Đề: Hãy phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị (trong truyện ngắn Vợ, chồng A Phủ của Tô Hoài) ở nhà thống lí Pá Tra khi mùa xuân đến

Cô Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài đến với chúng ta đầu tiên trong cái dáng lùi lũi như một con rùa nuôi trong xó cửa, suốt ngày còng lưng làm lụng, lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.

BÀI LÀM

Cô Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài đến với chúng ta đầu tiên trong cái dáng lùi lũi như một con rùa nuôi trong xó cửa, suốt ngày còng lưng làm lụng, lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Tưởng đâu như sức sống đã lụi tàn trong tâm hồn Mị khi cô bị đày đọa trong cái địa ngục trần gian ở nhà thống lí Pá Tra.

Nhưng tận đáy sâu tâm hồn câm lặng ấy vẫn le lói những tia lửa sống chỉ chờ dịp là bùng lên mạnh mẽ. Dịp ấy đã đến trong một đêm tình mùa xuân phơi phới mà tiếng sáo gọi bạn đầu làng đã làm xao động lòng người phụ nữ trẻ ấy.

Mị đã bước vào cái đêm đáng ghi nhớ ấy, thoạt tiên, như một tâm hồn câm lặng. Cô Mị xưa kia trẻ đẹp, khao khát yêu đương và cũng đã được yêu đương tưởng như đã chìm hẳn vào dĩ vãng. Chỉ còn một người đàn bà bị cầm tù trong một ngục thất tinh thần cái buồng có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng... Đã bao năm rồi, người đàn bà ấy chẳng biết đến mùa xuân, chẳng đi chơi Tết.

Vậy mà vào đúng cái “đêm tình mùa xuân”, Mị đột nhiên lại muốn đi chơi, đã sửa soạn đi chơi thực sự. Khó có thể cho là tại đất trời. Thời tiết mùa xuân năm nào chẳng như thế! Lý giải sự đột biến khác thường của Mị trong đêm ấy một thử thách thật sự đối với Tô Hoài. Nhưng nhà văn đem đến cho chúng ta những trang viết giàu chất thơ, diễn tả thật tinh tế tâm trạng đột biến khác thường của Mị.

Với một người như Mị, muốn đi chơi nghĩa là muốn phá phách, muốn nổi loạn. Cũng với một người như Mị, để có thể nổi loạn, thì phải có cái gì có khả năng làm quên đi hiện tại để sống trở về với những tháng năm xưa. Cái đó là men rượu mà Tết năm ấy, Mị đã lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, lịm mặt ngồi đây... nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Cái đó còn tiếng sáo - rõ nhất là tiếng sáo: Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Tiếng sáo đã đánh thức tuổi xuân trong lòng cô gái trẻ và đưa cô về với những tháng ngày yêu đương rạo rực năm xưa. Tiếng sáo cái âm thanh kì diệu của tuổi hoa niên - như có ma lực đã giúp Mị tìm lại mình, tìm lại tuổi trẻ và tình yêu bấy lâu nay đã bị vùi dập, bị đánh mất trong cái địa ngục trần gian này. Tô Hoài đã đặc tả cái tiếng sáo ấy thật hay, thật xúc động, tưởng như nhà văn cũng đang rung cảm trước tiếng sáo như nhân vật của mình. Mỗi lần tiếng sáo trở lại truyện là mỗi lần được biến đổi đi từ âm thanh của hiện tại dần dần thành tiếng của những mùa xuân trước. Từ chỗ ở ngoài Mị, ở xa Mị, dần dần tiếng sáo như tiếng ai mời gọi, hồn ai chờ đợi ngoài đường, để cuối cùng rập rờn trong đầu người thiếu phụ. Tiếng sáo dìu hồn Mị hay là bước đi của hồn Mị được ghi dấu bằng tiếng sáo:

Anh ném pao, em không bắt được
Em không yêu, quả pao rơi rồi...

Như thế là sức sống, lòng ham sống đã thức dậy trong lòng người thiếu phụ. Nhưng sự vượt khỏi hoàn cảnh hiện tại của nhân vật không hề dễ dàng. Tô Hoài miêu tả diễn biến tâm trạng của Mị rất tinh tế trong sự xung đột mâu thuẫn để từng bước vươn lên. Một thời gian dài, Mị sống trong sự giằng co giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ đẩy đưa đi, hiện tại trì níu lại. Vì vậy mà Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị vẫn theo quán tính bước vào buồng, ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Lòng ham sống trào dậy đầu tiên trong cái ý nghĩ muốn chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra.

Sự giằng xé giữa quá khứ và hiện tại được cô đúc trong một câu văn ngắn mà thấm thía, xót xa.

Nhưng sức sống cứ lớn dần, sức ám ảnh của tuổi xuân cứ mạnh dần, cho tới dường như chiếm trọn tâm hồn Mị. Phải tới lúc đó, Mị mới hành động như một kẻ mộng du, không thấy, không nghe A Sử nói. Trong đầu Mị chỉ còn rập ràng tiếng sáo, bên tai Mị chỉ văng vẳng tiếng gọi của tuổi trẻ, của tình yêu. Mẩu than hồng phủ tro bấy lâu nay vẫn âm ỉ cháy, giờ đây đã bùng lên thành ngọn lửa! Sức sống tiềm tàng dồn nén đã trào lên thành một quyết định táo bạo của cô gái trẻ thân cô thế cô trong nhà thống lí Pá Tra: đi chơi xuân! Tô Hoài đã diễn điều này bằng những hành động lặng lẽ mà xiết bao quyết liệt của Mị:

Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào dĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử đang sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo”.

Đoạn văn cho thấy nhân vật hiện lên sống động, đầy ấn tượng và những câu văn ngắn dồn dập, ta như nghe được nhịp đập mạnh mẽ của trái tim người thiếu phụ đang tìm về với mùa xuân của chính mình: mùa xuân của tuổi trẻ và tình yêu. Viết được những dòng như thế, không chỉ có tài năng, mà còn phải hiểu, phải yêu và trân trọng nhân vật của mình nhiều lắm.

Rồi Mị bị A Sử trói trong trạng thái mơ hồ. Mãi về sau, Mị mới cảm thấy cái hiện tại tàn khốc khi vùng bước đi mà tay chân không cựa được. Nhưng nếu cái mơ không đến một lần, ngay tức khắc, thì sự tình cũng vậy: Lại một đoạn chập chờn nữa giữa hơi rượu, tiếng sáo với cái đau nhức của dây trói và tiếng chân ngựa đạp vào vách. Nhưng bây giờ thì theo chiều ngược lại, tỉnh dần ra, đau đớn dần lên, tê dại dần đi, để dần dần trở lại chỗ của một con rùa lùi lũi trong xó cửa.

Lại một lần nữa, người đọc chứng kiến ngòi bút miêu tả tâm trạng nhân vật tài tình của Tô Hoài, mà ở đây là tâm trạng nửa mê nửa tỉnh của Mị khi bị A Sử trói đứng vào cột nhà trong buồng tối:

Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...”. Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng một con ngựa.

Đoạn văn tả hành động nhưng chứa đầy tâm trạng. Mị nửa mê nửa tỉnh. Mê là mơ theo giấc mơ của mình đang khao khát cháy bỏng trong lòng. Tỉnh là chua xót cay đắng trước hiện thực phũ phàng. Mê và tỉnh đan cài, ước mơ và hiện thực tương phản. Bước chân vùng đi và dây trói thít chặt lại. Tiếng sáo và tiếng chân ngựa. Từ đó, ước mơ càng da diết mãnh liệt thì hiện thực càng cay đắng, phũ phàng. Ước mơ kì diệu đã khiến Mị như kẻ mộng du, bị trói chặt bằng cả một thúng dây đay mà vẫn như không biết mình đang bị trói. Cô vẫn nghe tiếng sáo đưa cô đi theo những cuộc chơi, những đám chơi, và quên cả hiện thực phũ phàng ấy, Mị vùng bước đi theo cái tiếng sáo - mơ ước của lòng mình. Mị vùng bước đi Tô Hoài đã viết một câu văn thật tài hoa và sâu sắc. Chỉ bốn chữ mà khắc họa nên một tâm trạng điển hình, chứa chất biết bao ý nghĩa sâu xa. Đó là bước chân của cô gái mộng du trong tâm trạng nửa mê nửa tỉnh, mà ở đây cái phần “mê” đã lấn át phần “tính”, đã ngự trị hoàn toàn tâm hồn cô gái. Phải sống trong mơ phải quên hẳn cái hiện thực khủng khiếp là mình đang bị trói đứng vào cột nhà thì Mị mới vùng bước đi như thế được. Ước mơ đã cho cô sức mạnh, niềm tin quyết tâm trong cái bước chân vùng đi ấy, cho dù đây chỉ là bước chân mộng du trong lúc mê sảng. Cái bước chân mà nói lên một số phận, một khao khát, một sức sống - cái bước chân mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ngòi bút nhân đạo thương yêu con người của Tô Hoài.

Nhưng bước chân vùng đi thì dây trói lại thít chặt. Hiện thực trần trụi và phũ phàng đã chặn đứng trước mơ của Mị: Tiếng sáo tắt ngay, chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Tiếng chân ngựa đã làm Mị tình lại, cho Mị thấy rõ hiện thực mà cô đang phải sống. Không chỉ thế, tiếng chân ngựa, rất tự nhiên vang lên như một đối sánh đầy trớ trêu, mai mỉa: Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Nỗi xót đau, tủi phận dâng lên tràn ngập lòng Mị khi cô biết số phận, một lần nữa, lại vùi cô sâu hơn vào cuộc sống ngựa trâu một cuộc sống còn khổ hơn cả trâu ngựa.

“Đêm tình mùa xuân” đã đi qua cuộc đời Mị. Một làn sóng tình cảm đã trào lên mạnh mẽ nhưng rồi lại tan đi, không thay đổi mảy may đời nàng. Nhưng tâm trạng Mị vẫn còn đó như một ấn tượng không phai mờ, và những điều Tô Hoài viết về đêm hôm ấy vẫn đầy ý nghĩa. Nó cho thấy sức sống của con người, dù bị đè nén đến đâu, cũng vẫn không bị tàn lụi, và điều này đã khiến ta thêm tili yêu con người - ngay cả những người sống dưới đáy xã hội trong kiếp đời nô lệ như Mị. Mặt khác, nó còn vạch rõ chế độ phong kiến là chế độ buộc trói, giam hãm chống lại con người và sự sống. Chế độ ấy đáng căm thù, đáng bị lên án. Những ý nghĩa sâu sắc đó đã được Tô Hoài nói lên trong một đoạn văn giàu chất nhân đạo và chất thơ.

Các bài học liên quan
ĐỀ: 1. Phân tích nhân vật Trương Ba để thấy được khát vọng bình dị mà cao đẹp của con người lao động. 2. Phân tích đoạn kết của vở kịch.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật