Bài số 74: Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Khoảnh khắc giao mùa có lẽ là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của tự nhiên, nó gieo vào lòng người những rung động nhẹ nhàng khiến ta như giao hòa, đồng điệu. Khi chúng ta chưa hết ngỡ ngàng bởi một Xuân Diệu “tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì” thì đã gặp một Hữu Thỉnh tinh tế, sâu sắc đến vô cùng qua một thoáng Sang thu.
- Bài học cùng chủ đề:
- Bài số 72: Về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Sgk Ngữ văn 9 viết “Bài thơ có giọng điệu trang trọng và tha thiết nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp mà gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc. Hãy làm rõ nhận định trên qua hai khổ thơ đầu của bài thơ?
- Bài số 71: Trình bày cảm nhận về đoạn thơ sau: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng... Mà sao nghe nhói ở trong tim - (Viếng lăng Bác - Viễn Phương)
- Bài số 70: Sự thiêng liêng và thành kính là cảm nhận chung của người đọc khi đến với Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Em hãy làm rõ điều đó qua bài thơ.
- Ngữ pháp tiếng anh hay nhất
BÀI LÀM 1
Khoảnh khắc giao mùa có lẽ là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của tự nhiên, nó gieo vào lòng người những rung động nhẹ nhàng khiến ta như giao hòa, đồng điệu. Khi chúng ta chưa hết ngỡ ngàng bởi một Xuân Diệu “tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì” thì đã gặp một Hữu Thỉnh tinh tế, sâu sắc đến vô cùng qua một thoáng Sang thu.
Bài thơ là những cảm nhận, những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp và sự biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên trong buổi giao mùa. Không phải là sắc “mơ phai” hay hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” mà là hương ổi thân quen nơi vườn mẹ đã đánh thức những giác quan tinh tế nhất của nhà thơ:
Bỗng nhận ra hương ôi
Phả vào trong gió se
Câu thơ có hương vị ấm nồng của mùa thu ở một miền quê nhà. Tên hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu là “hương ổi” - Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ: “bỗng nhận ra”- một sự bất ngờ mà như đã chờ đợi sẵn từ lâu lắm, mùi hương quê nhà mộc mạc, hai chữ phả vào vừa gợi ra cái bất chợt trong cảm nhận, vừa gợi ra một cách thực thể cái hương thơm của ổi, lại vừa gợi ra sự vận động nhẹ nhàng của gió. Câu thơ không chỉ tả mà còn gợi liên tưởng đến màu vàng ươm, hương thơm lừng, vị giòn, ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi của trái ổi vườn quê. Và không chỉ có thế, cả sương thu như cũng chứa đầy tâm trạng, thong thả, chùng chình giăng mắc trên khắp nẻo đường thôn:
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Sương thu đã được nhân hóa, hai chữ “chùng chình” diễn tả rất thơ bước đi chầm chậm của mùa thu, gợi ra sự lay động của cây lá, vẻ tư lự của lòng người, cái man mác của không gian chớm thu. Sao lại là hình như chứ không phải là chắc chắn? Một chút nghi hoặc, một chút bâng khuâng, có cái gì đó không thật rõ ràng. Đúng là một trạng thái cảm xúc của thời điểm chuyển giao. Nếu ở câu thơ đầu tiên nhà thơ “bỗng nhận ra” thu về khá bất ngờ và đột ngột thì sau khi cảm nhận sương thu, gió thu, thi sĩ vẫn ngỡ ngàng thốt lên lời thầm thì như tự hỏi: Hình như thu đã về!? Tâm hồn thi sĩ nắm bắt những biến chuyển nhẹ nhàng, mong manh của tạo vật trong phút giao mùa cũng êm đềm, bâng khuâng như bước đi nhỏ nhẹ của mùa thu.
Không gian nghệ thuật của bức tranh thu được mở rộng hơn. Cảm xúc ấy tiếp tục lan tỏa, mở ra trong cái nhìn xa hơn, cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho những rung cảm mãnh liệt trước không gian thu vời vợi:
Sóng được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Sự vân động của mùa thu được cụ thể hóa bằng những sắc thái đổi thay của tạo vật. Đó là vẻ "dềnh dàng" của dòng sông, cái "bắt đầu vội vã" của cánh chim. Sóng nước đầy nên mới “dềnh dàng” nhẹ trôi như cố tình chậm lại, những đàn chim vội vã bay về phương nam... Không gian thu thư thái, hữu tình và chứa chan thi vị, đặc biệt là hình ảnh:
Có đám mây mùa hạ
vắt nửa mình sang thu.
Thật đặc biệt, đám mây mang trên mình cả hai mùa. Câu thơ giúp ta hình dung về đám mây mỏng nhẹ, trắng xốp, kéo dài như tấm khăn voan duyên dáng của người thiếu nữ thảnh thơi, nhẹ nhàng “vắt nửa mình sang thu”. Câu thơ có tính tạo hình không gian nhưng lại có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian: thu bắt đầu sang, hạ chưa qua hết, mùa thu vừa chớm, rất nhẹ, rất dịu, rất êm, mơ hồ như cả đất trời đang rùng mình thay áo mới. Tất cả đang hòa trong khúc biến tấu giao mùa. Có cái gì đang mơ hồ xâm chiếm, đang thay thế, đang mờ đi, nhạt ra, đang trôi. Không có gì hiện ra thật sắc nét, không có gam màu tương phản nào, ngay cả ở hai nửa của một đám mây thuộc về hai mùa khác biệt. Không phải vẻ đẹp của mùa hạ, cũng không phải vẻ đẹp của mùa thu, mà là vẻ đẹp của chính sự chuyển mùa, vẻ đẹp của tâm hồn con người gần gũi, giao cảm với thiên nhiên để lắng nghe và dự cảm.
Khổ thơ thứ ba diễn tả rất rõ sự biến chuyển của không gian và cũng là một thoáng suy tư của nhà thơ trước cảnh vật, đất trời:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Vẫn là nắng, mưa, sấm, chớp của mùa hạ vương lại đâu đây, song chỉ là “vẫn còn”, “đã vơi dần”, “cũng bớt bất ngờ” bởi mùa thu đã đến. Hình ảnh sấm và hàng cây vừa có tính tả thực vừa mang ý nghĩa ẩn dụ, gợi ra những suy tư thâm trầm. Cuối hạ - đầu thu, khi đã không còn những cơn mưa xối xả thì sấm cũng bớt bất ngờ và dữ dội. Hàng cây đứng tuổi là hàng cây đã qua bao cuộc chuyển mùa? Không biết chính xác là bao nhiêu nhưng chắc cũng đủ để điểm nhiên trước những biến động. Ý thơ còn gợi liên tưởng đến con người khi đó lớn tuổi vì từng trải thì những trăng gió, thăng trầm của cuộc đời ít làm con người ta bất ngờ, bị động. Những suy tư đó của tác giả có lẽ đã góp phần làm cho Sang thu trở nên giàu ý nghĩa.
Hình ảnh thơ đẹp, ngôn từ tinh tế, giọng thơ êm đềm và những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trong buổi giao mùa đã tạo nên một dấu ấn không dễ phai mờ trong lòng bao độc giả. Có lẽ vì vậy mà sau khi đọc Sang thu của Hữu Thỉnh ta càng thấy yêu hơn mùa thu thiết tha, nồng hậu của quê nhà.
BÀI LÀM 2
Mùa thu quê hương luôn là đề tài gợi nhiều cảm xúc đối với thi nhân, sống với mọi người, cảm xúc mùa thu lại gần với những cách nhìn, cách miêu tả rất riêng mang đậm dấu ấn cá nhân. Theo Xuân Diệu, thu là dáng buồn liễu, là màu áo mờ phai, là những luồng run rẩy rung rinh lá, đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh. Lưu Trọng Lư là Tiếng thu trong một thanh âm đầy tinh tế: con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô, hay Nguyễn Đình Thi sau lưng thêm nắng lá rơi đầy.
Hữu Thỉnh góp phần thêm vào tuyển tập những bài thơ mùa thu một ấn tượng, một dáng cảnh quan sát đầy mới mẻ: Sang thu.
Nếu trong Đây mùa thu tới Xuân Diệu đã cố gắng để miêu tả một cách sinh động nhất hình ảnh về sự sang thu của mùa thu đối với sự vật thì với Sang thu bức tranh mùa thu lại được Hữu Thỉnh miêu tả bằng những bước chuyển mình đầy tinh tế của chính vạn vật trước thời khắc giao mùa. Thời gian bao giờ cũng là quy luật và tất cả mọi vật đều phải vận động theo quy luật ấy. Hình như các sự vật trong bài thơ cũng vậy, chúng đang chuyển mình vào thu một cách đầy chủ động:
Bài thơ mở đầu bằng một phát hiện bất ngờ:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đà về
“Bỗng nhận ra” - một trạng thái chưa hề được chuẩn bị, như là vô tình, như sửng sốt, như là cơ duyên để từ đây nhà thơ có thể quan sát xuất hiện của mùa thu trong trời đất bằng tất cả các giác quan và cũng chính từ góc nhìn này, hình ảnh của cả sự vật sang thu được nhà thơ đưa vào ống kính.
Mở đầu là một làn hương thật đặc biệt của mùa thu Việt Nam, hương ổi - phả vào gió buổi sớm. “Phả” - một động từ mang ý nghĩa chủ động tác động được dùng như một cách để khẳng định sự xuất hiện hơi thu trong không gian. Sự góp mặt của màn sương buổi sớm cùng với hương ổi đã làm con người chợt giật mình thoảng thốt: Hình như thu đã về. Hai đặc điểm để cảm nhận mùa thu hương ổi, làn sương không phải là những hình ảnh đã trở nên ước lệ nữa, mà là một chi tiết thật mới mẻ, bất ngờ. Có lẽ, chỉ với Hữu Thỉnh, làn hương ổi rất quen với người Việt Nam mà rất lạ với thơ đã được đưa vào thơ một cách hết sức tự nhiên. Cũng từ đây, một loạt những hình ảnh quen mà lạ ấy sẽ xuất hiện để làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng vô cùng.
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Toàn là những sự vật được lựa chọn để miêu tả cảnh đất trời vào thu đều đang ở trạng thái “ngập ngừng” nhưng là sự ngập ngừng đầy chủ động. Sông được lúc, đàn chim bắt đầu, đám mây, vắt nửa mình: với cách diễn đạt này, hình ảnh của sự vật không chỉ hiện lên ở thời điểm hiện tại mà còn dẫn người đọc liên tưởng về quá khứ của chúng, một quá khứ chưa xa: “Quá khứ mùa hạ” và chắc rằng, đó là một quá khứ đầy sôi nổi. Khiến cho đâu đó trong không gian dâng lên một niềm nuối tiếc:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Nắng - hình ảnh cụ thể của mùa hạ - đang là hiện tại nhưng mưa mùa hạ đã trở thành quá khứ. Trạng thái này của thời tiết lại một lần nữa như khẳng định sự ngập ngừng đầy chủ động của vạn vật trước thời gian. Song, dẫu có ngập ngừng thì thời gian vẫn bước những bước vô tình của nó, và hàng cây sẽ bớt bất ngờ nếu mọi ngày vẫn xanh là thế mà giờ đây đã trở thành “hàng cây đứng tuổi”. Hàng cây đứng tuổi - hình ảnh gợi lên ở người đọc nhiều liên tưởng về tuổi tác và tâm trạng con người. Thời gian trôi nhanh qua cửa, cuộc đời mỗi con người là một chứng nhân nhìn mùa thu đi qua. Bởi thế, nuối tiếc vẫn mãi là cảm xúc của con người trước thời gian. Tâm trạng ấy đã được nhà thơ gửi vào cảnh vật, gửi vào trạng thái của thiên nhiên nhằm khắc họa thời khắc mà mọi vật đang chuyển mình sang thu. Điều này lí giải vì sao tất cả các sự vật đều được khắc họa bằng những động từ trạng thái với sắc thái nghiêng chủ động. Phải chăng những sự vật đang “sang thu” chứ không phải “đây mùa thu tới” hay “mùa đã thu rồi”.
Xưa nay, mùa thu thường gắn liền với hình ảnh lá vàng, ngõ đầy lá rụng, lá khô xào xạc và ta cứ ngỡ như chỉ những sự vật ấy mới là đặc điểm của mùa thu. Nhưng đến Sang thu của Hữu Thỉnh, người đọc chợt nhận ra: Một làn hương ổi, một màn sương, một dòng sông, một đám mây, một tia nắng những sự vật gần gũi thế cũng làm nên những đường nét rất riêng của mùa thu Việt Nam và điều này đã làm nên sức hấp dẫn của Sang thu.
Sang thu của Hữu Thỉnh đã không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu quê hương mà còn làm sâu sắc hơn tình cảm quê hương trong trái tim mọi người. Sang thu chính là một tấm gương trong để người đọc có thể nhìn thấy ở đó hình ảnh của quê hương xứ sở mình, hình ảnh của tâm hồn mình. Miêu tả mùa thu bằng những bước chuyển mình của vạn vật, Hữu Thỉnh đã khuấy động một cách nhìn riêng, một lối miêu tả riêng, thoát khỏi những ước lệ để khẳng định vị trí của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
- Bài 1 sgk ngữ văn 9
- Bài 2 sgk ngữ văn 9
- Bài 3 sgk ngữ văn 9
- Bài 4 sgk ngữ văn 9
- Bài 5 sgk ngữ văn 9
- Bài 6 sgk ngữ văn 9
- Bài 7 sgk ngữ văn 9
- Bài 8 sgk ngữ văn 9
- Bài 9 sgk ngữ văn 9
- Bài 10 sgk ngữ văn 9
- Bài 11 sgk ngữ văn 9
- Bài 12 sgk ngữ văn 9
- Bài 13 sgk ngữ văn 9
- Bài 14 sgk ngữ văn 9
- Bài 15 sgk ngữ văn 9
- Bài 16 sgk ngữ văn 9
- Bài 17 sgk ngữ văn 9
- Bài 18 sgk ngữ văn 9
- Bài 19 sgk ngữ văn 9
- Bài 20 sgk ngữ văn 9
- Bài 21 sgk ngữ văn 9
- Bài 22 sgk ngữ văn 9
- Bài 23 sgk ngữ văn 9
- Bài 24 sgk ngữ văn 9
- Bài 25 sgk ngữ văn 9
- Bài 26 sgk ngữ văn 9
- Bài 27 sgk ngữ văn 9
- Bài 28 sgk ngữ văn 9
- Bài 29 sgk ngữ văn 9
- Bài 30 sgk ngữ văn 9
- Bài 31 sgk ngữ văn 9
- Bài 32 sgk ngữ văn 9
- Bài 33 sgk ngữ văn 9
- Bài 34 sgk ngữ văn 9
- Các thể loại văn tham khảo lớp 9