Đề: Phân tích sức sống tiềm tàng ở nhân vật (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) thể hiện trong quãng thời gian cô bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra đến khi trốn khỏi Hồng Ngài

Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn thành công trong tập Truyện Tây Bắc và cũng là một trong những truyện ngắn tiêu biểu trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

BÀI LÀM

Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn thành công trong tập Truyện Tây Bắc và cũng là một trong những truyện ngắn tiêu biểu trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm là một bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người lao động miền núi dưới ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân, phong kiến. Đây cũng là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do hạnh phúc của con người. Nhân vật trung tâm của truyện là Mị, được Tô Hoài miêu tả rõ nét sức Sống tiềm tàng, khát vọng hạnh phúc, thể hiện trong cảnh ngộ từ khi cô bị bắt làm con dâu gạt nỢ cho nhà thống lí Pá Tra đến khi cùng A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài.

Ta hãy phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đoạn đời ấy.

Mị vốn là một thiếu nữ yêu đời, có sức sống mãnh liệt. Lúc còn là con gái, Mị ở nhà một mình, cũng uống rượu, cũng coi than sưởi ấm, cũng có trai gái cùng lứa tuổi đến chơi, thổi sáo, hát cười. Đặc biệt, trong những đêm xuân tình, con trai đến thổi sáo đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị và Mị cũng đã từng có một tình yêu, có hiệu gõ vách hẹn hò... Nhưng rồi tất cả đều chấm dứt từ cái đêm Mị bị bắt đem về nhà thống lí Pá Tra.

Sức sống mãnh liệt và niềm yêu đời thiết tha của Mị từ đây đã bị A sử và gia đình thống lí Pá Tra vùi dập. Mặc dù thế, sức sống ấy vẫn tiềm tàng trong lòng Mị, thể hiện qua tâm trạng, thái độ và hành động của Mị trong lúc làm con dâu gạt nợ ở nhà thống lí Pá Tra.

Đó là tâm trạng buồn đau của Mị khi mới về nhà Pá Tra. Có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc. Mị khóc vì đau buồn và ý thức được sự khổ nhục của mình, vì hạnh phúc của mình bị người khác vùi dập. Có lúc Mị định tìm đến cái chết, nhưng vì chữ hiếu, Mị không thực hiện được ý định. Bên tai Mị rành rành lời của bố: Mày chết rồi thì không lấy ai làm nương ngô giả được nợ người ta... Cho nên Mị không đành lòng chết... Mị đành trở lại nhà thống lí.

Ngày lại ngày qua, nỗi khổ cùng cực đã dồn nén sức sống tiềm tàng ấy vào tận đáy tim của Mị. Mị không còn nghĩ đến cái chết nữa mặc dù bố đã chết. Ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi và chấp nhận làm thân con trâu, con ngựa. Ngôi nhà thống lí trở thành một nhà tù giam giữ tuổi xuân của Mị. Mị chỉ còn giao tiếp với cuộc sống bên ngoài qua một cửa sổ vuông bằng bàn tay, lúc nào cũng mờ mờ trăng trắng và chỉ còn làm bạn với ngọn lửa hồng đêm đêm sưởi ấm. Cuộc đời âm thầm buồn bã cứ thế lặng lẽ trôi qua cho đến một đêm những sáo kêu gọi bạn tình đêm xuân thiết tha bồi hồi vọng đến tai Mị:

Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi...

Dĩ vãng chợt hiện về. Mị còn nhớ như in những lời hát tình tứ mà Mị đã nghe, đã hát và thổi sáo ngày nào. Tiếng sáo yêu đời như len lỏi, thấm sâu vào trái tim Mị, đánh thức sự câm lặng bấy lâu. Niềm uất hận dâng tràn: Mị lên lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát, uống như uống cả nỗi uất hận, như có một chút đập phá bên trong của một con người không muốn cam chịu với cảnh ngộ của mình. Men rượu hay men cuộc đời đã nâng bổng tâm hồn Mị lên. Tâm hồn Mị đã thoát xác, vượt ra ngoài cái ô cửa sổ mờ mờ trăng trắng ấy, lửng lơ như cô Mị ngày xưa, một cô Mị có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị, hết núi này sang núi khác. Mị khêu sáng ngọn đèn, quấn lại tóc, mặc váy đẹp toan bước ra ngoài tìm đến nơi có tiếng sáo đang tha thiết mời gọi, nhưng A sử đã phũ phàng dập tắt niềm khát khao yêu đời của Mị. A Sử trói đứng Mị vào cột nhà... quấn luồn tóc lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng được. Trong bóng tối, Mị đứng im lặng như không biết mình đang bị trói... Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi... Mị vùng bước đi nhưng tay chân đau không cựa được. Mị đã khóc khi bị A Sử trói đứng suốt đêm ấy. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại đau nhức... Mị lúc mê, lúc tỉnh.

Rồi thời gian lặng lẽ trôi qua, cho đến một đêm mùa đông kia, Mị bắt gặp A Phủ bị trói vào cây cọc gỗ bên bờ giếng sau nhà. A Phủ bị trói đã mấy đêm rồi, nhưng đêm nào cũng vậy, Mị vẫn trở dậy thổi lửa, hơ tay và thản nhiên nhìn sang A Phủ và nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn cứ thản nhiên, sống lâu trong cảnh khổ, Mị đã quen với cảnh khổ, tình cảm của Mị đã chết dần, chết mòn, làm cho Mị không còn xúc động trước ngoại cảnh.

Nhưng đêm nay trong ánh lửa hồng bập bùng, Mị lé mắt nhìn sang và thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ. Dòng nước mắt ấy đã làm sống dậy một tâm hồn khô héo. Ngọn lửa âm ỷ trong lòng Mị bỗng bùng cháy lên mạnh mẽ. Nhìn dòng nước mắt của A Phủ, Mị liên tưởng đến nỗi khổ bị trói đứng của mình ngày trước. Lúc ấy Mị cũng khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Từ đó Mị nhận thấy rõ bản chất tàn bạo của kẻ thù: “Chúng nó thật độc ác”. Và Mị phảng phất nghĩ đến việc cứu A Phủ: “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì phải chết thế”.

Niềm cảm thông với con người đồng cảnh ngộ cùng với sự thức tính khiến Mị cắt dây trói cho A Phủ, cũng là cắt sợi dây vô hình của thế lực thống trị đang xiết chặt cuộc sống mình. Hành động cởi trói cho A Phủ tuy tự phát nhưng bắt nguồn từ một sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong tính cách của Mị. Sức sống mãnh liệt ấy đã làm cho cuộc đời Mị không tàn lụi đi như cuộc đời của những người đàn bà khác trong nhà của thống lí Pá Tra. Cuối cùng Mị theo A Phủ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra. Sau giây phú Mị đứng lặng trong bóng tối là hành động dứt khoát, kiên quyết của Mị: Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Hành động này cũng thể hiện sức sống của Mị: Mị không chỉ muốn thoát khỏi thế lực phong kiến mà còn muốn thoát khỏi sự ràng buộc của thế lực thần quyền. Niềm khao khát tự do và sự sống đã khiến Mị thêm can đảm tự giải thoát cuộc đời mình.

Vợ chồng A Phủ là một truyện đầy chất thơ trong sáng, toát lên từ tâm hồn đôn hậu, chất phác của nhân vật chính diện. Tính cách nhân vật Mị được miêu tả thành công, tiêu biểu cho số phận người lao động miền núi, vừa mang tính tiêu biểu cho giai cấp, vừa có những nét cá tính khá rõ. Những phẩm chất tốt đẹp, những khát vọng chính đáng của nhân vật chính là giá trị nhân đạo của truyện.

Các bài học liên quan
ĐỀ: 1. Phân tích nhân vật Trương Ba để thấy được khát vọng bình dị mà cao đẹp của con người lao động. 2. Phân tích đoạn kết của vở kịch.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật