Bài số 85: Câu chuyện về một người yêu làng của mình. Đọc truyện Làng của Kim Lân

Người ta đã viết rất nhiều về cái làng Việt Nam xưa kia, từ kho tàng đồ sộ những ca dao tục ngữ, những khảo cứu phong tục, tập quán, những phóng sự việc làng… đến những tiểu thuyết mà trong đó cái làng gói trọn số phận của nhiều nhân vật.

BÀI LÀM

Người ta đã viết rất nhiều về cái làng Việt Nam xưa kia, từ kho tàng đồ sộ những ca dao tục ngữ, những khảo cứu phong tục, tập quán, những phóng sự việc làng… đến những tiểu thuyết mà trong đó cái làng gói trọn số phận của nhiều nhân vật. Làng, đó không phải chỉ là một đơn vị hành chính, địa lí, mà đó là tất cả cuộc sống xã hội đối với người nông dân xưa, ở đó có tất cả những gì gắn bó với họ, làm nên cuộc đời họ... Làng, đó là khái niệm đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của họ về hai tiếng “quê hương”.

Nhưng trong truyện ngắn của Kim Lân, có thể thấy rõ Làng lại chỉ là một cái cớ, một cái nền làm nổi rõ một nhân vật, một “người làng” - đó là nhân vật ông Hai. Bởi vì câu chuyện không xảy ra trên đất của làng đã đành, mà trong suốt cả truyện không có một câu văn nào, một dòng chữ nào miêu tả trực tiếp cái Chợ Dầu ấy cả. Người ta chỉ biết gián tiếp về nó qua lời kể của ông Hai, qua lời người đàn bà tản cư, qua những tin đồn giăng giẳng của dân làng, của người đàn bà chủ nhà... Nhưng nhiều nhất là qua những câu chuyện và những nỗi niềm tưởng nhớ của ông Hai, qua tình yêu lạ lùng của ông đối với tất cả những gì thuộc về làng ông.

Mà ông Hai lại không phải là một nhân vật tiêu biểu gì trong cái làng có lẽ cũng rất bình thường như bất kì một làng quê nào ở miền Bắc Việt Nam. Ông không thuộc hàng cùng đinh mà số phận có thể tiêu biểu cho người nông dân một thời như anh Pha, chị Dậu; cũng không thuộc hàng vai vế, có “miếng” có “tiếng” trong làng. Ông chỉ là một người nông dân hay lam hay làm, chịu khó và có lẽ khéo tay nữa. Nhưng ông không phải là người nông dân kiểu hiền lành, ăn no vác nặng, kiểu người mà tầm mắt và suy nghĩ suốt đời không vượt khỏi lũy tre làng. Ông Hai vui tính, hay chuyện và tinh khôn nữa, cái tinh khôn láu lỉnh của người nông dân đã từng đi đây đi đó, đã tiếp xúc nhiều. Ông có cái buồn cười đáng mến của những ông già cái-gì-cũng-biết: “rất thành thạo mà chẳng đâu vào đâu cả” (tất nhiên không phải là trong những công việc nhà nông mà ông vẫn luôn chân luôn tay làm như một thói quen). Vừa buồn cười, vừa đáng yêu là cái cảnh ông đi “nghe” đọc báo - ông khổ tâm hết sức nhưng không muốn ai biết rằng mình đọc còn quá kém - “Ông ghét thậm những anh cậy ta đây lắm chữ, đọc báo lại cứ đọc thầm một mình, không đọc ra thành tiếng cho người khác nghe nhờ mấy”. Chỉ một cảnh ông già nông dân nghe anh dân quân hình như mới học, đánh vần được chữ nào đọc luôn chữ ấy, ngòi bút kể chuyện của Kim lân đã dựng nên rõ rệt chừng nào không khí kháng chiến của một thời. Ông bàn những chuyện "quốc gia đại sự”, như thế Đác-giăng-li-ơ đi đi về về là do sự sai khiến của ông. “Ta bố trí nó thế này, ta bố trí nó thì khác, ta chính trị nó thế này, ta chính trị nó thế kia...” thật say sưa, sảng khoái và hưng phấn, mặc dù chính ông cũng vẫn biết là “học lỏm cả đấy thôi”, nhưng vẫn thích thú, tự hào.

Chỉ bằng vài ba nét miêu tả đầu tiên, tác giả Kim Lân đã làm hiện lên một mẫu người lí thú, rất thật, rất sống động, rất thường gặp ở xung quanh ta. Tính cách của ông Hai bộc lộ ngay qua lời nói, cử chỉ, và ta có cảm tưởng như dễ dàng biết hết cả về những con người như vậy ngay từ lúc đầu gặp gỡ. Một con người như vậy làm sao chịu được cảnh tù túng trong gian nhà tản cư ở nhờ ở đậu, trong ánh sáng chập chờn của ngọn đèn dầu, trong tiếng lầm rầm tính toán những món tiền nhặt nhạnh hàng ngày của vợ... Ông phải đi tìm người nói chuyện, và câu chuyện thường lệ như một đề tài vô tận là cái làng của ông.

"Ông Hai có tính thích khoe làng như thế xưa nay”. Cũng lại là một điều tự nhiên trong tính cách của con người hay chuyện, ưa giao tiếp, thích hiểu biết, cái hiểu biết do học lỏm của người nghèo. Như đã nói, đối với những người nông dân, cái làng là tất cả và ông Hai thích khoe làng, khoe tất cả những cái gì “hơn người” ở làng ông, bởi cái làng chính là ông, là những gì tốt đẹp thân thiết nhất với ông. Những nhận thức chính trị của người nông dân này tuy đơn giản mà dứt khoát và rành rọt: Trước đây ông mê man ca ngợi cái lặng của viên Tổng đốc người làng, đến lúc thấy thù, thấy khổ vì nó, ông lại khoe những gì ngược lại: thế giới của ông. Ông đi nghe những ngày tổng khởi nghĩa, những ngày kháng chiến... Vẫn là cái làng ấy, nhưng bây giờ là cái làng “của ta”, của ông và những người như ông.

Bây giờ trong lúc xa làng, trong cái cuộc sống chật hẹp tù túng này, cái làng càng trở nên đẹp đẽ. Những điều mà ông văn nói về làng trong lúc khoe - hẳn có tô vẽ lên thêm - bây giờ trở thành niềm tin, thành sự say mô, thành ước vọng của ông. Tối này sang tối khác, ông nói về làng, “làm như bác Thứ (ông hàng xóm) cũng quen biết và bận tâm đến những thứ ấy lắm”. Kim Lân đã rất hóm hỉnh khi “điểm nhịp” câu chuyện của ông Hai bằng những lời đối thoại trách móc ông hàng xóm nhãng ý không nghe chuyện, nhưng thực ra, ông Hai đâu có cần điều ấy lắm, ông nói cho chính mình, cho thỏa nỗi nhớ, nỗi ao ước của mình.

Tác giả Kim Lân còn tài tình hơn khi miêu tả cuộc sống của “ba bốn nếp tản cư” trong những gia đình chủ nhà tinh quái như mụ chủ nhà ông Hai. Nhân vật mụ chủ nhà này phảng phất những nét tham lam tai ác của những nhân vật đàn bà nông thôn trước Cách mạng tháng Tám trong truyện ngắn của Nam Cao, những người đàn bà xấu xí mà không biết là mình ác. Tác giả vẽ hơi kĩ về mụ, là để viền một nét tương phản vào hình ảnh ông Hai. Ông dễ tính, xởi lởi là thế nhưng không thể chấp nhận những con người như mụ, dù ông vẫn phải nén lòng chịu đựng. Cái phóng khoáng, cái đẹp trong ông tương phản gay gắt với những gì tầm thường, tối tăm đến ti tiện nơi mụ chủ. Ông ghét lây cả người chồng hiền lành của mụ vì lẽ anh ta không biết “dạy” vợ. Khổ nhất cho ông Hai là phải bó mình trong gian nhà chật hẹp, lo đối phó với thứ người quá quắt như người đàn bà này: Vì thế, có dịp là ông bỏ nhà đi ngay, phó mặc mọi sự cho con, dù vẫn biết để dặn con: “Nó thì rút ruột ra...”.

Phút giây sảng khoái, sung sướng nhất của ông Hai có lẽ là buổi trưa hôm ấy, lúc ông phóng bước trên con đường làng “Trời xanh lồng lộng, có những tảng mây sáng chói, lừ đừ... Ông Hai đi nghênh ngang giữa đường vắng...”, ông thoát ra ngoài sự tù túng, lao vào thế giới của ông. Ông đi nghe tin tức, ông phấn khởi trước những thắng lợi của kháng chiến, ông vui cả với cái nắng chang chang để cho Tây nó ‘‘ngồi trong vị trí giờ bằng ngồi tù” - ‘‘Ruột gan ông lão cứ múa cả lên...”.

Đúng lúc ấy, cái tin sét đánh về làng ông đưa đến. Tin dữ không phải là cái làng đẹp đẽ ấy bị đốt trụi, nhà cửa, ruộng đất, mồ mả ông cha của ông bị mất, mà là “cả làng chúng nó Việt gian theo Tây...”. Tội nghiệp ông già vui tính, hay chuyện, ngong ngóng chờ từng tin tức của làng, lúc này phải “vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác” rồi ‘‘cúi gằm mặt xuống mà đi”, ‘‘cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân… Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Cơ sự ấy về làng ông có lẽ ông chưa bao giờ tưởng tượng, cũng như nỗi đau nỗi nhục đang đến trong ông có lẽ ông chưa từng biết. Phải chăng đến lúc này, lần đầu tiên của ông, mới phải thực sự dùng lí trí để suy nghĩ về cái làng của ông, mới phải trăn trở dằn vặt về tình yêu làng trong ông. Cái làng bây giờ không phải chỉ là đường thôn ngõ xóm, những hào những vụ giao thông, những ao làng với giếng làng xây đá ong, đường gạch đi không chút lấm chân... những cái hơn người mà ông từng khoe nữa. Làng bây giờ là một cái gì đó lớn lao hơn, là danh dự, là chỗ đứng, là cái lẽ để làm người. Ông xót xa cho những đứa con: “Nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?”, “chao ôi! Cực nhục chưa! Cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa? Ai người ta buôn bán mấy? Suốt cả cái nước Việt Nam này, người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước...”. Làng bây giờ trong ý thức ông Hai, gắn liền với nước, với kháng chiến… Mà không phải riêng ông Hai. Đó là nhận thức của mọi người dân lúc bấy giờ ở vùng tự do cung như vùng giặc chiếm, từ người đàn bà tản cư vô tình đem tin đến, từ mụ chủ nhà với cái lệnh mơ hồ: “đuổi hết những người làng Chợ Dầu khỏi vùng này không cho ở nữa” - có lẽ cái lệnh ấy là dư luận biểu thị thái độ cực đoan lúc bấy giờ Câu chuyện thắt thêm một cái nút vào nỗi khổ tâm đau đớn của ông Hai. “Biết đem nhau đi đâu bây giờ?”. Trong lúc đen tối đó, ông Hai vẫn không mất sáng suốt ông vẫn tin rằng sẽ có chỗ mà ờ đó “vì chính sách Cụ Hồ người ta chẳng đuổi”, nhưng dẫu như thế thì vẫn “chẳng còn mặt mũi nào đi đến đâu”...

Đọc đến đây, ta có thể thấy mình hình như chưa hiểu hết về con người tưởng như dễ dàng hiểu tất cả từ khi vừa gặp mặt, con người giản đơn, bộc tuệch là ông Hai ấy. Hay là chính ông, ông cũng chưa hiểu hết mình? Tình yêu làng - bắt đầu từ tính hay khoe làng, vui chuyện, như một thói quen, một thích thú, đến nỗi nhớ làng, như đó là tất cả những gì đẹp đẽ thân thiết nhất của quê hương, của cuộc sống đẹp đẽ đối lập với cảnh đời tản cư khổ sở chật hẹp - lúc này đã trở thành nhận thức cách mạng: ‘‘Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến bỏ Cụ Hồ”. Và tình yêu làng trong ông bây giờ mới thực sự là một tình yêu có ý thức: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”... Thật cảm động cái cảnh ông Hai chỉ biết thủ thỉ cùng con - đứa con cũng rất đáng yêu - câu chuyện của hai cha con như là một sự giải tỏa những nỗi niềm đau khổ trong ông: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hổ ở trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông...”.

Người đọc bị cuốn vào mạch tâm tư của ông Hai, vào nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật quá tự nhiên, quá tài tình, vào cái duyên kể chuyện của tác giả mà quên đi cái cách “gỡ nút” câu chuyện quá giản đơn tưởng như đến vô lí. Làm sao mà cái ông chủ tịch làng lại biết được tình cảnh của ông Hai, của người làng Chợ Dầu nơi tán cư xa xôi mà xuất hiện đúng lúc thế? Có thể vì những sự tình cờ không thiếu trong kháng chiến, nhưng cái chính là người ta bị thuyết phục, bởi cũng như ông Hai, không ai tin cái điều đồn đại về làng ông kia. Chỉ một vài lời của ông chủ tịch là như có phép hồi sinh, ông Hai trở lại là ông Hai xưa kia. Có lẽ chưa có ai trên đời khoe cái sự “Tây nó đốt nhà tôi rồi, đốt nhẵn” một cách hả hê, sung sướng thật sự như ông. Trong sự cháy rụi của nhà ông, của làng ông, là sự hồi sinh của một làng Chợ Dầu khác, vừa là cái làng ông vẫn từng yêu, vừa là một cái làng xứng đáng nhất với tình yêu ấy: làng Chợ Dầu kháng chiến... Ai cũng mừng cho ông lão, kể cả mụ chủ nhà tỉnh quái. Không những ông Hai mà có lẽ cả người đọc cũng bất ngờ về thái độ vui mừng dễ dãi của mụ. Nhưng nghĩ kĩ lại không có gì là bất ngờ, vì người đàn bà ấy cũng đã là người dân Việt Nam độc lập, cũng đã sống trong không khí của cách mạng. Kim Lân thật là tài khi chỉ bằng vài nét chấm phá mà giúp ta hiểu được thế nào là cuộc-kháng-chiến-toàn-dân.

Có thể nói linh hồn của truyện ngắn Làng là nhân vật ông Hai. Kim Lân đã đưa vào văn học một bức chân dung sống động, đẹp một vẻ đẹp riêng về người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến, những con người bình thường mà những điều tốt đẹp của họ - lòng yêu làng, yêu nước - được khơi dậy và hoàn thiện để ngày càng đẹp đẽ. Với sự hiểu biết sâu sắc về người nông dân và cuộc sống nông thôn, với tấm lòng trân trọng yêu mến họ, Kim Lân đã có những tác phẩm độc đáo và đặc sắc (trong đó không thể không kể đến Làng) để trở thành một trong những nhà văn “viết không nhiều nhưng được yêu mến rất nhiều” ở nước ta.

Các bài học liên quan
Bài số 80: Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương.
Bài số 75: Cảm nhận về mùa thu trong khổ thơ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật