Đề: Trình bày cảm nhận về truyện Đất của Anh Đức

Anh Đức là đại diện ưu tú của nền văn học miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Truyện của ông xoay quanh đề tài chiến tranh cách mạng, từ đó làm nổi bật chủ nghĩa yêu nước anh hùng

BÀI LÀM

Anh Đức là đại diện ưu tú của nền văn học miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Truyện của ông xoay quanh đề tài chiến tranh cách mạng, từ đó làm nổi bật chủ nghĩa yêu nước anh hùng. Bên cạnh Một truyện chép ở bệnh viện, Hòn Đất... truyện ngắn Đất là sáng tác tiêu biểu của nhà văn.

Truyện có hai cốt truyện lồng vào nhau. Thứ nhất là câu chuyện anh Bảy về thăm lại làng xẻo Đước sau mấy năm xa cách. Trong buổi trò chuyện với anh Hai Cần, câu chuyện thứ hai được dựng lại qua hồi ức của anh Hai là chuyện chiến đấu của ông Tám trước mũi súng của bọn lính ngụy.

Mở đầu là tình huống truyện gay cấn, căng thẳng, thể hiện mối xung đột quyết liệt giữa người nông dân quyết giữ đất bám làng với âm mưu của bọn đế quốc Mĩ, dồn dân lập ấp chiến lược nhằm chia rẽ khối đoàn kết quân dân của ta. Xung đột thứ nhất, giữa tên đồn trưởng với ông Tám. Nhà ông Tám ở đầu làng nên ông phải làm gương cho bà con, với tinh thần một tấc không đi, một li không rời, ông Tám bình thản tiếp bọn lính. Lời nói của ông dịu dàng nhưng thái độ rất kiên quyết, cứng rắn: Chú nào leo lên rút một cọng lá tôi chém cho coi! Còn hành động của ông thì thật quyết liệt: đem cây mác mài bén ngọn ra cắm giữa nhà. Sức mạnh chiến đấu của ông già được nén lại sắp bùng phát dữ dội. Bọn lính quá sợ hãi nên chùn bước. Xung đột tạm thời được giải tỏa.

Lực lượng địch được tăng cường bởi thằng Đởm ác ôn khét tiếng. Chúng quyết thực hiện âm mưu, còn ông Tám kiên quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Xung đột lại được nhen lên và lần này là một phen sống mái. Nhận thức tình hình như thế nên ông Tám chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Sự chuẩn bị của Hai cần càng tăng thêm không khí căng thẳng ngột ngạt của vở bi kịch. Thằng đồn trưởng Đởm mới về hôm trước thì hôm sau đã vào làng. Sau phát súng thị uy của hắn, ngọn lửa chiến đấu đã được thổi bùng lên. Ông Tám vẫn bình tĩnh đón giặc ngay giữa nhà mình như mọi khi với thái độ khinh thường. Sau vài câu đối đáp, bọn giặc tưởng ông già lép vế nên vội hí hửng. Nhưng chúng đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ông Tám không chuẩn bị đồ đạc mà đi mặc áo dài tế lễ, ông không đi lấy ghe mà thắp hương với ông bà, tố cáo chế độ áp bức đồng bào. Ông xin ông bà tổ tiên được chết cho đất đai, quê cha đất tổ... Những lời lẽ ấy bộc lộ một tâm hồn trung nghĩa. Trong lời khấn là lời thể chiến đấu, là tinh thần quyết tử. Bao hương hồn cha ông và liệt sĩ cùng lúc như hiện về trong giờ phút vĩnh quyết thiêng liêng này nên làm cho thằng Đởm rùng mình hoảng loạn. Trong tình thế áp đảo tinh thần, ông Tám liền cầm vũ khí tấn công kẻ thù. Tình yêu quê hương, lòng thủy chung với cách mạng đã biến thành sức mạnh và dồn lên đôi tay rắn chắc. Ông dí mũi mác vào mặt thằng đồn trưởng. Hắn xanh mặt, bước lùi và sợ hãi, nhưng vì tay nó quá run nên súng cướp cò. Một dòng máu đã chảy xuống mặt nhưng ông Tám vẫn đi tới. Hình ảnh ấy trở thành một biểu tượng lẫm liệt của tinh thần kiên trung, bất khuất. Ông Tám đã ngã xuống như một chiến sĩ trung kiên và trong tư thế của người chiến thắng. Anh Hai cần đã tiếp sức cùng cha và buộc kẻ thù phải đền tội. Xung đột được giải quyết và chiến thắng thuộc về những người nông dân anh hùng.

Tác giả không ghi lại nhiều lời của nhân vật mà chủ yếu mô tả hành động. Hành động của nhân vật đẩy xung đột lên đỉnh điểm và mỗi hành động càng ngày càng sáng ngời khí phách. Qua xung đột đầy kịch tính, truyện đã phản ánh cuộc chiến đấu căng thẳng quyết liệt giữa đồng bào miền Nam với kẻ thù Mĩ ngụy. Người nông dân đã hi sinh máu xương của mình để giữ đất giữ làng, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng trước sự xâm lược của kẻ thù ngoại bang. Mỗi tấc đất đều nhuộm máu những người dân bình dị mà anh hùng và mỗi ngày một trang sử được viết lên bằng máu lửa: khổ nhục mà vinh quang.

Tình huống truyện đã làm nổi bật hình tượng người nông dân miền Nam yêu nước nên đã trở thành anh hùng. Trong trận tuyến chống quân thù, họ vô cùng anh dũng hiên ngang bất khuất và tràn đầy khí phách như những nghĩa sĩ cần Giuộc ngày nào cảm phục họ, nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Việt Nam!
Người là ai mà ta chưa bao giờ hiểu hết
Người là ai mà sức mạnh thần kì
Giữa cái chết không bao giờ chịu chết
Lửa quanh mình một tấc cũng không đi

Câu chuyện còn cho thấy một điều hơn mọi điều cần thiết: sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn dân.

Các bài học liên quan

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật