Bài số 83: Thuyết minh về tác giả Y Phương và bài thơ Nói với con

Ngợi ca tình quê hương, gia đình không phải là một đề tài mới. Nhưng nhà thơ người dân tộc Tày Y Phương đã đem đến cho ta những vần thơ thú vị, những hình ảnh thơ rất riêng mà vẫn giàu ý nghĩa và sức hấp dẫn qua bài thơ Nói với con.

BÀI LÀM

Ngợi ca tình quê hương, gia đình không phải là một đề tài mới. Nhưng nhà thơ người dân tộc Tày Y Phương đã đem đến cho ta những vần thơ thú vị, những hình ảnh thơ rất riêng mà vẫn giàu ý nghĩa và sức hấp dẫn qua bài thơ Nói với con.

Nhà thơ Y Phương có tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948, tại quê gốc: xã Làng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, hiện ở Hà Nội. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1988). Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 chuyển về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng. Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du. Y Phương là một nhà thơ có bản sắc tương đối rõ, một giọng điệu đáng chú ý trong nền thơ Việt Nam nói chung và trong văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng. “Thơ Y Phương như một bức tranh thổ cẩm đan dệt những màu sắc khác nhau, phong phú và đa dạng, nhưng trong đó có một màu sắc chủ đạo, một âm điệu chính là bản sắc dân tộc rất đậm nét và độc đáo”, là tiếng hát ngợi ca con người và cuộc sống miền núi (Tiếng hát tháng Giêng), là sự thức tỉnh ý thức và tinh thần dân tộc (Lời chúc), là khẳng định sức sống mạnh mẽ của dân tộc mình (Đàn then). Thơ Y Phương lúc nào cũng toát ra tình yêu và lòng nhân ái. Thắm thiết và mạnh mẽ hơn cả trong thơ Y Phương là tình yêu quê hương, làng bản. Tác phẩm đã xuất bản: Người hoa núi (kịch bản sân khấu, 1982); Tiếng hát tháng giêng (thơ, 1986); Lửa hồng một góc (thơ, in chung, 1987); Lời chúc (thơ, 1991); Đàn then (thơ, 1996). Nhà thơ đã được nhận: Giải A, cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng loại A giải thưởng văn học 1987 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải A của Hội đồng văn học dân tộc - Hội Nhà văn Việt Nam 1992.

Nói với con là bài thơ nổi tiếng của Y Phương. Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh - dưỡng của mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của cội nguồn ấy. Nói với con là lời tâm sự - dạy bảo của cha với con về tình yêu thương của cha mẹ, sự đùm bọc của quê hương. Bằng các hình ảnh cụ thể, nhà thơ diễn tả tình cảm ấm áp gia đình và công sức lao động cần cù của những con người miền núi - Người “đồng mình”. Bên cạnh đó người cha tâm sự về đức tính cao đẹp của người đồng mình, dặn dò con phải biết kế tục, phát huy truyền thống, giữ lấy cái gốc rễ ấy. Đây cũng là khát vọng của người cha.

Nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ được thể hiện ở nhiều phương diện. Thể thơ tự do, với số câu chữ không theo khuôn định phù hợp với mạch cảm xúc tự nhiên, linh hoạt của bài thơ. Nhịp điệu lúc bay bổng, nhẹ nhàng, lúc khúc chiết, rành rọt, lúc mạnh mẽ, sắc nhọn,... tạo ra sự cộng hưởng hài hòa với những cung bậc tình cảm khác nhau trong lời người cha truyền thấm sang con. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, hình ảnh mộc mạc, cô đọng mà vẫn phong phú, sinh động, quyến rũ. Giọng điệu thiết tha, trìu mến rõ nhất là ở các lời gọi mang ngữ điệu cảm thán. Nghệ thuật xây dựng các hình ảnh cụ thể mà khái quát, mộc mạc mà giàu chất thơ. Bố cục chặt chẽ, dẫn dắt tự nhiên. Bài thơ góp phần tạo nên một tiếng nói riêng độc đáo về tình cảm gia đình, tình cảm quê hương trong làng thơ Việt Nam.

Cha nói với con hay chính là lời trao gửi thế hệ, ta cảm ơn Y Phương và bài thơ của ông về điều đó!

Các bài học liên quan
Bài số 75: Cảm nhận về mùa thu trong khổ thơ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.
Bài số 74: Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 9 mới cập nhật