Đề: Cảm nhận về bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu

Nhắc đến Tố Hữu, các nhà phê bình và nghiên cứu văn học thường gọi ông là lá cờ đầu, hay cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Quả thật, chặng đường của nền thơ ca của Tố Hữu gần như đi sát với chặng đường đấu tranh cách mạng gian khổ của toàn thể dân tộc.

BÀI LÀM

Nhắc đến Tố Hữu, các nhà phê bình và nghiên cứu văn học thường gọi ông là lá cờ đầu, hay cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Quả thật, chặng đường của nền thơ ca của Tố Hữu gần như đi sát với chặng đường đấu tranh cách mạng gian khổ của toàn thể dân tộc. Và trên chặng đường dài gian lao ấy, bó hoa đầu tiên mà Tố Hữu để lại dọc đường, ấy là tập thơ Từ ấy (xuất bản năm 1946).

Từ ấy là tiếng hát hân hoan nồng nhiệt của một tâm hồn trẻ khát khao lẽ sống, say mê tư tưởng, hăng hái đấu tranh cách mạng. Từ ấy tập hợp những sáng tác của Tố Hữu trong mười năm (1937-1946). Nội dung tập thơ được chia làm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng. Trong đó, phần Xiềng xích vẫn được xem là hay hơn cả. Bài thơ Nhớ đồng được viết vào tháng 7 năm 1939, trong nhà tù ở Huế, được xem là một trong những bài thơ tiêu biểu thuộc phần này.

Ngay từ nhan đề bài thơ đã toát lên một vẻ rất chân thực và gần gũi: nhớ đồng. Như vậy, chủ đề của bài thơ đã hiện lên khá rõ nét: nỗi nhớ thương về đồng ruộng, quê hương.

Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ chất chứa bao tình cảm chân thành:

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!

Đây không phải là hai câu thơ chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong toàn bài thơ. Nó còn trở đi trở lại liên tục tới ba lần nữa, như một ám ảnh, với sự thay đổi chút ít vẻ mặt hình thức:

Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!

Điều được nhấn đi nhấn lại ở đây chính là một thời gian đầy vắng lặng: buổi trưa trong một không gian có lẽ cũng chẳng lấy gì làm rộng rãi. Bởi thế nên nỗi nhớ về ruộng đồng quê mới xuất hiện, tha thiết khôn nguôi. Đó là một nỗi nhớ có chiều sâu, nghĩa là nó trở đi trở lại không phải chỉ có một, hai lần. Người ta chỉ nhớ về ruộng đồng quê - một không gian quen thuộc, khoáng đãng, khi rơi vào một trong hai trường hợp: Một là đã xa quê lâu ngày, mà nỗi nhớ quê trở thành một nỗi day dứt. Hai là từ một không gian giam hãm chật hẹp, hướng về một không gian khoáng đạt, tự do. Tố Hữu rơi vào cả hai trường hợp này. Chính vì vậy, nỗi nhớ đồng càng trở nên tha thiết: Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi.

Nhớ về đồng quê là nhớ về quê hương, là nhớ đến những cảnh sắc êm đềm, gần gũi, tựa như tình lặng:

Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi
Đâu ruồng tre mát thuở yên vui
Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai sắn ngọt bùi

Đâu những đường con bước vạn đời
Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi

Đâu những chiều sương phủ bãi đồng
Lúa mềm xao xác ở ven sông.

Thân thuộc quá ! Dường như đâu đây có cả mùi nồng của đất, mùi thơm của khoai, mùi mát mẻ dịu nhẹ của sương chiều chậm xuống trên từng ô ruộng nhỏ. Đấy là mùi của đồng ruộng quê hương! Đấy là mùi mang đến sự tĩnh lặng cho tâm hồn con người. Làng quê, ấy là cái gì cội rễ sâu xa nhất trong tâm tính mỗi người. Trở về làng quê là trở về cái gì yên ả, gần gũi, là tìm về với những cảm giác mà chẳng nơi nào có thể mang đến được.

Sau nỗi nhớ về cảnh quê là nỗi nhớ về những con người nơi thôn dã:

Đâu những lưng con xuống luống cày 
...Và đâu hết những bàn tay ấy
Vãi giống tung trời những sớm mai.

Hình ảnh con người trong bài thơ là hình ảnh những người lao động lam lũ, gắn bó với đồng ruộng, quê hương. Họ không chỉ là linh hồn của đất quê, đồng quê mộc mạc. Chính những con người cần cù lam lũ ấy đã làm nên một hồn quê hiền lành, chất phác, khoai sắn tình quê rất thật thà.

Nỗi nhớ đồng quê dào dạt trở về trong tâm trí chàng thanh niên trẻ. Nhưng tất cả chỉ là quá vãng, tất cả không còn hiện diện ở hiện tại. Liên tục suốt hơn nữa bài thơ, Tố hữu liên tục lặp đi lặp lại câu hỏi: đâu... tất cả là gần gũi, tất cả là thân thương. Nhưng tất cả đã cách biệt, quá xa xôi. Vậy nên gợi lên một nỗi thương nhớ không chỉ thiết tha, mà còn hết sức chua xót trong tâm hồn tác giả. Câu hỏi rơi vào trong im lặng. Không thể có câu trả lời.

Sau tất cả những nỗi nhớ về cảnh vật và con người quê hương, Tố Hữu lại quay sang chiêm nghiệm về cuộc đời mình: còn những tháng ngày băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời, cho đến những ngày say đồng hương nắng vui ca hát... con đường lựa chọn là con đường đầy gian khổ, nhưng nhất định nó không làm chàng trai mười chín tuổi ấy phải chùn bước. Trong nhà lao, chàng vẫn hướng ra thế giới bên ngoài với một tình cảm nhớ thương và nỗi khát khao tự do cháy bỏng. Hình ảnh cánh chim buồn nhớ gió mây đọng lại cuối bài thơ như một nỗi ám ảnh về tự do. Tự do - ấy là thế giới mà chàng đang hướng tới: tự do để yêu thương và tự do để hành động.

Người ta thường nói nhiều đến chất Thơ mới trong thơ Tố Hữu trong giai đoạn đầu. Quả là Tố Hữu đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của phong trào này. Song khác với các nhà Thơ mới, Tố Hữu không chỉ đơn thuần giãi bày và bộc lộ cái tôi giàu cảm xúc. Ông đã xem con đường thể hiện cảm xúc trữ tình của cái tôi cá nhân là dòng suối nhỏ đổ về đại dương nhân dân, là con đường để hòa nhập với nhân dân, với cuộc đời. Thơ Tố Hữu không dừng ở lời nói. Thơ ông còn là hành động, là ý chí sắt đá, là quyết tâm cao độ cho mục đích cao cả của đời mình. Thơ ông đã là tiếng nói chung thôi thúc biết bao thế hệ trên con đường đấu tranh cách mạng.

Và nếu như đối với các nhà nghiên cứu, thơ Tố Hữu còn sống mãi là bởi nó là tiếng hát của cánh chim đầu đàn, thì đối với bạn yêu thơ Việt Nam, Tố Hữu sống mãi, trước hết là vì thơ ông là tiếng nói tình cảm thiết tha chân thành của một tâm hồn giàu cảm xúc, sẵn sàng mở rộng lòng mình để hòa cùng những hồn đồng điệu.

Các bài học liên quan
Đề: Phân tích truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Đề: Phân tích nhân vật quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Đề: Qua ý nghĩ và cách xử sự của viên quản ngục đối với ông Huấn Cao (truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân), anh (chị) đánh giá viên quản ngục là con người như thế nào? Vai trò của nhân vật này trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm?
Đề: Phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật