Bài số 76: Thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa ở Sang thu của Hữu Thỉnh qua khổ thơ: “Sông được lúc dềnh dàng... Vắt nửa mình sang thu ”

Chớm thu, cơn gió đầu mùa se lạnh thường gợi cảm giác bâng khuâng với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, thi nhân thường tìm đến với mùa thu để tâm tình, bầu bạn.

Thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa ở Sang thu của Hữu Thỉnh qua khổ thơ:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu ”

BÀI LÀM

Chớm thu, cơn gió đầu mùa se lạnh thường gợi cảm giác bâng khuâng với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, thi nhân thường tìm đến với mùa thu để tâm tình, bầu bạn. Trong số rất nhiều những tâm tình của thi nhân với mùa thu ấy ta bắt gặp Sang thu của Hữu Thỉnh. Một khoảnh khắc kì diệu, mơ hồ, mong manh của phút giao mùa đã được Hữu Thỉnh “vĩnh cửu” hóa bằng những câu thơ giàu hình ảnh và cảm xúc. Và đoạn thơ tuyệt hay diễn tả cái phút ngưng kì diệu đó là:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Nếu như khổ thơ thứ nhất là cảm xúc đột ngột, ngỡ ngàng khi nhận ra thu đang tới với đất trời thì đến khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã nhìn rộng hơn trong việc quan sát cảnh vật thiên nhiên. Từ khung cảnh chật hẹp nơi làng quê, nhà thơ đã dần hé mở thêm cho không gian cả chiều cao, chiều rộng, lẫn chiều sâu. Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên đất trời lúc sang thu. Đầu tiên, nhà thơ quan sát sự vật ở tầng thấp:

Sông được lúc dềnh dàng

Chất liệu thực ra thật rõ. Cái “dềnh dàng” của dòng sông là phút hiếm hoi sau lúc gập ghềnh leo thác nhọc nhằn rồi lại ồ ạt xối xả dưới những cơn mưa rào mùa hạ. Từ “được lúc" diễn tả cái hiếm hoi thưa thớt.

Từ láy gợi hình “dềnh dàng” chỉ sự chuyển động chậm chạp. Đã lâu lắm rồi con sông mới có dịp nghỉ ngơi thanh thản như thế.

Tuy nhiên, dòng sông trở nên chậm chạp hơn khi thu sang, nhưng không đồng nghĩa với sự vật nào cũng như vậy. Ta hãy đọc câu thơ tiếp theo:

Chim bắt đầu vội vã.

Cơn gió heo may lạnh lẽo đầu mùa tràn về khiến đàn chim phải bắt đầu vội vã bay về phương nam tránh rét. Phép đối và nghệ thuật tương phản giữa hai câu thơ dềnh dàng và vội vã đã được tác giả gửi gắm vào đó một triết lý: cuộc đời không có giây phút nào phẳng lặng êm đềm, sự sống vẫn chuyển động không ngừng, chính vì thế con người phải biết cách chuẩn bị đầy đủ để ứng phó và theo kịp mạch chảy của dòng đời.

Ở hai câu thơ tiếp theo, không gian đất trời lại tiếp tục được mở thêm một tầng mới:

Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Đám mây mùa hạ là hình ảnh độc đáo, thể hiện trí liên tưởng phong phú của tác giả. Dường như đám mây mùa thu còn vương nắng hạ nên nhà thơ mới có liên tưởng sáng tạo đến thế. Trong khoảnh khắc giao mùa, đám mây trên bầu trời cao đã trở thành ranh giới giữa mùa hạ với mùa thu. Từ “vắt ” mang hiệu quả diễn đạt rất lớn. Nó làm cho đám mây kia có khả năng nối liền giữa hai mùa thiên nhiên hay nói đúng hơn là mùa hạ và mùa thu đang chênh vênh giữa một đám mây. Từ cái giây phút giao mùa vô hình trừu tượng, tác giả đã biến thành sự vật hữu hình cụ thể để người đọc cảm nhận rõ hơn về tín hiệu của mùa thu. Có thể nói, đó là hình ảnh đặc biệt thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời và cái tình sâu sắc của nhà thơ khi viết về mùa thu.

Đọc những câu thơ thu hay, đẹp và gợi cảm như thế thử hỏi chúng ta có thể vô tình trước mùa thu được nữa hay không?

Các bài học liên quan
Bài số 72: Về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Sgk Ngữ văn 9 viết “Bài thơ có giọng điệu trang trọng và tha thiết nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp mà gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc.  Hãy làm rõ nhận định trên qua hai khổ thơ đầu của bài thơ?
Bài số 70: Sự thiêng liêng và thành kính là cảm nhận chung của người đọc khi đến với Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Em hãy làm rõ điều đó qua bài thơ.
Bài số 69: Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật