Đề: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Nhớ đồng của Tố Hữu: Gì sâu bằng những trưa thương nhớ ... Một giọng hò đưa hố não nùng

Đầu năm 1939, tình hình thế giới trở nên căng thẳng, cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai có nguy cơ bùng nổ, thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Đầu tháng tư năm ấy, Tố Hữu bị chính quyền thực dân bắt ở Huế trong một đợt khủng bố.

BÀI LÀM

Đầu năm 1939, tình hình thế giới trở nên căng thẳng, cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai có nguy cơ bùng nổ, thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Đầu tháng tư năm ấy, Tố Hữu bị chính quyền thực dân bắt ở Huế trong một đợt khủng bố.

Trong nhà giam, người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi mang nhiều tâm trạng: cô đơn, bức bối, khao khát tự do, nung nấu ý chí. Tâm trạng ấy được thể hiện xuyên suốt trong các bài thơ ở phần Xiềng xích của tập Từ ấy. Bài thơ Nhớ đồng ra đời trong hoàn cảnh đó.

Hai chữ Nhớ đồng đã cho nhiều điểm xuất phát và cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ đồng quê tha thiết và sâu lắng.

Nhà thơ Tố Hữu từng kể rằng, trong những ngày bị bắt giam, Vịnh (tức đồng chí Nguyễn Chí Thanh) là người bạn cùng quê, cùng chí hướng, hành động cách mạng cũng bị bắt giam ở đó. Anh Vịnh thường hồ các điệu dân ca khiến nỗi nhớ quê hương ở tác giả trở nên quay quắt, bùng lên thành cảm hứng sáng tác. Tiếng hò Huế mang linh hồn của đất nước, của sông Hương núi Ngự đã khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ bao kỉ niệm mến thương đối với đồng bào, đồng chí và cả những quãng đời đã qua của bản thân.

Mặt khác, ở trong tù, người chiến sĩ bị cách biệt với thế giới bên ngoài về mọi mặt, trừ âm thanh. Tất cả cuộc sống dồn vào âm thanh, thể hiện và được cảm nhận chỉ bởi âm thanh. Điều này lí giải vì sao phần lớn thơ Tố Hữu những năm tháng ấy dường như đều được khơi gợi từ âm thanh, viết về âm thanh:

Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
(Tâm tư trong tù)

Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
...
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!
(Khi con tu hú)

Cũng như những âm thanh kia, âm thanh (tiếng hò) trong Nhớ đồng từ chỗ gợi nhớ đã trở thành âm thanh nhức nhối, thúc giục con người.

Nỗi niềm đó đã được tác giả láy đi láy lại trong hai câu thơ:

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!

Hai câu thơ mở đầu, đứng tách riêng, điệp đoạn thể hiện nỗi nhớ cồn cào, mà mức độ của nó được hình tượng trong từ sâu. Câu thơ dường như muốn khẳng định không gì sâu lắng hơn trong tâm khảm con người, không gì gợi lên sự quạnh hiu hơn tiếng hò xứ sở giữa chốn lao tù. Chính cái điệp khúc ấy tạo nên không khí của bài thơ, là linh hồn của tác phẩm, đồng thời cũng là linh hồn của cả đồng quê, của cuộc sống cần lao mà tác giả từng gắn bó từ tuổi ấu thơ và càng trở nên thân thiết hơn từ khi giác ngộ lý tưởng cách mạng. Phải chăng đó là cái mà nhà thơ gọi là chiều sâu của tiếng hò?

Cùng với nỗi nhớ, cảnh đồng quê hiện ra một cách bình dị, thân thuộc với gió, đất, ruồng tre, ô mạ, khoai sắn, với nhà tranh, con đường, chiều sương, lúa mềm, với giọng hò, xe lùa nước... Có điều những cảnh quê ấy được tái hiện trong tâm hồn của một con người trong hoàn cảnh bị giam hãm khao khát tự do nên cảnh sắc càng trở nên đẹp đẽ, dịu ngọt hơn. Cảnh sắc ấy có đường nét mềm mại, có sắc màu tươi mát, có cả hương vị và hơi ấm tỏa ra từ bùn đất, cỏ cây... Những cảm xúc này được thể hiện qua các tính từ, những định ngữ sau danh từ chỉ vật:

Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi
Đâu ruồng tre mát thuở yên vui
Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?
Đâu những đường con bước vạn đời!
Xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi.

Âm thanh gợi âm thanh, hình ảnh nối tiếp hình ảnh. Những âm thanh của cuộc sống của một vùng quê trong tâm tưởng tác giả có sức gợi cảm “xao xác”, “não nùng”.

Đâu gió...
Đâu ruồng tre...

Từ đâu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, ở đầu mỗi đoạn thơ, dòng thơ bày tỏ nỗi nhớ đến quặn thắt và cả sự nhức nhối, dằn vặt về ý thức của sự xa cách, đúng hơn là tách biệt với thế giới bên ngoài. Vì thế, bên cạnh sự thể hiện nỗi nhớ đồng quê, bài thơ là lòng khát khao được chiến đấu cho tư tưởng cao đẹp. Và sắc màu của lí tưởng đó lại có tác dụng như một phản quang khiến bức tranh đồng quê đượm một màu lãng mạn.

Đâu những lưng cong xuống luống cày
Mà buồn hi vọng nức hương ngây
Và đâu hết những bàn tay ấy
Vãi giống tung trời những sớm mai?

Khổ thơ phảng phất tứ thơ của bài Chiều, Mùa gieo giống của V. Huy-gô mà ở Việt Nam, chính Tố Hữu là người đã dịch rất xuất sắc. Nhưng nếu người gieo giống của thi sĩ Pháp được in lên trên nền trời đen của buổi chiều để tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp, thì ở đây thi sĩ của Nhớ đồng đã chọn không gian là “những sớm mai” để bộc lộ một niềm hi vọng có phần mãnh liệt của tuổi trẻ và đậm chất lãng mạn hơn.

Phần đầu của bài thơ Nhớ đồng là nỗi nhớ đồng quê tha thiết, trở thành niềm day dứt, trăn trở, réo gọi trong tâm hồn tác giả. Đây là bài thơ cách mạng, nhưng sáng tác theo thể Thơ mới. Sức sống của nổ trước hết chưa phải là câu chữ, nhạc điệu mà chính là điệu nhạc của tâm hồn của một con người đang dồi dào sức sống và khát khao dâng hiến cho lý tưởng tươi đẹp của mình.

Các bài học liên quan
Đề: Quê hương và con người Việt Nam trong những sáng tác của một số nhà thơ trong phong trào thơ mới (1932-1945).
Đề: Phân tích truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Đề: Phân tích nhân vật quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Đề: Qua ý nghĩ và cách xử sự của viên quản ngục đối với ông Huấn Cao (truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân), anh (chị) đánh giá viên quản ngục là con người như thế nào? Vai trò của nhân vật này trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm?
Đề: Phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.

Bài học nổi bật nhất

Đề thi lớp 12 mới cập nhật