Bài số 75: Cảm nhận về mùa thu trong khổ thơ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Mùa thu cũng gợi rất nhiều cảm hứng cho thi ca bởi không gian cao rộng, bởi màn sương giăng nhẹ nhàng, bởi mùi hương vườn đầy quyến rũ thoảng trong hơi gió heo may và bởi lòng thi nhân vốn đa cảm. Sang thu của Hữu Thỉnh còn đem đến cho ta cái cảm giác mơ hồ khi mà nó chưa có sự định hình, chưa có ranh giới rõ rệt.

BÀI LÀM

Mùa thu cũng gợi rất nhiều cảm hứng cho thi ca bởi không gian cao rộng, bởi màn sương giăng nhẹ nhàng, bởi mùi hương vườn đầy quyến rũ thoảng trong hơi gió heo may và bởi lòng thi nhân vốn đa cảm. Sang thu của Hữu Thỉnh còn đem đến cho ta cái cảm giác mơ hồ khi mà nó chưa có sự định hình, chưa có ranh giới rõ rệt. Đọc khổ thơ thứ nhất ta bắt gặp điều đó:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Trong biết bao nhiêu hương vị thân thuộc của làng quê, Hữu Thỉnh giật mình thoảng thốt khi nhận ra cái làn hương ngây ngất ngọt ngào của trái ổi đầu mùa. Hương ổi thân thương như chính mùi vị của vườn, làng quê nơi đồng bằng Bắc Bộ yêu thương, hương ổi là tín hiệu đặc trưng của mùa thu. Có phải lúc này đây thu đã sang? Nhưng tại sao sứ giả của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh lại là làn hương ngọt ngào của trái ổi đầu mùa mà không phải là hương hoa thiên lí như trong thơ Nguyễn Bính khi Mùi hoa thiên lý thoáng hương đưa (Chiều thu), hay hương cốm trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi với Gió thổi mùa thu hương cốm mới. Hương ổi thật đặc biệt, mùi hương ấy là nét riêng của làng quê Bắc Bộ, nó gọi về trong tâm trí tác giả bao nhiêu kỉ niệm êm đềm cùng bạn bè của một thời tuổi thơ đã qua. Hương ổi không phải chỉ một lần xuất hiện trong thơ ông, đọc Hương vườn ta cũng bắt gặp mùi hương rất quê ấy:

Hẹn mùa thu ổi chín
Đón mùa khô bước vào

Và trong tâm thức của mỗi người bỗng ngỡ ngàng ngạc nhiên. Để rồi trong phút giây ngỡ ngàng, nhà thơ mới chợt nhận ra hương ổi:

Phả vào trong gió se

Động từ “phả” sử dụng trong câu thơ mang đầy ý nghĩa. Liệu có thể thay thế từ ngữ ấy bằng một số từ khác như “thoảng, tỏa, lan...” thôi cũng đã mang lại cho hương ổi một sức mạnh vô hình nào đó để có thể tràn ngập trong không gian, có sức lan tỏa về mặt cảm xúc. Động từ “phả” nhờ nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã đem đến cho bức tranh giao mùa một sức sống mạnh mẽ đến kì lạ.

Hương ổi từ đó mà lan tỏa mãi trong không gian và rồi được cuốn trong gió se là cơn gió heo may khô lạnh đầu mùa.

Trong cái dư vị ngây ngất của trái ổi đầu mùa, nhà thơ còn nhận thấy:

Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Nhẹ nhàng và mong manh. Màn sương qua từ láy gợi hình “chùng chình” được nhân hóa như vẻ duyên dáng của nàng thiếu nữ đôi mươi. Màn sương ấy hiện ra trong ảo mờ như cổ tích khiến cho cảnh vật nơi làng quê ngõ xóm trở thành một thế giới thần kì tuyệt diệu.

Và câu thơ Hình như thu đã về đã kết lại dòng xúc cảm bất ngờ đột ngột của nhà thơ. Tất cả những tín hiệu ở trên cuối cùng rồi cũng đi đến một nghi vấn: thu đã về? Từ “hình như” diễn tả sự ngỡ ngàng thảng thốt, thu đến với đất trời thật rồi sao?

Từ điểm nhìn cận cảnh, cùng sự quan sát tinh tế, cảm nhận dấu hiệu thiên nhiên bằng khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió sẹ) và thị giác (màn sương), nhà thơ Hữu Thỉnh đã chứng tỏ một hồn thơ tinh tế nhạy cảm khi cảm nhận tiết giao mùa nơi làng quê thanh bình.

Các bài học liên quan
Bài số 70: Sự thiêng liêng và thành kính là cảm nhận chung của người đọc khi đến với Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Em hãy làm rõ điều đó qua bài thơ.
Bài số 69: Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật