Đề: Phân tích truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Chữ người tử tù là tác phẩm ca ngợi sự chiến thắng của khí phách, tài hoa và nhân cách đối với cái xấu xa, thấp hèn, là bài ca đầy cảm hứng động viên con người gắng gìn giữ “thiên lương” trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời.

BÀI LÀM

Chữ người tử tù là tác phẩm ca ngợi sự chiến thắng của khí phách, tài hoa và nhân cách đối với cái xấu xa, thấp hèn, là bài ca đầy cảm hứng động viên con người gắng gìn giữ “thiên lương” trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời.

Nói đến những sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng, người ta nghĩ ngay tới Vang bóng một thời, trong đó truyện ngắn Chữ người tử tù từng được đánh giá là tác phẩm hay nhất của một nghệ sĩ tài hoa có phong cách độc đáo. Cái phong cách độc đáo ấy được gửi gắm trong nhiều hình tượng mà nổi bật nhất đó là nhân vật Huấn Cao - một con người có khí phách ngang tàng, bất khuất, có tài hoa và phẩm chất thiên lương trong sáng.

Điểm nổi bật lên ở Huấn Cao đó là một con người mang nét đẹp của khí phách, tư thế hiên ngang, vẻ đẹp ấy được bộc lộ ở lòng tự trọng sống hiên ngang, bất khuất, không khom lưng uốn gối. Là một con người cương trực thẳng thắn và trong sáng vô ngần, luôn gạt mọi danh lợi quyền chức sang một bên: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Đó là câu nói thể hiện một tư thế sống đẹp của Huấn Cao, rất có “thiên lương”. Sống trong một xã hội dơ bẩn nhưng tâm hồn của Huấn Cao vẫn ánh lên những tia sáng của sự trong sạch, đấy là điều đáng quý, đáng trân trọng, khâm phục. Tác giả đã rất khéo léo, khách quan khi để cho hình tượng của Huấn Cao hiện lên với tư thế hiên ngang bất khuất qua suy nghĩ của viên quản ngục: “Viên quản ngục không lấy làm oán thù thái độ khinh bạc của ông Huấn. Y cũng thừa hiểu những người chọc trời khuấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù”. Huấn Cao, một người đang ở trong tâm thế bị động, bị tù đày, lẽ ra khi được viên quản ngục quan tâm thì phải lấy đó làm vinh hạnh, làm ân huệ của cuộc đời, nhưng vốn ông là một người ngay thẳng, chính trực nên đã tỏ thái độ rất lạnh lùng, khinh bạc đối với viên quản ngục. Huấn Cao chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ nhờ vả người quản ngục của mình. Trong hoàn cảnh éo le như thế, mạng sống đã bắt đầu không giữ nổi mà người tử tù vẫn giữ được thế đứng vững vàng thật đáng nể phục biết bao, đó là một nhân cách sáng lên giữa cảnh tối tăm của nhà tù, của xã hội lúc bấy giờ. Khi chí lớn không thực hiện được, Huấn Cao không hề có một chút run sợ trước thảm cảnh của tương lai, tương lai đang đón đợi ông bằng cái chết. Nói về cái chết, Huấn Cao dửng dưng và coi thường mọi gian khổ, tư thế của ông đúng là tư thế của người chiến sĩ: “đến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa”. Chết chém mà không sợ thì còn sợ cái gì nữa đây. Có lẽ cái làm cho Huấn Cao sợ chính là sự phi lý của xã hội, sự dơ bẩn, giả trá, đảo điên của thời đại!

Bên cạnh tư thế đĩnh đạc ông còn có những suy nghĩ, hành vi thật phóng khoáng. Ông không cố chấp, không gò bó bản thân mình, tuy vẫn kiêu bạc với viên quản ngục nhưng mỗi lần được ưu đãi ăn uống thì “ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt” “coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh lúc chưa bị giam cầm”. Ở trong ngục, đối diện với cái chết thường thì người ta lo đứng lo ngồi, ăn không ngon miệng, ngủ chẳng tròn giấc, riêng với Huấn Cao vẫn cứ “rượu thịt” như thường, thể hiện một tâm thế, trạng thái ung dung, luôn đứng ở tư thế chủ động để đón đợi mọi tình huống của tương lai, dù đó có là cái chết đi chăng nữa vẫn không thể làm mất đi, xóa đi được cái thư thái trên nét mặt của con người luôn đứng vững mọi tình thế của cuộc đời.

Huấn Cao là một con người chính trực, biết phân biệt yêu ghét rõ ràng. Đặc biệt ông khinh bỉ những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị hung hăng và tàn bạo. Dưới cái nhìn của ông, chúng chỉ là một lũ “tiểu nhân thị oai”, giương oai diễu võ ở bề ngoài nhưng thực chất bên trong lại rỗng toang. Vì vậy mà Huấn Cao luôn luôn tỏ thái độ khinh bỉ với cái thứ mà ông cho là những cặn bã của xã hội lúc đó.

Huấn Cao rất băn khoăn trước sự biệt đãi của viên quản ngục, thực tình ông không hiểu tại sao con người ấy lại đối xử tử tế không chỉ với mình ông mà cả với năm người tử tù cùng đi với ông nữa. Cho dù vậy, thái độ của Huấn Cao đối với viên quản ngục vẫn vô cùng ngạo nghễ, khinh bạc. Khi quản ngục lo âu, khép nép hỏi Huấn Cao có cần thêm gì nữa không để quản ngục cố gắng chu toàn. Huấn Cao đã lạnh lùng ném một câu như tát nước vào mặt “Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Điều đó thể hiện thái độ yêu ghét rất rõ ràng của Huấn Cao, dù viên quản ngục có tốt đến mấy nhưng lúc bấy giờ trong mắt Huấn Cao, hắn vẫn là một kẻ cai ngục hèn hạ.

Huấn Cao không chỉ là con người có khí phách “đội trời đạp đất” mà còn là con người mang nét đẹp của tâm hồn tài hoa. Đó là một tâm hồn cao quý, thanh bạch. Trong ông bao giờ cái “thiên lương” cũng được đặt lên trên hết, đây chính là bản chất tốt đẹp của con người. Ông không chỉ tu dưỡng mình để trở thành một con người có bản lĩnh vững vàng, có phẩm chất tốt đẹp mà ông còn mong muốn, khát khao cho người khác cũng như vậy, đặc biệt là cho một người cũng có “thiên lương”như viên quản ngục: “Tôi bảo thực đấy, thầy quản nên tìm về quê nhà mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Chữ “tâm” trong sáng của Huấn Cao thể hiện rõ nét nhất trong lời khuyên bảo sau cuối đối với viên quản ngục. Lời khuyên ấy càng làm đẹp thêm hình tượng của nhân vật Huấn Cao - chỉ có con người “thiên lương” mới đủ tư cách khuyên bảo, nhắn nhủ những điều đầy lương trí ấy. Huấn Cao mong mỏi những điều tốt đẹp cho viên quản ngục, mong muốn viên quản ngục hãy giữ mãi lấy cái khí tiết và tấm lòng trong sạch của mình. Muốn như vậy cần phải lánh xa ngục tù đen tối và ghê tởm kia, tránh xa cái nơi đã gây bao tội ác. Như vậy, Huấn Cao là người yêu cái đẹp và cảm thông với người biết quý trọng, biết thưởng thức cái đẹp. Ông là người có nhân cách cao thượng, khi biết được sở nguyện của viên quản ngục. Huấn Cao kiêu bạc là thế nhưng lúc hiểu được tấm lòng chân thành của quản ngục, ông đã vui nhận lời cho chữ và tự trách mình “thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao là người biết sáng tạo ra cái đẹp, viên quản ngục lại là người biết chiêm ngưỡng cái đẹp, hiểu được giá trị của cái đẹp, như vậy là hai tâm hồn đẹp đã gặp nhau và cất lên sự đồng điệu, hòa hợp.

Nghệ thuật chơi chữ, viết chữ vốn là một thú vui tao nhã của người xưa. Huấn xao có tài viết chữ đẹp, đẹp đến nỗi nổi tiếng cả tỉnh, và cái danh của ông đã được truyền đi rất xa: “tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm”. Tuy viết chữ đẹp nổi danh như thế nhưng Huấn Cao rất khiêm tốn, cả một đời mà ông chỉ mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường: “Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”. Lần cho chữ viên quản ngục như một ngoại lệ, đó cũng chính là nét bút cuối cùng của Huấn Cao. Huấn Cao cho chữ viên quản ngục đâu phải vì quản ngục đã đối đãi tử tế với mình mà chính bởi Huấn Cao cảm nhận được một sự đồng cảm hài hòa giữa mình với con người đó, ông cho chữ vì “ta cảm cái tấm lòng biết nhìn liên tài của ngươi”. Ông Huấn Cao cho chữ viên quản ngục vì hiểu được rằng quản ngục là người có “thiên lương” trong sáng, có con mắt biết nhìn đời, nhìn người, đặc biệt là người biết thưởng thức, quý trọng giá trị của cái đẹp. Điều này đã gặp gỡ với tâm hồn, con người Huấn Cao.

Cái cao đẹp, tài hoa của Huấn Cao được Nguyễn Tuân xây dựng trong một khung cảnh đối lập giữa bóng tối và ánh sáng, cái cao cả và cái thấp hèn. Viết chữ vốn là một việc thanh cao long trọng với lụa trắng, mực thơm, nét chữ tươi tắn đối lập với cái dơ bẩn, ẩm ướt, đen tối của ngục từ đầy phân chuột, phân gián... Nhưng Huấn Cao vẫn chăm chú viết chữ (sáng tạo ra cái đẹp) là một hình tượng mà từ xưa đến nay quả chưa từng có: “Một người tuy cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang chậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván” và “trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt làm họ dụi mắt lia lịa”. Giữa cái chật chội hôi hám của nhà từ mà những con người có bản chất thiên lương ấy vẫn vượt lên trên tất cả mọi khó khăn để sáng tạo nên cái đẹp đã biểu hiện một ý nghĩa sâu sắc: cái đẹp có thể sản sinh từ nơi tội ác hoành hành ngự trị, cái đẹp vẫn tồn tại, vẫn sống giữa một mảnh đất chết. Cái đẹp ấy lại được sản sinh từ một người tử từ là cái đẹp mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Điều đó khẳng định rằng dù cuộc sống có tàn nhẫn đến đâu thì giá trị nghệ thuật đích thực vẫn tồn tại vì nếu thiếu cái đẹp, cuộc sống sẽ tầm thường biết bao.

Lời khuyên nhủ, nhắn gửi cuối cùng của Huấn Cao đối với viên quản ngục là hãy giữ lấy cái “thiên lương”, cái trong sạch mà muốn như vậy thì phải rời khỏi chốn tối tăm, ẩm ướt này bởi vì cái đẹp không thể sống chung với cái xấu, cái thiện không thể sống chung với cái ác. Đó là lời khuyên mang tính nhân đạo sâu sắc.

Viên quản ngục cũng là hình tượng gây cho người đọc những ấn tượng mạnh mẽ. Quản ngục tuy không sáng tạo ra cái đẹp nhưng lại biết quý trọng tài hoa. Tuy làm cái nghề xấu xa, độc ác nhưng lại có thú chơi tao nhã - chơi chữ đẹp. Khi nghe tin những người tù mới chuyển đến ngục có Huấn Cao, người nổi danh viết chữ đẹp, quản ngục đã băn khoăn nghĩ ngợi không biết đó có phải là ông Huấn “Huấn Cao”? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không? Ngay từ câu mở đầu về Huấn Cao của viên quản ngục đã có sự khâm phục, quý trọng. Và từ đó quản ngục nuôi một ước muốn khát khao có được chữ của Huấn Cao treo trong nhà: “từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm... Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”. Đó là ước muốn đẹp đẽ, trong sáng, ước muốn ấy thể hiện rất rõ lòng say mê cái đẹp, không chỉ say mê, yêu cái đẹp mà cao hơn cả là ông biết quý trọng giá trị của cái đẹp, biết trả giá đắt cho cái đẹp. Việc ngày qua ngày không gần gũi được với Huấn Cao đã làm cho ông vô cùng thắc thỏm, âu lo, lo vì “mai mốt đây ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời”. Việc muốn có được chữ của Huấn Cao treo trong nhà là tâm nguyện cả đời người của viên quản ngục, đó tuyệt đối không phải là sở thích nhất thời, ước muốn đó lớn lao đến nỗi nếu không xin được chữ ông Huấn thì sẽ “ân hận suốt đời”.

Khi nghe tin có lệnh trên truyền xuống, ngày mai sẽ giải tù đi, viên quản ngục “tái nhợt người đi sau khi tiếp đọc công văn.” Viên quản ngục hết sức lo sợ vì ngày chết của Huấn Cao đến nơi rồi mà vẫn chưa xin được chữ. Tâm trạng lo lắng của viên quản ngục càng nói rõ hơn ý nguyện tha thiết của ông về việc xin chữ, tấm lòng của ông đối với cái đẹp và giá trị của cái đẹp. Quản ngục là người có sức chịu đựng, nhẫn nhục và biết chờ đợi, đây là nét tính cách tiêu biểu của viên quản ngục. Để có được chữ của Huấn thì dù có nhẫn nhục, chịu đựng ông cũng đánh đổi miễn sao thực hiện được ước nguyện của mình. Điều ấy nhấn mạnh thêm lòng quý trọng cái đẹp của ông, đồng thời nói lên rằng viên quản ngục là người có con mắt nhìn đời, nhìn người. Ông đâu chỉ quý trọng cái đẹp mà còn quý trọng cả con người, tư thế của Huấn Cao. Trong tình thế lúc này thì Huấn Cao là người trong tầm kiểm soát của ông, lẽ ra viên quản ngục chỉ biết ra lệnh chứ đâu phải cam chịu, nhẫn nhục “viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ.” Khi viên quản ngục đối xử biệt đãi với Huấn Cao, viên quản ngục vẫn chỉ nhận được những tín hiệu và thái độ lạnh lùng, kiêu bạc của Huấn Cao “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Huấn Cao những tưởng sẽ được một trận báo thù lôi đình của quản ngục thì ông lại trả lời một cách nhã nhặn “Xin lĩnh ý”. Một viên quan mà lại lĩnh ý một kẻ tù tội quả là chưa có bao giờ, nhưng vì một ý nguyện tốt đẹp nung nấu từ xưa viên quản ngục đã nhẫn nhịn tất cả.

Viên quản ngục là một người có tấm lòng thiên lương, trong sạch, muốn được bảo vệ cái đẹp. Dù sống trong cảnh bùn dơ tăm tối của ngục tù nhưng quản ngục vẫn giữ được cái “thiên lương”, bản chất người tốt đẹp: “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay cả viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bờ”. Ngay từ những trang đầu của tác phẩm, Nguyễn Tuân đã giới thiệu về bản chất trong sạch của viên quản ngục, ông đúng là một con người “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Giữa bao nhiêu cảnh hỗn loạn xô bồ hình ảnh nhân vật viên quản ngục vẫn sáng lên giữa ngục tù tăm tối. Viên quản ngục đâu chỉ biết yêu cái đẹp mà còn biết yêu những con người ngay thẳng, biết quý trọng phẩm chất và nhân cách của con người.

Thực ra viên quản ngục cũng chỉ là một nạn nhân trong xã hội ấy, ông biết được cái nghề nghiệp của mình chẳng cao quý gì, chẳng qua là “đi nhầm nghề”. Viên quản ngục là một người rất tử tế, điều đó được thể hiện qua việc biệt đãi đối với Huấn Cao. Ông tử tế đối với Huấn Cao đâu phải chỉ để xin chữ mà còn vì cả quý trọng con người, tư thế hiên ngang, bất khuất đó. Lúc bị đuổi đi viên quản ngục vẫn một mực chu toàn với Huấn Cao: “Và từ hôm ấy cơm rượu lại vẫn đưa đến đều đều và có phần hậu hơn trước nữa, duy chỉ có y là không để chân vào buồng giam Huấn Cao”. Việc ấy chứng tỏ một thiên lương trong sáng của viên quản ngục, ông đúng là một người “có lòng biết giá người, đúng là một thanh âm trong trẻo giữa tiếng đàn hỗn loạn”.

Hình ảnh viên quản ngục ở cuối tác phẩm cũng là một hình ảnh gây ấn tượng và xúc động lòng người. Khi Huấn Cao khuyên viên quản ngục hãy trở về quê vì nơi đó mới đáng là nơi tồn tại của cái thiên lương, ngục quản đã rất cảm động. Cảm động vì lời khuyên như chân thành của Huấn Cao, mặt khác cũng là tâm nguyện của viên quản ngục song có lẽ có nhiều điều còn khó nói nên quản ngục mới nhầm đường mà đi vào ngõ cụt: “Ngục quan cảm động với người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rơi vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Ngoài nhân vật Huấn Cao, viên quản ngục, thầy thơ lại cũng chính là một thanh âm trong trẻo vút lên từ vũng bùn tù đọng trong xã hội. Thầy là người biết ủng hộ cái đẹp, biết quý trọng những người có phẩm chất “thiên lương”. Nghe tin Huấn Cao là người “Văn võ song toàn” thầy đã chặc lưỡi mà nói rằng: “Tôi thấy những người có tài thế mà đi làm giặc thì đáng buồn lắm. Dạ bẩm, giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiếc”. Cái tiếc của thầy thơ là biểu hiện của cái cao đẹp, của con người biết quý trọng những người tài, biết đâu là giá trị chân thực của cuộc sống, ở đâu chỉ là những điều giả trá nhơ bẩn.

Thầy thơ lại là người hiểu được tâm tư người khác và sẵn sàng giúp đỡ người có tâm nguyện tốt đẹp để đạt được tâm nguyện đó. Lúc viên quản ngục đã tin tưởng kể lại tâm sự của mình thì “Thầy thơ lại cảm động nghe xong chuyện, nói “Dạ bẩm, ngài cứ yên tâm đã có tôi” rồi chạy ngay xuống phía trại giam ông Huấn đấm cửa buồng giam, hớt ha hớt hải kể cho tử tù nghe rõ nỗi lòng viên quản ngục và ngập ngừng báo luôn cho ông Huấn việc về Kinh chịu án tử hình”. Đó là những hành động đẹp đẽ của thầy thơ lại, thầy luôn biết vui niềm vui của kẻ khác. Và có lẽ thầy không phải là một người yêu cái đẹp đến say mê như viên quản ngục nhưng lại có ý thức bảo vệ cái đẹp không thua kém gì viên quản ngục. Những hành động trên biểu hiện sự vội vàng, hớt hải ý chừng nếu không làm liền sẽ không còn kịp nữa, không kịp nữa thì ý nguyện của viên quản ngục không thực hiện được, ý tưởng muốn giữ gìn cái đẹp của thầy thơ lại theo đó mà tiêu tan.

Thầy thơ lại theo suy nghĩ của viên quản ngục thì cũng là một người thiên vương trong sạch nhưng đã chọn nhầm nghề “có lẽ lão bát này cũng là một người khá đây, có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu xa hay vô tình. ” Lúc đầu viên quản ngục còn nghi ngờ điều đó, nhưng lâu dần những tính cách của thầy thơ đã chứng minh cho ý nghĩ ban đầu ấy là đúng. Đấy chính là một thanh âm trong trẻo thứ hai vút lên từ ngục tù tăm tối. Và cảnh ba con người chăm chú trong đoạn cuối của tác phẩm như cất lên bài ca đồng điệu về ba tấm lòng trong sáng, thiên lương cùng biết quý trọng giá trị của cái đẹp, cái chân, cái thiện.

Tác phẩm là câu chuyện về những con người của Vang bóng một thời. Tác giả đã kết hợp một cách hết sức nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ hiện đại và cổ kính để tạo được không khí trang trọng trong văn phong. Vận dụng tối đa thủ pháp tương phản, đối lập của ánh sáng và bóng tối nhằm làm nổi bật cái thiện cái ác, cái cao cả - thấp hèn. Giọng văn chậm rãi từ tốn, cách đối thoại làm bộc lộ tính cách tâm lí nhân vật một cách sâu sắc.

Chữ người tử tù là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Tuân. Thông qua bút pháp tài tình, điêu luyện, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công các nhân vật của mình, đặc biệt là nhân vật Huấn Cao. Từ hình tượng của những nhân vật ấy, đặt trong hoàn cảnh mất nước đó chính là sự giãi bày một cách cảm động, kín đáo tấm lòng yêu nước của nhà văn.

Các bài học liên quan
Đề: Phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.
Đề: Trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có hai nhân vật đặc sắc là Huấn Cao và viên cai ngục. Nếu cần chọn một trong hai nhân vật để làm sáng tỏ sự sáng tạo độc đáo của tác giả, anh (chị) sẽ chọn nhân vật nào?
Đề: Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Đề: Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật