Bài số 82: Một cách diễn tả tình cảm độc đáo của người miền núi. Đọc Nói với con của Y Phương

Y Phương trong bài thơ Nói với con đã mượn cách hiểu, cách cảm, cách biểu hiện của người miền núi để tâm tình, dặn dò, chia sẻ với con lòng tự hào về con người và quê hương yêu dấu của mình.

BÀI LÀM

Viết về tình cảm gia đình, quê hương và ước vọng của cha mẹ gửi vào những thế hệ sau có nhiều tác phẩm. Trong số đó có những bài thơ đã trở nên hết sức quen thuộc với độc giả như Quê hương của Đỗ Trung Quân, của Hoàng Trung Thông. Mỗi nhà thơ luôn tìm thấy cho mình những hình thức khác nhau để diễn tả tình cảm nguyên sơ mà thắm thiết ấy. Y Phương trong bài thơ Nói với con đã mượn cách hiểu, cách cảm, cách biểu hiện của người miền núi để tâm tình, dặn dò, chia sẻ với con lòng tự hào về con người và quê hương yêu dấu của mình.

Nói với con không phải là một bài thơ dài nhưng những điều nhà thơ muốn diễn tả không phải là nhỏ bé: lòng yêu thương con cái, ước mong con sẽ tiếp nối truyền thống quý báu, cao đẹp của quê hương. Trong cái “khoảng không dài đó” của những dòng thơ, nhà thơ đã diễn tả tình cảm đó một cách xúc động bằng những hình ảnh cụ thể, mộc mạc mà nói được nhiều điều, đồng thời góp phần làm nên điểm độc đáo cho bài thơ.

Trong hình thức những lời tâm tình với con, người cha muốn con ghi nhớ, khắc sâu vào lòng niềm biết ơn nguồn cội nuôi dưỡng cuộc sống và tâm hồn mỗi người cũng như lòng tự hào về những phẩm chất tốt đẹp của cộng đồng, của truyền thống quê hương. Giọng điệu tâm tình nhiều lần vang lên thật tha thiết, ân cần trong những câu diễn tả tình cảm một cách trực tiếp trong bài thơ: “Người đồng mình thương lắm con ơi”, “Người đồng mình yêu lắm con ơi”, Ngữ điệu cảm thán trong những câu này giúp người đọc cảm nhận được cảm xúc và niềm tự hào được bộc lộ không giấu diếm của người cha. Cách nói trực tiếp, mộc mạc nhưng giàu cảm xúc này gần gũi với cách diễn đạt tình cảm của người miền núi nói chung. Từ sự phô bày những cảm xúc trong lời thơ, tác giả cuốn người đọc vào cảm xúc của chính mình để cùng tự hào, cùng yêu quý quê hương và những con người trên vùng quê ấy.

Trong quá trình diễn tả nội dung cảm xúc, tác giả đã sử dụng những hình ảnh thơ gần gũi với cách cảm, cách biểu hiện của các dân tộc vùng cao. Những hình ảnh “một bước chạm tiếng nói, hai bước tới tiếng cười” giúp cho độc giả cũng gần như chạm vào không khí gia đình đầm ấm, vui tươi. Đây là yếu tố môi trường đầu tiên giúp con người lớn lên với những đức tính cao đẹp mà người cha luôn tự hào, yêu quý.

Những hình ảnh gần gũi không chỉ được dùng để diễn tả tình cảm gia đình mà còn góp phần dựng lên hoàn cảnh sống của những người miền rừng sống trên đá, tự đục đá kê cao quê hương. Những hình ảnh này giúp cho người đọc hình dung được cuộc sống khó khăn có phần khắc nghiệt của con người nơi đây đồng thời cũng nói lên ý chí cũng như vẻ đẹp tâm hồn của họ: tình cảm chung thủy với quê hương xứ sở. Hình ảnh tự đục đá kê cao quê hương bên cạnh yếu tố tả thực còn mang vẻ đẹp tạo hình khỏe khoắn, mạnh mẽ. Đó cũng là một phẩm chất tâm hồn mà các thế hệ luôn tự hào, mong ước được phát huy bởi các thế hệ sau.

Ví von là một cách nói quen thuộc của người Việt Nam. Đối với người dân miền núi, cách nói này rất được ưa dùng. Ví von, so sánh luôn giúp cho việc nhận thức vấn đề dễ dàng hơn đồng thời cũng góp phần tăng sức biểu cảm cho hình ảnh thơ. Những hình ảnh như “sống như sông, như suối - lên thác xuống ghềnh” gợi nhắc tới môi trường sống có phần khắc nghiệt, khó khăn, nhưng cũng gợi lên phẩm chất ngang tàng, khoáng đạt, mạnh mẽ của con người sống trên vùng đất ấy.

Bên cạnh những hình ảnh cụ thể, trong bài thơ Nói với con còn có những hình ảnh rất khó giải thích, phân tích thành lời cho hoàn toàn rõ nghĩa. Những hình ảnh này nhiều khi chỉ có thể hiểu mà khó diễn đạt bằng lời. Những hình ảnh con đường cho những tấm lòng hay cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn rất mơ hồ, khó diễn đạt rành mạch nhưng người đọc vẫn thấm được cái hồn, cái thần của nó, bởi trong ngữ cảnh, trong hệ thống những hình ảnh được sử dụng trong bài thơ, những hình ảnh này vẫn có ý nghĩa nhất định trong việc biểu đạt nội dung cảm xúc. Đây cũng là một đặc điểm thường gặp trong thơ ca miền núi, ở những bài thơ của các tác giả tiêu biểu như Bạc Văn Ùi, Lò Ngân Sủn.

Như vậy, trong bài thơ Nói với con, những phương tiện ngôn ngữ, những hình thức diễn đạt của người miền núi đã góp công lớn trong việc diễn tả những tình cảm thiêng liêng của con người sinh sống ở miền đất này. Đó là những dấu hiệu nghệ thuật đặc sắc của bài thơ đồng thời cũng góp phần tạo nên một tiếng nói độc đáo về tình cảm gia đình, tình cảm quê hương trong làng thơ Việt Nam.

Các bài học liên quan
Bài số 75: Cảm nhận về mùa thu trong khổ thơ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.
Bài số 74: Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.
Bài số 72: Về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Sgk Ngữ văn 9 viết “Bài thơ có giọng điệu trang trọng và tha thiết nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp mà gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc.  Hãy làm rõ nhận định trên qua hai khổ thơ đầu của bài thơ?

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật