Bài số 86: Vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam qua truyện ngắn Làng của Kim Lân

Kim Lân là cây bút sở trường về truyện ngắn và khai thác rất thành công để tài người nông dân sau Cách mạng. Kim Lân viết không nhiều nhưng những truyện ngắn của ông thường gây ấn tượng độc đáo, đặc sắc rất đỗi giản dị, chân chất vẻ con người ở miền quê quan họ.

BÀI LÀM

Kim Lân là cây bút sở trường về truyện ngắn và khai thác rất thành công để tài người nông dân sau Cách mạng. Kim Lân viết không nhiều nhưng những truyện ngắn của ông thường gây ấn tượng độc đáo, đặc sắc rất đỗi giản dị, chân chất vẻ con người ở miền quê quan họ.

Truyện ngắn Làng ra đời năm 1946 trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Truyện có kết cấu đơn giản xoay quanh nhân vật ông Hai và tình yêu của ông đối với làng Chợ Dầu nhưng do bút pháp tài tình, độc đáo, khéo léo, dẫn dắt tình huống và xây dựng kịch tính nội tâm nhân vật. Làng đã hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc. Ông Hai trở thành một điển hình về người nông dân sau Cách mạng.

Ông Hai là một người dân yêu làng với một tình cảm đôn hậu chân thật, mộc mạc và cá tính đặc biệt nổi lên trong con người ông Hai là luôn luôn khoe về cái làng của mình.

Như bao con người Việt Nam khác ông Hai cũng có một quê hương để yêu thương, gắn bó. Làng Chợ Dầu luôn là niềm tự hào, kiêu hãnh của ông. Đó là những tình cảm không nén nổi đã được bộc lộ ra một cách chân tình, gần gũi và cũng là điều dễ hiểu, thông thường của con người Việt Nam. Một đặc điểm nổi bật của ông Hai, nhân vật trung tâm của truyện là một tính cách rất đặc biệt. Ông luôn khoe về cái làng Chợ Dầu của mình, cái tính khoe làng của ông gần như trở thành bản chất, có khác chăng là ở những thời điểm khoe làng khác nhau.

Trước Cách mạng, ông Hai khoe làng bằng một tình cảm tự nhiên, ngộ nhận, ông khoe cả những cái làm ảnh hưởng và tồn hại đến công sức, tiền bạc của người dân trong làng và ngay chính cả bản thân ông. Đó là cái sinh phần của viên tổng đốc mọc sừng sững ở cuối làng to như các dinh cơ cụ thượng.

Nhưng đến sau Cách mạng, nhờ có sự giác ngộ của Đảng ông Hai đã nhận thức khác, đổi mới và tiến bộ về tình yêu làng.

Trong những ngày làng ông tham gia kháng chiến, ông Hai thật sung sướng, hạnh phúc và lấy làm hãnh diện bởi sự đổi mới, tấp nập của khung cảnh làng quê. Làng ông thực sự là một làng kháng chiến, ở đâu cũng thấy tự hào giao thông, người tập quân sự, có cái chòi phát thanh cao bằng ngọn tre chiều chiều đưa tin chiến thắng, có phòng thông tin sáng sủa, người người ra vào tấp nập, có con đường lát đá xanh đi từ đầu làng đến cuối làng không bẩn gót chân... Tất cả những tình cảm được biểu hiện trong từng cử chỉ của ông Hai cũng đủ khẳng định ông là một người yêu làng và gắn bó cả cuộc đời với nó bằng suy nghĩ và hành động.

Kháng chiến bùng nổ, người dân phải rời làng đi sơ tán, ông Hai cũng theo dòng người ấy sơ tán đến một miền quê xa xôi, hẻo lánh. Đây cũng là sự thể hiện tinh thần yêu nước và tham gia kháng chiến của người nông dân lúc bấy giờ nhưng ông Hai thực sự buồn vì phải xa làng. Ở nơi sơ tán ông luôn luôn nhớ làng, mong ngóng tin tức thường ngày như một thói quen để nguôi ngoai nỗi nhớ. Ông kể chuyện về cái làng của mình với bác Thứ bằng tất cả niềm hả hê, háo hức, say sưa, khoe cho sướng cái miệng, hả cái da và nuôi dưỡng niềm tự hào khôn nguôi về làng.

Nhưng khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc thì bao nhiêu tình cảm tốt đẹp ấy trong ông Hai bỗng nhiên biến thành những nỗi lo âu, dằn vặt khi cái tin sét đánh ngang tai đó đến với ông từ một người đàn bà đi sơ tán. Thái độ và sắc mặt của ông Hai đột ngột thay đổi: “da mặt tê rân rân, cổ nghẹn ắng lại không thở được rặn mãi với ra vài tiếng è è...”. Đây là một tin dữ dằn khủng khiếp đối với ông Hai. Niềm tin và tình yêu bấy lâu nay của ông về làng như bị sụp lở dưới chân. Ông đã tìm cách lảng tránh những lời bàn tán và cúi gằm mặt ra về, đi trong một tư thế buồn, lo, sợ hãi lẫn lộn.

Về đến nhà ông Hai nằm vật ra giường, nước mắt cứ thế trào ra. Bao nhiêu câu hỏi dồn về xoắn xuýt, bủa vây làm tâm trạng ông rối bời trong cơn đau đớn, hụt
hẫng đến mê dại, dữ dằn và gay gắt.

Mấy ngày tiếp theo ông không dám bước chân ra khỏi nhà, chỉ nín thin thít để nơm nớp nghe những tin tức, những lời đồn về làng chợ Dầu đến hoảng sợ và luôn luôn bị chột dạ, ám ảnh nặng nề bởi sự việc vừa diễn ra. Tình cảnh này túc trực dằn vặt ông Hai trong tâm trạng và thái độ tủi hổ, giằng xé cồn cào, ngổn ngang.

Những ngày ấy mâu thuẫn nội tâm trong con người ông Hai diễn ra một cách quyết liệt ngày càng dâng cao, giữa một bên là tình yêu làng, một bên là tình yêu nước, yêu cách mạng và kháng chiến. Ông tự nhủ: “về làng bây giờ là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ. Làng thì yêu thật nhưng làng theo giặc thì phải thù”.

Có thể nói con đường đúng đắn của Đảng, cách mạng và sự nghiệp kháng chiến lớn lao đã tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người nông dân. Họ đã xác định và phân biệt rạch ròi giữa tình yêu và lòng thù hận, biết hi sinh những cái nhỏ để đạt đến những cái lớn lao hơn, bao trùm hơn. Trong hoàn cảnh cụ thể ông Hai đã biết đặt tình yêu kháng chiến, cách mạng, đất nước bao trùm lên tình yêu làng. Nhưng để có được tình cảm này ông Hai đã sống những ngày tháng hết sức căng thẳng, mâu thuẫn nội tâm giữ dội, kịch tính đẩy đến cao trào đòi hỏi ông Hai phải có cách giải quyết cụ thể, rõ ràng giữa tình yêu làng và tình yêu nước.

Sự hi sinh nào đối với người nông dân lúc này cũng là sự mất mát, hụt hẫng quá lớn lao, quá sức tưởng tượng. Cuối cùng ông chỉ còn biết tìm đến những đứa con, những người mà ông yêu quý nhất để giãi bày tâm sự, trút bỏ và an ủi lòng mình. Đồng thời qua đó ông truyền tình yêu nước sang cho chúng và khẳng định tình cảm của bố con ông với kháng chiến, với Cụ Hồ là trước sau như một, thủy chung son sắc, không dám đơn sai.

Đau khổ là thế, lo âu, sợ hãi là thế nhưng sau cơn mưa trời lại tạnh, cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã được cải chính. Khi nghe tin ông Hai cảm thấy thật là sung sướng, hạnh phúc bởi tình cảm của ông rất nhiệt thành, nồng cháy. Ông Hai lại đi từ đầu làng đến cuối xóm tiếp tục khoe về cái làng của mình với tất cả niềm tin và tình cảm thiêng liêng về làng là không gì lay chuyển được ở người nông dân yêu quê hương, yêu đất nước này.

So với Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám rõ ràng ta thấy ông Hai có những điểm tiến bộ vượt bậc trong nhận thức, tâm hồn, tình cảm và tính cách. Đó chính là nhờ vào đường lối giác ngộ cách mạng của Đảng, Bác Hồ mà họ có được. Lão Hạc và ông Hai có những điểm tính cách khác nhau nhưng họ vẫn có những phẩm chất của những người nông dân giống nhau, đều hiền lành, chất phác, lương thiện. Khi cách mạng tháng Tám thành công đã đem đến sự đổi đời cho mỗi người nông dân. Từ một thân phận nô lệ phụ thuộc họ trở thành một người tự do làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước. Từ đó đã củng cố và làm nền tảng vững chắc cho tình yêu quê hương, đất nước, trở thành một tình cảm vững bền, thiêng liêng sâu nặng, nồng cháy. Đây chính là vẻ đẹp truyền thống của người Việt Nam nói chung ông Hai trở thành một điển hình người nông dân sau Cách mạng trong văn học.

Kim Lân vốn sống và gắn bó với miền quê quan họ do đó từ cách chọn đề tài của ông cũng rất gần gũi đời thường. Đó là người nông dân chân chất từ ngoài đời thực bước vào tác phẩm. Ông Hai chính là bóng dáng và linh hồn của Kim Lân, nói được những điều sâu kín nhất từ đáy lòng của nhà văn, của người nông dân chân lấm tay bùn mà thanh cao, đẹp đẽ và một thứ tình cảm gắn bó, thủy chung lâu bền của họ.

Truyện đã xây dựng được những kịch tính, nội tâm nhân vật được bộc lộ qua những hành động, suy nghi, thái độ, việc làm trở thành hai cốt truyện tâm lí độc đáo.

Kịch tính của truyện được phát triển theo tầng bậc từ thấp đến cao. Tác giả đã xây dựng những tình huống hấp dẫn, xúc động, đẩy chi tiết đến cao trào rồi giải quyết một cách nhẹ nhàng, thỏa đáng và có hậu. Tuy thế nhưng vẫn gây được hứng thú, tạo sự bất ngờ cho người đọc, người nghe.

Ngôn ngữ văn chương của Kim Lân đậm đà chất Kinh Bắc có những chỗ, những lúc chất liệu địa phương đã được sử dụng trong giao tiếp, ứng xử của nhân vật rất khéo léo. Qua đó ta thấy được bút pháp nghệ thuật sáng tạo của Kim Lân trong việc khai thác đời sống nội tâm nhân vật.

Trong cuộc đời mỗi chúng ta có thể đã được đọc, được nghe những truyện này truyện nọ, tiếp cận với rất nhiều những tác phẩm của những nhà văn viết về đề tài nông thôn trước và sau cách mạng nổi tiếng như: Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng.

... Nhưng ta vẫn thấy bóng dáng ông Hai không thể lẫn vào trong các câu chuyện mà hình tượng của ông vẫn hiện về như một chân dung tỏa sáng với những tình cảm rất riêng, đôn hậu của người nông dân Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Làng nở thành một truyện ngắn đặc sắc, ông Hai trở thành một hình tượng điển hình là vì thế.

“Quê hương là chùm khế ngọt...” là niềm vui, nỗi buồn, là tuổi thơ, là ước mơ đẹp của mỗi chúng ta. Nhưng nhà văn Kim Lân đã khai thác về mảng đề tài nông thôn và người nông dân yêu quê hương vốn là một mảnh đất phong phú, rộng mở nhưng không phải ai cũng có thể bước đến đó và khơi dậy nguồn cảm xúc một cách dễ dàng, không phải ai cũng tìm được tình yêu quê, yêu tổ quốc sâu sắc ở những người nông dân cày ruộng như nhà văn Kim Lân.

Đó chính là những nét tài hoa, sắc sảo lôi cuốn bạn đọc truyện của Kim Lân. Ông đã gắn bó cả cuộc đời, máu thịt của mình với quê hương để rồi những tác phẩm của ông sống mãi trong lòng bạn đọc theo năm tháng. Tác phẩm của ông sẽ luôn sánh bước nhịp nhàng với thời gian đi vào những thiên niên kỉ mới để lại những bài học son sắt, sâu xa cho muôn đời sau.

Các bài học liên quan
Bài số 80: Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật