Bài số 70: Sự thiêng liêng và thành kính là cảm nhận chung của người đọc khi đến với Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Em hãy làm rõ điều đó qua bài thơ

Bác Hồ - bảy mươi chín mùa xuân dâng trọn cho nền độc lập dân tộc để rồi chìm vào giấc ngủ mãi mãi, vĩnh hằng. Cuộc đời của Người, sự nghiệp của Người là trang sử thi hào hùng, rực rỡ, tỏa sáng cho đời và cả cho thi ca: “Tên Người là cả một niềm thơ”. Viếng lăng Bác của Viễn Phương cũng bắt nguồn từ cảm hứng ấy.

BÀI LÀM

Bác Hồ - bảy mươi chín mùa xuân dâng trọn cho nền độc lập dân tộc để rồi chìm vào giấc ngủ mãi mãi, vĩnh hằng. Cuộc đời của Người, sự nghiệp của Người là trang sử thi hào hùng, rực rỡ, tỏa sáng cho đời và cả cho thi ca: “Tên Người là cả một niềm thơ”. Viếng lăng Bác của Viễn Phương cũng bắt nguồn từ cảm hứng ấy. Bài thơ là những phút giây ngắn ngủi mà thiêng liêng, trìu mến mà tha thiết của tác giả khi vào lăng, thăm Người. Đúng như nhận xét: Bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương là “Niềm xúc động thiêng liêng tâm trạng thiết tha, thành kính của tác giả từ miền Nam vừa được giải phóng ra thăm Bác Hồ”.

Viền Phương (1928 - 2005) tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, quê ở An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp và chống mĩ, ông hoạt động ở Nam Bộ, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì chống Mỹ cứu nước. Bài thơ Viếng lăng Bác sáng tác năm 1976 in trong tập thơ Như mây mùa xuân (1978).

Mang theo tiếng lòng của cả đồng bào miền Nam đến thăm lăng Bác. Trước lăng của Người, Viễn Phương đã thốt lên nghẹn ngào, xúc động:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng ”

Lời thơ cất lên tha thiết, trang nghiêm, có lúc dường như dạt dào chảy, lúc thì như đọng lại trong một khoảnh khắc suy tư. Cách xưng hô “con - Bác” như trong một gia đình, gần gũi, thân thương mà tôn kính, thể hiện tình cảm sâu nặng, tha thiết của nhà thơ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Động từ “thăm” được sử dụng rất tinh tế mà gợi cảm. Vết thương lòng của mỗi người dân Việt Nam trước sự ra đi của Bác còn chưa lành lặn. Song với cách nói “thăm lăng Bác” thay cho “viếng lăng Bác” ở nhan đề đã xoa dịu đi nỗi đau thương trước một mất mát lớn của dân tộc. Đồng thời khẳng định Bác vẫn sống, sống trong trái tim mỗi con người.

Mang theo tình cảm thiết tha, chân thành nhất của một người con từ chiến trường miền Nam vào thăm lăng Bác, từ xa, nhà thơ đã nhìn thấy hình ảnh hàng tre ẩn hiện trong khói sương nơi Ba Đình lịch sử. Hình ảnh hàng tre “bát ngát”, “xanh xanh” vươn mình trong bão táp mưa sa là hình ảnh quen thuộc, gần gũi của làng quê Việt Nam, ẩn dụ cho vẻ đẹp hiền hậu, đức tính đoàn kết, sức sống bền bỉ, kiên cường bất khuất của nhân dân và sự bền bỉ, dẻo dai, vĩnh hằng bất biến của dân tộc trong bốn ngàn năm lịch sử. Từ “Ôi” cất lên nghe rung động, xốn xang, thể hiện mãnh liệt cảm xúc tự hào của tác giả trước phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta. Ngôn ngữ bình dị, hàm súc, kết tinh tất cả tình yêu thương, kính trọng thiêng liêng, chân thành nhất của tác giả nói riêng và nhân dân hai miền Nam - Bắc nói chung đối với Bác Hồ.

Dẫu biết rằng Bác đã ra đi gần nửa thế kỉ song tâm hồn, sự nghiệp của Người lại cao đẹp, rạng rỡ như vầng tinh tú của vạn vật:

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"

Nếu như câu thơ thứ nhất là mặt trời của tự nhiên luôn luôn chiếu sáng duy trì sự sống cho con người và vạn vật thì “mặt trời trong lăng” - Bác Hồ - như một ánh hào quang luôn tỏa sáng trên bầu trời Việt Nam, soi sáng lí tưởng cho dân tộc Việt Nam, tòa hơi ấm tình thương cho mọi tầng lớp con người:

“Ôi! Lòng Bác cứ vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa”

Hình ảnh ẩn dụ khẳng định Bác luôn luôn trường tồn cùng với mặt trời của tự nhiên, thể hiện tình yêu, lòng thành kính sâu sắc và niềm tự hào của tác giả dành cho vị cha già của dân tộc.

Sự bồi hồi của tác giả trước sự trang nghiêm của dòng người nặng trĩu nhớ thương vào lăng viếng Bác. Giọng thơ tha thiết mà trang trọng, tự nhiên mà sâu lắng:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân ”

“Tràng hoa” là hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo, diễn tả tình cảm thương nhớ dâng trào và sự ngưỡng mộ tấm lòng thành kính của tác giả nói riêng và nhân dân nói chung đối với Bác. Cách nói hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân” là cách nói rất thơ, cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân. Điệp từ “ngày ngày” vừa là quy luật của tự nhiên, của tạo hóa, lại vừa là quy luật tình cảm của dòng người lặng lẽ nối nhau viếng lăng Bác. Hai câu thơ đã dồn nén nỗi niềm xúc động thiêng liêng, tâm trạng thiết tha, thành kính của người con phía Nam của tổ quốc đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Khi vào lăng viếng Bác, đứng bên linh cữu của Người, nhà thơ cảm thấy Bác như đang ngủ một giấc ngủ thanh thản, bình yên trong sự im lặng, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ trong trẻo của không gian quanh lăng Bác:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền ”

Bác đã ra đi nhưng như còn sống mãi với non sông, đất nước. “Vầng trăng” là cách nói ẩn dụ, tâm hồn Bác hiền hậu, thanh cao, tinh khiết như ánh trăng, lúc còn sống cũng như lúc đã ra đi, tâm hồn của Bác vẫn rạng ngời thắm sắc. Hình ảnh vầng trăng đã chạy dọc suốt đời thơ của Bác. Và khi Bác đã chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng, trăng vẫn ân tình chung thủy canh giữ, nâng niu giấc ngủ ngàn thu của Người:

“Trăng ơi trăng, hãy yên lặng cúi đầu
Nay Bác ngủ chúng ta canh giấc ngủ ”

Nhưng dù tình cảm của tác giả có mãnh liệt, tha thiết đến đâu cũng không thể giấu nổi một sự thật nhói lòng: Con người đang nằm ở kia, đang nằm giữa ánh sáng lung linh, ấm áp, nồng hậu của ánh trăng đã vĩnh viễn ra đi:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Lí trí vẫn biết rằng Bác như “trời xanh” vẫn sống mãi với non sông đất nước. Người đã hóa thân vào thiên nhiên, vũ trụ, đất nước, dân tộc. Song tình cảm vẫn không che giấu được nỗi đau đớn, tiếc thương đến cực độ: “Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Đó là vết thương lòng khó hàn gắn, cảm xúc “nhói” đau của tác giả cũng chính là tình cảm chung của nhân dân khi Bác ra đi: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Mạch cảm xúc từ thành kính chuyển sang tiếc thương ngậm ngùi, câu thơ đọc lên như một tiếng khóc đến nghẹn ngào, để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc.

Biết bao lưu luyến, buồn thương của đứa con đất Thành đồng tổ quốc, nhà thơ ước nguyện tha thiết được hóa thân vào thiên nhiên, cảnh vật để được ở mãi bên Bác, canh giấc ngủ cho Người:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này "

Giọng thơ trầm lắng xuống, nhưng nguyện vọng lại rất thiết tha, nghèn nghẹn không nói nên lời, đang cất lên cái tiếng nói vô thanh - một nguyện vọng mới khiêm nhường, nhỏ bé biết chừng nào. Một giọng chim ca ngân khúc hát thành kính, một đóa hoa lặng lẽ tỏa hương, một cây tre trung hiếu. Sự thành kính đến nghiêm trang đầy xúc động của nhà thơ một lần nữa nhằm tôn vinh một con người mà linh hồn như còn phảng phất nơi đây trong sương, trong nắng. Điệp ngữ “muốn làm” gợi tả cảm xúc thiết tha, nồng hậu, ước nguyện chân thành, tâm trạng lưu luyến, không muốn rời xa của tác giả và nhân dân cả nước đối với Bác Hồ kính yêu.

Bài thơ không dài song ý thơ, hình tượng và cảm xúc thơ đều rất sâu nặng, cô đúc, chất chứa những tình cảm, nỗi niềm đau xót mà tự hào trầm tư mà tha thiết. Với niềm kính yêu và kính trọng vô hạn, có thể nói, bài thơ là một thứ tiếng lòng giản dị, hồn nhiên mà âm vang của nó còn làm thổn thức lòng người mãi mãi.

Viếng lăng Bác của Viễn Phương với giọng thơ nhỏ nhẹ, gần gũi đã thể hiện tha thiết, dâng trào cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ đứng trước lăng Bác. Đúng như nhận xét, bài thơ là “Niềm xúc động thiêng liêng, tâm trạng thiết tha, thành kính của tác giả từ miền Nam vừa được giải phóng ra thăm Bác Hồ. Qua đó, người đọc thấy được sự trường tồn, bất diệt, sống mãi với thời gian của Bác. Tuy Bác đã đi xa nhưng vẻ đẹp trong tâm hồn và sự nghiệp vĩ đại của Người luôn bất biến cùng non sông, đất nước, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, đường lối của Đảng, của thế hệ ngày nay đến mai sau, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Bác ngồi đó với cây chì đỏ
Vạch đường đi từng phút từng giờ ”

Các bài học liên quan
Bài số 58: Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật