỗi buồn nhớ quê hương xuất phát từ nỗi buồn của cảnh vật, của kiếp người âu cũng là điều dễ hiểu. Điều đáng nói ở đây là sự thể hiện của nỗi buồn đó. Huy Cận đã học được ý thơ này trong thơ Thôi Hiệu:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
nhưng đi xa hơn. Thôi Hiệu còn cần phải có ngoại cảnh tác động chứ Huy Cận - thì nỗi buồn từ trong lòng mà ra. Nỗi sầu, nỗi nhớ vì thế mà thêm da diết. Quê hương khuất bóng trong nỗi niềm, trong tâm tưởng nhà thơ. Đó là nỗi “sầu vạn kỉ, là cái buồn hết sức trong sáng và đáng quý trong tâm hồn nhà thơ. Huy Cận luôn ấp ủ tình thương nhớ quê hương nên không cần đến khói sóng trên sông cũng nhớ nhà. Đó là tấm lòng của nhà thơ, là sự hướng tới quê hương, đất nước, vì thế mà Tràng giang là một bài thơ dọn đường cho tình yêu non sông Tổ quốc (Xuân Diệu). Những tình cảm trong Tràng giang hết sức gần gũi với người dân Việt Nam, điều đó làm nên giá trị nhân văn của bài thơ.
Huy Cận đã kết hợp nhuần nhị những tinh hoa của thơ hiện đại với thơ ca truyền thống. Có thể nói, chất Đường thi đã thấm sâu vào tâm hồn nhà thơ từ thời niên thiếu. Tràng giang chính là sự học tập thơ Đường và thơ hiện đại, chủ yếu là thơ Pháp.
Bài thơ đã để lại dư âm trong lòng người đọc về một không gian mênh mông, rợn ngợp và nhất là nỗi buồn "sầu vạn kỉ". Đó là một đóng góp của Huy Cận với Thơ mới và nền văn học nước nhà.
- Tuần 1 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 2 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 3 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 4 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 5 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 6 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 7 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 8 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 9 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 10 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 11 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 12 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 13 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 14 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 15 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 16 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 17 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 18 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 19 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 20 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 21 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 22 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 23 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 24 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 25 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 26 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 27 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 28 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 29 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 30 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 31 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 32 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 33 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 34 sgk ngữ văn lớp 11
- Tuần 35 sgk ngữ văn lớp 11
- Một số tác giả, tác phẩm văn học tham khảo