Bài số 87: Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

Tình yêu làng quê là một nét nổi bật trong tâm hồn ông Hai. Gọi là yêu chưa đủ, còn phải nói là say đắm, như được nâng lên ở mức cao nhất.

BÀI LÀM

Tình yêu làng quê là một nét nổi bật trong tâm hồn ông Hai. Gọi là yêu chưa đủ, còn phải nói là say đắm, như được nâng lên ở mức cao nhất. Với ông Hai, cái gì ở làng ông cũng đáng tự hào. Nào làng ông là làng sầm uất nhất tỉnh, nào con đường làng toàn lát đá xanh, trời mưa đi bùn không dính gót, ngày mưa phơi thóc phơi rơm thì tốt thượng hạng. Ông khoe làng ông có cái phòng thông tin sáng sủa, rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre. Điều tự hào ấy tuy phần nào hơi quá nhưng vẫn là chính đáng bởi nó xuất phát từ tình yêu mãnh liệt của ông đối với quê hương. Chính cái “hơi quá” ấy đã làm nên nét riêng đáng yêu của nhân vật. Nhưng tình yêu ấy nhiều khi khiến ông mù quáng, đến nỗi tự hào cả những chuyện rất “vô duyên” như cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông mà ông từng dẫn cả người bà con xa đến xem cho biết để “khâm phục”. Mãi đến sau Cách mạng tháng Tám, ông mới nhận ra chỗ “dở hơi” của mình, bởi chính cái dinh cơ ấy đã gây bao đau khổ cho làng ông cho chính ông mà ông không biết. Đến khi kháng chiến bùng nổ, ông Hai lại có thêm những điều tự hào mới về cái làng kháng chiến của mình: có tập quân sự, có đào hố, đắp ụ chiến đấu, có cả giới phụ lão cũng vác gậy tập “một hai”. Ta hiểu vì sao, ở nơi tản cư, ông sống trong tâm trạng đau khổ nhớ nhung buồn bực khi phải xa làng, và tối nào cũng vậy, cứ cơm nước xong, là ông sang nhà bác Thứ để được nói chuyện về làng mình cho khuây đi nỗi nhớ.

Cùng với tình yêu quê hương, yêu cái làng Chợ Dầu của mình, cách mạng và kháng chiến còn cho ông Hai một tình yêu mới: lòng yêu nước. Đây mới là vẻ đẹp đáng quý của nhân vật, cũng là điều tâm huyết nhất mà nhà văn muốn nói với người đọc (tác giả cũng là người trong cuộc, mang tâm lí như ông Hai).

Ở nơi tản cư, ông Hai tự hào về làng Chợ Dầu không chỉ vì nó đẹp mà còn bởi nó tham gia vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc. Ông tìm nghe tin tức về kháng chiến “chẳng sót một câu nào”. Ông cảm phục một em bé dũng cảm ờ Hà Nội, xúc động trước cái chết của một anh trung đội trưởng, hả hê trước những thất bại thương vong của quân giặc: “ruột gan ông lão cứ múa lên cả, vui quá!”

Những điều bất hạnh lớn đã đổ xuống đầu ông khi một người đàn bà cho ông biết về làng Chợ Dầu của ông nay đã là cái làng “Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi cơ ông ạ!” Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Ông “lắp bắp hỏi”, rồi “cổ ông nghẹn ắng.... da mặt tô rân rân”, ông phải “vờ đứng lảng ra... rồi đi thẳng”, “cúi gằm mặt mà đi”, về nhà “tủi thân, nước mắt ông cứ giàn ra”. Ông “nghe ngóng”, “chột dạ”, “nơm nớp”, ba bốn hôm không ra đến ngoài vì đau đớn, tủi nổ. Giá ông không yêu làng đến thế thì ông đã không cảm thấy nhục nhã đến thế. Ông cảm thấy như chính ông mang nỗi nhục của một tên bán nước theo giặc, cả các con ông cũng mang nỗi nhục ấy. Bị mọi người hắt hủi, thậm chí mụ chủ nhà “mời” ông đi nơi khác, ông khổ không phải vì phải đi mà cái chính vì mình là một người dân của cái “làng Việt gian” ấy.

Một cuộc đấu tranh đã diễn ra trong lòng ông lúc này: về làng hay ở lại? Ông đã từng nhớ làng da diết, từng ao ước được trở về làng. Nhưng vừa chớm nghĩ, lập tức ông lão phản đối ngay bởi vì về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ. Tình yêu làng đầu có tha thiết, mãnh liệt đến đâu cũng không thể mạnh hơn tình yêu đất nước. Câu chuyện tâm sự giữa ông Hai với đứa con út thật cảm động đã nói rõ lòng yêu nước sâu sắc của một lão nông trong một tình huống đầy thử thách: nước mắt ông lão chảy ròng trên hai má khi đứa con út nói một cách giản dị và ngây thơ: ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!

Đến khi biết đích xác là làng Chợ Dầu yêu quý của ông không phải là làng Việt gian, nỗi vui mừng của ông thật vô bờ bến. Ông cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người, mặt ông tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Ông loan báo cho mọi người biết cái tin “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ” một cách tự hào như một niềm hạnh phúc thực sự của mình. Đó là nỗi lòng sung sướng trào ra hồn nhiên như không thể kìm nén được của người dân quê khi được biết làng mình là làng yêu nước dẫu cho nhà mình bị giặc đốt.

Truyện được dẫn dắt khéo léo, tự nhiên; kịch tính phát triển ngày càng cao dẫn đến ‘thắt nút” (khi ông Hai nghe tin làng mình là làng Việt gian) một cách tự nhiên, để rồi sau đó lại “cởi nút” một cách hợp lí (khi ông Hai biết nhà mình đã bị đốt và làng mình là làng yêu nước). Nhân vật ông Hai được khắc họa rất sống, rất thực, đặc biệt là về tính cách và diễn biến tâm lí. Ngôn ngữ truyện ngắn Kim Lân là ngôn ngữ nông thôn thuần nhị mà đặc sắc, gợi cảm, nhiều chỗ như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân tạo nên một không khí làng quê thân quen, gần gũi. Tất cả đã góp phần bộc lộ sâu sắc chủ đề của truyện và làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn đặc sắc này.

Các bài học liên quan
Bài số 80: Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật