Bài số 71: Trình bày cảm nhận về đoạn thơ sau: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng... Mà sao nghe nhói ở trong tim - (Viếng lăng Bác - Viễn Phương)

Viếng lăng Bác là một bài thơ trữ tình biểu hiện niềm cảm xúc thương nhớ khôn nguôi, lòng kính yêu vô hạn của nhà thơ đối với Bác nhà thơ từ miền Nam ra thăm lăng Bác.

Trình bày cảm nhận về đoạn thơ sau:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim
(Viếng lăng Bác - Viễn Phương)

BÀI LÀM

Viếng lăng Bác là một bài thơ trữ tình biểu hiện niềm cảm xúc thương nhớ khôn nguôi, lòng kính yêu vô hạn của nhà thơ đối với Bác nhà thơ từ miền Nam ra thăm lăng Bác. Bằng nhiều ẩn dụ sáng tạo và giàu ý nghĩa, tác giả vừa ca ngợi Bác, vừa bày tỏ nỗi đau đớn khi phải đối diện với sự thật qua đoạn thư:

"Ngày ngày mặt trời....
.......ở trong tim!

Mặt trời ngày ngày đi qua trên lăng là mặt trời của đất trời, nguồn sáng lớn nhất, rực rỡ nhất và vĩnh viễn trên thế gian này. Nhưng mặt trời ấy còn thấy và nhận ra một mặt trời trong lăng rất đỏ. Một mặt trời trên cao được nhân hóa, nhìn mặt trời trong lăng bằng đôi mắt của mặt trời. Một hình ảnh chứa bao tôn kính với Bác Hồ vĩ đại! Mặt trời trong lăng rất đỏ là hình ảnh ẩn dụ. Mặt trời trong lăng là Bác Hồ của chúng ta, một mặt trời đỏ rực màu cách mạng. Mặt trời cách mạng ấy đã, vẫn và sẽ mãi mãi chiếu ánh sáng đường chúng ta đi bằng sự nghiệp cách mạng vĩ đại, trí tuệ cách mạng vĩ đại, nhân cách cách mạng vĩ đại của Người. Một hình ảnh sáng tạo (một mặt trời không phải trong vũ trụ mà ở ngay trong lăng Bác) chứa chan lòng kính yêu vô hạn của nhà thơ đối với Bác.

Nhà thơ còn sáng tạo một hình ảnh khác nữa để ca ngợi Bác: hình ảnh bảy mươi chín mùa xuân. Một hình ảnh hoán dụ lấy một nét trong đời Bác Hồ (79 tuổi) để chỉ Bác Hồ. Con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và đã làm ra những mùa xuân cho đất nước, cho con người. Hình ảnh những dòng người đi qua trong thương nhớ, kết thành những tràng hoa không chỉ là một hình ảnh tả thực, so sánh những dòng người xếp thành những hàng dài vào lăng viếng Bác trông như những tràng hoa vô tận. Nó còn có nghĩa tượng trưng: Cuộc đời họ đã nở hoa nhờ có Bác, họ đến lăng để dâng hoa đời họ cho vầng mặt trời trong lăng đã làm nên mùa xuân cho biết bao nhiêu cuộc đời.

Nhà thơ vào lăng được trông thấy Bác, nằm trong giấc ngủ bình yên giữa một vùng ánh sáng nhè nhẹ, dịu hiền. Ánh sáng ấy nơi Bác nằm được nhà thơ miêu tả như ánh sáng một vầng trăng hiền dịu:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ớ trong tim!

Ánh sáng bát ngát ngoài đời đã vào thơ Bác, trăng còn vào trong lăng với người bạn vĩ đại của trăng. Nhà thơ dùng hình ảnh “một vầng trăng sáng dịu hiền” với dụng ý muốn tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ - vầng trăng bầu trời xanh mãi mãi mênh mông - để biểu hiện cái vĩ đại, cái rực rỡ, cái cao siêu của sự nghiệp và con người.

Biết rằng Bác sống mãi trong sự nghiệp cách mạng và tâm trí nhân dân như bầu trời xanh vĩnh viễn trên cao nhưng nhà thơ vẫn không khỏi thấy nhói lòng thương nhớ Bác. Đó là những rung cảm chân thật của tất cả ai đã vào lăng viếng Bác.

Các bài học liên quan
Bài số 58: Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật