Đề: Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Chữ người tử tù là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất, thể hiện được những nét tài năng độc đáo vừa nói của nhà văn. Trong tác phẩm này, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công một nhân vật tuyệt vời tỏa sáng giữa ngục tù tăm tối của xã hội cũ: đó là nhân vật Huấn Cao.

BÀI THAM KHẢO

Xuất thân trong một gia đình nhà nho, Nguyễn Tuân viết văn từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông tả một con người tài hoa, nhất là với ngòi bút luôn trân trọng cái tài, cái đẹp đặc biệt là những nét đẹp trong nền văn hóa có truyền thống của dân tộc. Chữ người tử tù là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất, thể hiện được những nét tài năng độc đáo vừa nói của nhà văn. Trong tác phẩm này, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công một nhân vật tuyệt vời tỏa sáng giữa ngục tù tăm tối của xã hội cũ: đó là nhân vật Huấn Cao.

Đây cũng là một nhân vật tiêu biểu, nổi bật hẳn trong thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân. Phân tích đặc điểm của nhân vật này chúng ta sẽ hiểu rõ thêm tư tưởng và phong cách của nhà văn.

Dưới ngòi bút tài tình và điêu luyện của Nguyễn Tuân, hình tượng nhân vật Huấn Cao đã hiện lên trong tâm trí của người đọc một vẻ đẹp sáng chói, rực rỡ, uy nghi và lẫm liệt, vẻ đẹp này chỉ có thể cảm nhận được đầy đủ trong mối quan hệ với hai nhân vật: viên quản ngục và người thơ lại.

Nhằm dựng một tình huống truyện độc đáo, Nguyễn Tuân đã đặt các nhân vật này trong một hoàn cảnh éo le đối nghịch: Một là ông Huấn Cao có tài viết chữ đẹp “hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay” (Ông đồ - Vũ Đình Liên), nhưng đối với triều đình, lại là kẻ phiến loạn đang bị án tử hình. Một là viên quản ngục và người thơ lại là những kẻ đại diện cho cái trật tự xã hội phong kiến đương thời. Những người này có trách nhiệm giam giữ Huấn Cao nghiêm ngặt chờ lệnh trên giải giao ông về kinh chịu án chém. Như vậy, hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, trên bình diện xã hội, họ hoàn toàn đối lập với nhau. Nhưng trên bình diện nghệ thuật, về bản chất con người, họ lại là những tâm hồn tri âm, tri kỉ với nhau. Nhìn chung, cả ba nhân vật đều quý trọng cái tài cái đẹp và cái thiên lương. Ném các nhân vật của mình vào chốn ngục tù nhơ nhuốc, tối tám như vậy, Nguyễn Tuân đã dựng lên một cuộc gặp gỡ kì lạ và hấp dẫn người đọc. Chính trong tình huống trớ trêu ấy, tính cách cao đẹp, sáng ngời của Huấn Cao lại càng bộc lộ đậm nét.

Ngay từ đầu truyện, nhà văn đã cho thấy ông Huấn là một nho sĩ tài hoa. Tác giả Chữ người tử tù đặc biệt đề cao tài năng đột xuất của ông, đó là tài viết |chữ đẹp. Viên quản ngục đã hỏi người thơ lại: Huấn Cao: Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?,.. Dạ, bẩm thế ra y văn võ đều có tài cả. Ngoài ra, cái tài này của Huấn Cao còn thể hiện qua cái “sở nguyện” của viên quản ngục: “Chữ Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm (...). Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”. Vì thế mà suốt cả truyện Chữ người tử tù này chỉ xoay quanh cái việc viên quản ngục và người thơ lại kiên trì, dũng cảm xin cho được chữ của ông Huấn Cao về treo. Tưởng cũng nên nói thêm đôi dòng về loại hình nghệ thuật mà mọi người gọi là “thư pháp”. Chữ Hán là thứ chữ khối vuông, được viết bằng bút lông nên có lẫn nét, nét đậm, nét nhạt, nét mềm mại, nét gân guốc... Các nét ấy hòa hợp với nhau bay lượn tung hoành trên một bức giấy, bức lụa hay bức gỗ như một bức họa tài tình, sinh động thể hiện một cách chân thực tâm hồn, tính cách của người viết. Xưa nay, các bậc “tao nhân mặc khách” thường treo các bức chữ ấy vào nơi trang trọng nhất trong nhà mình giống như treo những họa phẩm quý giá để thưởng thức và chiêm ngưỡng. Ở đây, viên quản ngục và người thơ lại cũng say mê thứ nghệ thuật cao cấp này. Có điều, hai vị tao nhân mặc khách đó đã say mê đến độ hiếm có. Là người đại diện cho luật pháp triều đình mà họ lại bất chấp luật pháp dám ngang nhiên biệt đãi kẻ phiến loạn mang trọng tội với triều đình. Đâu phải họ không biết là làm như thế, lộ ra là mất chức, thậm chí mất đầu như chơi. Đây cũng là chi tiết nhằm tô đậm thêm cái tài năng đột xuất của ông Huấn, cho thấy hoa tay của ông có sức hấp dẫn đối với người ngưỡng mộ đến như thế nào!

Nhưng Huấn Cao chẳng những có tài mà còn cổ tâm: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Chính vì vậy Huấn Cao nói: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Nói cách khác, con người này đầy khí tiết, có nhân cách trong sáng và cao thượng, không thể đem tiền tài ra để mua chuộc và cũng không thể dùng cường quyền, bạo lực để khuất phục ông được. Không chấp nhận sống cảnh “cá chậu chim lồng”, ông đứng lên chống lại triều đình. Bị bắt giam tù ngục chờ ngày lãnh án chém, ông vẫn thản nhiên coi thường. Nhưng con người chính trực trọng nghĩa khinh tài đó cũng lại là con người biết quý trọng kẻ liên tài, biết sợ việc phụ lòng thiên hạ. Bởi vậy khi tưởng rằng viên quản ngục giống như bao quản ngục khác “sống bằng tàn nhẫn, bằng bạo lực” nghĩa là cũng độc ác, thô bỉ và ngu xuẩn “ông cố ý làm ra khinh bạc đến điều”. Khi viên quản ngục đến hỏi ông với thiện ý là ông có cần thêm gì nữa xin cho biết? Ông đã trả lời như thế tát vào mặt y: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Nhưng đến khi biết rõ “sở thích cao quý” của viên quản ngục, ông Huấn đã xúc động. Ông hiểu ra “lòng biết giá người, biết trọng người ngay” của kẻ đang đối diện mình “là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn độn xô bồ”. Cũng vì thế, Huấn Cao đã chuyển thái độ từ chỗ cứng rắn, ngang ngược như đã nói sang hiền hòa và độ lượng. Ông bảo viên quản ngục và người thơ lại: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.

Phải nói vẻ đẹp nhân cách của Huấn Cao đã bộc lộ đầy đủ, sáng chói, rực rỡ nhất là trong đêm ông cho chữ. Giữa cái buồng tối tăm, hôi hám, bẩn thỉu của nhà tù, người nghệ sĩ tài hoa ấy đã sáng tạo cái đẹp, cổ đeo dây gôngchân vướng xiềng, say mê tô từng nét chữ. Trong khoảnh khắc nghệ thuật thăng hoa, tưởng như chìm khuất cả bóng dáng kẻ tử tù. Cái án chết chém sắp đến với ông Huấn tưởng như cũng đã lùi xa. Cả cái cảnh buồng nhà ngục tối tăm, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián tưởng như cũng chìm khuất. Giây phút này chỉ còn ánh sáng ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu và sự trân trọng tài hoa. Viên quản ngục và người thơ lại bỗng trở nên bé nhỏ, khúm núm với thái độ ngưỡng mộ sùng kính của những kẻ liên tài và hình ảnh người tử tù bỗng trở nên lồng lộng. Tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, của thiên lương và khí phách. Sau khi cho chữ xong, ông Huấn đã khuyên viên quản ngục: “Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững... ”.

Đúng là Huấn Cao, tuy khí phách ngang tàng nhưng lại rất mực quý trọng thiên lương con người, dù đó chỉ là những con người bình thường trong xã hội.

Với các đặc điểm vừa phân tích bên trên, hình tượng nhân vật Huấn Cao tượng trưng cho cái đẹp tài hoa kết hợp với cái đẹp của khí phách, của tâm hồn. Nhân vật nghệ thuật này cũng giống như các nhân vật nghệ thuật chính diện khác trong thế giới nhân vật nghệ thuật của Nguyễn Tuân, cũng đều đậm nét tài hoa tài tử. Có điều ở Huấn Cao, còn chói sáng rực rỡ thêm vẻ đẹp khí phách của một con người, một tâm hồn có trách nhiệm đối với thời cuộc. Điều vừa nói đã tạo nên cho nhân vật nghệ thuật này một nét đẹp độc đáo so với các nhân vật nghệ thuật khác.

Như vậy, bằng ngòi bút tài tình, điêu luyện, gợi ra được một không khí cổ kính của “một thời” đến nay còn "vang bóng” Nguyễn Tuân đã dựng lên trong văn học nước ta một tượng đài của cái đẹp: cái đẹp của tài hoa hòa hợp với cái đẹp của khí phách, của tâm hồn thể hiện qua hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Đây cũng là một nhân vật tiêu biểu của Nguyễn Tuân, một nhà văn tài hoa nghệ sĩ suốt đời mình say mê cái đẹp, săn tìm cái đẹp. Điều cần lưu ý là trong thực tế sáng tác của mình đối với nhà văn cái đẹp không chỉ ở hình thức mà còn ở khí phách, ở tâm hồn. Nhân vật Huấn Cao chính là một minh chứng cụ thể cho điều vừa nói.

Các bài học liên quan
Đề: Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Đề: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng các nhân vật Tnú, cụ Mết, Dít, bé Heng trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật