Đề: Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của đoạn văn miêu tả cách ông Huấn Cao “cho chữ” trong nhà giam (truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân). Vì sao tác giả cho đó là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”?

Chữ người tử tù (đăng báo 1939, in trong tập Vang bóng một thời, (1940) có thể coi là một trong những áng văn hay nhất, tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân trước cách mạng.

BÀI LÀM

Chữ người tử tù (đăng báo 1939, in trong tập Vang bóng một thời, (1940) có thể coi là một trong những áng văn hay nhất, tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân trước cách mạng. Trước đây, không ít người khi nói đến Nguyễn Tuân thường cho rằng ông là một cây bút rất có tài, nhưng khinh bạc, thích nhấm nháp hưởng lạc... Đó là một cái nhìn thành kiến, hời hợt, hoàn toàn sai lầm. Nguyễn Tuân được coi là nhà văn lớn thì trước hết là do ở ông có một tấm lòng thiết tha đối với quê hương đất nước, thiết tha đi tìm cái thật, cái đẹp, cái tốt. Ông là nhà văn chẳng những đầy tài năng mà còn đầy tâm huyết, ngay cả ở chặng đường bế tắc, có không ít lầm lạc của ông. Chữ người tử tù là một tác phẩm chứng minh cho điều đó.

Giống như hầu hết các nhân vật chính trong Vang bóng một thời, ông Huấn Cao trong truyện Chữ người tử tù là một nho sĩ tài hoa của một thời đã qua, nay, chỉ còn vang bóng. Cái tài của ông Huấn Cao ở đây là viết chữ đẹp: “chữ ông đẹp lắm, vuông lắm”, “có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”. Truyện có hai nhân vật chính: một là ông Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, một nửa là viên quản ngục say mê chữ đẹp của ông Huấn Cao, quyết tìm mọi cách để xin chữ của ông bằng được.

Họ đã gặp nhau trong một tình huống oái oăm: nhà ngục; và là sự gặp nhau bất đắc dĩ của một tử tù với một viên quản ngục coi tù. Người có tài viết chữ đẹp lại là một “tên đại nghịch”, cầm đầu cuộc nổi loạn nay bị bắt giam, chờ ngày ra pháp trường thụ hình. Con người “liên tài” hằng khao khát có những nét chữ đẹp của người kia lại chính là kẻ đại diện của cái trật tự xã hội ấy. Trên bình diện nghệ thuật, họ là tri kỉ, tri âm; trên bình diện xã hội, họ ở hai vị thế đối lập. Sự gặp nhau của họ tạo nên một tình huống mang tính kịch. Từ tình huống ấy, nhân cách hai nhân vật sẽ bộc lộ nổi bật và chủ đề tư tưởng của truyện được thể hiện.

Điều gì sẽ xảy ra khi viên quản ngục khao khát chữ đẹp của Huấn Cao bỗng nhiên có Huấn Cao trong tay? Thông thường thì không thể có chuyện xin chữ”, “cho chữ” ở trong ngục này. Vị viên quản ngục nếu chỉ là quản ngục, tức là công cụ trấn áp của bộ máy thống trị, thì chỉ có thể nhìn Huấn Cao như một tội phạm nguy hiểm chứ không thể đầy ngưỡng mộ, thiết tha xin chữ ông Huấn đến thế. Vả lại, tính ông Huấn Cao “vốn khoảnh”, đâu có dễ dàng “cho chữ” một kẻ mà dưới mất ông là thuộc hạng “tiểu nhân” vì đang làm cái nghề “tàn ác”, “lừa lọc”...

Vậy mà việc “cho chữ” trong ngục đã diễn ra. Chính tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” thành tâm, cái “sở thích cao quý” của quản ngục đã làm ông Huấn Cao vốn “nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ” ấy xúc động thật sự và nhận lời “cho chữ”. Điều đó cho thấy ông Huấn Cao chẳng những có tài mà còn là người có một tấm lòng trọng nghĩa khinh lợi. Trước đó, ông tỏ thái độ khinh bỉ không che giấu đối với quản ngục là vì khi ấy ông nghĩ viên tiểu lại coi tù này cũng thuộc hạng “cặn bã ” như tất cả những kẻ làm cái nghề thất đức đó. Đến khi được viên thơ lại cho biết tâm sự của quản ngục, ông cảm nhận ra ở quản ngục, cái kẻ sống giữa một đống “cặn bã ” ấy chính là “một tấm lòng trong thiên hạ” mà thiếu chút nữa ông đã phụ lại. Và người anh hùng “chọc trời quấy nước”, khí phách ngang tàng, giờ đây tuy chí lớn không thành, ngày đêm bị gông xiềng trong ngục tối để chờ ngày bị đem ra pháp trường chặt đầu nhưng tư thế vẫn ung dung, hiên ngang bất khuất đó, đã dành cái đêm cuối cùng ở tỉnh Sơn quê hương ông, dành những “giòng chữ cuối cùng” (truyện khi đăng báo mang nhan đề “Giòng chữ cuối cùng”) của đời ông Cho viên quản ngục nọ. Không phải là sự dâng nộp vật báu của một tên tử tù cho viên quản ngục đang coi giữ mình, mà là sự cảm kích, trân trọng của người nghệ sĩ đối với kẻ liên tài, người tri kỉ; là sự đáp lại của một tấm lòng trước một tấm lòng... Cao Bá Quát có ý thơ “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Cả đời chỉ cúi đầu vái lạy hoa mai). Ông Huấn Cao không chịu cúi đầu vái lạy quản ngục vì quản ngục chưa phải hiện thân của nhân cách cao khiết tuyệt vời; nhưng ông rất nâng niu, trân trọng chút “thiên lương”, “một tấm lòng” ở con người phải sống trong cái ác, cái xấu nhưng vẫn hướng về cái thiện, cái đẹp đó.

Đây là cảnh “cho chữ” diễn ra,”đêm hôm ấy” trong trại giam tỉnh Sơn: không gian bên ngoài vắng lặng, “chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”; nong buồng giam “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”; hay “một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ... Đó là “một người tù có đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa ống. Và cái thầy thơ lại gầy gò thì run run bưng chậu mực”.

Những chi tiết rất mực sống động, gợi cảm, như khắc như chạm, đầy tính chất tạo hình, chẳng những làm hiện rõ mồn một cảnh tượng được miêu tả mà còn rất gợi không khí. Những chi tiết đó vừa rất thực, rất cụ thể, vừa có cái gì lung linh, xúc động khác thường, trang trọng tới thiêng liêng... Từ tiếng mõ vọng canh quạnh quẽ trong đêm đen vắng lặng bên ngoài đến cái buồng giam chật hẹp, ẩm ướt và nhất là ánh đuốc đỏ rực trong không khí khói tỏa mù mịt.. Tất cả đều giàu sức gợi cảm, đều rất ám ảnh... Nhưng nổi bật nhất, gây ấn tượng nhiều nhất là nhóm hình tượng ba người ở trung tâm bức tranh, tuy tác giả không tả tỉ mỉ, chỉ phác vài nét về dáng điệu, tư thế của mỗi nhân vật: ông Huấn Cao “có đeo gông, chân vướng xiềng” đang dậm tô những nét chữ, quản ngục “khúm núm” và thơ lại “run run” xung quanh...

Đúng là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”; thật lạ lùng và đầy xúc động.

Điều lạ lùng “chưa từng có” trong cảnh “cho chữ” ở đây, là ở chỗ việc viết chữ đẹp, một thú chơi tao nhã, có phần đài các, lại không phải diễn ra trong thư phòng, thư sảnh, mà lại ở nơi ngục tối chật hẹp, bẩn thỉu, ẩm ướt.. Lạ lùng “chưa từng có” bởi vì người nghệ sĩ có tài viết chữ đẹp lại trổ tài trong khi có mang gông, chân đeo xiềng và chỉ sớm mai sẽ vào Kinh để bị chặt đầu..

Điều đó cho thấy rằng, trong nhà tù tăm tối, hiện thân của tội ác tàn bạo đó, không phải cái ác, cái xấu đang thống trị mà chính là cái đẹp, cái thiện, cái cao cả đang làm chủ. Với cảnh “cho chữ” này, cái nhà ngục tăm tối đã đổ sụp bởi vì không còn người tội phạm tử tù, không có quản ngục và thơ lại, chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước những đôi mắt ngưỡng mộ; sùng kính của những kẻ liên tài. Tất cả đều thấm đẫm trong ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, của “thiên lương” và khí phách. Cũng với cảnh này, không phải ông Huấn Cao sẽ chết mà chính là ông đang đi vào cõi bất tử. Dù chỉ sáng mai, ông sẽ bị giải vào Kinh để chịu án tử hình ở pháp trường nhưng “những nét chữ vuông vắn, rõ ràng” nói lên cái hoài bão tung hoành cả một đời của ông trên lụa bạch sẽ còn đó. Và nhất là những lời ông khuyên nhủ quản ngục có thể coi là lời di huấn của ông về đạo lý làm người trong cái thời vàng thau lẫn lộn đó - đã được quản ngục cảm động lắng nghe và cúi đầu “bái lĩnh”. Trong không khí xúc động, thiêng liêng đó, truyện kết thúc với hình ảnh ông Huấn Cao uy nghi lồng lộng. “Ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ” ấy vẫn rực rỡ hào quang bất tử.

Với những lời khuyên nhủ quản ngục, có thể thấy ông Huấn Cao không chấp nhận cái đẹp lại chung sống lẫn lộn với cái ác, cái xấu, không chấp nhận người yêu cái đẹp lại vẫn làm điều ác. Ông khuyên quản ngục hãy “thay chốn ở” và thoát khỏi cái nghề coi ngục, vì ông cho rằng, muốn đến với cái đẹp thì phải sống cho lương thiện; muốn chơi chữ đẹp thì phải tránh xa nơi tàn bạo, xấu xa, để “giữ thiên lương cho lành vững” và đừng để nhem nhuốc mất cả cái đời lương thiện đi”. Đó cũng là quan niệm của Nguyễn Tuân: cái đẹp gắn liền với cái thiện, người nghệ sĩ say mê cái đẹp trước hết phải là người có “thiên lương”. Di huấn thiêng liêng đó của ông Huấn Cao sẽ được người đời trân trọng lắng nghe, gìn giữ.

Có thể nói, với cảnh tượng ông Huấn Cao “cho chữ” trong nhà nghề, Nguyên Tuân đã dựng nên bức tượng đài trang nghiêm để bất tử hóa con người rất mực tài hoa đồng thời tràn đầy khí phách anh hùng đó.

Người đọc không mấy ai không nhận ra nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao là Cao Bá Quát, một danh sĩ lừng lẫy đời nhà Nguyễn, con người mà tài văn thơ cùng tính cách ngang tàng đã trở thành giai thoại, đồng thời cũng là người tham gia cầm đầu cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương chống triều đình Tự Đức. Thật dễ hiểu là Nguyễn Tuân đã chọn viết về Cao Bá Quát với niềm cảm phục vô hạn như vậy.

Điều đáng chú ý là, nếu hầu hết các nhân vật trong Vang bóng một thời, những nho sĩ tài hoa lỡ vận, sống buông xuôi bất lực và đành "an phận chữ bài", phản ứng lại cuộc đời ô trọc một cách tiêu cực bằng cách quay lưng lại nó, tìm đến lối sống phong lưu tài tử và cố giữ sự trong sạch của tâm hồn, thì ông Huấn Cao là kẻ “chủ xướng” cuộc dựng cờ khởi nghĩa chống triều đình, một trang anh hùng xả thân vì nghĩa lớn. Hình tượng Huấn Cao là một nét son đỏ rực trên cái nền vàng úa, ảm đạm của Vang bóng một thời.

Một khía cạnh khác đáng nói nữa là, trong hoàn cảnh chế độ thuộc địa tàn bạo khi ấy, nhà văn không thể công khai ca ngợi những chiến sĩ yêu nước chống thực dân Pháp đã hi sinh, và ông chỉ có thể mượn hình tượng Huấn Cao trong lịch sử cũ để biểu lộ niềm cảm phục sâu xa đối với những anh hùng cứu nước đương thời. Điều này không hẳn là suy diễn. Và như vậy, Chữ người tử tù cần được coi là một áng văn chương yêu nước.

Ở cảnh “cho chữ” này, chẳng những hình ảnh ông Huấn Cao nổi bật lên uy nghi, lồng lộng, rực rỡ hào quang, hiện thân của cái đẹp, cái cao cả mà hình ảnh của quản ngục, thơ lại cũng rất đẹp, rất cảm động. Bên cạnh con người tài năng, khí phách phi thường là Huấn Cao, họ chỉ là những kẻ bình thường. Song với lòng thiết tha mến mộ tài năng và khí phách, họ đã chứng tỏ có một “thiên lương”, một cái tâm, nên dù sống giữa cái xấu vẫn “không phải là kẻ xấu”. Đó là những “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” như lời tác giả viết về quản ngục. Cái tư thế “khúm núm”, giọng nói nghẹn ngào vì nước mắt và cái cúi đầu “xin bái lĩnh” sau khi nghe lời ông Huấn Cao khuyên nhủ của quản ngục, cái “run run” khi bưng chậu mực của thầy thơ lại, không phải chứng tỏ sự quỵ lụy hèn hạ của hạng người kém nhân cách của họ mà làm họ trở nên đẹp hơn. Bởi vì đó là sự “Cúi đầu vái lạy hoa mai”, là niềm cảm phục, sự xúc động, lòng tôn kính sâu sắc trước cái đẹp, cái cao cả - những cảm xúc cao quý chỉ có ở những con người có thiện căn, có chân tâm.

Có thể nói, đoạn viết ông Huấn Cao “cho chữ” quản ngục trong nhà giam là đoạn văn hay nhất trong truyện ngắn rất tầm vóc Chữ người tử tù. Bút pháp nhà văn điêu luyện, rất sắc sảo khi dựng người, dựng cảnh. Chi tiết nào cũng gợi cảm, đầy ấn tượng. Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân ở đây chẳng những phong phú, sống động mà như có hồn, có nhịp điệu, có dư ba. Một không khí cổ kính, trang nghiêm, đầy xúc động, có phần bi tráng toát lên từ đoạn văn. Đọc xong dòng chữ cuối cùng của đoạn văn, người đọc không khỏi không cảm thấy sững sờ, xúc động trước một cảnh tượng mang vẻ đẹp lớn lao, phi thường, biểu lộ cái tâm và cái tài của nhà văn lớn Nguyễn Tuân.

Các bài học liên quan
Đề: Qua ý nghĩ và cách xử sự của viên quản ngục đối với ông Huấn Cao (truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân), anh (chị) đánh giá viên quản ngục là con người như thế nào? Vai trò của nhân vật này trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm?
Đề: Phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.
Đề: Trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có hai nhân vật đặc sắc là Huấn Cao và viên cai ngục. Nếu cần chọn một trong hai nhân vật để làm sáng tỏ sự sáng tạo độc đáo của tác giả, anh (chị) sẽ chọn nhân vật nào?
Đề: Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Đề: Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật